jeudi 11 avril 2024

Lê Nguyễn - Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng Tư 1975 (5)

5.2) Những bữa tiệc « hàm thụ » ở trạm xá Long Thành

Vào tháng 9 năm 1975, số bệnh nhân nằm điều trị tại trạm xá Long Thành chỉ vào khoảng 9-10 người, trong đó có hai người cao tuổi.

Người thứ nhất là cụ Nguyễn Văn Tho, Trưởng khối Dân tộc Thượng viện, được hai cán bộ y tế chỉ định làm người trưởng nhóm. Người thứ hai là bác K., sau khi tình cờ biết mình từng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh, bác cho biết bác là bố vợ anh Ngô ĐL, một khóa đàn anh của mình, lúc ấy đã qua đời.

Ở trạm xá, bác K. là người phương phi nhất, vóc dáng khỏe mạnh, da mặt đỏ hồng. Bác lại là người nằm bệnh lâu nhất trong nhóm.

Còn nhớ một sáng nọ, bác hô hoán lên là đêm qua, bác khạc ra mấy ... cục máu. Chuyện hơi khó tin với một người có vóc dáng khỏe mạnh như bác K., song ở đời, chuyện gì lại không thể xảy ra, mình thăm hỏi bác với lòng ái ngại thật sự.

Mãi về sau, mình mới biết rằng bác K. có móc nối với “bác sĩ” H., nhờ ông này đến nhà ở Sài Gòn lấy giúp tiền, mang vào để chi xài. Hoa hồng của “thương vụ” trên là bao nhiêu không rõ, song điều khá rõ, là mối quan hệ này giúp một người khỏe mạnh như bác K. được nằm điều trị bệnh ở trạm xá dài dài. Hóa ra, chuyện “khạc ra máu” của bác cũng chỉ là một tình huống được dàn dựng sẵn trong kịch bản để bảo vệ cho kế hoạch nằm bệnh xá lâu dài của bác!

Trong số người nằm bệnh lúc đó, cũng không thể không kể thêm trường hợp anh X (không còn nhớ tên), đồng bệnh (kiết lỵ) với mình, song với một “thành tích” không tiền khoáng hậu. Anh vào trạm sau mình 2 ngày, kể lại rằng, để giải quyết cơn đau quặn ở bụng, tần suất đi ra đi vào của anh là không đếm xuể. Cho đến một hôm, anh vừa giải quyết xong, đi vào tới nhà thì bụng đau quặn trở lại, phải tức tốc quay lại hàng rào. Cuối cùng anh quyết định ngồi lì trên hố xí ở hàng rào, không đi đâu nữa, cho đến khi bạn bè hay tin, chạy ra kéo anh dậy và kè anh đi thẳng lên trạm xá.

Sau hơn tuần lễ điều trị, khi thấy thuốc uống không có tác dụng, các bác sĩ (tù) phải áp dụng liệu pháp tối hậu cho anh X và tui, đó là tiêm thẳng những mũi Emetine vào bắp thịt. Đây là loại thuốc tiêm hữu hiệu nhất để điều trị bệnh kiết lỵ vào thời điểm đó. Bệnh của chúng tôi giảm dần sau những mũi thuốc này.

Nói đến nhân viên trạm xá Long Thành mà không nhắc đến dì Bảy lao công là một thiếu sót lớn. Nhà dì ở gần khu làng cô nhi, nghe đâu chồng dì là một du kích xã bị chết trận, và có lẽ do điều này, dì được nhận làm lao công cho trạm xá. Dì buôn bán hàng lặt vặt tại nhà, và giữa dì với anh em bệnh nhân sớm hình thành một “thỏa hiệp”. Ở trạm xá, ngoài hai người cao tuổi, cứ mỗi buổi trưa, các anh em còn lại xuống căng tin, xếp hàng mua giùm dì Bảy, mỗi người mấy gói thuốc lá Hoa Mai, Vàm Cỏ, Đà Lạt ...

