Có bạn Phật tử hỏi ác tăng, ma tăng có phải đệ tử của ma vương không? Đây là câu hỏi rất hay nhưng liên quan rộng đến thế giới quan trong đạo Phật.
Những khái niệm như “ma tăng”, “ác tăng” ngay từ thời Phật tại thế đã có. Nhưng có thể sự hiểu về “ma vương” thông thường vốn chưa được lý giải đầy đủ.
Ma vương làm chủ Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới). Sự chi phối mạnh nhất của ma vương chính là Dục giới. Chi phối toàn bộ từ đất nước, cây cỏ, muông thú và con người. Cho nên trong tương quan ấy, tham sân si vẫn là cội gốc phiền não đau khổ của cõi dục.
Với 54 tâm dục giới gồm: 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân và 24 tâm tịnh hảo, ma vương đều làm chủ. Ngay cả 15 tâm sắc giới và 12 tâm vô sắc giới cũng do ma vương làm chủ. Duy chỉ có 40 tâm siêu thế trong tiến trình đạo quả từ tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm và a là hán là thoát khỏi vòng cương tỏa của ma vương.
Nhìn vào đó sẽ thấy oai lực vô cùng của ma vương, vừa bao hàm vừa thúc đẩy vừa ngăn che thiện ác trong Tam giới. Khi chưa chứng Tứ quả, chúng sinh trong Tam giới không thể ra khỏi những năng lực trong các tâm thiện ác kia của ma vương.
Muốn làm điều cực thiện, ma vương sẵn sàng giúp sức cho làm điều cực thiện, nhưng đừng có ý muốn giải thoát. Ai có ý muốn giải thoát khỏi vòng Tam giới (với 81 tâm) sẽ bị ma vương quấy phá.
Ngay khi Đức Phật quyết tâm ngồi ở cội Bồ đề, ma vương đã không ngừng quấy phá. Cho đến khi Ngài vượt qua trạng thái của 40 tâm siêu thế, hàng phục ma vương, ma vương mới thừa nhận mình thất bại.
Nhưng vì lo ngại chúng sinh sẽ thoát ra khỏi vòng cương tỏa của mình, nên ma vương rất lo sợ nếu Phật chuyển pháp luân, đem tiến trình tu tập đạo quả kia phổ biến, hoá độ cho nhiều người.
Vì vậy ngay khi Đức Phật thành đạo, ma vương đã thôi thúc Ngài nhập niết bàn. Ban đầu, Đức Phật cũng có ý định nhập niết bàn ngay, nhưng vì thương tưởng chúng sinh nên Ngài nói với ma vương, chừng nào Ta có đủ 4 chúng thanh tịnh giải thoát thì Ta sẽ nhập niết bàn.
Sau 49 năm thuyết pháp, 4 chúng (tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ) của Ngài đắc quả vô số. Khi ấy ma vương yêu cầu Ngài thực hiện lời hứa. Ma vương không muốn sự mất quân bình trong Tam giới, nên hối thúc Phật hãy nhập niết bàn ngay đi.
Không có ai biết tâm lường ấy để thỉnh cầu Phật trụ thế nên thuận duyên Ngài hứa với ma vương ba tháng sau Ngài sẽ nhập niết bàn.
Khi lời hứa phát ra, bắt đầu đại địa xuất hiện các dị tượng. Vì con người, đặc biệt các bậc thánh có nguồn năng lượng tương quan mật thiết với tự nhiên. Nhận ra những điểm dị thường ấy, lại nghe Đức Phật căn dặn chúng đệ tử, khi ấy một số đại đệ tử mới thỉnh Phật trụ thế. Nhưng công hạnh viên mãn, người có duyên độ đã độ xong, Phật đã nhận lời ma vương nhập diệt rồi.
Xuất phát từ sự kiện này, trải về sau nghi thức thỉnh Phật trụ thế được xem là vô cùng thiêng liêng và quan trọng đối với Phật giáo.
Các bậc Thầy giác ngộ, các vị La hán, Bồ tát tái sinh, các lãnh tụ tinh thần có sức ảnh hưởng đến thiện tâm của tứ chúng luôn là đối tượng để tứ chúng hướng tâm thỉnh trụ thế, hay nói đơn giản là cầu trường thọ.
Vì vậy khi thấy các bậc Thầy xuất hiện các tướng suy theo định luật vô thường, chúng đệ tử thường mở pháp hội Dược sư để cầu trường thọ. Có thể duyên chưa mãn, vì lòng thương tưởng, các Ngài sẽ ở lại thêm.
Đức Phật nhập niết bàn vào ngày trăng tròn của tháng đầu tiên khi hoa sa la đang nở theo như lời hứa của Ngài với ma vương. Từ ý nghĩa này, vào những ngày đầu xuân mới, ngoài việc chúc phúc, các chùa thường mở pháp hội Dược Sư cầu trường thọ cho thầy tổ và ông bà cha mẹ.
Trở lại với câu hỏi trên, trong Phật giáo, chúng ta nên có cách nhìn đầy đủ hơn về ma vương hay ma tăng.
Khi chưa chứng tứ quả, không ai nói chắc được gì trong 81 tâm Tam giới mà ma vương có khả năng chi phối. Đề Bà Đạt Đa, người từng có ảnh hưởng thứ hai trong giáo đoàn thời Đức Phật cũng từng là một ác tăng, sau cũng được Phật thọ ký.
THÍCH THANH THẮNG 14.01.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.