mercredi 1 novembre 2023

Cù Mai Công - 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (1)

 

Kỳ 1: BA ĐẠI TÁ DÂN ÔNG TẠ ĐƯỢC “ÔNG CỤ” ĐẶC BIỆT TIN CẨN

(Tôi không viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn sẽ phải viết lại hoàn toàn nếu các mưu sự, tính toán của ba vị đại tá ấy thành công).

Trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, TP.HCM), có hẻm An Tôn (nay là hẻm 947 Cách Mạng Tháng Tám). Hẻm này dài hơn hai trăm thước, cuối hẻm nhìn xéo bên phải là Trường trung tiểu học Mai Khôi (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân).

Xưa tôi học tiểu học ở Mai Khôi, nhiều lúc qua lại hẻm này vì trong đó có nhà cô giáo lớp Bốn của tôi. Cô tên Bùi Mai Phương, ba cô là giáo sư Bùi Ngọc Liên, anh ruột giám mục Bùi Tuần, cũng dạy ở Mai Khôi (và nhiều trường khác).

Cùng dãy nhà với nhà cô tôi có một ngôi nhà giữa hẻm khá lặng lẽ, cửa nẻo thường đóng, người ra vô cũng ít nói. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, lộ rõ nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Quang Tung - tư lệnh Lực lượng Đặc biệt kiêm chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Gia đình ông Tung mộ đạo, gần nhà có đền thánh An Tôn (nay là nhà thờ An Tôn), nhà thờ Thánh Mẫu và nhà thờ Chí Hòa.

Trong bài “Giải mã cái chết của Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm” trên báo Công An Nhân Dân ngày 17-3-2017, tác giả Nông Huyền Sơn viết: Trước khi cuộc đảo chính nổ ra hơn 2 tháng, vào ngày 27-8-1963, từ Trung tâm điều khiển CIA tại Sài Gòn đã gởi một công điện về Trung tâm CIA ở Langley báo cáo một bản tường trình của Lucien Conein (trung tá tình báo, ông trùm của cuộc đảo chính 1-11-1963) về cuộc họp của Hội đồng Tướng lãnh (Committee of Generals) như sau: "Ủy ban (tức Hội đồng Tướng lãnh) quyết định rằng đại tá Lê Quang Tung được coi là mục tiêu đầu tiên của Ủy ban Đảo chánh và sẽ bị tiêu diệt cùng với toàn trại của ông ta như là một trong những hành động đầu tiên của cuộc đảo chánh”.

Tinh thần của cuộc họp này thật ra chỉ là thực hiện ý đồ của người Mỹ khi trước đó, CIA đã chốt danh sách những người cần phải giết, trong đó đại tá Lê Quang Tung (tư lệnh Lực lượng Đặc biệt) và đại tá Hồ Tấn Quyền (tư lệnh Hải quân).

“Trên thế giới, nơi nào có mặt ông ta, nơi đó có lật đổ chính trị” - tác giả Nông Huyền Sơn viết và nói thêm: “Khi Lucien Conein bắt đầu soạn thảo kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm, dòng đầu tiên được viết bằng mực đỏ: Phải giết Lê Quang Tung”.

Đại tá Lê Quang Tung được CIA lẫn chính giới coi như nhân vật quyền lực thứ ba của nền Đệ nhất Cộng hòa, sau hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.

Phó của ông Tung là đại tá Trần Khắc Kính, con rể ông bà lý Sóc trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám). Nhà ông bà lý Sóc cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân năm bảy chục thước; gần nhà cụ Vũ Hữu Soạn, cha đại tá Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ4 - Trần Khánh Dư tham gia Hải chiến Hoàng Sa 1974. Sau 1975, học tập cải tạo về, gia đình ông Kính định cư bên Mỹ, mở hệ thống Phở 79 lừng lẫy ở quận Cam (Orange county, Califorinia); là nhà hàng đầu tiên ở quận Cam chiến thắng giải thưởng danh giá James Beard, thường được xem là "Oscar về ẩm thực".

Ông nhà này tên Trần Phương Sóc, gốc xứ Sa Châu, Nam Định chuyên nghề làm nước mắm. Nhà ông bà bán nước mắm, mắm tôm và cả cao hổ cốt. Sau nhà ông bà là cánh đồng rau muống An Lạc. Mưa lớn, nước rạch Nhiêu Lộc gần đó tràn lên, ngập hết. Con nít xung quanh hay lội bắt cá, trong đó có tôi. Trời mưa, nhưng mùi nước mắm Sa Châu nồng nồng của ông bà cụ lý vẫn ngửi rõ.

