… không phải là một chuyện mới đối với tôi. Hồi còn công tác và học tập bên Trung Quốc – vốn là nước mở cửa kinh tế trước Việt Nam 10 năm và tốc độ phát triển thì gấp 10 lần Việt Nam (có khi phải là 50 lần), thì thời đầu những năm 2000 cuộc sống của họ đã có nhiều điểm hơn ở Việt Nam bây giờ.
Con cái rời quê hương đi làm việc trên thành phố, thậm chí cách nhà đến hàng nghìn ki-lô-mét là bình thường, thế mới có chuyện “xuân vận” hàng năm.
Ở đây tôi muốn nói đến cái quan điểm giữ hay không giữ con ở lại gia đình khi con trưởng thành. Chẳng hạn cô gái được phát hiện hôm qua, đã 29 tuổi thì là phụ nữ, thậm chí có thể gọi là “đàn bà” rồi chứ, việc xa rời gia đình đi làm ăn là chuyện bình thường, chẳng ai giữ được. Nhưng cái mối dây liên hệ với gia đình thế nào mà đứt phựt cái đến cỡ như vậy, thì cũng đem lại nhiều nặng nề và sửng sốt cho tất cả chúng ta.
Riêng với gia đình tôi, cũng có một trường hợp tương tự. Lúc sinh thời, ông bạn của ông cụ nhà tôi cũng đã canh cánh về chuyện con trai bác ấy “biến mất” từ giữa những năm 1990, khi chỉ khoảng ngoài 20 tuổi. Tôi nhớ bác ấy khoảng sinh năm 1933, 1934 gì đó, nghĩa là bây giờ còn sống cũng 90 tuổi. Lần cuối tôi gặp là chở ông cụ đến thăm bác lúc ốm nặng sắp mất, cỡ cách đây hơn chục năm, vẫn nhắc chuyện con đi đâu mất mà không biết, không tìm được. Ngay từ hồi đó người ta đã đồn đoán rằng, cậu này giao du với những thành phần bất hảo, được rủ đi buôn ma túy, rồi bị đánh chết vùi xác ở đâu đó.
Khi nghe chuyện này, tôi cũng thấy lạnh lạnh sau lưng. Nhớ năm vừa tốt nghiệp lớp 12, Việt Nam – Trung Quốc còn chưa “bình thường hóa” cũng theo mấy anh lớn đi buôn biên giới, phải nhờ bộ đội biên phòng dẫn bò qua bãi mìn. Thỉnh thoảng cũng có người chết vì mìn. Nếu mình đi có những chuyến không báo cho gia đình, ở nhà chỉ biết là đi lấy hàng đâu đó, và rủi ro rơi vào đầu thì cũng khác gì những người trên đây đâu.
Nhưng với cha mẹ sinh con ra, một ngày không thấy con đâu và ôm cái đó đến tận hết đời, thì thật đau lòng. Với cái bác bạn ông cụ nhà tôi, chuyện từ thời thông tin còn hạn chế khả năng lan tỏa, mà bây giờ thời của mạng xã hội vẫn còn như thế. Con mình ở xa, một ngày không thấy gọi điện nhắn tin là đã thấy lo rồi, đây đến vài năm thì sợ thật. Sẵn lòng để cho con bay xa là một chuyện chắc chắn phải làm, nhưng “biến mất” mà không đăng báo, nhờ cơ quan điều tra… thì thật khó hiểu.
Năm ngoái, có lần đi cùng bạn là luật sư đến làm việc với một trường hợp bị công an bắt trọn ổ. Tóm được cả băng nhóm đến gần 100 cháu nam nữ, trẻ thì 13, 14, lớn chỉ 19, 20 đúng như con mình… Chúng được mấy thằng tội phạm “có chút cộm cán” gom lại sống chung trong một cái nhà khá lớn, xây cao tầng, nhiều phòng và hành nghề… lừa đảo online. Chính đó là cái bọn ngồi gọi điện cho hết người này đến người khác để lừa đảo đấy.
Hầu hết các cháu thất học, nhận thức hết sức thấp kém… nhưng không phải cháu nào nhà cũng nghèo. Chỉ có một điều thống nhất giữa tất cả các cháu (nói thế hơi quá, chắc 95 % thôi), là mối dây liên hệ của chúng với gia đình nói chung là đứt. Tất cả là hư hỏng, gia đình dạy dỗ không nổi rồi chính chúng bế tắc, bỏ đi và với gia đình chúng, coi như một sự “nhẹ nợ.”
Nhiều khi tôi rất băn khoăn, là với cái bác bạn ông cụ nhà tôi, người nhẹ nhàng hiểu biết, gia cảnh nghèo thanh bạch. Nhưng không hiểu sao con trai lớn thì hư hỏng, con gái nhỏ thì học hành không nổi, bây giờ đi làm thuê cũng không dư giả gì. Tức là, con hư hoàn toàn không phải độc quyền của nhà có của. Cháu tôi ở quê cũng vậy – gia đình không giàu có, chỉ ở mức bình thường nhưng hư vẫn hư, đó là sự hiểu biết về giáo dục con người của cha mẹ là kém.
Tôi không nói cô gái được phát hiện hôm qua là thế này hay thế khác, nhưng cái mối dây liên hệ với gia đình như vậy cũng là bị đứt. Và điều đó với xã hội phương Tây như thế nào tôi không biết, với xã hội phương Đông như chúng ta, chắc chắn gây lo lắng và đau lòng.
Thực sự, khi gặp nhiều bố mẹ, tôi không biết phải nói gì khi người ta cho rằng chỉ cần kiếm nhiều tiền cho con học trường xịn là đủ. Khi đó, gia đình hạnh phúc của họ là những hình ảnh đi chơi du ngoạn hoành tráng, những bữa tiệc xa hoa họ hàng đầy ắp… Nhưng rất nhiều những cháu trong số những người con từ các gia đình đó, lại thèm những phút của bữa cơm đầm ấm bình thường, không có. Chúng thèm sự quan tâm từ tốn, nhẹ nhàng nhưng tế nhị và thường xuyên, ngày nào cũng có, giờ nào cũng có của cha mẹ – những điều đó không bao giờ đến với chúng.
Vì vậy, nhiều khi chúng ta chỉ biết được chuyện khi nó lên đến báo chí thôi. Có rất nhiều chuyện chỉ có người này, người khác kể thì chúng ta mới biết. Và cả những tâm tư của tôi viết ở đây, người đọc thì cứ đọc nhưng biến nó thành hành động, không phải ai cũng làm.
PHÚC LAI 29.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.