Ngày 30 tháng 4, trên mạng xã hội tràn ngập những dòng tin. Những nhà hoạt động xã hội kêu gọi không “ăn mừng”, những lời xin lỗi của một vài cựu chiến binh cộng sản. Những post từ một vài Kol đứng về phía cầm quyền kêu gọi tiếp tục là một ngày để “ăn mừng thống nhất ” nhấn mạnh vào giá trị “thống nhất”, và những ký ức đau đớn tủi hận được bà con miền Nam chia sẻ lại.
Việt Nam tiếp tục chia rẽ thấy rõ sau 1975. Vậy 30 tháng 4 sao có thể được gọi là “Ngày Thống Nhất”?
Năm nay do Covid mà cả nước không bắn pháo hoa và hôm qua mạng xã hội bừng bừng một khí thế kêu gọi “không ăn mừng” khác hẳn mọi năm. Mọi người đã nhân cơ hội này để cất lên tiếng nói chân thực với lương tâm. Rất nhiều câu chuyện được chia sẻ. Một dấu hiệu vô cùng tốt cho tâm lý dân tộc nói chung.
Theo đó, ngày này hàng năm nên là cơ hội học tập tìm hiểu về lịch sử chính xác, về suy nghĩ tình cảm của nhân dân hiện tại, để xây dựng thái độ ứng xử của cộng đồng trong tương lai - để tìm ra con đường đoàn kết, thống nhất Nam Bắc thật sự.
Cá nhân tôi, là cả một quá trình tự nhận thức để hiểu được đúng ngày này. Nhờ vậy, mà tỉnh ngộ.
1. Từ những câu chuyện, kinh nghiệm của những người gặp trên đường đời để có câu hỏi về sự thật cho bản thân
Năm cuối đại học (2001), tôi gặp anh Long Sài Gòn khi đi leo núi Phan-xi-păng vào những ngày giáp Tết Âm Lịch. Anh Long kể cho tôi nghe ký ức thời thơ ấu khi đến Nha Trang nhìn thấy xác những người vượt biên chết đuối dạt vào bờ biển, bị bộ đội và cán bộ “trưng bày” để làm gương răn cho dân thấy.
Một người cựu chiến binh cộng sản, cán bộ trại cải tạo đã nói với các con mình “các con lành lặn nên người là vì bố đã không giết một ai trong cuộc chiến này, không như đồng đội của bố, con cái nghiện ngập hư hỏng hết. Nhân quả là có thật.”
Một cựu chiến binh cộng sản khác xác nhận với tôi việc trong ngày “giải phóng”, lính Bắc Việt đã bắn chết mấy phóng viên nước ngoài, có người Úc, vì được lệnh giết hết không bỏ sót, do bị tẩy não căm thù tất cả bọn nước ngoài ở miền Nam v.v…
Câu chuyện của cá nhân thường hé lộ sử tính của sự kiện “giải phóng” rất nhiều, chỉ cần quan tâm là sẽ nhận ra sự thật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đầy rẫy chuyện bịa đặt, những đợt sóng thần tuyên truyền của đảng qua kênh truyền thông độc quyền trong nước, nên cần phải biết trang bị cho mình Bộ Lọc Sự Thật.
2. Bộ Lọc Sự Thật để chống tuyên truyền tẩy não
Tiếp nhận các thông tin trái chiều là việc đầu tiên, kể cả các thông tin này đối nghịch với niềm tin của mình.
Xác minh thông tin này qua các chuyên gia đáng tin cậy, qua những người liên quan trực tiếp đến sự kiện.
Phân tích câu trả lời của mọi người. Nếu các câu trả lời mâu thuẫn với nhau làm nảy sinh các câu hỏi tiếp theo--> là ta đang đi đúng hướng đến sự thật.
Đọc, đọc, và đọc một cách có chọn lọc và hiểu biết. Mạng xã hội là nơi tự do cho mọi thông tin nhưng ko đảm bảo thông tin là chính xác, ngày càng nhiều tin fake. Sách, tạp chí, là nguồn tin đã được kiểm chứng trước khi đăng. Và các nguồn chuyên ngành, nhất là các nghiên cứu được thực hiện nhiều năm là nguồn tin thấu đáo, đáng tin cậy.
