1. Tin chiến sự, nhưng lại là vấn đề khác...
Về tình hình mặt trận, tôi sẽ viết sau. Tôi nghĩ, vấn đề này đáng quan tâm hơn :
Tư lệnh Phòng không – Không quân Ukraina, Trung tướng Mykola O Meatchuk đêm 26 rạng ngày 27/04 báo cáo lực lượng Nga đã phóng 34 tên lửa và lão thổ Ukraine.
Oleshchuk tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đã phá hủy tổng cộng 21 tên lửa: 6 tên lửa Kh-101/555, 8 tên lửa Kh59/69, một tên lửa Iskander-K và sáu tên lửa Kalibr. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko và nhà điều hành năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine DTEK báo cáo rằng các tên lửa không xác định của Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine ở các tỉnh Ivano-Frankivsk, Lviv và Dnipropetrovsk và làm hư hại “nghiêm trọng” bốn nhà máy nhiệt điện (TPP) không xác định – thông tin từ ISW.
Cũng trong bài báo cáo của mình, ISW đã tổng kết rất ổn đồng thời lưu ý người đọc về việc Nga nối lại việc tấn công bằng tên lửa Kalibr, nhưng do sợ mất tàu mặt nước, nên chúng được phóng từ các tàu ngầm nhóm Kilo.
“Bộ Quốc phòng Anh (MoD) báo cáo vào ngày 18 tháng 4 rằng các lực lượng Nga có thể đã cải thiện cơ sở hạ tầng tại cảng Novorossiysk để đáp ứng việc tái triển khai phần lớn tài sản của BSF ra khỏi căn cứ chính ở Sevastopol bị chiếm đóng và báo cáo rằng các lực lượng Nga đã nạp một lượng lớn khí tài.” “Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine (GUR), Thiếu tướng Vadym Skibitskyi báo cáo vào tháng 4 năm 2024 rằng Nga đã tích lũy được ít nhất 260 tên lửa Kalibr và dự định sản xuất thêm 30 tên lửa vào tháng Tư.”
Bình loạn :
Có một chuyện chúng ta đã làm ít nhất vài lần: so sánh những trận không kích bằng tên lửa và UAV của Nga vào Ukraine với chiến dịch 12 ngày đêm của Hoa Kỳ tháng 12 năm 1972 vào Hà Nội và Hải Phòng. Cũng không hiểu sao người Mỹ lại bảo chiến dịch này kéo dài trong 11 ngày, và trong 11 ngày đó không quân Hoa Kỳ đã thả xuống miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng, thêm một số ít mục tiêu ở Thái Nguyên, Bắc Ninh… 20.237 tấn bom các loại.
Cụ thể hơn, ví dụ trong danh sách của không lực Hoa Kỳ giai đoạn hai của Chiến dịch, mười mục tiêu ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng đã được lên, sau đó thực tế đã bị tấn công bởi các máy bay ném bom tiếp cận chúng theo bảy luồng, bốn trong số đó từ hướng Vịnh Bắc Bộ, còn lại từ căn cứ U-Tapao bên Thái Lan (Ảnh: bản đồ các luồng vào – ra của máy bay ném bom Hoa Kỳ).
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, mỗi mục tiêu của miền Bắc Việt Nam phải hứng chịu khoảng trên 180 tấn bom, ví dụ nếu dùng bom lượn 3 tấn của Nga thì là 60 quả – chà chà, kinh dị đấy chứ! Ví dụ tiếp nhé, một cái kho Đức Giang hồi đó diện tích cũng chỉ khoảng 2, 3 ki-lô-mét vuông chứ mấy, mà mỗi ngày nện cho 60 quả bom 3 tấn như thế, mỗi quả đào cái hố đường kính 15 mét, không phải là nát ra như tương ấy à. Thông tin sau đây trên Wikipedia tiếng Anh:
“Lực lượng Không quân (Hoa Kỳ) ước tính các quả bom đã gây ra 500 vụ tắc nghẽn đường sắt, phá hủy 372 toa xe và 11.000 mét khối (3 triệu gallon Mỹ) sản phẩm dầu mỏ và loại bỏ 80 % khả năng sản xuất điện của miền Bắc Việt Nam. Nhập khẩu hậu cần vào miền Bắc Việt Nam, được tình báo Mỹ đánh giá là 160.000 tấn mỗi tháng khi chiến dịch bắt đầu, đã giảm xuống còn 30.000 tấn mỗi tháng vào tháng 1 năm 1973. Tổng bí thư Lê Duẩn sau đó thừa nhận rằng vụ đánh bom “đã xóa sạch hoàn toàn nền tảng kinh tế của chúng tôi.”
