Tình cờ trong những lần uống cà phê với nhóm bạn già Petrus Ký, tôi và Ngọc lại nhận ra hai gia đình chúng tôi đã quen biết nhau từ thuở nhỏ.
Nhà Ngọc ở con hẻm cạnh chùa Hưng Long đường Minh Mạng khi xưa (bây giờ tên mới là Ngô Gia Tự).
Mẹ Ngọc mua gạo của tiệm Công Tâm do ba tôi làm chủ. Nếu chỉ là khách hàng đơn thuần như vậy thì không có gì đáng để nói. Đàng này, mẹ Ngọc hay làm ơn, làm phước với những người nghèo trong xóm. Thay vì chỉ mua gạo để dùng trong gia đình, bà đứng ra làm đầu mối mua cho cả chục người.
Về phía người bán hàng, ba tôi cũng thích bán sỉ kiểu này. Bán sỉ, nhưng lại phải phân gạo thành những bao nhỏ 10 ký, để khi giao đến nhà thì má Ngọc lại gọi những người bà mua giùm đến lấy.
Đó là một khách hàng đặc biệt, bởi lúc nhỏ phụ bán hàng với ba, tôi không hề thấy một người khách thứ hai như vậy. Hoặc là mua lẻ từng một hai ký hay chục ký và khách phải tự đến tiệm mang về. Hoặc là mua từng 50 ký, 100 ký vô bao bố và được chở đến giao ở nhà. Không ai như mẹ Ngọc lại được giao tận nhà, nhưng với cả chục bao giấy dầu loại 10 ký. Tôi đã biết mẹ Ngọc trước khi biết Ngọc là vậy.
Ba tôi vốn dĩ từng học tiếng Pháp nên có cảm tình nhiều với những người nói tiếng Pháp. Do đó, khi nhắc về gia đình Ngọc, ba tôi đã từng nhắc là ba má Ngọc đã cho Ngọc học trường Pháp từ thuở nhỏ. Đó là trường Phủ Huỳnh, ở đường La Caize (sau này đổi tên thành Nguyễn Tri Phương). Tôi cũng được ba tôi cho học trường này, nhưng sau đó chuyển sang học trường Đỗ Hữu Phương ( Hùng Vương), còn Ngọc được gia đình tiếp tục cho học trường Tây mãi cho tới khi thi vào Petrus Ký. Chính cái gốc gác trường Tây ấy đã hình thành nên cái “quý phái” của dân học trường Tây trong Ngọc.
Mùa hè đỏ lửa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ban hành lệnh tổng động viên. Học sinh và sinh viên không đủ tuổi theo quy định phải vào quân trường. Ngọc bị kẹt tuổi lính, chưa có Tú Tài 1 nên phải thi hành lệnh động viên gia nhập trường Hạ Sĩ Quan. Vốn giỏi hai ngoại ngữ Pháp và Anh nên Ngọc xin gia nhập không quân. Đó là một cách né tránh không phải tác chiến như bộ binh, vừa cực khổ, vừa dễ chết khi xung trận.
Ngọc nói với tôi:
– Đó là thời kỳ vàng son của cuộc đời tao.
Tôi trố mắt nhìn Ngọc với vẻ ngạc nhiên, không hiểu. Nhấp ngụm bia trong một quán vắng ở một con hẻm Nguyễn tri Phương, Ngọc kể:
-Tao được điều lên Pleiku trong bộ phận không phi hành của Phi Đoàn Trực Thăng yểm trợ. Ở cái xứ đất đỏ, mây mù dân không quân được con gái mê như điếu đổ. Tao còn “khè” đám nữ sinh bằng cách mượn bộ đồ bay áo liền quần của pilot đi diễu phố. Đã có mấy thằng “câu” được mấy em nhẹ dạ, quân cảnh gác cổng Phi đoàn phải khó khăn khi có mấy nàng mang bụng “thè lè” đứng trước trạm gát đòi gặp thiếu úy Nhạn (?!), thiếu úy Linh (?!). Trời hỡi, có thiếu úy Nhạn và Linh nào trong quân số phi đoàn đâu. Tao lúc đó chỉ mang cánh gà (lon Trung Sĩ), nhưng đi bát phố cũng đeo thiếu úy một bông mai trước ngực.
