Ở kinh kỳ, người ta đang bàn về chuyện hoa Lan hoa Huệ tâm ran. Cánh hoa nào nở, đóa hoa nào tàn là thứ thước đo để người này hơn kẻ nọ về độ thạo tin.
Đồn đi rồi đồn lại, lần nào cũng không đồn lầm!
Và những người nông dân lầm than vì mất mùa mất mùa sau vụ nông sản bị mưa đá trắng trời Tây Bắc, hạn hán khô cằn Tây Nguyên và hạn mặn đến không còn nước sinh hoạt ở Tây Nam Bộ là một sự thật khác.
Cứ đi qua những nhiệm kỳ đổi mới, kiến tạo mà sao nông dân vẫn khổ vậy? Khổ chân thành khi bị chọc là có thu nhập 10 triệu/tháng là vô nhóm người giàu rồi nghen chú Tư. “Giàu *** ! Nhậu tiếp mày. Lên tivi mà giàu!” Thu nhập hơn 10 triệu/tháng của chú Tư nuôi bé Hai học đại học và thằng Út lớp 11, nói theo thím Tư là “ná thở con ơi”. Chỉ có chai đế, mớ cá thòi lòi câu tạm và ít còng làm mắm kiểu và khía trộn gỏi sầu đâu. Hồi xưa cá thòi lòi dân Miền Tây còn chẳng thèm bắt cho heo ăn chứ đừng nói là người ăn.
Có một quán tính kỳ lạ của nhiều người Việt là “hóng chuyện triều đình” coi ai lên, ai xuống. Ai xuống lên thì phận dân vẫn thế. Có điều những thân phận ấy nổi trôi mấy ngàn năm vẫn trôi nổi như nhạc Phạm Duy viết đó thôi.
Thời tiết ngày càng cực đoan hơn nhưng mấy ai nhớ những điều cực đoan nào đã xóa sổ rừng già để chứng minh “lấy sức người vượt sức thiên nhiên”. Đi làm nông cũng gọi là chiến dịch, đi bán hàng mà “đánh” thị trường nọ, “chiếm” thị trường kia nghe sao như mà chiến tranh chưa lùi xa hay sao ấy.
Giai thoại còn sống, nhà văn Sơn Nam có tếu táo “Vô Hội Nhà văn kiếm nhà văn y chang lấy rổ múc nước”. Nước mình mấy chục ngàn hợp tác xã mà sao xuất khẩu ít hơn trong nước làm ra xa lắc. Công ty/cá nhân nước ngoài về đầu tư thì nhân viên bị hỏi coi có thế lực thù địch, phản động, chống phá gì không? Họ nghe mà mệt và đi luôn… Mang danh nông nghiệp ngồi lại với nhau xong rồi cũng ý như “lấy rổ múc nước”.
Có lần người quen về nước tính làm từ thiện, tôi giới thiệu, rồi về im luôn. Tôi hỏi ủa sao vậy? Chỉ cười cười. Uống chục lon bên bờ kè mới nói: “Cái chỗ người nhận hàng đó hồi năm kia bay vô chửi nhóm từ thiện là ba que, đu càng Mỹ nên thôi để kiếm chỗ khác cho chắc em ơi”. Gần nửa thế kỷ trôi qua cộng sản, cộng hòa không lẽ còn chưa học được cách cộng sinh sau nhiều năm cộng hưởng đau thương hay sao? Chỉ có cái comment mang thiên kiến của một kẻ nào đó mà mất luôn chuyến hàng từ thiện mấy trăm triệu…
Gần như tuyệt đại đa số người tôi gặp chỉ bàn chuyện đơn hàng, rất rất rất hiếm người bàn chuyện thị trường. Không lạ và không buồn nữa mà hiểu rằng sâu xa là họ không dám làm cái gì lâu dài khi câu chuyện thực thi chính sách lại nay khác, mai khác. Nó giống trạng thái vàng trong dân không phải không có mà người có vàng sợ tài sản “dần trong quan”. Lịch sử tiền tệ Việt Nam Xã hội chủ nghĩa chưa tròn trăm năm lập quốc đã có 6 lần đổi tiền rồi đó. Mà 3/6 lần đổi tiền là sau khi thống nhất đất nước. Ai còn nhớ đổi xong thì dân còn gì?
Bữa về một huyện nghèo, mở lời tặng 5.000 quyển sách làm điểm đọc để mấy đứa nhỏ có chỗ xem sâch, đỡ tui tập nhậu nhẹt, đua xe, đánh nhau. Cân bộ quản lý làm cho một câu: “Anh làm cái đơn xin được tặng sách.” Đi về mà lòng cảm thấy “rất sao sao”. Hồi xưa tính nóng chắc làm luôn câu “Xin tặng ***!”, may mà kềm được. Thế kỷ 21 rồi, người ta ứng xử với sách như vậy thì hỏi sao mà xã hội rời rạc đến thế?
Lò vẫn cháy phừng phừng và mặt trời vẫn đang tỏa sáng tại Việt Nam, nên chắc cháy nhiều và sáng quá mà hạn mặn hơi nhiều thôi. Ráng mà làm bộ lọc nước mặn cho chú Tư rồi nếu thấy hiệu quả thì Tây Nam Bộ làm theo. Nên từ chối ý tốt của một ông anh kết nối gặp một chính khách đi tắm biển để chứng minh Formosa không xả thải. Nói thiệt, gặp xong sợ dân chửi mình “như ***” luôn. Do anh ấy gặp quan nhiều hơn dân nên không biết đó thôi.
Có những ngày rời rạc, ăn tô trái cây dầm thay bữa tối rồi về nghe Tiếng trống Mê Linh để nhớ mình còn Đất Nước chứ không kỳ vọng gì to tát cả…
MAI QUỐC ẤN 25.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.