Bất chấp thiệt hại, một nỗ lực to lớn đã được thực hiện để giữ cho mạng lưới giao thông được thông suốt. Khoảng 500.000 công nhân được huy động để sửa chữa hư hại do bom gây ra khi cần thiết, cộng thêm 100.000 công nhân làm việc liên tục. Các cuộc không kích không phá vỡ được thế bế tắc ở miền Nam, cũng không ngăn được dòng chảy hậu cần vào miền Nam Việt Nam qua đường Hồ Chí Minh.”
Quay lại với cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine: Vấn đề của Nga khi tiến hành tập kích đường không vào Ukraine là gì? Vấn đề là chúng đang phải không kích toàn bộ diện tích lãnh thổ “mà chúng chưa chiếm được” của Ukraine. Xin quý vị xem bản đồ thứ 2, lấy từ nguồn Wikipedia: “Russian strikes against Ukrainian infrastructure (2022–present)”, đồng thời theo đó là một số thông tin:
“Theo các quan chức quân đội Ukraine, đến cuối năm 2023, các lực lượng Nga đã phóng khoảng 7.400 tên lửa và 3.900 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed nhằm vào Ukraine…
… Vào ngày 10 tháng 10 năm 2022, Nga đã tấn công mạng lưới điện trên khắp Ukraine, bao gồm cả ở Kyiv, bằng một loạt 84 tên lửa hành trình và 24 máy bay không người lái cảm tử.”
Ngày nhiều nhất, được mệnh danh là “mưa tên lửa” cũng chỉ trên 100 quả. Ở đây tôi không tính UAV tự sát, vì tình hình thực tế cho thấy chính các đợt tấn công bằng UAV của Nga đã giảm nhiều, chúng được dùng kèm để tạo đặc điểm chiến thuật gây khó khăn cho hệ thống phòng không, chứ không còn nhằm mục đích chính là phá hoại nữa. Điều này cho thấy sự khác hẳn về hiệu suất sử dụng UAV kamikaze giữa hai bên – chủ yếu là do khả năng phân tán, ngụy trang mục tiêu của hai bên khác hẳn nhau. Nga vẫn duy trì đất nước là thời bình, nên các cơ sở sản xuất không sơ tán đi đâu, cũng không đưa vào tình trạng thời chiến để chôn giấu các mục tiêu được. Ukraine thì bắt buộc phải làm.
Nếu tính mỗi đầu đạn tên lửa, ví dụ như Kalibr có đầu đạn từ 400 đến 500 ki-lô-gram, thì số lượng 7.400 tên lửa trong 22 tháng, sẽ được quy ra là 3.700 tấn trong 660 ngày, trên một số lượng mục tiêu là 20 “mục tiêu”. Riêng chữ mục tiêu này, tôi phải cho vào trong ngoặc kép vì theo bản đồ thứ 2 này, nó đánh dấu các tỉnh của Ukraine, là khoảng 20 tỉnh (tôi không đếm chính xác vì không cần thiết) chứ không đánh dấu xem mỗi tỉnh có bao nhiêu mục tiêu. Điều này làm phép so sánh của chúng ta bị khập khiễng, vì trong bản đồ thứ nhất thì là số mục tiêu cụ thể của Chiến dịch Linebacker II, nó tập trung ở một khu vực nhỏ hơn nhiều.
Với các số liệu trên, chúng ta có thể tính được mỗi “mục tiêu,” chính xác là mỗi tỉnh của Ukraine phải hứng chịu 0,28 tấn thuốc nổ cho mỗi ngày đêm, tức 280 ki-lô-gram. Nếu như chúng ta có số liệu về số lượng mục tiêu cụ thể cho mỗi tỉnh để thêm một phép chia nữa, con số 280 ki-lô-gram kia còn thấp đi nữa.
