Sau hơn hai tháng triệt phá đường dây buôn bán 200 triệu lít xăng dầu giả, bắt giam 41 bị can, thu giữ 10 tàu thủy, 6 xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỉ đồng tiền mặt… Hôm nay, Công an Đồng Nai bắt thêm Lương Đình Tiến - giám đốc Petrolimex Long An, vì liên quan đường dây buôn hàng giả này.
Tôi nghĩ rằng, các vụ án buôn lậu, làm giả xăng dầu sẽ ngày càng xảy ra với quy mô lớn hơn, nếu Bộ Công thương cứ duy trì phương thức quản lý và kiểm soát xăng dầu như hiện nay.
VIỆT NAM CỘNG HÒA CHỈ CÓ 3 ĐẦU MỐI NHẬP KHẨU VÀ PHÂN PHỐI XĂNG DẦU
Năm 1911, Hãng dầu Shell (Royal-Dutch) thành lập đầu tiên ở Nhà Bè. Sau đó Hãng dầu Socony - Vacuum Oil Company (Mỹ - đến 1960 đổi thành Esso) và Hãng dầu Caltex (Mỹ) lập thành một dãy kho bồn và cảng dầu trải dài từ ngả ba sông Phú Xuân đến gần mũi Nhà Bè.
Mỗi hãng dầu quy hoạch một bản đồ vị trí cây xăng trên quốc lộ và tỉnh lộ, mời các chủ đất tại các tọa độ đó đầu tư mở cây xăng. Chủ đất bỏ vốn xây dựng cây xăng theo mẫu của mỗi hãng. Bồn xăng và trụ bơm do hãng lắp đặt và bấm niêm chì.
Mỗi hãng có phòng hóa nghiệm kiểm mẫu xăng từ tàu nhập bơm lên kho bồn và kiểm mẫu ngẫu nhiên lấy từ các cây xăng.
Không cần kiểm thị viên (giống Quản lý Thị trường) và kiểm hóa viên (giống Chi cục Kiểm tra Đo lường Chất lượng) của chính quyền, nhân viên lấy mẫu của hãng dầu cứ ngẫu nhiên ghé các cây xăng của hãng, bảo chủ cây xăng đong vào lít mẫu (bằng inox) dán niêm phong có chữ ký chủ cây xăng và nhân viên lấy mẫu. Dung tích đong đủ hay thiếu thì đọc ngay trên vạch của lít mẫu, còn chất lượng chỉ biết sau khi phòng hóa nghiệm cho kết quả.
Chủ cây xăng ăn gian chất lượng sẽ bị cắt hợp đồng đại lý, còn bị truy tố ra tòa về tội gian lận thương mãi. Chính quyền không cần nhúng tay vào chất lượng xăng, mà chỉ kiểm soát việc buôn lậu hay ăn cắp xăng dầu từ tàu, xà lan, xe bồn. Nhiệm vụ đó giao cho Cảnh sát Tài nguyên (giống Cảnh sát Kinh tế).
Trong khi đó, hiện nay chính quyền có trong tay: Cục Chống buôn lậu, Cục Quản lý Thị trường, Cục Cảnh sát Kinh tế, Cục Đo lường Chất lượng mà xăng lậu, dầu giả cứ xảy ra hàng giờ, hàng phút.
38 ĐẦU MỐI NHẬP KHẢU XĂNG DẦU LÀM SAO BỘ QUẢN LÝ?
Không phải vô lý khi người ta chọn cơ số 12 cho một team làm việc, một tiểu đội lính. Quá số đó gọi là quản lý ngoài tầm tay.
Thời ông Trương Đình Tuyển làm bộ trưởng chỉ có 11 doanh nghiệp (quốc doanh) đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhưng, đến đời Trần Tuấn Anh (bắt chước Nguyễn Thiện Nhân cho thành lập đại học ồ ạt) để “trăm hoa đua nở” thành "38 đầu mối xăng dầu". Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tư không có kho chứa dầu, không có cảng nhập dầu, tàu chở dầu, nên chỉ sang nhượng quota nhập dầu.
Có 38 đầu mối mà không có 38 nhãn hiệu cây xăng đại lý độc quyền, để mỗi đầu mối tự kiểm soát chất lượng tại cây xăng đại lý do mình cung cứng, thì dù có 1 sư đoàn Quản lý Thị trường + 1 sư đoàn Hải quan chống buôn lậu + 1 sư đoàn Đo lường Chất lượng cũng không đủ quân đi kiểm tra mấy chục ngàn cây xăng trong cả nước.
Việt Nam Cộng Hòa nắm 3 thằng có tóc (Shell, Esso, Caltex đều đủ chức năng: thăm dò, khai thác, chưng cất, vận tải (tàu trên 200.000 tấn), phân phối và bán lẻ xăng dầu). Còn Bộ Công thương nắm vài anh có tóc (Petrolimex, MIPECORP, Saigon Petro, Petect, Petechim PVOil, Thalexim…) còn lại là nắm vuột một đám trọc đầu !
Bộ Công thương quy định, mỗi cây xăng (thường lấy tên doanh nghiệp chủ cây xăng) phải ghi rõ đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu để hậu kiểm “phả hệ xăng dầu”. Nhưng, suốt 46 năm qua, tệ nạn mua bán phiếu xăng dầu lòng vòng vẫn xảy ra, thậm chí, các cây xăng còn mua xăng lậu của Mai Văn Huy (vụ án xăng dầu Đông Tháp), của Hùng “xì tẹt” (Cty TNHH Thành Phát tại Tiền Giang, khiến đệ tử của Tư Bốn phải vạ lây), của bà “trùm” Nguyễn Thanh Phương (Cty TNHH Hoàng Sơn).
Chưa hết, các cây xăng còn mua xăng giả của đồng bọn Trịnh Sướng (Gđ Cty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) với sản lượng hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
Còn vụ án xăng dầu giả mới đây có liên quan Lương Đình Tiến - giám đốc Petrolimex Long An, các cây xăng đã mua trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng từ tháng 8/2020 đến nay.
Chưa biết thành phần xăng giả pha chế thế nào. Nhưng vụ xăng giả của của đồng bọn Trịnh Sướng có công thức pha chế như trong cáo trạng:
“Chúng dùng hàng ngàn tỉ đồng mua hóa chất pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả”.
Tại sao, trong quá trình tố tụng hơn một năm trời của vụ Trịnh Sướng mà vụ làm xăng giả bị phát hiện mới đây vẫn không chùn bước, mà cứ liên tục phát triển? Nếu đồng bọn Trịnh Sướng sản xuất 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả thì bị bể, còn đồng bọn 42 tên mới đây sản xuất đến 200 triệu lít xăng dầu giả, kém chất lượng mới bị phá án?
Tân bộ trưởng Công thương có quản lý nổi xăng dầu không?
MAI BÁ KIẾM 15.04.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.