Kỳ 5: CUỘC ĐẢO CHÍNH 20 TIẾNG VÀ “HẬU CỨ CHÍNH TRỊ” ÔNG TẠ
Sau khi phản đảo chính 1-11-1963 thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, ông Dzinh đã từ dinh tư lệnh Sư đoàn ở Sa Đéc về ở cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, cạnh nhà nữ tài tử Kiều Chinh.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Dzinh phản đảo chính cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, người đồng hương huyện Lệ Thủy, Quảng Bình của mình.
Ba năm trước, ngày 11-11-1960, ông Dzinh, lúc ấy là trung tá, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng của Sư đoàn 21 bộ binh cũng từ miền Tây mang một pháo đội 105 cùng đại úy Lưu Yểm, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33 của của Sư đoàn 21 bộ binh kéo về Sài Gòn nhổ chốt Phú Lâm do Tiểu đoàn 8 nhảy dù trấn giữ; thẳng đường về Dinh Độc Lập dẹp tan cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu.
Ở cư xá Lữ Gia, năm học 1963-1964, các con ông như Bùi Dzũng, học nội trú lớp đệ ngũ - nay là lớp 8, cùng hai em trai: Cường, lớp đệ thất (lớp 6) và Bình, lớp nhì (lớp 4) trường Đắc Lộ (nay là Trường trung học cơ sở Ngô Quyền, Tân Bình) ở gần ngã tư Bảy Hiền. Anh trai tôi cùng tuổi, cùng khối học, cùng nội trú với Bùi Thanh Bình, con ông Bùi Dzinh ở đây. Anh Bình là con trai thứ tư của ông Dzinh, sau này học khoá 31 Trường Võ bị Sĩ quan Đà Lạt.
Năm 1964, ông Dzinh mướn nhà thầu Vũ Thịnh xây ngôi nhà đầu tiên ở Khu chỉnh trang/vườn cao su Phú Thọ trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt) nhìn xéo sang khu đất nay là chợ Tân Bình. Đối diện bên kia đường là nhà của đại tá Quỳnh, chỉ huy trưởng Trường sĩ quan Chiến tranh chính trị Đà Lạt.
Xây nhà cho mình nhưng ông Dzinh cũng xây dựng một kế hoạch cho đại sự. Nỗi tiếc thương “ông cụ” (Tổng thống Diệm) trong ông vẫn cháy bỏng. Và ngày 19-2-1965, ông ra tay: cùng đại tá Phạm Ngọc Thảo tham gia cuộc đảo chính nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh. Cuộc đảo chính do thiếu tướng Lâm Văn Phát chỉ huy. Cụ thể ông đã cùng trung tá Lê Hoàng Thao mang quân từ Long An chiếm trại Lê Văn Duyệt (Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, nay là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh). Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Biệt khu Thủ đô bị quản thúc tại đây gần một ngày đêm.
Theo một tài liệu mà đại tá Thảo nắm được, Mỹ và Nguyễn Khánh đã thỏa thuận sẽ ném bom xuống miền Bắc vào 20-2-1965, vì vậy cuộc đảo chính sẽ tiến hành ngày 19-2-1965.
Trong cuộc đảo chính này, quân đảo chính mang 45 xe tăng, thiết giáp cùng, các đơn vị địa phương quân, lực lượng Trường bộ binh Thủ Đức và chủ lực là Trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25 chiếm trại Lê Văn Duyệt, Đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và phi trường - Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt.
Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đưa máy bay cứu Nguyễn Khánh, bay ra Vũng Tàu. Không rõ chuyện gì trong nội bộ phe đảo chính mà trên tờ tin Việt Tiến (in ronéo, phát bí mật), đại tá Phạm Ngọc Thảo, bút hiệu Lê Minh viết: “Chúng tôi vì không muốn đổ máu mà hơn nữa ngay từ phút đầu đã thấy có sự chia rẽ và tranh giành nhau, nên tôi đã cho lệnh chấm dứt cuộc chính biến vào lúc 20 giờ ngày 19-2 và coi như 20 giờ làm chủ thủ đô đã chấm dứt”.
