Vinh dự được hầu chuyện các bạn.
Đầu tiên bạn mang bản thảo đến Nhà xuất bản. Với một số Nhà xuất bản bạn có thể đưa thẳng cho Biên tập viên.
Biên tập viên sẽ viết một vài dòng tóm tắt (đa phần là hỏi ngay chính tác giả về nội dung, còn nếu không thể hỏi thì bịa ra), để đăng ký đề tài với Cục xuất bản. Trước khi có luật xuất bản 2013 thì danh sách của bản đăng ký này (thường gộp cùng với vài chục cuốn khác) ngoài chữ ký của giám đốc Nhà xuất bản, phải có xác nhận đồng ý của lãnh đạo cơ quan chủ quản (ví dụ Nhà xuất bản Hội nhà văn thì lãnh đạo cơ quan chủ quản là Chủ tịch Hội); sau tháng 7 năm 2013 chỉ cần chữ ký của Giám đốc nhà xuất bản là đủ.
Bản danh sách được chuyển lên Cục xuất bản. Bình thường, đây chỉ là vấn đề thủ tục. Nhiều bạn khoe Cục xuất bản đã cấp phép, là chưa hiểu gì về Luật xuất bản Việt Nam. Cục xuất bản chỉ xác nhận đề tài. Tuy nhiên, như mọi chuyện khác, thực tế không phải vậy.
Chẳng hạn nếu bạn chả may đã có tên trong danh sách “đen thui”, thì hệ thống “đánh chặn từ xa” (Bản đăng ký đề tài luôn liên thông với vài ba cơ quan khác quan trọng hơn Cục xuất bản) sẽ lập tức được kích hoạt. Người ta bằng mọi cách phải biết nội dung cuốn sách sắp tới của bạn để đưa ra quyết định, và họ làm điều này khá dễ dàng.
Trong trường hợp nội dung bị coi là không phù hợp, sẽ có cả một rừng “hàng rào” được dựng lên và bạn thua toàn phần. Vũ khí bí mật bất bại cuối cùng là những cú điện thoại, có giá trị như mệnh lệnh, yêu cầu Nhà xuất bản không cấp phép. Chấm hết. Bạn không thể kiện ai, hoặc có kiện thì cũng tuyệt đối vô nghĩa.
Trong trường hợp bạn chỉ “đen vừa vừa”, hàng rào an ninh cũng được kích hoạt nhưng mức độ không quá quyết liệt. Bài quen thuộc là Cục xuất bản sẽ yêu cầu cơ quan chủ quản giám định nội dung. Trong đa số trường hợp bạn không đủ kiên nhẫn để chờ đến khi có kết quả, bởi cơ quan chủ quản, khi được yêu cầu giám định, đã biết rõ họ cần làm gì, vì thế họ luôn chủ động khiến bạn mệt mỏi mà bỏ cuộc.
Nếu mọi việc bình thường, thì sau khi Cục xuất bản thông báo chấp nhận đề tài, họ sẽ cấp cho đề tài đó một số để ghi vào giấy phép và một mã ISBN (mã này ở Việt Nam hiện vẫn mang tính tượng trưng vì không có thông tin!). Căn cứ vào sự chấp nhận đó, Nhà xuất bản sẽ biên tập và việc cấp phép hay không cấp phép là quyền của một trong ba thành phần sau:
-Biên tập viên (có quyền từ chối biên tập hay không biên tập mà không phải giải thích vì Luật không yêu cầu).
-Tổng biên tập - Một số nhà xuất bản chức danh này thuộc luôn về giám đốc - (đọc duyệt), có toàn quyền từ chối hoặc đồng ý mà cũng không cần phải giải thích.
-Và cuối cùng mới là Giám đốc (ký cấp phép).
Nhiều trường hợp Biên tập viên và Tổng biên tập đồng ý, nhưng Giám đốc vẫn loại bỏ, bởi có ý kiến chỉ đạo ngầm, mình Giám đốc biết và không cần, không có nghĩa vụ phải thông báo lại với cấp dưới?
