Ra tòa không phải lúc nào cũng là họa, phiên tòa xử vụ Việt Á không chỉ minh oan mà còn vinh danh cho ông Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương.
Tuy nhiên, lẽ ra ông phải được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong quá trình điều tra, vì nguyên tắc của tội phạm không chỉ là “có dấu hiệu” vi phạm mà phải “nguy hiểm cho xã hội” ”[Điều 8, Bộ Luật Hình Sự].
Hành vi của ông Danh không những “không gây nguy hiểm cho xã hội” mà còn có giá trị cứu người. Cái sai của ông chỉ là không làm đúng những quy định máy móc, quan liêu [trong luật Đấu Thầu]. Nếu ông vô cảm, mặc kệ dịch bệnh, mà tuân thủ những quy trình đó thì ông đã không phải ra trước vành móng ngựa đứng chung với những tên tham nhũng thật.
Không chỉ rồi sẽ còn có thêm những người lâm vào hoàn cảnh như ông Danh, Việt Nam sẽ không thể nào phát triển nếu không sửa luật Đấu Thầu, luật Đầu Tư Công, Luật Ngân Sách và bỏ Luật Quy Hoạch.
Một tỉnh miền Trung cả năm nay không thể cựa quậy gì vì “Kế hoạch sử dụng đất” bị “giam” ở Bộ Tài Nguyên Môi Trường và quy hoạch thì đang "cầm" ở Bộ Xây Dựng [nó còn phải trình Chính Phủ và Trình Quốc Hội nữa].
Năm 2023, cả nước không khởi công được nhà máy điện nào. Các chuyên gia tin rằng, 2028 sẽ thiếu điện trầm trọng nhưng không thể làm gì được.
Nhiệt điện Quảng Trạch chậm tiến độ hàng năm vì theo Quy hoạch Điện VII thì nó chỉ có công suất 1.200 MW nhưng vẫn ngân sách ấy, nhà thầu chào công suất tốt hơn, 1.403 MW. Thế là phải chờ chỉnh lại quy hoạch và trình xin lại quyết định đầu tư. Theo báo cáo của EVN thì nhiều nhà máy điện đã khởi công vẫn phải ngừng thi công chờ bổ sung thủ tục.
Mọi quy trình là để xây các nhà máy chứ không phải bắt các nhà máy ngồi đợi quy trình. Nhiều quan chức vô tù, mất chức chỉ vì “làm trái” Quy hoạch Điện VII, trái với một quy trình chủ yếu là duy ý chí.
Trong khi, các dự án điện gió, điện mặt trời phát triển trong các năm từ 2018-2021 chiếm tỉ trọng 15-16 % sản lượng toàn hệ thống. Trong ngày nắng nóng đỉnh điểm 19-5-2023, điện mặt trời và điện gió đã "cứu" được 115 triệu kWh trong tổng số 923 triệu kwh (12,5 %) khi cả nước đã khai thác hết nguồn điện.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thì điện tái tạo đã góp phần giảm mạnh điện chạy dầu giá cao, tiết kiệm khoảng 10.850 - 21.000 tỷ. Và cho dù giá điện năng lượng tái tạo gây ra những nghi vấn tham nhũng thì theo EVN, giá điện mặt trời và điện gió [9 Uscent/kWh] trong 3 năm qua rẻ hơn các nhà máy than nhập khẩu [14,2-16,9 Uscent/kWh].
Thay vì phải đặt nguyên tắc “nguy hiểm cho xã hội” lên trên hết các quy trình xử lý đều chủ yếu căn cứ vào… quy trình. Phải mất hai năm mới có được Quy hoạch Điện VIII, thời gian đủ để phát triển thêm nhiều nguồn điện.
Thay vì làm quy hoạch, ngành điện cứ đưa ra các dự báo và cảnh báo về nhu cầu sử dụng điện [dựa trên các chỉ số tăng trưởng] và minh bạch chính sách mua bán điện để ngân sách hoặc các nhà đầu tư tư nhân, FDI cân nhắc đầu tư thì các công trình được xây đã là nhà máy chứ không phải là nhà tù.
Những luật như Luật Đầu Tư Công và Luật Quy Hoạch mang rất nặng tư duy quan liêu bao cấp. Chúng mâu thuẫn với hệ thống chính sách mà Việt Nam hình thành từ sau Hiến pháp 1992, chống lại cải cách và đi ngược với tiến trình xây dựng kinh tế thị trường.
Luật Ngân Sách một mặt đang hình thức hóa quyền lực hội đồng nhân dân, một mặt đang nuôi dưỡng lực lượng sân sau chạy dự án.
“Xin - chia” [xưa gọi là “xin - cho”] cũng từ đó; “củi” cũng từ đó.
Nếu không thay đổi căn bản phương thức quản trị quốc gia thể hiện trong những luật này, thì chẳng những đất nước càng ngày càng tụt hậu mà quan chức Việt Nam sẽ là “nghề” làm giàu nhanh nhất và cũng chịu nhiều rủi ro nhất.
HUY ĐỨC 13.01.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.