Chuỗi ngày “huy hoàng” ấy cũng qua mau như cuộc chiến, khi Mỹ bắt đầu chuyển giao khí tài cho quân đội VNCH. Tao nhờ có Anh văn được đi học khóa đặc biệt “Chuyên viên điều khiển đường bắn của CBU”. CBU là loại bom sát thương tầm cao, có khả năng phá hủy một khu vực diện rộng hằng chục km. Chỉ đến khi chuẩn bị rút quân, Mỹ mới huấn luyện và bàn giao vũ khí này cho VNCH. Lúc đó, mọi thằng bạn không quân đều ngưỡng mộ cái vị trí tác chiến của tao. Nó vừa đòi hỏi người được tuyển chọn phải giỏi Anh Văn, lại vừa giỏi Toán. Tao, vốn dân trường Tây, lại học Petrus Ký nên cả hai môn đó tao đều pass (thi đạt).
Nhưng, đó lại là một đại tai họa trong đời tao. Trong khi những thằng hạ sĩ quan khác chỉ đi học có 3 ngày, còn tao “thành thật khai báo với chánh quyền Cách Mạng” nên bị đi học ở Hàm Tân tới 2 năm rưỡi. Mà rồi, cái lưng lửng của thời kỳ học tập cải tạo này lại cũng là một tai ương: tao không đủ thời gian 3 năm để đi Mỹ diện HO !!! Lúc này thì tao mới thấm thía câu chuyện “Tái Ông mất ngựa”.
Học tập về tao mất tất cả: vợ lấy chồng khác, hồ sơ cá nhân chỉ là tờ giấy ra trại cải tạo… Mọi chuyện bắt đầu từ con số 0 to tướng, trước nhất là giấy chứng minh nhân dân. Em gái tao, cũng dân trường Tây, kịp thời thích nghi với xã hội mới, quen biết đâu bên Công An, nài nỉ ba lần bốn lượt dẫn tao vô trụ sở Công An để làm giấy. Nói quá, tao mới chịu khó lết đầu vô. Nhưng, ở đó, chờ đợi cả 2 tiếng đồng hồ, không ai nói năng gì, rồi bị nạt đuổi ra ngoài hút thuốc, tao chán đời về nhà luôn, kệ con em tao ngồi đó…
Tôi và thằng bạn đi cùng cụng ly cái cốp với Ngọc, như để xoa dịu cơn tức giận đã gần mấy chục năm còn ấm ức. Ngọc ngửa cổ làm hết ly, nhấp miếng dồi trường, xong nói tiếp.
Chuyện này mới ly kỳ, bữa nay tao mới nói cho tụi bây nghe. Nó liên quan đến dân Petrus Ký tụi mình.
Ở không ăn bám vợ (bà sau) cũng kỳ, tao lang thang đi tìm việc dù rằng trong người không có tờ giấy lộn. Một hôm tao đến một xưởng làm bút bi ở Quận 11. Thấy công nhân ra vào nườm nượp, cũng ăn bận đủ kiểu bình dân, không có đồng phục gì ráo. Tao thấy diện mạo xí nghiệp và công nhân, có vẻ không đồ sộ, chính quy như xí nghiệp quốc doanh, thầm nghĩ mình cũng có thể vào đây xin việc được. Do đó tao mạnh dạn, lần đầu tiên sau năm 1975, bước vào một xí nghiệp, dù là tư nhân.