Sách, vật phẩm trong nước - một chiều, không có phản biện, nội dung như một và ta đã nắm rõ thì thôi, đừng đọc nữa ! Hãy vươn ra thế giới để tìm hiểu các chiều khác.
Không kết luận chắc chắn một điều gì. Bỏ ngỏ mọi khả năng để khách quan. Để dành không gian cho những người nhận tin tự phán xét.
3. Chấp nhận niềm tin hệ thống có thể bị thay đổi
Tôi đã từng rất sợ lá cờ ba sọc của miền Nam do bị tẩy não từ bé. Tôi đã từng nghi ngại lá cờ vàng và ngộ nhận rằng những người ủng hộ nó như là một bộ phận cực đoan, hận thù mờ mắt và muốn đất nước chiến tranh. Tôi đã thay đổi suy nghĩ và niềm tin của mình khi tiếp xúc với những người miền nam tị nạn ở Úc; những người khách quan và công bằng là những người có ảnh hưởng đến tôi nhất.
Họ kể chân thực về miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm, cũng có tệ nạn bao che cho người nhà từ các quan chức. Họ kể sau “giải phóng”, bạn bè người thân miền Nam cũng theo cộng sản trở nên a dua, cơ hội. Họ kể có những cán bộ miền Bắc là những người rất ngay thẳng chính trực, dám bật thủ trưởng bênh vực người yếu thế và giúp đỡ cho bà con đi vượt biên, vv…
Và hơn ai hết, những người sống tình cảm, nhân văn, thấu tình đạt lý, yêu nước thương đồng bào có ảnh hưởng đến tôi nhất.
Họ chẳng cần lôi kéo, tôi tự động "theo" họ.
4.” Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Xét cho cùng trong mọi xã hội, mối quan hệ giữa con người và con người quyết định tất cả. Mối quan hệ ấy có tử tế, nhân văn, cao đẹp, bác ái trên nguyên tắc yêu thương con người hay không, là cái cần phải xem xét. Nếu một xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người chất lượng ngày càng kém, thì lỗi nằm ở giới lãnh đạo, những người đứng đầu đất nước. Bởi dân nhìn theo cách hành xử của họ trong mọi sự vụ để làm theo.
Với tình hình đảng lãnh đạo hiện nay thì Bắc Nam vẫn khó lòng hòa giải. Vì lãnh đạo đâu có thương có nghĩ cho người miền Nam đâu! Thương và nghĩ đến thì đã không “ ăn mừng” hàng năm như thế.
5. Luôn lắng nghe tiếng nói phản biện
Nếu có một, hai người bạn hay phản biện mình, đấy là điều cực kỳ may mắn. Cách đây mấy năm, khi Việt Nam vô địch bóng đá ASEAN, bạn tôi gầm gừ rào trước với tôi “ bà đừng có giống cái bọn dân chủ chửi bới nhân dân ăn mừng chiến thắng đấy nhé!” Tôi bật cười vì tôi không xem tivi gần chục năm rồi, nhưng tôi đã đáp lại ông bạn ghê gớm của tôi rằng “Không, tôi không bao giờ làm như vậy. Tôi hoạt động vì sự tự do cho con người, vì nhân quyền và những giá trị nhân bản. Đời sống tinh thần của mọi người ở Việt Nam vốn đã bị “giam” bởi nhiều rào cản, có được niềm vui nào cho họ, nên trân trọng niềm vui đó”.
Không thể thuyết phục được nhân dân, nếu không hiều được nhân dân.
Nhất là nhân dân bây giờ, sau khi đã bị cộng sản lừa đảo, lợi dụng để rồi xiềng xích lại cả dân tộc, cao cảnh giác lắm !
P/S: Tôi và chị Trang ngày này năm trước đã tâm tình với nhau là nên kêu gọi cả nước tẩy chay ngày 30 tháng 4. Ngày này năm nay, “không ăn mừng” là 3 từ đáng yêu nhất mạng xã hội Việt Nam !
HOANGUYỄN 01.05.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.