Thời đó, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như thuốc lá, bột giặt, bột ngọt, đường ... có sự cách biệt khá lớn giữa hàng chợ và hàng bán trong hệ thống cửa hàng quốc doanh. Mỗi ngày, chúng tôi mua giùm cho dì Bảy khoảng vài mươi gói thuốc lá. Dì mang về bán, không rõ lời lóm thêm được bao nhiêu, nhưng sáng sáng, khi đi làm, dì mua cho mỗi đứa chúng tôi một gói xôi đậu xanh. Xôi đậu xanh đối với đời tù là một món ăn có giá trị.

Đó là kỷ niệm khó quên giữa những người tù và một phụ nữ miền Nam nghèo, chất phác.

Những tháng 8, tháng 9 năm 1975 ấy, thời tiết lạnh một cách bất thường, với người nằm bệnh ở trạm xá, xương cốt thiếu calci, cơ thể sụt giảm sức đề kháng, cái lạnh càng dữ dội hơn nữa!

Còn nhớ sáng ngày 16.9, mình ngồi dựa lưng vào tường, nhìn ra khoảng không bên ngoài khung cửa sổ. Một khu vực rộng lớn, hoang tàn trải ra trước mắt, nghe đâu đó là nơi từng đóng quân của Sư đoàn Mãng xà vương thuộc quân đội Thái Lan sang tham chiến tại Việt Nam. Ngày hôm đó, chính trong cái lạnh buốt xương, trời lại mưa lất phất như mưa phùn xứ Bắc, mà bài thơ này ra đời:

MƯA BỆNH XÁ

Nằm đây ngửa mặt lên trần,

Lòng tương tư áng phù vân cuối trời.

Bên ngoài từng hạt mưa rơi,

Từng cơn gió lạnh buốt rời thịt xương.

Nằm đây mà nhớ cố hương,

Đêm đêm làm bạn chiếu giường vô tri,

Xót thân phận chẳng ra gì,

Ba mươi mốt tuổi, hoài đi nửa đời.

Nỗi người thương cảm khôn nguôi,

Nỗi mình âu cũng đầy vơi giọt buồn.

(LN)

Hai câu cuối ứng với thực trạng của những người tù nằm điều trị ở trạm xá Long Thành lúc bấy giờ. Tại đây, ban ngày ồn ào bao nhiêu thì ban đêm hiu quạnh bấy nhiêu. Chín, mười người bệnh nằm thở dài dưới ánh điện tù mù, nhớ nhà cửa, nhớ gia đình. Họ trút bầu tâm sự, kể cho nhau nghe những vui buồn trong quãng đời đã qua, kể để cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi những tâm sự vụn ấy nhận được sự chia sẻ của bạn tù.

Một sự kiện độc đáo của những đêm tù mù đó là những bữa ăn ... hàm thụ. Tại miền Nam, vào những thập niên 1950-1960, phong trào học hàm thụ phát triển khá rầm rộ. Đó là một dạng học từ xa, thường là từ nước này qua nước khác. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mọi việc chỉ có thể thực hiện qua trung gian của cơ quan bưu chính. Sau thủ tục ghi danh, đóng tiền, trường học ngoài nước (ở Mỹ chẳng hạn) gửi chương trình học, tài liệu học cho học viên ở Việt Nam qua đường bưu điện; học viên học, làm bài gửi trở lại trường học cũng theo con đường như thế.

Tháng 9 năm 1975, chúng tôi áp dụng hình thức “hàm thụ” trong các buổi sinh hoạt ban đêm của mình. Cho dù cách sử dụng từ ngữ này chưa hoàn toàn chính xác, gọi cho vui, vì khó tìm một từ ngữ nào phù hợp hơn. Người bệnh ở chung trong trạm xá phân công nhau, mỗi đêm một người kể về món ăn mình ưa thích, nguyên liệu gồm những gì, cách chế biến ra sao, thành phẩm có hương vị như thế nào ...

