mercredi 3 janvier 2024

Trần Kiên Cường - Nước Úc không phải của tôi (1)

1. Giấc mơ nước Úc

Ở thời trai trẻ, ròng rã nhiều năm, tôi không ngừng mơ ước được đặt chân đến nước Úc của châu Đại dương.

Ước mơ về cái “chân trời tím” ấy nẩy mầm từ lâu, lâu lắm rồi. Khi mới ngoài đôi mươi, khi còn đang đeo đuổi con đường do cha mẹ muốn tôi theo là làm khoa học và đắm mình với giảng đường đại học. Nhưng nói về cái giấc mơ Nước Úc ấy chắc phải hơi dài dòng tí tẹo.

Số là, vào khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, có một giáo sư người Úc gốc Việt từ Auckland của New Zealand đến trao đổi khoa học về đào tạo trong chuyên ngành Viễn thông với các giảng viên Khoa Kỹ thuật Viễn thông (KTVT) của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khi đó, Khoa KTVT vừa mới hình thành từ việc tách khoa Vô tuyến điện thành hai : Khoa KTVT và Khoa Điện tử. Để đặt tên khoa, vị giáo sư đáng kính của ngành Vô tuyến điện là Thày Bùi Minh Tiêu cũng đã làm một số hội thảo để “chốt” cái tên Khoa Kỹ thuật Viễn thông (để rồi nó cũng chẳng tồn tại lâu, thậm chí không được nhắc đến trong lịch sử của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Bởi Khoa này nhận thêm phần đào tạo đại học ngành Viễn thông mà Bộ Giáo dục-Đào tạo “tước” của Đại học Bưu điện cho chuyển về Bách Khoa.

Nếu kể ra thì việc tách và nhập của hai khoa (tiền thân là Bộ môn) Viễn thông và Điện tử vốn là “gà cùng một mẹ” này thì cũng sẽ là một thiên tiểu thuyết với đầy sắc màu trinh thám và giật gân, nhưng để nói về với nước Úc của tôi đã.

Tiếng là trao đổi, nhưng thực ra vị giáo sư kia đến giảng bài cho các giảng viên của khoa KTVT về công nghệ mới và phương hướng đào tạo của ngành Viễn thông ở nước ngoài. Ngoài lề bài giảng, vị giáo sư kia đã kể về cuộc sống ở New Zealand và Úc, bởi ông đang chuyển từ Đại học Công nghệ Auckland tại New Zealand sang Đại học Queensland tại Úc.

Từ đó, hinh ảnh về nó, về cuộc sống đẹp đẽ của Châu Đại dương đã hình thành và được bồi đắp như một thiên đường xa xôi trong tâm trí tôi. Nó cũng là động lực để tôi lao vào học tiếng Anh “như điên”, mong muốn có thể với tay đến ước mơ một ngày nào đó đặt chân lên hòn đảo to nhất thế giới kia.

Tôi lần mò tìm cách xin học bổng đi Úc hoặc New Zealand. Tự mình thôi. Bởi cũng chẳng có ai mà hỏi, cũng chẳng có ai tư vấn. Xung quanh mình chỉ những người biết ít hơn, còn người biết nhiều hơn chắc chắn họ không nói.

Qua những tài liệu ít ỏi đọc được từ Thư viện Khoa học & Kỹ thuật Quốc gia 26 Lý Thường Kiệt (nơi một thời tôi “ăn ngủ”, ngồi từ sáng mở cửa đến tối mịt ngoài giờ lên lớp), qua thông tin từ các tạp chí khoa học nước ngoài. Tôi tìm cách viết, đánh máy, chuẩn bị hồ sơ gửi đến các Trường, các Viện khác nhau trên đất Úc để xin học bổng hay xin dự hội nghị, hội thảo với mong muốn được “bao” phần lớn hoặc toàn bộ chi phí. Bởi tiền lương giảng viên đại học khi đó của tôi thì không đủ cho cái nhét mồm hàng ngày, nói gì đi đây đó.

