samedi 8 mai 2021

Jimmy Nguyen Nguyen - Trường Sơn đông...


Sau cái ngày 30/4 mấy chục năm trước đó, bà con lục tục lo đi kiếm cơm ăn trước đã. Bây giờ rảnh rỗi thì nhìn lại lịch sử rồi phê phán, chớ hồi đó những người sống nhờ đồng lương của ông già đi lính thì tháng trước tháng sau là thấy khủng hoảng rồi.

Phải công nhận dân ta có câu "trời sanh voi trời sanh cỏ" thật đúng. Từ những người chỉ biết cầm cây bút, tui và mấy đứa em xuống lòng lề đường gia nhập đoàn quân bán chợ trời.

Tưởng làm cái gì khó chớ bán chợ trời cũng dễ. Đứng xớ rớ đầu đường, gặp ai cũng hỏi "có gì bán không?". Những người cùng hoàn cảnh như mình, phải bán những vật dụng trong nhà để mua đồ ăn qua ngày. Ai mua? Đó là đoàn quân chiến thắng.

Họ cũng làm sao cho có tiền để mua hàng hóa về làm quà hoặc sử dụng. Đồng hồ là món được ưa chuộng nhất, rồi đến chiếc sườn xe đạp, con búp bê rất đắt hàng. Đồ điện tử như máy cassette, radio là giành giật nhau mua. Tui có chút vốn ra chợ trời cũng nhờ "làm cò". Đi rảo trong xóm, có nhiều gia đình muốn bán đồ nhưng còn chút sĩ diện nên không đem ra chợ, nhất là những món cồng kềnh như bàn ghế, tủ giường... tui dắt người vào mua và xin chút tiền còm.

Sau này đoàn "cò" đông quá, kiếm ăn không nổi. Tui kiếm chỗ ngồi hẳn lề đường bán đồ mỹ nghệ. Nói cho oai chớ tui kiếm ván thông mỏng, sơn đỏ, sau đó lấy cưa lọng cưa gỗ ráp thành những hình như Chùa Một Cột, Dinh Độc Lập.., bán cũng chạy. Nhất là hình chiếc trực thăng trên bầu trời, ngồi cưa đến đâu khách mua đến đó. Ngón nghề này học được nhờ môn thủ công trong trường Sư phạm. Làm được chừng một tháng thì bà con bắt chước quá xá, tui dẹp tiệm. Lúc này trường kêu gọi sinh viên trở lại học tiếp.

Trở lại trường, ánh mắt u buồn nhìn nhau. Có nhiều bạn mất tích, có nhiều bạn là người cách mạng, tự đứng ra làm lãnh đạo, chỉ trỏ mọi người ngay cả thầy cô cũ. Lúc này ai cũng thủ phận mình, trước mắt phải sống mà cái từ mới gọi là "tồn tại". Mọi thứ phải để trong lòng, ai cũng ngoan ngoãn. Lúc này các giảng viên là người miền ngoài, dạy chính trị. Tụi tui tập làm quen với tiếng ngọng, tiếng trọ trẹ, với các từ mà nghe nhiều khi không hiểu : các bạn sau khi thảo luận xong thì làm "thu hoạch" nhé... (ủa, đâu có trồng hay nuôi cái gì đâu mà... thu hoạc ). Dần dần rồi cũng quen, nhiều bạn sử dụng tiếng "mới" rất thành thạo trừ... tui.

Phải học cả hai buổi nên đem cơm trưa, đây là cái điều chưa hề có trước ngày 30/4 năm ấy.  Xưa nay, dân Saigon đi học hay đi làm, trưa là đều vô quán. Gần trường học luôn có quán cơm bán cho sinh viên, ngon rẻ và có cho ghi sổ. Viết đến đây tui có hơi bồi hồi.

Chúng tôi thường ngồi ăn chung, ai có đồ ăn thì trút ra dĩa chia sẻ với nhau. Tui thì chỉ có chút rau luộc với món thịt kho "muối bác" (cho muối với thịt nấu nhừ thành nước sệt sệt). May có nhóm bạn ở ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh. Gia đình các bạn có làm nghề nông nên lúc này ít ảnh hưởng đói kém. Các bạn thường có cá chiên hay thịt luộc. Tất cả bày ra ăn chung. Lúc khốn khó mới biết tình người. Chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp như vậy.

Cũng phải công nhận mấy thầy dạy chính trị khá mềm dẻo đúng kiểu sư phạm. Mấy ổng nói để chuyển hóa mấy cái đầu có "sạn" của sinh viên không phải dễ, nên toàn những người chính trị viên kinh nghiệm cùng mình mới được vào dạy cho sinh viên.

Tui nhớ bài học : có "linh hồn" hay không. Dĩ nhiên đối với cộng sản là không có. Nên có cho thảo luận đủ kiểu, cuối cùng kết luận cũng phải là : chết là hết. Để chi? Người không tin vào cái gì sau khi chết thì có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ. Vậy mà có bạn đứng lên hỏi : Trong di chúc ông Hồ Chí Minh có nói dưới suối vàng sẽ gặp Mác và Lê nin mà, vậy là bác tin có linh hồn chứ. Giảng viên lái qua chuyện khác... hihi !

