dimanche 11 octobre 2020

Đặng Hoàng Hải Anh - Quyền lực mềm

 


(VnExpress 09/10/2020)
Ở Việt Nam, đi nhậu với sếp, nhân viên hay trả tiền. Nhưng khi tôi qua Mỹ, người trả tiền thường là sếp.

Hồi mới đi làm ở Mỹ, tôi gặp tình huống khó quên. Hôm đó sếp rủ tôi đi ăn trưa bàn thêm công việc. Lúc ăn xong, theo thói quen, tôi rút ví ra trả tiền mời sếp giống như ở Việt Nam, song ông đã đứng dậy thanh toán cho cả hai nhanh hơn. Và sau khi việc này diễn ra vài lần, cộng thêm giải thích của người quen, tôi mới hiểu, ở Mỹ, người trả tiền cho các bữa ăn bàn công việc thường là người có vai vế hay thu nhập cao hơn.

Không chỉ thế, ngoài giờ làm việc, sếp và nhân viên cư xử khá bình đẳng, giống như bạn bè. Những lần sếp rủ tôi và đồng nghiệp đi uống bia, chúng tôi bàn luận thoải mái về nhiều chủ đề.

Không chỉ trong công sở mà với toàn xã hội, có những quy tắc ứng xử đã trở thành bất di bất dịch. Việc xếp hàng ở mọi nơi, từ nhà vệ sinh đến khách sạn năm sao là điều đương nhiên, dù cho bạn có địa vị thế nào. Người Mỹ không xa lạ gì với hình ảnh cựu tổng thống Mỹ Obama, xếp hàng trả tiền như mọi người khi đi mua hamburger.

Ở quán ăn, ít thấy cảnh khách hàng lớn tiếng gọi người phục vụ "em ơi?" cho cả quán nghe thấy, thường họ nhã nhặn tìm cách ra dấu bằng tay. Nếu người phục vụ bận, khách kiên nhẫn đợi đến khi họ trở lại bàn mình. Đi taxi, tôi cũng không thấy cảnh khách hàng nghiễm nhiên coi tài xế như nhân viên khuân vác phải bê mọi đồ đạc cho mình, họ luôn cảm ơn hay tặng thêm tiền tip khi được giúp đỡ.

Các thói quen thông thường khác như, khi ra vào phòng hay tòa nhà, bạn vẫn cần giữ cửa mở nếu có người đi sau mình. Khi gặp người đi ngược chiều trên hành lang hay đường phố, ta cần hơi mỉm cười chào người đó và nhìn vào mắt họ. Đây là một hành vi thiện ý nên việc đánh nhau do "nhìn đểu" rất khó xảy ra. Tôi vẫn nhớ cảm xúc "xao xuyến" lúc mới sang Mỹ học tiến sĩ. Trong khuôn viên đại học, khi được các cô sinh viên tóc vàng mắt xanh xinh đẹp chưa hề quen biết mỉm cười chào, tôi mất ngủ mấy hôm liền vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Ở Mỹ và một số nước Tây Âu còn có những quy tắc ứng xử nhường nhịn và ưu tiên với phụ nữ mà ai cũng tuân theo. Chú tôi, một doanh nhân, có lần kể ông "rất bức xúc" khi đi máy bay từ Việt Nam ra nước ngoài. Trên khoang thương gia, ông chứng kiến cảnh một anh người Việt, dáng to cao, sau khi đã ngồi yên vị trong ghế hất hàm ra dấu cho cô tiếp viên mảnh khảnh với ý yêu cầu cất vali của ông lên khoang hành lý. Ông khách cũng không nói được câu "em cất hộ anh", rung đùi ngồi đọc báo trong khi cô tiếp viên khệ nệ một lúc mới nhấc được chiếc vali lên ngăn hành lý trên đầu.

Sẽ có người phản biện tôi: nhập gia tùy tục, ở đâu theo đó, anh sang Việt Nam phải theo văn hóa của tôi, mắc mớ gì bắt tôi theo anh? Nhưng, văn hóa còn phải đi liền với văn minh. Văn hóa là những gì ở lại khi thời gian đã đi qua, là những thói quen giúp cho con người là "người" hơn, tốt hơn, tôn trọng và quý mến nhau hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm trong cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" nhận định rằng, giai đoạn hiện nay của văn hóa Việt Nam, xét trong mối giao lưu với văn hóa phương Tây, vẫn còn đang trong quá trình định hình. Văn hóa cần thời gian và tính tiếp nối để hoàn chỉnh.