Cuộc đảo chính thất bại. Tuy nhiên, cùng với nhiều cuộc biểu tình phản đối, ông tướng có chòm râu dê rất vui Nguyễn Khánh buộc phải lưu vong với chức danh “đại sứ lưu động”. Ông tướng này rất “tếu”. Theo tác giả Lê Văn Nuôi, trong bài viết “Xé hiến chương Vũng Tàu và buộc Nguyễn Khánh từ chức” trên báo Tuổi Trẻ ngày 20-4-2005, khi bị sinh viên biểu tình, hô “Đả đảo độc tài quân phiệt!”, tướng Nguyễn Khánh cũng một tay vung lên, một tay cầm micro: “Đả đảo” (!).
Một hội đồng tướng lĩnh lập ra, do Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu, ra lệnh tướng Lâm Văn Phát và hai đại tá Bùi Dzinh, Phạm Ngọc Thảo và 12 sĩ quan khác ra trình diện trong 24 tiếng.
Hầu hết đào thoát (bỏ trốn). Ngày 26-4-1965, Tòa án Quân sự tuyên bố “tử hình khiếm diện” (vắng mặt) bốn sĩ quan chủ chốt của cuộc đảo chính: tướng Lâm Văn Phát, hai đại tá Bùi Dzinh, Phạm Ngọc Thảo và trung tá Lê Hoàng Thao.
Đại tá Bùi Dzinh bị kết án tử hình với tội danh “chuyên viên đảo chính và sử dụng quân đội bất hợp pháp”. Ông Dzinh chạy về vùng Ông Tạ, ẩn náu ở lò bánh mì nhà ông Dần trên một con đường nhỏ nay là Chữ Đồng Tử, cạnh trường Mai Khôi tôi học. Sau đó, ông sang Nhà hưu dưỡng các linh mục trong khuôn viên nhà thờ Chí Hòa cách đó vài chục mét.
Bị lùng sục ráo riết, ông chạy về nhà một ông trùm giáo xứ Lạng Sơn ở Xóm Mới (Gò Vấp) một thời gian. Ông bị bắt ở đây, đưa về tạm giam ở Tổng nha Cảnh sát Quốc gia - Sài Gòn trước khi bị giải sang khám Chí Hòa tháng 5-1965.
Chính quyền tịch thu nhà của ông ở đường Nguyễn Văn Thoại. Vợ ông và chín người con nhờ người cậu ruột là trung tá Lý Trọng Lễ (sau này là dân biểu tỉnh Bình Long rồi làm tỉnh trưởng Khánh Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu) ở dãy nhà lầu đối diện hồ tắm Cộng Hòa mua căn nhà số 203B đường Lê Văn Duyệt nối dài (sau năm 1967 đổi số 207 rồi cuối cùng là số 211 đường Phạm Hồng Thái, Gia Định - nay là Cách Mạng Tháng Tám); nhờ người dì đứng tên và ở đó từ tháng 9-1965 cho tới giờ.
Căn nhà ở đầu đường Sở Mỹ (nay là đường Lê Minh Xuân) và Nguyễn Văn Thoại, xéo chợ Tân Bình được chính phủ Sài Gòn trả lại năm 1967 sau khi miễn án tử hình, trả tự do cho ông - nhân dịp Tổng thống Thiệu ban hành hiến pháp nền Đệ nhị Cộng hòa.