Đến 180 tấn thuốc nổ một ngày cho một mục tiêu – mà còn không làm ngưng được dòng chảy hậu cần của Bắc Việt Nam vào đường Hồ Chí Minh, thì quý vị thử nghĩ xem 3 tạ thuốc nổ ném xuống một tỉnh to đùng, làm thế nào hạ gục được tinh thần của người Ukraine đây?
Điều nữa cần nói, Mỹ dùng B-52 ném bom rẻ hơn nhiều so với bắn tên lửa – chẳng hạn quả Kalibr tính phiên bản rẻ nhất cũng 1 triệu đô-la Mỹ 1 quả. 7.400 quả trong 22 tháng, tiêu tốn ngân sách quốc phòng 7,4 tỉ đô-la. Nếu con số đó được chuyển sang đạn pháo 152 mm, theo Euromaidan, chi phí của Nga khoảng 500 – 600 đô-la Mỹ / quả, thì có thể mua được 14.800.000 (mười bốn triệu tám trăm nghìn) quả đạn pháo. Nếu thực sự Nga có số đạn đó và đủ pháo binh để bắn hết vào quân Ukraine cấp tập trong 3 tháng trở lại, thì tình thế chiến tranh sẽ cực kỳ khó khăn với người Ukraine.
155mm shells rose in price from $2,700 per piece to €4,000 per piece. For russians, a 152mm shell costs $500-$600 per piece.
— Ukraine Front Line (@EuromaidanPR) December 19, 2023
The American company Vista Outdoor, which owns the manufacturers of firearms and cartridges Remington, CCI, Alliant Powder, Federal, reported the…
Tôi xin nhắc lại nhỡ có quý vị quên. Một anh sĩ quan Ukraine nói với tôi: Bây giờ thì Shahed đỡ nguy hiểm hơn, nhưng tên lửa thì vẫn rất đáng sợ. Tuy nhiên với khả năng của Nga như hiện nay, với tốc độ sản xuất như vậy thì không bao giờ đem lại được lợi thế trong cuộc chiến. Để hạ gục người Ukraine bằng tên lửa, Nga cần bắn tối thiểu, hừm, chẳng biết ước lượng bao nhiêu so với người Mỹ năm 1972 – một nửa được không ạ? Hay 1/10?
Thôi tính 1/10 đi cho “có lợi cho đương sự,” không thì bọn Dư Luận Viên lại bảo chúng ta dìm hàng Nga yêu quý của chúng nó. Tức là để đạt 18 tấn thuốc nổ cho 1 tỉnh của Ukraine cho 1 ngày, mỗi ngày Nga phải bắn được 36 quả tên lửa với loại đầu đạn 500 ki-lô-gram – đó là một tỉnh nhé, không phải là một mục tiêu. Trong khi đó hiện tại một ngày đêm Nga đang bắn được, như trận mới nhất là 34 quả trên toàn Ukraine với 20 tỉnh. Tức là đã hạ tiêu chuẩn cho chúng còn 10 % rồi, mà chúng vẫn chỉ đạt 5 % (1 phần 20) con số đó.
Nói chung là vô vọng. Tôi chỉ tiếc hơi “bố láo” một chút là sao nó không có năng lực sản xuất nhiều nhiều đi, cho tiêu cái túi tiền của Putox cho nhanh. Nhân dân Ukraine thì đằng nào cũng phải sơ tán, trốn, tránh đi chứ. Theo anh Q. vừa về từ Kyiv, thì tên lửa bắn vào thành phố bây giờ đúng là “trời gọi ai người nấy dạ” cứ với mật độ bắn như vậy, bảo nhau bây giờ đi sơ tán cũng khó.
P/S. Nhân tiện, ngay cái Wikipedia cũng rất bố láo – bản tiếng Việt về Chiến dịch Linebacker II nó có một đoạn trình bày về việc Bắc Việt Nam có “sắp cạn tên lửa” hay không, trong khi bản tiếng Anh không hề có. Tôi nghĩ là đoạn này do một thế lực nào đó cố tình cho vào để tạo lợi thế về thông tin cho Việt Nam. Việc này với người Mỹ cũng khó xác minh.
