jeudi 30 novembre 2023

Trần Văn - Đọc Kết Luận Điều Tra vụ Vạn Thịnh Phát: Luật pháp có thể... đút túi? (3)

 

Sự tùy tiện trong diễn giải và áp dụng pháp luật còn thể hiện ở chuyện bỏ qua, “không xem xét trách nhiệm hình sự” cho bảy viên chức (ba của KTNN, ba của Cơ quan TTGS NH thuộc NHNN, một của TTCP) là thành viên Đoàn Thanh tra SCB.

Trong Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan”, Cơ quan Điều tra (CQĐT) không chỉ bày ra sự tùy tiện vừa đáng ngại, vừa đáng ngờ khi diễn giải và áp dụng pháp luật.

Chẳng hạn cùng nhận tiền để làm ngơ cho SCB hưởng lợi nhưng CQĐT xác định chỉ có bà Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGS NH) 2 thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phạm tội “nhận hối lộ”.

Mười bảy viên chức còn lại thì phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” dù mô tả về hành vi phạm tội và nhận định của chính CQĐT về hậu quả do hành vi phạm tội của 17 người đó chẳng khác gì so với mô tả về hành vi phạm tội và nhận định của CQĐT về hậu quả do hành vi phạm tội của bà Nhàn gây ra.

Sự tùy tiện trong diễn giải và áp dụng pháp luật còn thể hiện ở chuyện bỏ qua, “không xem xét trách nhiệm hình sự” cho bảy viên chức (ba của KTNN, ba của Cơ quan TTGS NH thuộc NHNN, một của TTCP) là thành viên Đoàn Thanh tra SCB. Trong bảy người này, có ba người nhận 100 triệu đồng, ba người nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng, một người nhận 6.000 USD và 50 triệu đồng từ đối tượng bị thanh tra.

Trang 227 của KLĐT giải thích, sở dĩ các ông bà Lại Văn Bách, Bùi Vũ Hồng Trang, Phạm Thị Thùy Linh, Phạm Quốc Thịnh, Phạm Hồng Linh, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Hà Linh được tha vì “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra. Quá trình làm việc với Cơ quan điểu tra đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận từ SCB, hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án”.

Cứ tìm đọc chín trang từ 217 đến 226 trong KLĐT, mô tả về hành vi phạm tội và nhận định về hậu quả mà các thành viên Đoàn Thanh tra SCB gây ra, ắt sẽ thấy có những người cũng “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra” như ông Nguyễn Duy Phương - chỉ nhận khoảng 45 triệu đồng và cũng đã chủ động nộp lại tiền, được CQĐT ghi nhận là “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” (trang 225 và trang 226) nhưng vẫn bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhiều thành viên khác trong Đoàn Thanh tra SCB, tuy có chức vụ như ông Vương Đỗ Anh Tuấn (Tổ trưởng Tổ 3 của đợt thanh tra đầu, Tổ trưởng Tổ 2 của đợt thanh tra thứ hai) được ghi nhận “đã chủ động khai báo thành khẩn” về việc nhận 40.000 Mỹ kim và hai cái áo, đồng thời đã “chủ động, phối hợp với gia đình, nộp lại ngay toàn bộ số tiền’’ (trang 221), hay ông Trần Văn Tuấn (Tổ trưởng Tổ 4 của đợt thanh tra đầu, thành viên Tổ 1 của đợt thanh tra thứ hai) cũng chỉ nhận 6.000 Mỹ kim và 40 triệu đồng – khoản tiền đã nhận chỉ bằng hoặc thấp hơn một số người được cho là “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động” và dù cũng được CQĐT ghi nhận “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội, đã nộp toàn bộ số tiền vụ lợi” (trang 222) nhưng cả hai không được miễn xem xét trách nhiệm hình sự... Còn lý do nào nữa để CQĐT quyết định “không xem xét trách nhiệm hình sự” bảy người đã kể?

