(Le Figaro 05/10/2020) Tất cả những dự báo về bầu cử tổng thống Mỹ đều phải được xem xét lại, sau loan báo nhập viện của ông Donald Trump. Le Figaro đã phỏng vấn Benjamin Haddad, thuộc think tank The Atlantic Council, là tác giả cuốn « Thiên đường đánh mất : Nước Mỹ của Trump và hồi kết cho ảo ảnh châu Âu » vừa được xuất bản. Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế nhận định Trump vẫn có thể lập lại thành tích cũ.
Figaro : Donald Trump vừa nhập viện. Ông có nghĩ rằng cuộc tranh luận vào ngày 16/10 tới có cơ tổ chức được ?
Benjamin Haddad : Loan báo tổng thống Trump dương tính với virus corona vừa làm cho chiến dịch tranh cử trở nên vô cùng bất định. Các nhà bình luận chính trị Mỹ luôn nói về « Ngạc nhiên tháng 10 », tức xảy ra một bất ngờ làm đảo lộn các kế hoạch bầu cử đã được chuẩn bị chu đáo. Vào giai đoạn này, không thể nào dự đoán được gì về những tuần lễ tới.
Một sự mù mờ về bầu cử hoặc pháp lý, trước những căng thẳng hiện nay, có thể gây ra hậu quả thảm hại. Ông có cho rằng vẫn còn cơ hội dẫn đến một kết quả rõ ràng vào cuối cuộc bầu cử ?
Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy Biden có lợi thế hơn hẳn, nhưng bà Clinton cách đây bốn năm cũng vậy. Cần phải nhắc lại thể thức bầu cử. Hoa Kỳ là một nhà nước liên bang, tổng thống được cử tri đoàn bầu lên, gồm các đại cử tri được cử ra từ các lá phiếu của mỗi tiểu bang, trong đó những tiểu bang « swing » như Michigan, Ohio, Pennsylvania, Florida là chìa khóa. Biden hiện giờ hầu như nắm chắc trong tay chiến thắng về phiếu bầu phổ thông ở tầm quốc gia, chủ yếu nhờ cách biệt rõ ở California hay New York, ở những tiểu bang đông dân nhất và Dân Chủ đã cắm rễ.
Ông Trump không được ưa thích và vẫn duy trì số 40% người ủng hộ từ đầu nhiệm kỳ. Nhưng nếu các fan của ông ra quân rầm rộ, Trump vẫn có thể lập lại được kỳ tích năm 2016 : thắng về số đại cử tri và thua số phiếu phổ thông, nhờ hơn được một ít tại các tiểu bang nghiêng ngả. Trong trường hợp này, rất có thể một phần cánh tả sẽ phản đối tính chính danh của tổng thống, như đã làm từ cách đây bốn năm, họ nhấn mạnh đến vai trò của Nga thay vì tự vấn về những nguyên nhân xã hội sâu sắc dẫn đến việc ông Trump được bầu lên.
Ngược lại, nếu Biden thắng khít khai tại các tiểu bang này, phe Cộng Hòa có thể phản đối kết quả bầu cử, nhất là do việc bầu qua thư tín, một nguồn dễ gian lận theo như ông Trump, đặc biệt là trong bối cảnh Covid. Tóm lại, chỉ khi nào có cả một làn sóng bầu cho Joe Biden mới tránh được những kiện tụng. Rất có thể người chiến thắng không thể được xác định vào ngày bầu cử, mà việc kiểm lại phiếu và giải quyết kiện cáo sẽ kéo dài nhiều tuần lễ.
Một tình hình như vậy không phải là chưa có tiền lệ, nếu chúng ta nhớ lại cuộc tranh cử năm 2000 giữa Bush và Gore ở Florida. Nhưng không khí ngày nay căng thẳng hơn rất nhiều, và thành phần Tối cao Pháp viện, cơ quan có quyền quyết định, đang bị tranh cãi.
Hoa Kỳ có thể rơi vào một thời kỳ bất định về mặt chính trị, khiến các Nhà nước toàn trị như Trung Quốc, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ có thể mưu toan khai thác để dấn lên nước cờ địa chính trị của họ. Đó là trường hợp của Ankara tại phía đông Địa Trung Hải, hay ở Thượng Karabakh. Châu Âu cần phải chuẩn bị đối phó với một giai đoạn hỗn loạn vào cuối năm.