2. Vẫn là cuộc chiến đó, nhưng theo chiều ngược lại
Trong những ngày qua, ngay cả khi gói Viện trợ 61 tỉ đô-la Mỹ cho Ukraine đã được ký thành luật chính thức, người Ukraine vẫn tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 17 máy bay không người lái do Ukraine phóng đã bị hệ thống phòng không Nga đánh chặn và tiêu diệt thành công. Cuộc tấn công đặc biệt nhằm vào một cơ sở lưu trữ dầu nằm ở vùng Kaluga. Bộ này tiết lộ thêm rằng ba trong số các máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên khu vực Kaluga, trong khi thống đốc khu vực, Vladislav Shapsha, xác nhận rằng các máy bay không người lái đã rơi gần một kho dầu gần thị trấn Lyudinovo. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo sau vụ tấn công.
Ngoài các máy bay không người lái bị chặn trên vùng Kaluga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 9 máy bay không người lái đã bị phá hủy trên vùng Bryansk, 3 chiếc trên vùng Kursk và 2 chiếc trên vùng Belgorod. Các khu vực này đều nằm gần biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Reuters, một hãng tin, không thể xác minh độc lập những báo cáo này.
Bình loạn :
Rõ ràng là chẳng bao giờ có chuyện “Mỹ không cho Ukraine tấn công các cơ sở lọc dầu của Nga vì sợ ảnh hưởng giá dầu thế giới” – ý tôi muốn nói là yêu cầu chính thức từ nhà nước Hoa Kỳ với nhà nước Ukraine. Có thể có một ai đó trong nội các Hoa Kỳ nêu ý kiến cá nhân, và điều đó được bọn Nga vồ lấy như chất liệu quá tốt cho tuyên truyền.
Điều đáng nói là Nga có xu hướng không tiết lộ toàn bộ quy mô các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này. Sự thiếu minh bạch này khiến việc xác định quy mô thực sự của các cuộc tấn công và tính hiệu quả của các hệ thống phòng thủ của Nga trở nên khó khăn.
Chúng ta cũng sẽ dễ bị sa vào cái bẫy đưa ra nhận định, đánh giá rằng kết quả của những hoạt động này của Ukraine sẽ có tác động lớn, mạnh mẽ lên Nga. Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự, năng lượng và giao thông của Nga là một chiến lược có chủ ý nhằm làm suy yếu các nỗ lực chiến tranh của bọn Shoigu. Nhưng cần yên tâm với những con số nhỏ bé, chẳng hạn tác động của các đợt tấn công đó chỉ được phép tính là làm suy giảm 10 % năng lực sản xuất nhiên liệu của Nga mà thôi – thế đã là quá tốt rồi.
Nhưng có một điều, dù không tô hồng các sự việc, diễn biến nhưng chúng ta cần khẳng định với nhau một điều: nếu không có hiệu quả, tác động nào đó, thì người Ukraine sẽ dừng chứ không tiếp tục. Điều chúng ta đã biết rõ, và tôi cũng đã báo cáo trong bài viết, là những cú tấn công này nhằm cộng hưởng với các lệnh cấm vận về công nghệ lọc dầu. Vì vậy nếu chúng được duy trì đủ lâu thêm một thời gian nữa, thì toàn bộ nền kinh tế lọc dầu của Nga sẽ bị tê liệt, tức 90 % chứ không còn là 10 % nữa.
3. Mặt trận phía đông hoàn toàn không xấu đi
Đã có những thông tin về cuộc tấn công của Nga hướng đông bắc Avdiivka, làng Ocheretyne, nhưng điều này là do sự cố của Ukraine.
Trong khi một lữ đoàn thiết giáp giàu kinh nghiệm của Ukraine được luân chuyển ra khỏi tiền tuyến, quân Nga đã tình cờ nắm bắt được thời điểm và giành được vài ki-lô-mét vuông mặt đất. Tuy nhiên, bất chấp thành công ban đầu, người Nga đã thất bại trong việc khai thác sâu hơn tình trạng “mất điện” tạm thời này của Ukraine. Ngoài ra còn có giao tranh ác liệt đang diễn ra tại thị trấn Chasiv Yar, tây Bakhmut. Hiện tại, các đơn vị Ukraine ở đó đang giữ vững phòng tuyến.
Tình hình chắc chắn là khó khăn, nhưng “cũng phải chắc chắn rằng,” mặt trận ổn định, hay nói cách khác “mặt trận phía đông không có gì mới.” Theo các thông tin tôi hỏi được, bọn lính Nga đang đạt được những lợi ích tối thiểu trong khi tổn thất rất nhiều binh lính và khí tài.
