mercredi 17 janvier 2024

Hữu Phú - Đối nhân xử thế !

Cả tuổi thanh xuân của tôi (từ hai mấy tới bốn mấy tuổi) dành cho Báo Thanh Niên, gần hết thời gian này là tôi làm việc trong thời anh Nguyễn Công Khế làm Tổng Biên tập.

Thời gian tôi làm ở Báo Thanh Niên là một chuỗi ngày dài cực nhọc, gian khổ trăm bề, “thù trong giặc ngoài”, bị cô lập, chèn ép tứ phương, phải phấn đấu, chiến đấu liên tục, không phút nào được lơ là cảnh giác…

Tôi bắt đầu ở báo Thanh Niên từ một phóng viên tập sự, lên tới phóng viên bậc cao nhất trong ngạch trong thời gian ngắn. Tôi biết khá rõ tất cả những người làm trong báo Thanh Niên cùng tôi thời điểm ấy, tất nhiên là cả anh Nguyễn Công Khế.

Anh Khế là một người ưa được khen, đáng tiếc tôi lại không phải là một thằng hay nịnh, kiên trì nịnh, và nịnh giỏi…

Suốt thời gian anh Nguyễn Công Khế làm Tổng Biên tập báo Thanh Niên, tôi không bao giờ đến nhà anh Khế vào các dịp lễ, Tết (những lúc này nhà anh Khế đông như trẩy hội). Đến mức mà anh Khế phải gọi điện thoại cho tôi, trách: “Ai cũng tới nhà tao, sao không thấy mày?”. Tôi có tới nhà anh Nguyễn Công Khế khi có công việc buộc phải tới, và khi anh Nguyễn Công Khế… không còn làm Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Tôi chẳng có gì phải xin anh Khế cả.

Ở báo Thanh Niên, có nhiều người được hưởng ơn huệ của anh Nguyễn Công Khế. Được cất nhắc lên làm những vị trí tốt, thu nhập cao, trong khi năng lực, tư cách không có hoặc không đủ... trong đó không có tôi.

Tất cả những gì tôi có, tôi đạt được khi làm việc ở báo Thanh Niên đều do tôi tự thân phấn đấu mà nên. Tôi “trải chiếu” nằm trên trang nhất báo Thanh Niên nhiều ngày liên tiếp vì bài của tôi nó buộc phải vậy. Tôi có nhiều loạt bài như thế trong nhiều tháng, nhiều năm. Tôi được thưởng nóng nhiều nhất, nhiều lần nhất, nhuận bút được chấm cao nhất… cũng bởi bài của tôi xứng đáng được như thế.

Không ai có thể cho một Nhà báo tên tuổi, danh dự, nếu tôi có được anh em trong làng báo biết tên, thì cũng là do thành tích của tôi trong nghề.

Tôi bị nhiều người trong báo Thanh Niên kình chống, gài bẫy, ám hại, “đâm sau lưng” và cả đối đầu nhau trực diện… nhưng chưa bao giờ tôi “méc” với anh Nguyễn Công Khế, yêu cầu can thiệp, phân xử. Chỉ đến khi tôi thấy “đối phương” đông quá, mạnh quá, khả năng là tôi không chống đỡ nổi thì tôi mới nộp đơn xin nghỉ việc để… chạy. Lúc đó, anh Nguyễn Công Khế mới biết và giữ tôi lại.

Anh Nguyễn Công Khế từng nói thẳng với tôi: “Mày là kiêu binh!”. Đương nhiên, kiêu binh thì phải được “uốn nắn” cật lực để bớt kiêu đi, để sử dụng cho an toàn, ở báo Thanh Niên luôn đầy người sẵn sàng làm điều đó với tôi. Tôi cũng biết rằng với tính cách và năng lực của mình, tôi đi báo nào rồi cũng sẽ “gây thù chuốc oán” với nhiều người. Không một Tổng Biên tập nào chịu hiểu (có thời gian tìm hiểu) và muốn dùng, tận dụng một phóng viên ngang tàng, ngang bướng như tôi. Muốn biết rõ về nhau, cần phải có một quá trình. Tôi và anh Nguyễn Công Khế đã có duyên hình thành một quá trình như vậy, từ lúc tôi còn là một thằng phóng viên tập sự ti toe muốn trở thành một cây bút phóng sự điều tra.

