samedi 27 avril 2024

Ngô Nhân Dụng - Mike Johnson ngôi sao đang lên


Chính sách ngoại giao Mỹ thay đổi sẽ tạo ra nhiều nạn nhân. Người dân Campuchia và Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua kinh nghiệm đó, năm 1975; dân Afghanistan, năm 2021.

Trong mấy tuần lễ vừa qua, dân Ukraine cũng nóng lòng chờ coi số phận của họ. Chính phủ Mỹ vẫn nhất định hỗ trợ Ukraine chống trả cuộc xâm lăng của Vladimir Putin; Thượng viện đã thông qua một dự luật viện trợ hơn $60 tỉ đô la vũ khí; nhưng Hạ viện vẫn chưa đem ra thảo luận.

Nếu không được cung cấp thêm các hỏa tiễn phòng không, đạn dược cho các cỗ đại pháo trong vài tháng tới, quân đội Ukraine sẽ không đủ sức cầm cự sức tấn công của quân Nga trên phòng tuyến dài hàng ngàn cây số. Nếu thắng thế ở Ukraine, dù chỉ chiếm được một phần ba xứ này, cộng với bán đảo Crimea, ông Putin sẽ củng cố địa bàn để có thể lấn thêm đất đai của các nước khác như Gruzia, Moldova mà quân Nga đã đánh chiếm. Các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Litva, cho tới Ba Lan và Phần Lan sẽ bị đe dọa. Thế cờ cả Âu châu sẽ thay đổi, khối NATO và nước Mỹ sẽ yếu thế. Số phận Ukraine liên can mật thiết đến địa vị và nền an ninh của nước Mỹ.

Đảng Cộng Hòa chiếm đa số mỏng manh tại Hạ viện; chỉ cần vài ba dân biểu không đồng ý thì cũng không đủ túc số để thông qua ngân sách viện trợ cho Ukraine. Một dân biểu, bà Marjorie Taylor Greene (CH-Ga.) đủ sức gây bế tắc sau khi bà đề ra quyết nghị cách chức (motion to vacate) ông chủ tịch; bà sẽ yêu cầu bỏ phiếu truất phế nếu ông Mike Johnson đem dự luật viện trợ Ukraine ra bàn.

Tuần trước, theo tường thuật của báo chí, ông Mike Johnson đã nói, “Nếu tôi lo bị cách chức, tôi sẽ không làm được gì hết. Lịch sử sẽ phán xét những việc chúng ta làm. Đây là một thời điểm quyết định. Tôi có thể chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà không làm gì cả; nhưng tôi đang làm điều mà tôi tin là chính đáng. Tôi nghĩ phải viện trợ cho Ukraine ngay lập tức.”

Thứ Bảy trước, Mike Johnson đã bất chấp những người chống đối trong cùng đảng khi yêu cầu biểu quyết ngân sách $95 tỉ mỹ kim vũ khí viện trợ Ukraine, Israel, Đài Loan trong đó Ukraine được hưởng $60,8 tỉ. Vẫn theo tường thuật của báo chí, ông giải thích tại sao quyết tâm tiến tới: “Tôi tin tưởng những tin tức tình báo mà tôi đã được nghe thuyết trình.”

Giám đốc Trung ương Tình báo (CIA) Bill Burns đã trình bày với ông chủ tịch Hạ viện về tình hình bi đát trên chiến trường Ukraine và hệ quả toàn cầu nếu không quyết định, theo tường thuật của CNN dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Ông Burns báo trước hậu quả nếu quân Nga thắng ở Ukraine, ảnh hưởng sẽ lan khắp thế giới. Các nước theo chế độ tự do dân chủ ở Âu châu sẽ bị đế quốc Nga trực tiếp đe dọa; ngay bây giờ Anh, Pháp, Đức đã lo gia tăng ngân sách quốc phòng, sản xuất thêm khí giới để giúp Ukraine và tự vệ. Sau khi nghe thuyết trình, ông Johnson cảm thấy nước Mỹ phải bảo vệ nền độc lập của Ukraine. CNN tường thuật, Johnson bị thuyết phục rằng “sinh mệnh của nền dân chủ phương tây được đặt trên vai ông.”

Đây là một “biến chuyển lớn” trong đời một dân biểu 52 tuổi, mới đắc cử tại tiểu bang Louisiana năm 2017, chỉ được dư luận toàn quốc chú ý khi ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Mike Johnson được bầu làm chủ tịch Hạ viện sau 21 ngày hỗn độn trong nội bộ các dân biểu Cộng Hòa, khiến cựu chủ tịch Kevin McCarthy phải từ chức, rồi từ bỏ luôn không làm chính trị nữa. Ba dân biểu Cộng Hòa uy tín nhất không được cánh cực hữu chấp nhận lên thay thế McCarthy; cuối cùng Johnson được chọn như một giải pháp thỏa hiệp.

Đảng Cộng Hòa chiếm đa số 217 ghế trong số 435 dân biểu của Hạ viện, nhưng chỉ có 214 người bỏ phiếu vì ba người giữ các chức vụ không được bỏ phiếu (non-voting delegates). Ông Johnson phải làm sao không có ai trong đảng mình bỏ phiếu chống thì mới thắng được 213 đại biểu đảng Dân Chủ, với 210 phiếu bầu (vì có 3 non-voting delegates).