Xin bàn về cuộc tranh luận. Một số nhà phê bình nói rằng đó là cuộc tranh luận truyền hình tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông có chia sẻ ý kiến này không ?
Tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ thường không phải là những bước ngoặt chính trong chiến dịch. Với những quy định được thương lượng chặt chẽ giữa đôi bên, các cuộc tranh luận thường cứng nhắc và nhàm chán, ít mang lại những cơ hội đối đầu trực tiếp giữa các ứng viên.
Tuy vậy cuộc tranh luận vừa rồi rất được chờ đợi. Do tính cách của ông Trump tất nhiên rồi, nhưng cũng do nó diễn ra trong một bối cảnh vô tiền khoáng hậu, một chiến dịch tranh cử trong đại dịch với các quy định giãn cách xã hội : không có những cuộc tụ tập, mít-tinh quy mô, và như vậy cho đến nay có không có mấy hình ảnh gây ấn tượng mạnh, hay cơ hội cho các ứng cử viên nổi bật lên.
Phe Dân Chủ còn coi đây là chiến lược, với một chiến dịch thiếu năng động, tập trung vào các trưng cầu dân ý xung quanh tính cách gây chia rẽ của tổng thống Trump. Họ hứa sẽ quay lại các quy chuẩn, với ứng cử viên Biden « tốt bụng » và « đồng cảm ».
Tổng thống mãn nhiệm không còn có thể nhấn mạnh đến kết quả kinh tế sáng sủa trước Covid, và như vậy phải tìm cách gắn đối thủ cánh trung với các vụ bạo động, nổi dậy trong những tháng gần đây, và với phe cực tả trong đảng của ông ta.
Đó là một cuộc tranh luận thô bạo, tệ hại, với nhiều lần cắt lời và và tấn công cá nhân. Biden tương đối thắng vì ông đang dẫn đầu trong thăm dò nên không thể để mình thất thế khi mất bình tĩnh trước những khích bác của ông Trump. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng ông ấy đã làm dấy lên được nhiệt tình.
« Chó con của Putin » « Im đi ! »…Chúng ta đã chứng kiến một cuộc tranh luận hiếm hoi rất thô bạo, không từ một điều gì. Chừng như bạo lực không chỉ giới hạn trên các đường phố Mỹ…
Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ phân cực chính trị sâu sắc, bị làm trầm trọng thêm bởi sự chia rẽ của cử tri, cấu trúc không gian truyền thông với các kênh thông tin rõ ràng chỉ bênh vực cho một phe, các mạng xã hội đầy những tin tức đủ loại…Trump vừa là triệu chứng vừa là gia tốc cho khuynh hướng chiều sâu này.
Chẳng hạn người ta nhận thấy trong việc bầu các thẩm phán Tối cao Pháp viện : trước đây được Thượng viện phê chuẩn bằng đa số lưỡng đảng nếu vị thẩm phán được đánh giá có năng lực, dù là bảo thủ hay cấp tiến. Ngày nay được bầu hầu như theo đảng phái, và mỗi đề cử đều bị tranh cãi gắt gao, như vụ đề cử bà Amy Coney Barret, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến bầu cử tổng thống.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu của các ứng cử viên không còn là thuyết phục những cử tri còn do dự, mà là thúc đẩy những người ủng hộ trung thành để đảm bảo họ đi bầu đông đảo.
Như vậy Donald Trump, được các fan coi là thành trì cuối cùng chống lại giới tinh hoa truyền thông và văn hóa - chủ yếu thiên tả và theo quy phạm chính trị cũ - có lợi thế trước đối thủ. Nhưng tuy ông được lớp cử tri của mình yêu mến, tầng lớp này lại không chiếm đa số ở nước Mỹ. Phong cách thô bạo và thất bại trong việc xử lý đại dịch làm cho nhiều người Mỹ mệt mỏi.
(Tựa gốc : « Việc Trump nhập viện có thể làm tầng lớp ủng hộ ông giảm sút hay tăng lên ? »)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.