Tính tôi nóng, thẳng tưng, hay chửi thề… chỉ có anh Nguyễn Công Khế là nghe tôi chửi thề mà cười khà khà (cũng chỉ có mình tôi ở Báo Thanh Niên dám chửi thề với Nguyễn Công Khế). Chỉ có Nguyễn Công Khế mới không đuổi việc, phạt tôi khi tôi viết bài thiếu chỉ tiêu, không nghe lời Tổng Biên tập chỉ đạo.

Vì thế, nên tôi vẫn ở lại báo Thanh Niên thời Nguyễn Công Khế.

Không phải lúc nào anh Khế cũng đúng, và tôi sẽ không nghe lời anh Khế khi tôi thấy anh Khế sai. Tôi cũng sẽ không làm việc ở cơ quan anh Nguyễn Công Khế làm sếp lớn nhất, nếu tôi thấy tôi không được phát huy hết khả năng của mình, theo ý tôi, điều kiện của tôi.

Đối với tôi, những khó khăn mà tôi gặp phải ở Báo Thanh Niên cũng chỉ như những cữ dợt, rèn luyện bản lĩnh của một thằng đàn ông trong đời. Nếu không vượt qua được, san bằng trở ngại do mấy gã “cóc cắn” tạo ra để ngáng đường mình, thì sao tôi có thể giải quyết những vấn đề khó khăn hơn trong công việc? Nếu không đủ sức chịu đựng khổ ải, thì làm sao làm chủ gia đình, bảo bọc, bảo vệ, chống chịu phong ba cho vợ, con?  Tôi không có ai nâng đỡ để dựa dẫm, chỉ có thể đi bằng đôi chân của mình. Đời có bao giờ bằng phẳng, đi đúng lộ trình như mình muốn?

Là một phóng viên điều tra chuyên nghiệp, nhạy bén, lẽ nào tôi không biết mình đang sống trong môi trường, hoàn cảnh nào, đang đối phó với ai. Những gã đó như thế nào, năng lực, tính cách ra sao, sẽ dùng kế gì để thanh toán, triệt hạ mình? Không biết thì làm sao tôi đỡ đòn, phản đòn nổi?

Một số bạn cho rằng tôi mang ơn báo Thanh Niên, mang ơn anh Nguyễn Công Khế… Không đâu, cá nhân tôi nghĩ báo Thanh Niên trả cho tôi chưa đúng & đủ với những gì tôi đã làm cho tờ báo. Còn đối với anh Nguyễn Công Khế thì: Tôi chưa nhận được lợi ích nào, quyền lợi hay vị trí béo bở, làm việc nhàn lãnh lương cao, có quyền mắng người này chửi người kia, ra lệnh cho người nọ... Tôi không được đưa vào danh sách mua nhà, đất, cổ phần gì trong bất cứ dự án nào của báo Thanh Niên hay cả khi anh Khế làm sếp bất cứ cơ quan nào.

Tóm lại, tôi không phải là người nằm trong nhóm người tâm phúc của anh Nguyễn Công Khế để anh Khế cất nhắc, vun bồi. Tôi chỉ là một người anh Khế cần trong giai đoạn anh làm Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trong vị trí một cây bút chuyên về Nội chính của báo.

Tuy nhiên, tôi vẫn không thể nói, viết những lời không hay về anh Nguyễn Công Khế, dù anh Khế có sai và tôi biết rõ. Bởi, nếu tôi làm vậy, thì làm sao tôi có thể đối diện với những người thân quen của cả hai chúng tôi. Làm sao tôi có thể ngẩng đầu, bình thản giao lưu với bạn bè trong giới ở tư thế của một con người?

HỮU PHÚ 17.01.2024

Chú thích ảnh: Trung Bảo gởi tôi tấm ảnh bữa tiệc cuối cùng của anh Khế với anh em chúng tôi, cũng có thể nói là cùng đồng nghiệp báo chí của anh.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.