dimanche 28 avril 2024

Hữu Phú - Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ

…Đang ngồi biên tập bài của một phóng viên cấp dưới, tôi nhận được điện thoại của một thằng bạn học chung thời phổ thông. Mở máy ra nghe thì thấy nó hốt hoảng:

“Phú ơi, mày chạy ra đường Tôn Đức Thắng coi đi, tụi nó đang cưa mấy cây cổ thụ hàng trăm tuổi trên đường nè. Đ.M, Sài Gòn còn có mấy con đường còn cây cổ thụ mà tụi nó chặt mẹ hết rồi, đau lòng quá!”.

Giọng thằng bạn nghe đau lòng thật, vì nó là người Sài Gòn, cũng như tôi, coi Sài Gòn như máu thịt, như người thân, như người yêu, như một nơi chứa đựng những gì tốt đẹp nhất tận sâu trong tiềm thức, những kỷ niệm của từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ…

Tôi nhẹ nhàng trấn an thằng bạn, an ủi nó, và nói: “Tao có ra coi cũng chẳng làm được cái mẹ gì đâu, vì đó là chủ trương của lãnh đạo thành phố. Đang có một số dự án nghìn tỉ xung quanh khu vực đó, nếu ai chống đối sẽ bị quy chụp ngay. Thật ra, nếu tao có ra coi, chụp hình, viết bài thì cũng chẳng có ai đăng, nên mày chịu khó nhịn vậy, tao cũng nhịn!” Sau khi bạn tôi buông máy điện thoại, tôi thở dài, ngồi nhìn ra cửa sổ, trời trưa nắng chang chang.

Đó là câu chuyện của mười mấy năm về trước, lúc tôi còn làm Báo Thanh Niên.

Tôi là dân Sài Gòn, sinh ra và lớn lên ở đây. Những thằng bạn học cùng tôi cũng vậy, nên chúng tôi yêu Sài Gòn lắm, yêu từng con đường, góc phố, từng cánh hoa dầu xoay tít bay bay và những cái cây lớn lên từng ngày cùng chúng tôi. Bất kỳ những thay đổi nào của Sài Gòn cũng làm chúng tôi xúc động, chấn động, vì nó đụng chạm đến những kỷ niệm sâu kín trong lòng!

Còn nhớ, lần đầu tôi bị sốc khi ký ức Sài Gòn trong tôi bị thay đổi là: Những ngôi nhà trong xóm bị đập phá tan hoang hoặc thay đổi chủ vì chủ nhà cũ đã bị lùa đi kinh tế mới hay bỏ đi vượt biên. Lần thứ nhì tôi chấn động hơn khi vòng tường rào thấp của Lăng Ông - Bà Chiểu bằng gốm sứ hoa văn tráng men màu xanh lục (chúng tôi vẫn hay nhảy qua tường rào vào Lăng Ông chơi mỗi khi tan học) bị bứng đi đâu không biết. Thay vào đó là lớp tường xây bằng gạch quét vôi vàng có khung chông bằng sắt sơn màu đỏ ở bên trên, trông thật dung tục, tầm thường, mất thẩm mỹ.

Lăng Ông mất đi vĩnh viễn hình ảnh truyền thống mang tính biểu tượng đã từng được vẽ trên tờ tiền của chế độ cũ, chúng tôi mất đi ký ức của tuổi thơ. Rồi, đến những cây cổ thụ dọc theo các con đường vẫn thường thả hoa dầu bay bay trong gió mà tôi từng quen thuộc, những tòa nhà xưa cổ cũ kỹ đã được xây dựng trước đó hàng thế kỷ…

Sài Gòn thay đổi từ từ, dần dần nhưng… kiên định và triệt để, đến mức những thằng dân gốc Sài Gòn như tôi đi trên đường phố Sài Gòn mà còn… bị lạc, không nhận ra nơi chôn nhau cắt rún của mình. Sài Gòn toàn mất đi những thứ hữu dụng, chứa trong mình ý đồ, lịch sử, phải được gây dựng hàng trăm năm mới hình thành, để đổi lấy những cái ngây ngô, vô dụng hoặc chỉ xài vài năm đã hư hỏng, có cái thậm chí chưa kịp xài.

Cứ mỗi lần tôi muốn nhớ về Sài Gòn mà tôi từng sống, tôi lại phải tìm những tấm ảnh cũ được những người yêu Sài Gòn đăng, lưu giữ trên mạng Internet. Cứ mỗi lần người Sài Gòn phản ứng về những thay đổi tiêu cực của thành phố này thì tôi lại nghe người ta đuổi: “Đi qua Mỹ mà sống!” hoặc “Đi về miền quê mà sống”… Chúng tôi là người Sài Gòn mà không được có ý kiến về nơi mình sinh trưởng, cứ bị đuổi đi ra khỏi quê của mình hoài! Nhiều người vẫn nghĩ họ đã chiếm được Sài Gòn, nên có quyền.

Hôm qua, tôi viết một cái tút ngắn cảm thán về Sài Gòn, được nhiều người vô bày tỏ cảm xúc, bình luận, khiến tôi chợt… “vui sao, nước mắt chực trào!”.

Thành thật “sin” lỗi các bạn, nếu tôi có viết sai chính tả, ngữ pháp trong bài này. Hồi trước, lúc còn ở Sài Gòn, tôi cũng được ăn học đàng hoàng lắm. Từ ngày ở TP.HCM tới giờ, tôi phải thích nghi từ chuyện ăn học tới ăn ở, cũng thay đổi nhiều theo thời cuộc, cứ lần lần chuyển từ trung tâm ra ngoại ô, mai mốt chắc về quê ở thật…

Nhưng, quê tôi ở Sài Gòn, đi đâu bây giờ?

HỮU PHÚ 28.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.