Một thủ tục, được các dân biểu Cộng Hòa đặt ra khi họ chống ông McCarthy, cho phép chỉ cần một dân biểu cũng có thể đề nghị truất phế ông chủ tịch. Nỗi khó khăn của Mike Johnson là làm cách nào để không một ai cùng đảng đưa quyết nghị truất phế mình; mà bà Marjorie Taylor Greene và ông Matt Gaetz (CH., Florida) luôn luôn đe dọa. Ngay việc thông qua ngân sách các bộ trong chính phủ, như bộ quốc phòng, bộ nội an, thường được chuẩn y nhanh chóng, cũng cần phải được lèo lái, sao cho không ai chống đối!

Mike Johnson đã “đi dây” như vậy và làm được việc! Phương pháp ông sử dụng là vẫn tỏ ra đồng ý với các chủ trương của cựu tổng thống Trump, đồng thời vẫn tìm cách thỏa hiệp với đảng Dân Chủ. Ngoài thái độ phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Johnson còn chiều theo ý kiến của ông Trump khi bỏ qua không đưa ra bàn một dự luật về di dân và biên giới đã bị ông Trump chống, dù được chính phủ Joe Biden và Thượng viện đồng ý. Ông cũng cho Hạ viện thảo luận và biểu quyết “đàn hạch” bộ trưởng nội an Alejandro Mayorkas, dù biết rằng sẽ bị Thượng viện, do đảng Dân Chủ chiếm đa số, bỏ qua không đem bàn.

Nhưng muốn “được việc,” ông Johnson đã bắt tay với phe đối lập. Dự luật chi $95 tỉ mỹ kim vừa rồi, hơn $60 tỉ cho Ukraine, được Hạ viện chấp thuận với lá phiếu của 210 dân biểu Dân Chủ, 101 dân biểu Cộng Hòa. Có 112 trong số 214 dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống, đi ngược lại với chính sách cố hữu của đảng là hỗ trợ các quốc gia dân chủ chống các đế quốc độc tài như Nga hay Trung Quốc.

Dân biểu Hakeem Jeffries (DC., N.Y.) phải công nhận, theo tường thuật của Washington Post, “cánh Cộng Hòa cổ truyền, do Chủ tịch Mike Johnson lãnh đạo, đã hiên ngang đứng lên trước thử thách.” Tất cả các dân biểu đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ số $60 tỉ tiền viện trợ vũ khí cho Ukraine. Bà Marjorie Taylor Greene phải chấp nhận có truất phế Johnson cũng vô ích. Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã đặc biệt nêu tên ông Johnson khi ngỏ lời cảm ơn Hạ viện Mỹ đã “chọn con đường đúng như lịch sử đòi hỏi.”

Quả thật, đây là một quyết định lịch sử. Một quyết định được cả hai đảng chính trị lớn thông qua, đã củng cố niềm tin tưởng của thế giới vào quyết tâm bảo vệ các chế độ dân chủ tự do, chống lại ách độc tài. Địa vị của nước Mỹ được củng cố vì nhiều quốc gia biết họ sẽ được Mỹ bảo vệ nếu bị Nga hay Cộng sản Trung Quốc đe dọa. Các nước như Ba Lan, Romanie ở châu Âu, Nhật Bản hay Philippines ở Á châu biết họ sẽ được Mỹ bảo vệ cho nên yên tâm duy trì các quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Mối liên kết về an ninh là một nền tảng cho các quan hệ kinh tế phát triển vững chắc. Nếu không có mạng lưới quan hệ đó thì kinh tế Mỹ cũng không thể đóng vai “một mình một chợ” được.

Đó là điều mà những dân biểu chống đối ông Mike Johnson bên trong đảng Cộng Hòa không nhìn thấy. Trong bài phỏng vấn của ký giả Ian Ward, đăng trên Politico ngày 19 tháng Tư, cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich gọi những người chống Johnson trong đảng ông là “sáu hay tám người tự yêu mình nhất trên đời” (six or eight narcissists), ngu dốt và ích kỷ (selfish idiots). Ông Gingrich đã lãnh đạo làn sóng “thắng lợi” của đảng Cộng Hòa năm 1995, khi họ chiếm đa số ghế ở Hạ viện Mỹ, sau 40 năm phải đóng vai thiểu số.

Năm nay, ông Gingrich kêu gọi những người “narcissists” hãy ngưng, đừng phá ông Johnson nữa, “Anh không thể cai trị nếu cứ mỗi ngày lại bắn vào đầu mình!” (You can’t govern by shooting yourself in the head every day), ông nói, cũng trong bài phỏng vấn của Ian Ward trên Politico.

Newt Gingrich khen Mike Johnson là người “điềm tĩnh và có kỷ luật,” mà chính ông chịu thua về khoản kỷ luật. Nhà báo hỏi, liệu những người chống đối trong đảng có tìm cách truất phế ông Johnson sau khi ông thỏa hiệp với đảng Dân Chủ để thông qua viện trợ cho Ukraine hay không, ông Gingrich đoán rằng hành động đó sẽ gây hỗn loạn một lần nữa, như hồi họ truất phế ông McCarthy. Newt Gingrich khuyên Mike Johnson cứ tiến tới vì, Những người can đảm chỉ chết một lần, kẻ hèn nhát chịu cả trăm lần chết! (Brave men die but once, a coward dies a hundred deaths).

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 27.04.2024)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.