Nhà báo Trần Mai Hạnh có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975 với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và viết bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Cho nên, ông là một nhân chứng thời khắc lịch sử.
Sau 49 năm, Trần Mai Hạnh xuất bản tự truyện “Sống đến bình minh” dày 700 trang. Cuốn sách gồm 7 phần, trong đó đáng chú ý nhất là phần “Vòng xoáy”, viết về tai ương của ông liên quan đến vụ án Năm Cam.
Trong phần “Vòng xoáy”, Trần Mai Hạnh trình bày chi tiết việc ông bị oan sai, với hai điểm cốt lõi.
Thứ nhất, hai bị cáo của vụ án là Trần Văn Thuyết (Thuyết “buôn vua”) và Dương Ngọc Hiệp (Hiệp “phò mã”) thừa nhận đã thông cung để vu vạ Trần Mai Hạnh.
Thứ hai, cáo trạng buộc tội Trần Mai Hạnh có 7 trang, nhưng lại vi phạm tới 12 điều của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Chính nhà báo Trần Mai Hạnh và luật sư bào chữa đã nói công khai và đầy đủ trước phiên tòa, cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Thế nhưng, cuối cùng ông vẫn bị phán quyết 9 năm tù.
Cũng may, vấn đề khuất tất của vụ án Năm Cam đã được cấp cao hơn nhìn rõ, và Trần Mai Hạnh chỉ phải thi hành án 2 năm.
Tự truyện “Sống đến bình minh” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật ấn hành. Nghĩa là mọi thông tin đã được xác tín.
Nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời chiều 02/04/2024 tại TP.HCM, khi ông cùng em trai Trần Mai Hưởng thực hiện chuyến đi xuyên Việt thăm lại chiến trường xưa. Cuộc đời 81 năm của Trần Mai Hạnh đã khép lại. Và “Sống đến bình minh” như những lời gan ruột mà ông gửi lại nhân gian.
Vậy thì, những người từng nhiệt tình hoặc từng ngây thơ đẩy ông Trần Mai Hạnh vào vòng lao lý, không nên tiếp tục im lặng. Nhất là trưởng ban chuyên án Năm Cam lừng lẫy thuở nào được xưng tụng Trung tướng Nguyễn Việt Thành và Chánh án Bùi Hoàng Danh từng ngồi ghế chủ tọa hội đồng xét xử vụ án Năm Cam.
Trước đây, ông Nguyễn Việt Thành và ông Bùi Hoàng Danh có thể hồn nhiên sai lầm hoặc giả vờ hồ đồ, để giữ ghế giữ chức. Còn bây giờ, hai ông đã nghỉ hưu, thì cũng cần cố gắng làm người tử tế, hãy lên tiếng trả lại sự thật cho nhân chứng thời khắc lịch sử Trần Mai Hạnh.
LÊ THIẾU NHƠN 30.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.