Vậy cần giải thích việc này như thế nào? Tại sao lại có chuyện có một thời điểm nào đó trên phòng tuyến không có đơn vị nào chiếm giữ ?
Cũng từ nguồn thông tin của tôi giải thích: con người là vốn quý, không phải là đất. Hơn ai hết, người Ukraine vốn “cùng lò đào tạo Xô-viết với người Nga” hiểu rất rõ rằng, quân đội Liên Xô yêu cầu phải có bàn giao giữa hai đơn vị, và điều đó luôn tạo cơ hội cho đối phương đánh thiệt hại nặng cả hai đơn vị trong quá trình bàn giao đó nếu tấn công đúng thời điểm – Nga cũng rõ chuyện này và chắc chắn rất muốn rình những cú như thế.
Chúng ta không có căn cứ để cho rằng Nga có thông tin về việc đổi quân này, nhưng theo các thông tin công khai, đặc biệt từ bài của Forbes tôi dẫn hôm trước, thì UAV của Nga phát hiện ra phòng tuyến bị bỏ trống. Nếu tưởng tượng ra khi hai đơn vị tập trung như thế, mà nện bom lượn, tên lửa hoặc pháo kích thì nguy hại đến thế nào.
Đất thì đòi lại được, nhưng mất người thì không bù được.
Những nguồn thông tin của tôi đều khẳng định: tình hình mặt trận không xấu đi, dù khó khăn. Vậy tại sao lại khó khăn? Ta sẽ sang phần tiếp theo.
4. Nhận xét và kết luận
4.1. Dù Hoa Kỳ đã phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng sẽ phải mất một thời gian nữa kho đạn dược (vốn bị cho là “đã cạn kiệt”) của Ukraine mới được bổ sung và gói viện trợ này sẽ phát huy hết tác dụng. Ở đây còn có một vài khía cạnh nữa phải nói:
(1) Luật động viên mới của Ukraine (hạ độ tuổi) cũng vừa được ký cách đây ít lâu, không phải ngày một ngày hai mà có quân dồi dào được và (2) Với những tiêu chuẩn phương Tây dần được áp dụng, thì có một sự cầu toàn không hề nhẹ trong xây dựng lực lượng của quân đội Ukraine. Để có được một đội quân, còn phải lo từ đôi giày, cái áo lót. Xem một số video trên mạng vẫn thấy lính Ukraine đi những đôi giày khác nhau mà thương.
Anh Q trên đây tôi vừa nhắc, nói rằng chỉ có những người trực tiếp chiến đấu mới được phát quân trang, còn những người làm công tác hỗ trợ gián tiếp như hậu cần, tự mua hết.
Vậy là, chúng ta sẽ còn chứng kiến những khó khăn của quân Ukraine trên chiến trường thêm một thời gian nữa, chứ không nhanh được. Nhưng, cũng cần phải nhắc lại một đề nghị của tôi đã viết từ bài trước: tránh bị nhiễm vi trùng tư tưởng, vì Nga đang phóng đại, thổi phồng rất mạnh tình thế hiện nay trên chiến trường. Ngay các tài khoản mạng xã hội, chúng ta cũng không xác minh được hết tài khoản nào của những người ủng hộ Ukraine chân chính, chỉ cần cứ 10 tin thật 1 tin giả là chúng ta dở rồi (ông LXN là một dạng như thế này, dù ông ta không có ý xấu nhưng bị nhầm lẫn giữa yêu cầu phải khách quan với việc phải đưa tin bất lợi).
Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine hiện tại đang tận dụng tốt nhất, tình hình, dù phải dựa vào sự dũng cảm và kiên cường của những người lính của họ. Và nếu chúng ta thấy tin Nga chiếm được làng này, làng khác… cũng xin đừng lấy đó làm lo lắng: Thiếu đạn dược, người cũng thiếu, thì cố giữ đất chỉ mang lại thiệt hại về nhân lực, là điều không hề nên làm. Về chiến lược tổng thể, tình hình sẽ đi lên, nhưng sẽ phải mất thời gian. Chúng ta đã chờ được gần nửa năm cái gói viện trợ, thì thêm một vài tuần có bõ bèn gì?