Chỉ cần một trong ba người không ký duyệt bản thảo, giấy phép sẽ không được cấp. Thường những quyết định này cũng luôn bị chi phối mạnh bởi tên của tác giả. Bạn thuộc danh sách “đen thui” thì kể cả khi các đòn “đánh chặn” chưa kịp triển khai, hầu hết các biên tập, vì sợ, sẽ bỏ lại ngay từ bàn của họ.
Giấy phép do giám đốc nhà xuất bản ký là văn bản pháp luật cao nhất để cuốn sách nào đó được coi là hợp pháp. Giấy phép chỉ có giá trị để đưa in một lần.
Giả sử mọi chuyện trót lọt, sách đã ra khỏi nhà in, bạn cũng chớ vội mừng. Bạn còn phải chờ Cục xuất bản “hậu kiểm”, thời gian là từ 10-12 ngày (tùy thời điểm có ngày lễ hay không). Nếu tên bạn lạ hoắc, nhân viên Hậu kiểm có thể để sau (vì lực lượng hậu kiểm không bao giờ đủ kiểm soát nội dung toàn bộ số sách các Nhà xuất bản nộp lưu chiểu mỗi ngày). Nhưng nếu tên bạn nằm trong sổ đen, cánh Hậu kiểm sẽ “ưu tiên” đọc trước.
Cục xuất bản căn cứ vào báo cáo của nhân viên Hậu kiểm để cho qua, hoặc yêu cầu Nhà xuất bản không cấp quyết định phát hành cho cuốn sách đó. Trong trường hợp thứ hai, về lý thuyết sách của bạn chỉ còn con đường nằm đắp chiếu và chờ vào nhà nghiền. Đối tác in sách của bạn coi như gặp hạn, bởi sẽ chẳng có bất cứ cơ quan nào bồi thường cho họ dù họ không hề sai! Một bộ luật để xảy ra tình huống pháp lý như vậy mà vẫn tồn tại, thì bạn chỉ còn cách “bái lạy” nơi thông qua cái luật ấy!
Không có quyết định phát hành, sách của bạn lưu thông ra ngoài một cuốn thôi là (nếu muốn) cơ quan chức năng có thể quy tội cho đối tác của bạn được rồi. Vì thế, các công ty in và phát hành sách rất sợ tình huống này. Thà bị ngăn ngay từ đầu, chỉ có tác giả thiệt hại. Còn khi đã bỏ tiền đầu tư (có cuốn lên tới cả tỉ đồng) để in thành sách mà không được phát hành, thì bán nghiệp như chơi!
Tốt nhất là tên của bạn lạ hoắc, bộ phận Hậu kiểm sẽ bỏ qua, chưa vội sờ tới. Hết thời hạn lưu chiểu mà không thấy Cục xuất bản có ý kiến gì, thì Nhà xuất bản phải tự động cấp quyết định phát hành. Sách ra thị trường rồi, ầm ĩ lên rồi và khi đó bộ phận Hậu kiểm mới phát hiện cuốn sách của bạn thuộc loại “có vấn đề”, thì Cục xuất bản (sau khi tham khảo nhiều cơ quan) sẽ phải ra quyết định đình chỉ phát hành.
Để đến mức phải làm việc này, thì không thể bất chấp quy trình pháp lý, lại dễ mang tiếng là ngăn cản tự do ngôn luận. Đó là lý do các cơ quan gắn với xuất bản không tiếc công sức tìm cách ngăn cuốn sách nào đó từ khi nó còn là bản thảo. Thông thường quyết định đình chỉ phát hành luôn …vô thời hạn.
Trong đời làm biên tập, tôi chưa thấy cuốn sách nhạt nhẽo, tầm thường nào gặp khó trong việc xin giấy phép xuất bản. Đó là bí mật lớn nhất tôi mách cho bạn.
TẠDUY ANH 06.05.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.