Gia đình ông ở chính là ngôi nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa cho đến khi đi nước ngoài cuối năm 1980. Căn nhà luôn đóng kín cửa phía đường Cách Mạng Tháng Tám. Khách ra vào bằng cửa sau. Bà cựu đại tá Bùi Dzinh tướng to cao, phúc hậu. Cùng số phận đau buồn, trước khi định cư ở Pháp, hai bà cựu phu nhân hai đại tá Lê Quang Tung (nhà cách đó hơn trăm thước, trong hẻm An Tôn - nay là hẻm 947 Cách Mạng Tháng Tám) và Bùi Dzinh thường qua lại thăm viếng nhau…
Đại tá Phạm Ngọc Thảo thoạt đầu cũng trốn về vùng Ông Tạ, với che chở của linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ bút báo Xây Dựng và sau này là chánh xứ tiên khởi giáo xứ Xây Dựng trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân). Đại tá Thảo vốn gốc Công giáo. Cha Lãm cho biết: “Tôi biết chắc những người có dụng ý loại trừ Thảo không muốn chuyện bắt bớ kéo dài kéo theo nhiều chuyện lôi thôi. Bởi họ không thể không biết đại tá Phạm Ngọc Thảo rất được cảm tình và sự che chở của nhiều chức sắc cao cấp Công giáo”.
Và thế là đại tá Phạm Ngọc Thảo bị bắt nhanh chóng và sát hại dã man. Lúc đó, linh mục Nguyễn Quang Lãm với bút danh Thiên Hổ đã đăng loạt bài điều tra 40 kỳ về cái chết của đại tá Thảo. Mười năm sau, năm 1974, nhà báo linh mục Thiên Hổ còn viết một loạt bài nhiều kỳ trên báo Hòa Bình, lại nêu nghi can đã giết đại tá Thảo.
Tướng Sáu “lèo” Nguyễn Ngọc Loan trước sau không nhận mình là thủ phạm. Ngày 20-12-2012, trong bài viết “Cái chết bi thảm và sứ mệnh hoàn hảo” của anh Hoàng Hải Vân trên báo Thanh Niên, linh mục Nguyễn Quang Lãm kể đã từng hỏi Nguyễn Cao Kỳ: "Hồi đó mọi người đều nói tướng Nguyễn Ngọc Loan tự tay giết chết Phạm Ngọc Thảo. Mà tướng Loan từng là người thân cận của ông?”. Nguyễn Cao Kỳ đã trả lời: “Tôi không biết ông Loan có giết ông Thảo hay không, nhưng mọi quyết định đều do ông Thiệu”.
Có lẽ cha Lãm và nhiều vị chức sắc Công giáo không nghĩ đại tá Thảo là sĩ quan tình báo bên kia. Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể cũng vậy, dù trước đó, ông Dương Văn Hiếu, chỉ huy Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung (cơ quan tình báo, phản gián của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu và Nguyễn Tư Thái phụ trách) đã bí mật theo dõi đại tá Phạm Ngọc Thảo, đề nghị Tổng thống Diệm lưu ý.
Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung từng bắt một loạt sĩ quan tình báo chủ chốt phía bên kia: các ông Trần Quốc Hương (tức Mười Hương - chỉ huy chỉ huy mạng lưới tình báo), Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, đại tá Lê Câu (chỉ huy Quân báo miền Nam)…
Nhà ông Hiếu ở đầu một con hẻm nhánh bên trái của hẻm vô nhà thờ An Lạc (nay là hẻm 686 Cách Mạng Tháng Tám) vùng Ông Tạ, cách nhà linh mục - nhạc sư Kim Long một căn. Con trai đầu của ông tên Thuận. Mấy bố con đều vui vẻ, hòa nhã với bà con lối xóm.
Sau đảo chính 1-11-1963, do là chỉ huy một đơn vị của cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn, ông Dương Văn Hiếu bị bắt, tù khổ sai chung thân ở Côn Đảo. Nhưng một năm sau, ông được thả, về buôn bán thuốc tây mưu sinh. Tối 28-4-1975, ông Hiếu và Thuận, con trai lớn di tản cùng trung tướng Nguyễn Văn Là, cựu tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Hơn chục năm sau, ông bảo lãnh vợ và tám con còn lại định cư ở San Jose, California, Mỹ.
Riêng tướng Phát ra trình diện, bị Hội đồng Kỷ luật Quân đội tước cấp bậc, buộc ra khỏi Quân đội vào tháng 10-1965. Trung tá Lê Hoàng Thao sau cũng được tha bổng và rời quân ngũ.
CÙ MAI CÔNG 06.11.2023 (Còn tiếp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.