4.2. Luật đảm bảo an ninh cho Ukraine – tức là viện trợ 61 tỉ đô-la đó – nó nói lên điều gì về chiến lược địa chính trị toàn cầu của châu Âu và Hoa Kỳ?
Đương nhiên là có liên quan. Nhiều bác hỏi tôi: sau Ukraine liệu Nga có tấn công các nước NATO như nhiều nhà phân tích khẳng định – và có vẻ hơi lo sợ?
Ngoại trưởng Séc cảnh báo: Xe tăng Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine sau chiến thắng
Trên sân khấu địa chính trị, Nga nổi lên như một mối đe dọa đáng kể đối với châu Âu, điều này đã được Ngoại trưởng Séc Jan Lipavský nhấn mạnh trong cuộc đối thoại gần đây tại Budapest cùng với người đồng cấp Hungary Péter Szijjártó.
Bày tỏ lập trường của quốc gia mình, Lipavský nhấn mạnh quan điểm kiên định của Cộng hòa Séc coi chủ nghĩa bành trướng của Nga là mối nguy hiểm lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt. Khẳng định tình đoàn kết vững chắc với Ukraine, Lipavský nhấn mạnh sự cần thiết của sự thống nhất châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước sự xâm lấn của Nga và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Lipavský kiên quyết chống lại quan niệm sai lầm rằng “tham vọng của Nga sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine.” Ông nêu bật tiền lệ lịch sử về ảnh hưởng của Mục-tư-khoa sau Thế chiến thứ hai mở rộng sang Trung Âu. Ông nhấn mạnh trách nhiệm chung của phương Tây, Liên minh châu Âu và NATO trong việc ngăn chặn mọi nỗ lực của Mục-tư-khoa nhằm tái lập sự thống trị ở châu Âu một lần nữa.
Bình loạn :
Vào thời gian những khó khăn của Ukraine “lập đáy,” Cộng hòa Séc đã nổi lên như một “ngôi sao sáng”, chứng tỏ mình là đồng minh trung thành của Ukraine: Tích cực ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU, mở rộng viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cũng như tiếp nhận nhiều người tị nạn. Chưa hết, họ tiên phong đưa ra các sáng kiến như mua đạn pháo cho Ukraine. Cộng hòa Séc rõ ràng là kẻ thù đối với chính sách bành trướng, mất dạy của Putox.
Nhưng ông Jan Lipavský nói đúng, đúng một phần lớn. Putox đã nhận thấy NATO mất động lực. Vốn được lập ra để bảo vệ lẫn nhau giữa các nước thành viên trước mối đe dọa từ Liên Xô, từ năm 1991 người ta còn bàn… giải tán cái Minh ước này. Như vậy, đầu tiên phải nhìn thấy được rằng, sự mất đi của Liên Xô cũng chính là sự mất đi của một hệ tư tưởng. Và Putox thì lại dày công xây dựng lại một hệ tư tưởng tương tự, chỉ khác về tên gọi, nhưng bản chất vẫn chứa đựng một chủ nghĩa bành trướng, đế quốc và không ngần ngại sử dụng phương pháp phát-xít.
Nếu NATO không được hồi sinh, thì sau chiến thắng ở Ukraine, Nga của Putox chắc chắn sẽ quay ra “xử lý” cặp Moldova và Georgia đầu tiên, sau đó là ba nước Baltic. Tôi không nghĩ Phần Lan sẽ là mục tiêu trong tương lai gần vì lịch sử thất bại của Nga từ thập niên 1940, vẫn còn sợ. Nhưng ba nước Baltic thì khả năng bị tấn công rất cao vì hai lý do: Sự bất lực của NATO và cái gọi là “yêu cầu lịch sử” của Putox. Trong số các mục tiêu trực tiếp, Ba Lan, Séc và Romania… sẽ là những nước an toàn nhất, ít nhất là vì tầm cỡ của họ cả về diện tích lãnh thổ và vị thế kinh tế - chính trị - quân sự.