Văn hóa phương Tây nhìn chung đề cao các thói quen tạo điều kiện phát triển vai trò, năng lực cũng như phẩm chất riêng của mỗi cá nhân nhưng "bảo vệ" sự bình đẳng thực sự giữa họ. Do vậy, việc phân thứ bậc trong quan hệ công việc chủ yếu nhằm tạo ra kết quả tốt nhất cho nhóm đó chứ không hàm ý phân chia kẻ trên người dưới trong xã hội.

Văn hóa của người Việt và một số nước châu Á lại thường coi trọng tính thứ bậc trong cả các mối quan hệ gia đình, tình cảm và cả công việc hay trong cộng đồng. Một ví dụ dễ thấy, trong ngôn ngữ, tiếng Việt có rất nhiều đại từ nhân xưng: anh, chị, em, chú, bác, cháu, thím, mợ, cậu, dì, ông trẻ, bà trẻ... với hàm ý thứ bậc. Còn tiếng Anh chỉ có tôi, bạn ("I" và "you"), với hàm ý tương đối bình đẳng.

Vậy, cải tiến nền văn hóa để làm gì? Ngoài việc giúp chất lượng sống và công việc của mỗi cá nhân tốt hơn, ở bình diện quốc gia, tôi liên tưởng đến khái niệm "quyền lực mềm" hay "PR văn hóa". Tại sao Ấn Độ những năm gần đây tích cực quảng bá ra thế giới môn Yoga của họ, Nhật Bản tổ chức các lễ hội hoa Anh Đào, thơ và trà đạo hàng năm ở nước ngoài song song với việc khuyếch trương các tinh thần của người Nhật như giữ chữ tín, tự trọng, lịch sự, đúng giờ? Thụy Điển xuất bản nhiều sách về lối sống "vừa đủ"?... Đó là vì một quốc gia hoàn toàn có thể thuyết phục các quốc gia khác ủng hộ mình thông qua những ảnh hưởng phi vũ lực.

Không phải ngẫu nhiên, chính phủ Pháp lập ra Viện Pháp, chính phủ Đức đầu tư bài bản cho Nhà Đức hay Viện Goethe ở các quốc gia khác, Viện Khổng Tử của Trung Quốc ráo riết tăng cường quyền lực mềm và quảng bá văn hóa của nước mình ra thế giới. Thụy Điển duy trì giải Nobel hàng năm cho các nhà khoa học và chính khách, Mỹ từ nhiều năm đã nỗ lực đưa ngành công nghiệp phim của Hollywood đến mọi thị trường giải trí. Gần đây, thế giới ghi nhận văn hóa Việt phát huy xuất sắc tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái trong lúc nguy nan. Người dân và chính phủ đồng thuận chống Covid-19.

Văn hóa cũng góp phần ngày càng lớn vào kinh tế và thương mại. Quận Los Angeles, đại bản doanh của Hollywood, đóng góp doanh thu khoảng 650 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế liên bang. Con số này còn cao hơn cả mức đóng góp của quận Manhattan - đầu não tài chính của thành phố New York, trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ.

Một nghiên cứu gần đây của các kinh tế gia Mỹ cho thấy Viện Goethe và Viện Khổng Tử có thể giúp tăng giá trị xuất khẩu và đầu tư. Cụ thể hơn, khi quyền lực mềm của một nước tăng thêm 1%, giá trị xuất khẩu của nước đó cũng tăng lên tương ứng 0,66% so với trước đó. Các kinh tế gia cũng đánh giá việc nâng cao bình đẳng giới cho phụ nữ về các mặt như giáo dục, tín dụng và lương bổng tạo ra động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng việc thúc đẩy tiếp thu, học hỏi có chọn lọc những cái hay của văn hóa giao tiếp ứng xử phương Tây có thể làm văn hóa Việt và cả nền kinh tế phát triển rực rỡ hơn nữa. Song có lẽ ta cần một chiến lược dài hơi và tổng thể, trong đó câu hỏi ưu tiên là: Việt Nam muốn thế giới mô tả thế nào khi nghĩ về mình?

Tạo ra các thay đổi tích cực và toàn diện trong nền văn hóa dân tộc nói chung và các hành vi văn hóa ứng xử của mọi công dân trong xã hội cần thái độ sẵn sàng của rất nhiều người. Từ các bậc phụ huynh trong mỗi gia đình cho đến các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo, tổ chức đoàn thể, nhà lập pháp... Nhưng có lẽ không thể thiếu tầm nhìn chính sách nhất quán của quốc gia. Bởi nói cho cùng, văn hóa là những gì định vị dân tộc ta trong thế giới loài người.

ĐẶNG HOÀNG HẢI ANH

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.