Một sự thật, bạn bè thân quen của tôi thời Liên Xô sau này đều làm to.
Đây là một bạn.
Năm 1989 tôi quay lại Liên Xô theo một học bổng cao học của bộ ngoại giao Liên Xô, đồng nghĩa với việc tôi không nằm trong danh sách cán bộ nguồn của Việt Nam, bộ giáo dục đào tạo và đại sứ quán Việt Nam không quản lý tôi vì không biết tôi là ai.
Thời đó danh xưng cao học chưa có ở Liên Xô, chỉ có mấy danh xưng nào là công nhân học nghề, sinh viên, thực tập sinh sau cao đẳng, thực tập sinh sau đại học, nghiên cứu sinh bao gồm phó tiến sĩ và tiến sĩ...
Học bổng cao học của tôi thuộc khóa thực tập sinh cao cấp ba năm của trường nghệ thuật Liên bang dành cho các các ngành đạo diễn đã tốt nghiệp sau năm năm. Khóa này có cả người đàn bà hát nữ hoàng Liên Xô Alla Pugachepva... Học khóa này không cần làm đề tài khoa học chỉ xây dựng và lập dự án. Dự án của tôi có tên " Kế hoạch thành lập nhà hát giải trí tư nhân tại Việt Nam ".
Trong thời gian ba năm tôi được quyền chọn đến làm việc nhiều nơi ở Liên Xô có thể kể ra, cung hòa nhạc Ucraine, đài truyền hình Kiev, nhà hát ba lê Kiev, nhà hát ba lê Belarusia, truyền hình trung ương Liên Xô, nhà hát Alla Pugacheva, cung đại hộ Kremli...
Năm đầu tiên tôi chọn về Kiev.
Tôi gặp anh một trung úy nhạc công ghi ta của một đoàn văn công quân đội, trên đường đi bộ từ một ga tàu điện ngầm đến ký túc xá của sinh viên và nghiên cứu sinh khối nghệ thuật tại Kiev. Anh sang làm thực tập sinh một năm tại trường cao đẳng âm nhạc Kiev, là người Việt Nam đầu tiên theo học trường này.
Anh học một năm tiếng Nga ở trong nước, chẳng đủ vốn từ và ngữ pháp tiếng Nga để theo đuổi những buổi học một thầy một trò theo quy chế thực tập sinh. Gặp thầy anh lẫn lộn thay vì chào anh lại nói lời tạm biệt. Trò chán đã đành thầy còn chán hơn, anh thường xuyên bỏ các buổi lên lớp, thầy ngầm khuyến khích kiểu không nói ra mặt - Tao không nghĩ mày là thiên tài, hãy làm một con người bình thường nghỉ ngơi cho khỏe một năm rồi về lại Việt Nam đệm ghi ta tiếp bài "Tiến bước dưới quân kỳ".
Bỗng dưng anh được quyền nghỉ ngơi, thi thoảng anh mò mẫm tới trường vì… đi lạc. Không lạc mới lạ, môt năm bốn mùa Kiev thay đổi hình dạng như trong chuyện cổ tích. Mùa nào cảnh đó, mùa thu ngập lá vàng, mùa đông tuyết phủ trắng xóa, mùa xuân đầy hoa tươi, mùa hè lộng gió cây xanh...
Gần hết năm thực tập anh chuẩn bị về nước. Anh buồn vì thực tập sinh một năm không được quyền có một suất thùng hàng gửi bằng đường biển. Anh nhờ tôi tới trường anh nói phải quấy. Tôi gặp bà giám đốc trường cao đẳng âm nhạc Kiev, thay vì anh là trung úy tôi phang anh là thiếu tá, thay vì chỉ là một nhạc công bình thường tôi phang tiếp anh là phó giám đốc phụ trách chỉ đạo nghệ thuật của một nhà hát quân đội phía bắc Việt Nam, tôi hăng máu bịa thêm, anh là người có thể sắp xếp để mời một nhóm sinh viên xuất sắc của trường sang Việt Nam biểu diễn trong tương lai....
Bà giám đốc trường há hốc mồm thốt lên, lạy chúa hóa ra anh ấy là một yếu nhân. Anh ấy quá khiêm tốn một năm trời anh ấy im lặng chẳng một lời về bản thân mình làm sao chúng tôi biết, đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao dân tộc Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, đơn giản các anh là một dân tộc anh hùng nhưng vô cùng giản dị và khiêm nhường.
Bà giám đốc trường đồng ý những gì anh xin.
Ra phố anh chạy theo tôi ngây thơ như một đứa trẻ rối rít, này bạn thân yêu ơi, bạn nói gì mà tôi thấy bà ấy ngây cả người rồi đồng ý nhanh như chảo chớp thế kia, bạn ơi bạn thật là tài.
Chúng tôi nhảy tàu điện đến bến cuối cùng trong một khu rừng bạch dương bên kia sông Dnhev uống bia tươi với thịt heo nướng bằng than gỗ sồi.
Ngày đóng thùng ở nhà ga Kiev tôi theo giúp anh làm phiên dịch với các bố hải quan Liên Xô. Đóng cùng ngày với anh có một nhóm sinh viên người Trung Đông. Các bố Trung Đông chỉ chuyên đóng đồ gỗ Liên Xô như tủ, bàn, giường, ghế, đi văng. Một điều đặc biệt là đồ gỗ Liên Xô được lắp rắp bằng những thiết bị các loại bù lông, đinh ốc và các nút vặn bằng kim loại. Tất cả đồ gỗ được tháo rời ra, gỗ thì chất đống vào thùng, các thiết bị kia được xếp gọn vào một cái cặp Samsonite đen sẽ xách tay lên máy bay về sau.
Anh lại chẳng biết điều này, khi đi qua bãi hàng đồ gỗ ngổn ngang của các bố Trung Đông, anh nhanh tay xách ngay một chiếc cặp Samsonite đang nằm hờ hững vì anh nghĩ chắc chắn trong đó là đồ quý, đô la thì không thể nhưng biết đâu lại là vàng?
Chiều muộn anh ghé tôi xách theo chiếc cặp Samsonite đen, anh cười như mếu, đ*t mẹ xui thế không biết. Tưởng vàng về mở ra toàn định ốc với bù lông các kiểu, bọn Trung Đông này ngu nhỉ, tưởng buôn vàng hóa ra lại đi buôn sắt.
Tôi nói với anh, anh giết tụi Trung Đông rồi. Đống sắt vụn này đối với chúng nó còn quý hơn vàng, không có mớ sắt vụn này mấy thùng hàng đồ gỗ nội thất sang chảnh sẽ chỉ là củi khô anh à?
Sau này chẳng biết anh có học hành gì tiếp không. Trước khi nghỉ hưu anh là thiếu tướng nghệ sĩ nhân dân giám đốc một nhà hát quân đội.
Liệu anh có còn nhớ chiếc cặp Samsonite màu đen của các bố Trung Đông trên sân ga Kiev?
Chẳng bịa.
Chẳng ai có thể bịa.
Mà bịa để làm gì?
MAI QUỐC VIỆT 28.04.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.