4.3. Một mặt tấn công mạnh trên chiến trường, một mặt nói ra nói vào về “đàm phán hòa bình”
Cho đến nay, triển vọng về một cuộc đàm phán hòa bình vẫn còn rất xa vời. Hôm trước trên “Nghiên cứu quốc tế” có một bài kể về các cuộc nói chuyện giữa hai bên, và cho rằng do người Ukraine thắng thế sau The Battle of Kyiv và sau đó, chiến dịch mùa thu 2022 củng cố niềm tin của người Ukraine, nhất là Zelenskyy rằng họ có thể thắng được Nga, với sự hỗ trợ của phương Tây.
Vậy tại sao vẫn phải đưa vấn đề “Đàm phán hòa bình” ra để nói với nhau ở mọi cấp độ, từ chúng ta là những người quan sát (nói thế cho sang mồm, nôm na là hóng), đến tận Zelenskyy, Biden, và cả Putox? Vì nếu không có đàm phán và ký kết hiệp ước, thì chiến tranh không thể kết thúc và Nga không thể rút khỏi cuộc chiến, và như thế thì đất nước Ukraine vẫn ở trong tình trạng chiến tranh – đất nước Ukraine còn lâu mới hòa bình. Như vậy, để đạt được một thỏa thuận chấp nhận được, bên nào cũng cố phải có những thắng lợi trên chiến trường.
Từ tình hình quân sự trên thực tiễn đó, chúng ta dễ thấy nếu Nga đạt được tiến bộ đáng kể trên chiến trường, Putox sẽ không nhượng bộ. Đồng nghĩa với việc càng thành công trên chiến trường, hắn sẽ càng đưa ra những điều kiện khó chấp nhận với người Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ trong thái độ của chóp bu Nga năm 2023, sau khi cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè là không thành công.
Năm 2023 đến đầu 2024 cũng được đánh dấu bằng một “chiến thắng” của Putox – Shoigu ở Avdiivka, mà theo quan điểm của tất cả giới quân sự hiểu biết thì đó là thất bại của Nga với thiệt hại cực kỳ lớn. Đáng tiếc là logic đó không có tác dụng gì với Nga, đất nước không đếm xỉa đến sinh mạng các chiến sĩ của mình. Và chúng vẫn giải thích đó là “chiến thắng,” nhưng vì vị trí của cái “chiến thắng” đó chỉ là số không về chiến lược, nên không đủ để yêu cầu người Ukraine quy hàng.
Để bổ sung vào đòn đánh, bọn Putox dùng đòn bổ trợ là… thắng bằng mồm. Cố thuyết phục toàn thế giới rằng, Ukraine đang bị bỏ rơi, và chắc chắn bị bỏ rơi, “đằng nào cũng thế, thôi hàng đi.”
• Đó chính là bối cảnh của thời gian mấy tháng qua, chúng nói ra nói vào về “đàm phán hòa bình” nhưng với những điều kiện của chúng: Giải tán Chính phủ Zelenskyy, thay bằng Chính phủ khác thân Nga, giảm quân số Ukraine xuống còn vài chục nghìn, 3, 4 lữ đoàn xe tăng gì đó, không có máy bay và hạm đội. Mặt khác, Ukraine phải cam kết không gia nhập NATO. Đây là yêu cầu chính của Nga và có thể sẽ có mặt trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, trừ phi Ukraine có một chiến thắng dứt điểm và đi kèm với nó, là việc ngai vàng của Putox sụp đổ.
Tạm thời chưa nói điều này vội, ta cần cho rằng giả thuyết này nằm trong “mức độ thấp.” Cụ thể, nếu Putox có thể thuyết phục được người dân Nga rằng chiến tranh là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Nga, Putox có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chiến tranh. Khi đó bất cứ một diễn biến nào liên quan đến đàm phán, đều bất lợi cho Ukraine. Trên đây là các điều kiện về chính trị và quân sự, còn đương nhiên về đất đai thì sẽ là như thế này:
- Công nhận việc Nga sáp nhập Crimea: Đây là một yêu cầu quan trọng khác của Nga và gần như chắc chắn sẽ là vấn đề gây tranh cãi trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
- Công nhận việc Nga sáp nhập vùng Donbas: Đây là khu vực ở miền đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Trước đây trong những yêu cầu cũ, Nga muốn khu vực Donbas được trao một mức độ tự chủ đáng kể. Nhưng giờ đây sau khi đã sáp nhập (tháng 9/2022) thì có thể nội dung công nhận sáp nhập đó sẽ phải có như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
• Ngược lại, nếu Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công thành công, Putox có thể sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận hòa bình hơn – chúng ta có “Mức độ cao hơn,” dẫn đến diễn biến nội bộ bên trong nước Nga. Nếu chiến tranh ngày càng mất lòng dân ở Nga, Putox có thể chịu áp lực phải chấm dứt xung đột. Bọn chóp bu cầm quyền nước này sẽ phải tìm một giải pháp ở tầm trung, tức là tìm cách để Putox nhượng bộ một phần, mặt khác yêu cầu Ukraine nhượng bộ một phần. Đây là khả năng khó xảy ra.