Nhưng rõ ràng sau khóa học mấy tháng cũng có nhiều bạn "chuyển biến", bắt đầu mở miệng là giáo điều y hệt mấy thầy chính trị. Nói chi là cả một nửa quốc gia và bây giờ là một nước, được tuyên truyền từ ngày này qua ngày khác.

Khi học chính trị, cứ mỗi giờ là nghỉ mươi phút, khi vào tiết học thì phải có văn nghệ khoảng mươi phút. Vì khi học mọi người phải vào tổ và có tổ trưởng, nên các tổ phải thay phiên nhau có tiết mục văn nghệ. Cái này mới đầu cũng khó vì phe ta chưa quen với nhạc mới, gọi là nhạc cách mạng. Mà cái bài cứ đồng ca hoài là như có ổng trong ngày vui đại thắng thì hát đi hát lại phát ngán.

Tui hát được bài "Lá Đỏ", câu cuối "hẹn gặp nhé giữa Sàiiiii gooòn", câu này tui rê như sắp xuống xề trong cải lương, bị thầy phê bình liền "ẻo lả, mất hùng khí của bản nhạc...". Một nhóm bạn khác chơi bài ‘’Saigon đẹp lắm’’, mới đầu thầy khen hay, sau này có ai méc là nhạc hồi trước, cả nhóm bị viết kiểm điểm. Một bạn gái ca bài "Cô gái Saigon đi tải đạn", nhạc đỏ đàng hoàng mà bị cấm hát, sinh viên nhao nhao khiếu nại, thầy nói câu "A! Xe tăng cháy, ngay trên đường phố của quê em đó…", hừm, xe tăng cháy trên đường phố Saigon toàn... T54 !

Giữa khóa học có một đêm văn nghệ toàn trường, nhóm tui có tiết mục múa "Tiếng chày trên sóc Bombo". Tui đạo diễn. Dễ ợt, bài này chế nhịp chachacha, đi tới nhắp một cái rồi đi lui. Đánh đàn guitar vừa vuốt dây vừa gõ vào thùng, phần nhạc tạm ổn. Phần đạo cụ thì nữ mặc áo gì cũng được nhưng phải quấn..."xà rông". Lấy mấy cái khăn trải bàn cho mấy nàng cuốn lại là xong. Cái gùi thì lấy giấy cạc tông cuốn tròn, vẽ sơn xanh đỏ tím vàng là được.

Bên nam chưa nghĩ ra trang phục, có bạn bàn lấy lá chuối tước thành sợi quấn quanh cái... tà lỏn làm thành khố chuối coi bộ êm. Mấy bạn ở quê đem đống lá chuối ngồi kết lại, khi múa cái mông lắc lắc lá chuối run rẩy xem cũng ấn tượng núi rừng dữ lắm, đám ở quê còn đẽo cho mấy cái chày. Tập dợt cũng cả tuần, vui lắm, luôn rộn tiếng cười.

Đêm trình diễn, tui lấy giấy bóng kiếng cắt thành những hình tam giác dán vào cái quạt máy, để nằm ngửa giấu trong mấy cây củi, khi cắm điện là giấy bay phất phới như ánh lửa bập bùng (lửa bập bùng, tiếng chày khua cắc cum cum cụm cum...). Cũng đâu biết Bombo nó ở đâu và người dân tộc gì đen trắng ra sao, chớ sinh viên nam lúc tập thì mặc đồ, chừng ra múa cởi trần thì trắng bóc. Cái chày thì bọn nhà quê làm nặng quá, quơ chưa hết bài mà nhấc không nổi. Chưa kể sinh viên ốm đói, đưa chày lên là thấy xương sườn lủ khủ. Tai hại nữa là đám lá chuối, mới để từ sáng đến tối là nó khô queo, đeo vô lòi quần tà lỏn chớ không thấy... khố. Tui đánh đờn mà nhịn cười không nổi. Thiệt là qua bài múa mà thấy được... tương lai.

Cũng may, giữa lúc hỗn mang đó thì có bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây có vẻ "mùi", có hơi hướng boléro chút đỉnh nên bài này có đến mấy tổ trình diễn. Dĩ nhiên văn nghệ là phải có ganh đua. Tui bàn tổ mình làm tân cổ giao duyên, bịa ra một bài thơ cho ngâm trước kiểu như "ai mua trăng tôi bán trăng cho" rồi mới vô "đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà...", thí dụ như vậy. Kiếm được một bạn người miền trung ngâm thơ, một cặp nam nữ giọng bắc hát, soạn hòa âm cho bốn bạn khác đi bè. Chậc chậc !

Tối trình diễn có mấy chú bộ đội đóng gần đó cũng tới xem (chủ yếu là "địa" các em gái Saigon). Có chú nói có vẻ thật: Mấy anh chị miền nam mà chơi hay hơn miền bắc (hồi đó cái gì nhất cũng miền bắc, kiểu...tủ lạnh chạy đầy đường). Cái dân miền nam nó vậy, lù khù mà vác cái lu. Cái miền đất thẩm thấu khiến ai bước vô là dứt ra không được, dần dà chưa biết ai thắng ai à nha...

JIMMYNGUYEN NGUYEN 02.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.