Còn nhớ là cụ Nguyễn Văn Tho rất điệu nghệ với món “bò nướng ngói” ở quê Long Xuyên của cụ. Tuy chỉ là những món ăn “hàm thụ”, nằm trong trí tưởng tượng của mỗi người, song sự liên tưởng đến chúng cũng mang lại cho chúng tôi nhiều cảm giác có thật, như hiệu ứng Pavlov vậy. Nước miếng cứ tươm ra đầy miệng, mình phải hết sức đè nén, nuốt thật nhẹ xuống cổ, không để người nằm giường bên cạnh nghe được thứ âm thanh đáng xấu hổ đó!

Dạo ấy, trong khi chúng tôi nằm ở trạm xá thì mỗi đêm các nhà ráo riết tập hát những bài nhạc đỏ: Nổi lửa lên em, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Vàm Cỏ Đông .... Giữa đêm đen, bài đồng ca của gần 300 người ở mỗi nhà vang lên với một khí thế hừng hực. Riêng nhà 6 chỉ cách trạm xá của chúng tôi một con đường đất nhỏ thì tập bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Những đêm nhạc này tạo một ấn tượng mạnh đến nỗi từ ấy cho đến cả bây giờ, cứ mỗi lần nghe đến câu mở đầu “Đêm nay - trên đường hành - quân - ra - mặt trận...”, là trong ký ức của tui hiện lên rõ mồn một hình ảnh của những đêm trạm xá với món bò nướng ngói thơm phức của cụ nghị sĩ Nguyễn Văn Tho. Với sự nhạy bén đến không ngờ của bác K., biến bác thành bệnh nhân trường kỳ mai phục ở trạm xá, đến cả anh X, người đồng bệnh của tui, nhưng vượt xa tui ở thành tích ngồi luôn ngoài hố xí, không vào nhà nữa ....

Khi tui trải qua gần 30 ngày ở trạm xá, bệnh dứt hẳn trong một cơ thể gần suy kiệt, cụ Tho hành xử quyền trưởng nhóm, hỏi khéo tui là đã dứt bệnh chưa. Mình không thể nói dối, vì còn phải chừa chỗ cho nhiều bệnh nhân khác, nên thu xếp trở về nhà 2.

Ở trạm xá, đời sống thay đổi quá, nhiều thứ cần thiết cũng bị cho qua. Ấy là trong suốt gần 30 ngày đó, mình chưa tắm một lần, đơn giản vì trạm xá không có nhà tắm và nước. Vả lại, nếu có nước, mình cũng không xách nổi, có cảm giác như các xương chân ở trong tình trạng trật khớp bất cứ lúc nào.

Chiều hôm sau, một bạn đồng môn Quốc gia Hành chánh thuộc bậc đàn anh là anh Đỗ Hải Minh (Dohamide) động lòng, tự tay anh đi hứng một xô nước đầy và xách ra đến tận nhà tắm lộ thiên cho mình.

Mình từng có bài tưởng niệm anh Đỗ Hải Minh. Anh là tác giả nhiều đầu sách về nền văn hóa Chăm, chức vụ cuối cùng là Phó Tổng giám đốc Cơ quan Tiếp vận Trung ương. Vào đầu thập niên 1990, Đỗ Hải Minh cùng các chuyên gia kinh tế chế độ cũ như Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, Trần Bá Tước hình thành “Nhóm thứ Sáu” chuyên tư vấn cho ông Võ Văn Kiệt về nhiều vấn đề quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị Nam Sài Gòn.

Xô nước anh Minh tự tay xách cho là một kỷ niệm nhớ đời của mình.

LÊ NGUYỄN 11.04.2024

Kỳ sau : Một trường hợp « chuyển đổi giới tính » ở Long Thành

Lê Nguyễn - Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng Tư 1975 (4)

Lê Nguyễn - Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng Tư 1975 (3)

Lê Nguyễn - Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng Tư 1975 (2)

Lê Nguyễn - Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng Tư 1975 (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.