• “Mức độ cao nhất” là việc người Ukraine phản công thắng lợi sẽ gây ra những biến động trong nước cũng như những tình thế bất lợi về địa chính trị quốc tế, sẽ gây sức ép lên nội bộ trong nước Nga dẫn đến việc lật đổ Putox. Những kẻ tiếp nối, về logic mà nói sẽ không còn động lực như Putox, mà động lực của chúng là túi tiền, nên sẽ muốn đàm phán hòa bình.
Các khả năng trên được liệt kê ra nhưng cần phải cân nhắc đến tình hình quốc tế. Nếu Nga ngày càng bị quốc tế cô lập, Putox có thể sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hòa bình hơn. Ngược lại, nếu Putox có thể đảm bảo được sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, hắn ta có nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài chiến tranh hơn, cho đến khi nào đạt được những điều kiện tốt nhất hay mức độ cao nhất.
Hiện nay, những diễn biến vừa qua đã cho thấy Putox đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ họ Tập, từ Bắc Triều Tiên và có thể Iran vẫn còn có một số hỗ trợ. Với Trung Quốc, đây là cơ hội vàng để cứu phần nào nền kinh tế đang suy thoái của họ. Nhưng vừa qua, Hoa Kỳ cũng đã có những động thái cảnh cáo Trung Quốc về việc này, nhưng khả năng cao là không đủ để chấm dứt quá trình đó.
Muốn chấm dứt nó, chỉ có cách duy nhất hiệu quả, là những viện trợ thực tế, thiết thực của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường. Có những băn khoăn rằng, liệu những hỗ trợ đó có tác dụng lên cục diện chiến trường hay không – với sự phục hồi của Nga như hiện nay? Xin trả lời rằng, ngày càng nhiều những phàn nàn của lính Nga về chất lượng đạn dược gửi ra mặt trận.
Ảnh kèm theo bài này về một khẩu pháo của Nga bị toác nòng do đạn không được bắn đi mà nổ tại chỗ. Nga có thể phục hồi, nhưng không bao giờ mạnh bằng thời tấn công Kyiv, càng không thể mạnh bằng hồi chiếm Sievierodonetsk. Còn Ukraine thì sẽ mạnh hơn Ukraine thời đó. Khi có những thay đổi ở chiến trường, thì Trung Quốc có muốn và còn duy trì hỗ trợ, cũng không còn ý nghĩa.
Xin nhắc lại một điều rằng: dù có hỗ trợ gì chăng nữa, thì cũng không thay đổi được cách thi hành chiến tranh của Nga. Vẫn là tiền pháo hậu binh, và hệ thống vẫn thế. Trước cái hệ thống này dù đông, đã bị HIMARS phá tan từng mảnh thì bây giờ, còn đông hơn trước, lùi ra xa hơn trước nhưng liệu có chống trả được với ATACMS hay không?
Với gói hỗ trợ này, tôi không chỉ nghĩ đến Kherson – Crimea mà lại nghĩ đến Donbas.
Thông tin thêm: Khoảng ba, bốn ngày trước đã xảy ra các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở miền nam nước Nga, gần cầu Crimea. Cùng lúc đó, 4 máy bay theo dõi của NATO đang bay trong cùng khu vực, có lẽ nhằm mục đích xác định vị trí các khẩu đội phòng không của Nga cũng như vị trí radar của chúng.
Liệu có phải sắp đến lượt cầu Kerch? Chúng ta ùng chờ xem tình hình thế nào nhé!
Một lần nữa: sự ủng hộ của chúng ta với Ukraine là rất quan trọng, nhưng lòng tin của chúng ta vào chiến thắng của người Ukraine, còn quan trọng hơn nhiều.
PHÚC LAI 29.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.