Bảo vệ đưa tao vào Phòng Tổ Chức, văn phòng cũng nhỏ, chỉ có một chiếc bàn, vài chiếc ghế dựa lỏng chỏng. Thằng Trưởng Phòng Tổ Chức nhỏ con, có cặp chưn mày rậm, đôi mắt sáng, ăn vận tươm tất nhưng không ra dáng vẻ gì là “quan chức “, nhỏ nhẹ hỏi tao:
– Anh có đem hồ sơ theo không?
Tao chưng hửng, làm sao biết họ có cho làm không mà đem hồ sơ. Ghé hỏi đại khi đi ngang xí nghiệp vậy thôi. Hơn hai năm ở tù, mấy năm lang thang tao như không biết đến cái diễn biến của vòng xoáy trong cơn trốt của xã hội mới. Thấy tao sững người, không trả lời, người nọ lôi trong tủ một bộ mẫu hồ sơ xin việc.
– Anh về viết hồ sơ rồi đem nộp cho tôi.
Tao về nhà, kể lại cho vợ nghe mà chẳng buồn viết lý lịch và đơn xin việc. Vợ tao, với sự kiên nhẫn lạ thường, hỏi tao từng chi tiếc mà điền vào hồ sơ. Tao nằm phè trên giường, phà thuốc liên tục, nghĩ về cái đáy vực của cuộc đời mình !!!
– Anh học Petrus Ký hả? Tứ mấy ?
Chỉ hỏi gọn lỏn có bấy nhiêu thôi, tay Trưởng Phòng Tổ Chức quày quả đi vào bên trong Xí Nghiệp, cầm theo hồ sơ tôi mới vừa đưa. Chút sau, một người mập mạp, đen đúa, tóc dợn quăn đi cùng Trưởng Phòng Tổ Chức, sau này tao biết tên là Trí, học lớp Tứ 4. Trí giới thiệu tao người mập mạp đó là Giám đốc Xí Nghiệp, tên Liêm.
– Hồi đó ông học Tứ 1 hả? Tui nhớ Lớp Tứ 1 ở đầu dãy trên lầu 1. Về làm với tụi này nghe, ờ mà trưa nay tụi mình ăn cơm nghe, Trí ông lo đặt cơm quán hải sản nghe.
Tao như trời trồng, chưng hửng với cái quyết định mời một thằng bá vơ xin việc đi ăn cơm với Ban Lãnh Đạo Xí Nghiệp. Mà có phải chỉ mình Trí và Liêm đâu, trưa đó có cả vợ Liêm, người có việc đi ghé ngang Xí Nghiệp.Tôi được Liêm nhanh chóng giới thiệu với vợ tôi là bạn học Petrus Ký, cùng niên khóa.
Xong bữa cơm trưa, Liêm còn chốt lại:
– Mai ông bắt đầu vô làm nghe !
Tao về nhà, nằm thừ người ra, nặng đầu gấp ngàn lần còn hơn bửa trước điền hồ sơ. Sau đó tao trốn luôn, không đến Xí Nghiệp, tụi bây đừng hỏi tao tại sao nghe …
Câu chuyện Ngọc kể đến đó, chỉ một năm sau, Ngọc bị khối u vòm họng. Bạn bè Petrus Ký xúm lại của ít lòng nhiều giúp Ngọc vượt qua cái ải cuối cùng của cuộc đời. Không có bảo hiểm y tế, một bác sĩ trong nhóm bạn bè chạy vạy được một giấy giúp điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. Ngọc đã buông xuôi cuộc đời từ lâu, nay càng phó thác số mạng cho bệnh tật.
Tôi ở dưới tỉnh, khi hay tin Ngọc mãn phần, cùng đám bạn Petrus Ký tìm đến căn nhà ọp ẹp trong một hẻm nhỏ gần cuối con đường xa tít ở Quận 11 đi viếng.
Buổi tối, trong đám tang, bạn bè đồng niên khóa Petrus Ký hiện diện cũng đông đủ. Đó là những đồng môn của niên khóa 65-72, niên khóa của thời kỳ “Mùa hè đỏ lửa” !
TRẦNCÔNG BÌNH 29.04.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.