Chỉ là tình cờ khi đến Udon Thani vào đúng ngày 30-4, lại vừa đọc cuốn "Quân Tình Nguyện Việt Nam ở Chiến Trường Hạ Lạo và Đông Bắc Campuchia".
Suy nghĩ, rất suy nghĩ. Cộng đồng người Việt ở Udon rất cách mạng và rất nghèo.
Người trông coi Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Udon rất tự hào là cộng đồng người Việt ở đây vẫn rất cách mạng. Anh nuối tiếc là không kịp hồi hương hồi thập niên 1960s vì ở lại Thái người Việt bị coi như kẻ thù. "Chúng tôi chỉ mới được tự do khoảng 20 năm nay. Trước đó Thái Lan không cho học lên, vì học lên là giàu lên lại lấy tiền nuôi cách mạng". Cho đến cuối thập niên 1990s, người Việt ở Udon không được phép lên Bangkok.
Từ 1-1946, ông Trần Văn Giàu được cử sang Thái để lãnh đạo phong trào cộng sản trong khu vực. Miền Nam đã dùng [chính xác là] 75 ký vàng từ "tuần lễ vàng" cho các hoạt động trên đất Hạ Lào và Campuchia [theo sách đã dẫn]. Từ năm 1948, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ và "cách mạng Hạ Lào và Campuchia".
Thế mà người Thái vẫn tránh được "Tháng Tư".
Lào cách Thái một con sông, đôi bờ khác xa nhau. Và, Vientiane rất khác Luang Prabang. Luang Prabang vẫn rất Lào và nền quân chủ chỉ vừa mới bị "cách mạng" năm 1975 bởi những người Lào Cộng sản.
Cách đây mấy năm khi dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng - cung đường có 60 km ở phía Việt Nam và 60 km ở phía Lào [phía Lào mới thực sự là túi bom], tôi đã tự hỏi, nếu Việt Nam không xuất khẩu cách mạng sang Lào thì vương quốc hiền lành này có như bây giờ.
Cộng đồng người Việt đang chuẩn bị mở rộng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh như một Nhà Việt Nam ở Thái. Theo người trông coi khu tưởng niệm, phần xây dựng cũ chủ yếu được tài trợ bởi bà Trương Mỹ Lan và ông Trần Bắc Hà. Phần xây dựng mới sẽ do người Việt tại Thái Lan quyên góp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ [trong lưu bút ghi là "Prof. Dr" thay cho giáo sư tiến sĩ] cũng từng sang thăm và góp 50 nghìn USD.
HUY ĐỨC 30.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.