***

Hai mươi lăm viên chức được giao trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động của SCB đều trực tiếp nhận tiền, quà của SCB để hoặc không hành động đúng chức trách, hoặc làm những điều có lợi cho SCB nhưng chỉ có một người bị xác định “nhận hối lộ” là lý do buộc phải thắc mắc, CQĐT bảo vệ và thực thi pháp luật nào. Vì Bộ Luật Hình sự hiện hành đã xác định rất rõ “nhận hối lộ” là gì ở Điều 354. Có một điểm cần lưu ý là lúc đầu, trừ ông Nguyễn Văn Du bị khởi tố vì “Thiếu trách nhiệm gây hậu hậu quả nghiêm trọng”, 17 viên chức còn lại trong số 18 viên chức bị khởi tố cùng bị xác định là có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, kể cả bà Đỗ Thị Nhàn (trang 3 KLĐT).

Sau đó, CQĐT quyết định thay đổi quyết định khởi tố, điều tra bà Nhàn và bảy bị can khác về hành vi “nhận hối lộ” (trang 4 KLĐT). Trừ bà Nhàn, cả bảy bị can này chỉ là thành viên Đoàn Thanh tra SCB, đa số chỉ nhận trên dưới một trăm triệu từ SCB, không có những bị can như ông Nguyễn Văn Hưng – thượng cấp của bà Nhàn, người chỉ đạo, giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra và là người mà ý kiến về Kết luận thanh tra có tính quyết định, đã nhận của SCB khoản tiền là 390.000 Mỹ kim (trang 216 KLĐT).

Hay các ông Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, bà Nguyễn Thị Phi Loan, ông Nguyễn Tín - những người mà CQĐT buộc phải ghi nhận là đã bao che cho SCB trong hàng chục năm, đã nhận của SCB từ 470 triệu đến 1,8 tỉ đồng (trang 242 và 243 KLĐT)... Phản ứng có tính tất nhiên vì thiếu hợp lý trong xác định tội danh, trách nhiệm hình sự có thể là lý do CQĐT quyết định thay đổi quyết định khởi tố đối với bảy bị can là thành viên Đoàn Thanh tra SCB thêm một lần nữa, thôi nhắm vào hành vi “nhận hối lộ” và đề nghị truy tố cả bảy về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như ban đầu (trang 4 KLĐT).

***

Bộ Luật Tố tụng hình sự buộc Viện Kiểm sát đồng cấp phải xem xét hồ sơ vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” một cách cẩn thận trước khi quyết định lập Cáo trạng truy tố các bị can theo đề nghị của CQĐT hay trả hồ sơ cho CQĐT, yêu cầu điều tra bổ sung hay điều tra lại... nhằm bảo đảm việc phải tuân thủ pháp luật (1).

Cho dù KLĐT vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” có nhiều điểm không bình thường, cho dù phải bảo đảm việc xử lý hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, bảo đảm sự vô tư khi tiến hành tố tụng nhưng... ngành kiểm sát cũng được đặt dưới “sự lãnh đạo toàn diện và sáng suốt của đảng CSVN” mà đảng đã hạ lệnh “từ nay đến hết năm 2023, phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với hai vụ án, trong đó có vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” (2) thì... thôi chứ bàn gì nữa! Đảng đã muốn thì phải làm cho xong, “xác định sự thật” không quan trọng, lúc khác hãy “phấn đấu”!

TRẦN VĂN (Bài đăng trên VOA ngày 01.12.2023)

Chú thích :

(1) BỘ LUẬT HÌNH SỰ

(2) Phấn đấu hết 2023 ban hành cáo trạngtruy tố vụ Vạn Thịnh Phát, FLC; xét xử vụ Việt Á

Trần Văn - Đọc ‘Kết Luận Điều Tra’ vụ Vạn Thịnh Phát: Chết và hóa giải trách nhiệm (2)

Trần Văn - Đọc ‘Kết Luận Điều Tra’ vụ Vạn Thịnh Phát: Chết và hóa giải trách nhiệm (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.