Vậy là tôi đã tiết kiệm tiền từng suất ăn, chắt bóp dành dụm để mua những con tem, trả tiền chuyển phát thật sự đắt đỏ (với tôi khi đó) những bức thư, những hồ sơ “tự chế” để xin suất học ở bất kỳ nơi đâu trên cái châu lục xa xôi ấy. Mà ngày đó, có ai nói cho tôi biết rằng những lá thư và những bộ hồ sơ ấu trĩ ấy sẽ chẳng bao giờ được quan tâm đâu.

Với quá khứ học tập tại một nước xã hội chủ nghĩa, lại không có giới thiệu, đỡ đầu của người nổi tiếng nào đó, cũng chẳng có kinh nghiệm làm việc cụ thể, trong một ngành học mà ở Việt Nam khi đó còn lạc hậu lắm. Cộng thêm với việc hầu hết những địa chỉ gửi đến đều “sai” (phải xin nơi cho tiền học chứ không xin học bổng ở nơi đào tạo), thì những nỗ lực của tôi đơn giản chẳng khác gì sự cố gắng của chàng Don Quixote trước những chiếc cối xay gió.

Vậy mà tôi vẫn mơ, vẫn đều đặn tìm tiền gửi thư đi trong âm thầm hy vọng.

Có một số hồi âm, mà nội dung thì chắc chưa nói cũng đã biết, toàn bộ là negative, tức là từ chối, dù lời lẽ trong các phúc đáp có thể rất nhã nhặn.

Những ai đã từng chứng kiến cảnh “xếp hàng” đi thi nghiên cứu sinh hoặc đợi suất thực tập sinh ở các trường Đại học của Việt Nam vào những năm ấy. Rồi khi nhận được suất thi do Bộ Giáo dục-Đào tạo chuyển xuống để bước vào cuộc chiến sinh tử chọi nhau với các đồng đội của mình trước, trong và sau kỳ thi. Với những đơn xin “trục vớt” từng mỗi phần tư điểm, với những đơn kiện suất ra vào lúc đối thủ chuẩn bị được chọn…Thì sẽ thấy cái khát khao được đi ra nước ngoài đào tạo của lớp nhà khoa học trẻ ở Việt Nam khi đó lớn thế nào.

Kẻ đi được là vài năm sau về phép, béo tốt hồng hào, chia quà hào sảng và nói to, cười nhiều. Người tụt lại là vẻ mặt khô héo, hắt hiu với những nếp nhăn cơm áo gạo tiền chạy bữa vẫn tiếp tục.

Có cảm giác, khi đó, cả xã hội quay cuồng trong sự thiếu thốn, đói ăn và vô vọng. Có lẽ, cái túng thiếu và khó khăn không làm người ta, những người còn trẻ như tôi khi đó cảm thấy “nản” và sợ hãi bằng thiếu vắng hy vọng ở tương lai. Nhìn lớp đàn anh, những người làm thầy, làm khoa học không có cơ hội “vượt biên” lao đao trong khó khăn, thấy gai người khi nghĩ mình sẽ rơi vào cảnh ấy. Những câu chuyện khổ sở của những người làm nghiên cứu sinh “chết đuối” (nghiên cứu sinh trong nước) càng làm cho tương lai mờ mịt thêm. Giấc mơ đi học tập, nâng cao ở nước ngoài càng xa dần theo năm tháng.

Tất nhiên, thời ấy qua rồi.

Cũng như ước mơ đặt chân đến đất Úc của tôi ngày đó cũng đã từ lâu trôi vào dĩ vãng.

Cho đến một ngày gần đây, khi cái visa du lịch Úc trong 3 năm “rơi” vào cuốn hộ chiếu một cách nhẹ nhàng như lá mùa thu, nó chợt đánh thức trong tôi những kỷ niệm về nỗi ước ao xưa của một thời đã xa.

TRẦN KIÊN CƯỜNG

Ngày cuối năm 2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.