jeudi 6 mai 2021

Lê Nguyễn - Nhân chuyện du học sinh dẫm đạp lên lá cờ VNCH, nghĩ đến nền giáo dục nước nhà hiện tại


Câu chuyện vẫn đang rất “hot” trong cộng đồng người Việt Nam sống ở Úc và lan truyền đến các mạng xã hội trên thế giới. Song điều này có đáng ngạc nhiên không?

Theo tôi, loại hành động vô pháp vô thiên này của một số không nhỏ những bạn trẻ Việt Nam hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên hết. Chúng là hậu quả của một nền giáo dục què quặt, nặng tính nhồi sọ, chỉ nhằm đào tạo những con robot biết nói và hành xử theo những khuôn mẫu được lập trình sẵn.

Nền giáo dục đó dạy cho họ phải biết căm thù một chế độ đã tàn lụi gần nửa thế kỷ qua, tô vẽ trong con mắt họ hình ảnh không có thật về những nhà tù “địa ngục trần gian”, về những con người từng sống dưới vĩ tuyến 17 trước năm 1975.

Hậu quả của nền giáo dục đó, tất nhiên, không chỉ là chuyện xé cờ, dẫm đạp lên lá cờ nay vẫn còn là hình ảnh thiêng liêng của hàng triệu triệu người. Nó còn là hình ảnh những ông thầy giáo gạ tình nữ sinh để ban phát điểm, những cô giáo hiền lành bị trưng dụng để “giúp vui” cho bọn quan chức trong những bữa tiệc chè chén say sưa, những cô bé học trò mới 15-17 đã xúm nhau tra tấn bạn đồng học, xé quần, xé áo nhau trước sự cổ vũ của đám đông.

Một sự băng hoại không thể tưởng tượng nổi đối với những thế hệ đã lớn lên tại miền Nam - và chắc là ở cả miền Bắc - trước 1975 !

Nền giáo dục đó hiện nay hình như vẫn tiếp tục đà tiến của nó theo chiều hướng trên, bất kể dư luận xã hội và những hậu quả tai hại vẫn diễn ra hàng ngày.

Mới đây, tình cờ đọc thấy tài liệu ôn tập về sử-địa cuối năm học 2020-2021 dành cho học sinh lớp 5, những đứa trẻ chỉ mới 10-11 tuổi, mình thật bàng hoàng, Nội dung những câu hỏi đó như sau:

1) Nêu tình hình nước ta sau hiệp định Giơ-neo-vơ

2) Đường Trường Sơn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?

3) Hãy nêu những điểm cơ bản của Hiệp định Pa-Ri về Việt Nam

4) Tại sao nói: ngày 30/4/1975 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta?

5) Quốc Hội khóa 6 đã có những quyết định trọng đại gì?

Trời ạ! Người ta dạy cho lứa tuổi trẻ thơ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những bài học lẽ ra chỉ phù hợp với tối thiểu học sinh lớp 12 hay sinh viên đại học! Thay vì dạy cho chúng những bài học lễ nghĩa, tuân thủ luật pháp, cư xử đúng mực ở đời, thì người ta dạy cho chúng phân tích hiệp định Genève, hiệp định Paris …! Điều chắc chắn là ẩn sau những phân tích chính trị đó là sự căm thù “Mỹ-Ngụy”, căm thù một chế độ đã tồn tại khi mà ngay cả phần lớn cha mẹ chúng cũng chưa bước chân đến trường.

Ở lứa tuổi hồn nhiên, vui chơi là chính mà bị nhồi nhét những chuyện lớn lao về lịch sử-chính trị, được dạy phải nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính một thành phần đồng bào của mình thì khi bắt đầu trưởng thành, chúng dẫm đạp lên lá cờ biểu tượng của một chế độ từng tồn tại lâu dài trên phân nửa đất nước cũng là chuyện dễ hiểu.

Làm thầy thuốc mà lầm chỉ giết chết một người, làm giáo dục mà lầm sẽ giết chết nhiều thế hệ, và làm băng hoại cả một xã hội đang gượng dậy sau những năm tháng chìm ngập trong khói lửa chiến tranh.

Nhân chuyện xé cờ, dẫm đạp lên cờ, xin có mấy lời thẳng thắn thưa với những người làm công tác giáo dục hôm nay.

LÊNGUYỄN 5.5.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.