Lại có kế hoạch "đặt" tên mới cho quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 22, quốc lộ 50. Đọc xong biết sẽ đặt tên Đỗ Mười cho đoạn Xa Lộ Đại Hàn từ ngã ba Trạm 2 đến An Sương.
Cố tổng bí thư Đỗ Mười có một giai thoại ở Miền Nam. Trong "Bên Thắng Cuộc" có kể một câu chuyện "Đỗ Mười chứ Đỗ Mười Một cũng giữ" ở Vĩnh Long. Nhưng dân gian truyền miệng thì khác, dân vùng Long An-Tiền Giang nói rằng, cái trạm mà ông Đỗ Mười bị " dính" là trạm Tân Hương
Vậy là Xa Lộ Đại Hàn sau mấy chục năm bị đổi thành quốc lộ 1, rồi nay lại có tên. Trước đó xa lộ Biên Hòa bị đổi thành xa lộ Hà Nội, và bị cắt nửa khúc thành đường Võ Nguyên Giáp.
Sau 1975, các đại lộ, quốc lộ, xa lộ thi nhau đổi tên, tên những quan chức, những "lãnh đạo", cứ chết là có tên đường. Chuyện này có lẽ duy nhứt ở Việt Nam ; Mỹ, Nhựt Bổn hay Châu Âu thì không. Như thể lịch sử Sài Gòn, lịch sử Miền Nam chỉ có kể từ ngày tháng 4/1975 !
Con đường hàng ngày thân quen đã hằn ghi vào tâm trí bao thế hệ người Sài Gòn, với lòng người. Vậy mà những người xây dựng, gìn giữ, phát triển Sài Gòn, Miền Nam như Gia Long, Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Phan Thanh Giản, Nguyễn Huỳnh Đức ... sao lại bị xóa tên đường ? Các chúa Nguyễn như Hiền Vương có công phát triển Miền Nam, định hình Miền Nam. Chúa Nguyễn Phước Chu xứng đáng được đặt tên ở các thành phố Miền Nam.
Mấy chục năm nay thành phố ngoài xa lộ Biên Hòa và xa lộ Đại Hàn có trước 1975 còn xây thêm cái xa lộ nào nữa đâu. Vui cái là xa lộ Biên Hòa, xa lộ Đại Hàn dù có thay tên nào chăng nữa, lại có thêm trạm thu phí. Xây đường mới mới thì tha hồ đặt tên đường ,chớ có cái xa lộ Biên Hòa, xa lộ Đại Hàn, Quốc Lộ 1k, Quốc Lộ 50 cũ xì mà cứ nay tên quan này này mai tên nọ thấy nó sao sao á!
Những nhân vật lịch sử đều phải được đối xử ở một cách có văn hóa. Bình luận về nhân vật lịch sử phải thông đạt chánh trị nhân tình, công bằng, nhìn sự thực. Và phải luôn biết đặt con người vào trong Hòan cảnh cá nhân cụ thể cùng với những mối tương tác nhân quả trùng trùng duyên khởi của các sự kiện chi phối bên ngoài. Từ đó có được quan điểm phóng khoáng khoan dung, biết hòa giải với quá khứ trong tinh thần cởi mở để hướng đến hiện tại và tương lai.
Chứ không nên chỉ chuyên moi móc quá khứ với các kiểu thái độ đảng phái nhỏ nhen, thách thức vùng miền, cực đoan, phiến diện, căm thù. Nó chỉ gây thêm mầm mống chia rẽ trong lòng dân tộc, và vì thế cũng không thể đạt được sự hòa giải đích thực trong hiện tại được.
Người dân hiểu, trình độ dân có khi đã cao hơn các quan rồi. Phàm đã là người biết đọc hiểu thì nhìn sử, đọc sử cũng đòi hỏi một mức độ văn minh nhứt định đối với những nhân vật lịch sử. Không biết khi nào mới có sự tôn trọng văn hóa tối thiểu của Miền Nam?
Ngày nay Gia Định không còn mà Sài Gòn cũng không. Sài Gòn với những con đường Triệu Đà, Gia Long, Minh Mạng, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Võ Di Nguy, Châu Văn Tiếp, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu, Duy Tân, Cường Để, Phan Thanh Giản, Hiền Vương, Tôn Thọ Tường...
Xin ghi nhớ Trần Đại Định, Cha Cả Bá Đa Lộc, Alexandre De Rhodes, Võ Trường Toản, Lê Quang Định, Trịnh Hòai Đức, Tôn Thọ Tường, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hui Bon Hoa, Quách Đàm....đã ghi dấu ấn ở đất này. Những tên đường làm nên Sài Gòn, để lại dấu ấn thành đô Sài Gòn trong lòng nhiều thế hệ Miền Nam với những cái tên lịch sử, tên những người đã bỏ mình đặng bảo vệ đất Phương Nam.
Xin hãy tôn trọng và ưu tiên đặt tên đường người lập làng, dựng làng, giữ đất, tên danh nhân Miền Nam ở Sài Gòn và các đô thị Miền Nam. Trân trọng tên làng xưa, thôn cũ. Hãy trân trọng Rạch Miễu, Rạch Kiến, Rạch Gốc, Rạch Vẹm, Rạch Chiếc, Rạch Hào cùng Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam...Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo, Ông Lãnh, Chí Hòa, Hòa Mỹ, Chợ Quán....Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Long Kiểng, Kiểng Phước, Hựu Thành, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Thiềng Đức...những cái tên của ông bà tổ tiên lưu dân Miền Nam đặt ra
Tình trạng đi đâu, từ thành phố, thị xã, thị trấn ở Miền Nam, có khi các đô thị sát nhau, cách nhau hai ba chục cây số mà cứ đụng liên tiếp Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp...hơi bị ngán.
Nói tới "định danh", thì có rất nhiều nhân vật phe cộng sản xài cái tên không chính chủ. Nhân vật lịch sử có tên đường Trường Chinh không phải tên khai sanh. Ông Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt không phải tên khai sanh. Tên Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Kim Đồng, Chế Lan Viên, Lý Tự Trọng, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Oanh, Đồng Sỹ Nguyên ... đều không phải tên thật. Ông Đỗ Mười cũng không phải tên khai sanh, tên trên thẻ căn cước. Thay tên đường liên tục, mà những cái tên xa lạ không liên quan thời khác gì hư vô, mây khói, chẳng ai để ý
Các thế hệ học trò hiểu được tại sao Nguyễn Trãi viết “Từ Triệu, Đinh Lý, Trần bao đời xây nền độc lập”. Hiểu được vì sao miếu Gia Long và những giai thoại về vua Gia Long vẫn còn tồn tại trong lòng xã hội Miền Nam. Vì sao ông bà mình vẫn kể về Võ Tánh, Võ Di Nguy, Tống Phước Hiệp, Tống Phước Hòa, Trần Đại Định, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu ...với lòng kính trọng. Con cháu luôn trân trọng những người đã bỏ mình bảo vệ đất Miền Nam này. Lòng dân mới là cái quyết định.
“Dân ta là thánh là thần
Bền gan chắc dạ, quỷ thần cũng kiêng”
(Phan Châu Trinh)
NGUYỄN GIA VIỆT 26.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.