dimanche 9 mai 2021

Hoàng Linh - Những pháo đài run rẩy


Báo Tuổi Trẻ đưa hình ảnh mang tính biểu tượng cho thấy bệnh viện tuyến đầu thực sự đã là một chiến trường.

Hai đợt bùng phát dịch, oái oăm thay không phải từ bãi biển đông người, sân chùa chen chúc, quán ăn vỉa hè mà là tuyến đầu chống dịch bệnh viện. Đó là bệnh viện Bạch Mai Hà Nội và một bệnh viện ở Đà Nẵng.

Lần này dịch bùng phát gần như cùng lúc ở 6 bệnh viện (BV) gồm BV Đa khoa tỉnh Thái Bình, BV khu vực Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, BV Phổi Lạng Sơn, BV 105 Sơn Tây, BV K cơ sở Tân Triều...

Những pháo đài phòng chống dịch, trớ trêu thay đã trở thành nguồn siêu lây nhiễm. Việc này đẩy Việt Nam vào nguy cơ kép là vừa dập dịch vừa hạn chế nguồn chữa bệnh cơ bản khi phải phong tỏa bệnh viện.

Thông báo mới nhất trên Fanpage Chính phủ dẫn nguồn CDC cho thấy tiếp tục phát hiện bệnh nhân có nguồn lây từ bệnh viện.

Sáng nay 8/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin về 3 trường hợp dương tính COVID-19 mới phát hiện.

Cụ thể, bệnh nhân Đ.H.T. nam, sinh năm 1962, địa chỉ tại Hiệp Thuận, Phúc Thọ, là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, đã ra viện và là F1 của bệnh nhân Đ.T.L. (Bệnh nhân Đ.T.L. là người chăm sóc bệnh nhân Đ.H.T. tại viện) được Trung tâm y tế (TTYT) huyện Phúc Thọ lấy mẫu xét nghiệm ngày 7/5 và ngày 8/5 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân Đ.T.L. cũng có kết quả xét nghiệm dương tính vào sáng sớm 8/5.

Bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là N.T.H., nữ, sinh năm 1958, địa chỉ tại Dương Nội, Hà Đông, là bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Gan - Mật - Tụy, được TTYT Hà Đông lấy mẫu xét nghiệm ngày 7/5, ngày 8/5 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân nhập cảnh là P.Q.H., nam, sinh năm 1991, quê quán: Lê Chân, Hải Phòng. Bệnh nhân H. là người nhập cảnh từ Canada về Việt Nam ngày 6/5/2021, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trung đoàn B59, Chương Mỹ. Kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính với SARS-CoV-2.


Nhìn tổng thể có vẻ như Việt Nam đã phòng chống dịch rất hiệu quả. Tính đến 8-5 Việt Nam có tất cả 3252 ca nhiễm, đã chữa khỏi 2560 ca, 554 ca đang điều trị và 35 ca tử vong.

Tuy nhiên, các nhà quan sát và giới chuyên môn cho rằng tuy con số bệnh lý như vậy nhưng hậu quả nghiêm trọng nằm ở chỗ thiệt hại về kinh tế, mà đó là nguy hiểm kép, nếu dịch bùng phát ở diện rộng cần kéo dài và nguồn lực kinh tế lớn để cầm cự.

Điều cần kíp hiện nay vì sự sống còn của mình và cộng đồng là người dân cần tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. 5 K, trên mạng xã hội các bác sĩ đã nâng cấp thành 7 K. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khẩu trang.

Bác sĩ Cao Xuân Minh có chia sẻ rất đáng lưu ý: Đeo khẩu trang là an toàn!

Nhiều bài viết, nhiều thông tin đã cập nhật khẩu trang giúp ngăn ngừa phát tán virus ra cộng đồng, ngăn ngừa nhiễm ở từng cá nhân. Giúp dịch không bùng, lan rộng khi có cá nhân F0 trong cộng đồng.

Với cá nhân, nếu bạn đeo khẩu trang đúng, tuân thủ khi tiếp xúc, bạn sẽ có một cái lợi vô cùng lớn như sau:

Nếu bạn không đeo khẩu trang, tiếp xúc F0, bạn có thể bị xâm nhập hàng ngàn, chục ngàn con virus cùng lúc. Với tốc độ tăng trưởng như nhau, virus nhanh chống đạt tới ngưỡng phát bệnh nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, cơ thể không kịp sản xuất kháng thể nên dễ dạng phát bệnh nặng.

Nếu bạn đeo khẩu trang, tiếp xúc F0 có thể nhiễm, nhưng số lượng sẽ rất ít, nếu cơ thể khoẻ mạnh, bạn có thể lướt được bệnh. Nếu virus phát triển, sẽ cần thời gian rất lâu đạt nồng độ gây bệnh. Thời gian ủ bệnh kéo dài, cơ thể sẽ kịp sản sinh kháng thể bảo vệ bạn. Bạn có bị bệnh cũng sẽ rất nhẹ, thậm chí không triệu chứng mà mình không biết.

Bạn nên nhớ: ủ bệnh càng ngắn, nguy cơ bệnh càng nặng. Do đó việc đeo khẩu trang vô cùng hữu ích bảo vệ sinh mạng chính bạn.

Khi bạn không biết F0 từ đâu, ai cũng có thể là địch, phòng thủ chắc chắn.

(Hết trích)

HOÀNGLINH 09.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.