Ông lý hiền lành, bà lý giỏi giang buôn bán và nghiêm tính với con cái. Cả nhà chí thú làm ăn và “siêng năng việc Đức Chúa Trời”.  Nếp nhà vậy nên mấy người con trai, ai cũng nên danh nên phận. Người con trai đầu là bác sĩ Tòng, kế là bác sĩ Bách. Ông Bách lấy vợ, con một chủ tiệm vàng lớn ở chợ Bến Thành, mua nhà cuối đường Pasteur, sang Mỹ nổi danh “mát tay”.

Con trai thứ ba là giáo sư Trần Đình Thọ, thành viên đồng sáng lập và điều hành tập san Sử Địa cùng giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, Hoàng Sa nổi tiếng Nguyễn Nhã. Nhà giáo sư Nhã trong hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu, cách đó ít bước chân. Giáo sư Thọ lập gia đình với con gái một chủ tiệm vàng khá lớn ngay ngã ba Ông Tạ (ngôi nhà này sau 1975 có lúc là trụ sở của Nông trường Duyên Hải, rồi báo Pháp Luật Việt Nam). Hai con trai tiếp là dược sĩ Hùng, bác sĩ Cường.

Hai cô con gái, chị cả nên duyên với đại tá Kính, út nữ gá nghĩa với trung tá Trần Khắc Nghiêm, em ruột ông Kính. Ông Nghiêm là thiết đoàn trưởng thuộc sư đoàn 18 của thiếu tướng Lê Minh Đảo, chỉ huy trận Xuân Lộc hồi 1975.

Ông Kính Bắc 54 Ngọc Cục, Nam Định. Khi lấy con gái ông bà cụ lý Sóc, ông ở khu A cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) - cũng khu Ông Tạ, gần ngõ Con Mắt cho tiện đường thăm viếng cha mẹ.

Dân trong ngõ chỉ biết ông Kính là đại tá, còn binh chủng cụ thể thì ai chú ý lắm mới biết ông làm Sở Liên lạc, sau này đổi tên là Sở Khai thác Địa hình, đơn vị đặc biệt nhưng tên nghe rất bình thường.

Cả ông Kính, Nghiêm lẫn tướng Đảo đều là dân Ông Tạ, nhà trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Gần nhà hai ông là tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông, ở khu G (sau này ông Phú lên tướng, về ở trên đường Gia Long - nay là Lý Tự Trọng). Ông Kính và ông Phú cùng đơn vị “nhảy Bắc” (Lực lượng Biệt kích xâm nhập miền Bắc).

Ông Kính là người nắm nhiều bí mật của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, từ các phi vụ tung biệt kích, gián điệp ra Bắc, vụ hai anh em Lê Quang Tung - Lê Quang Triệu bị sát hại đến hậu trường tướng lĩnh. Ông cũng là một cây bút sắc sảo. Vậy nên, sau khi rời trại cải tạo năm 1985, sang Mỹ, ông có một số bài viết trên báo tiếng Việt ở nước ngoài, ký tên Tiên Châu, Kim Thạch: “Lật một trang sử cũ”, “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Nhân đọc cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc”…

… Trở lại với o Khôi, vợ đại tá Tung. Hai vợ chồng có sáu con, ba trai ba gái. Cô con gái đầu là chị Lan, tới anh Lê Hồng Phúc, chị Nhàn, chị Nguyệt, anh Lê Duy Linh, anh Lê Duy Tâm. Chồng chị Lan là đại tá Cầu, sĩ quan thuộc quyền đại tá Tung. Sau này, cả nhà o Khôi đi định cư ở Marseille (Pháp), nhà thuộc nhà nước. Phần sau nhà để lại cho một người giúp việc lâu năm của gia đình tên Thôi. Bà Thôi có tật nhẹ, chân đi hơi cà nhắc. Bà sống một mình, hàng xóm không thấy có anh em thân thích gì nên khi bà mất, cả xóm An Tôn xúm lại lo tang cho bà.

Trước khi đi Pháp, o Khôi hay đi bộ từ hẻm An Tôn đến thăm gia đình một người bạn rất thân đồng hương là bà đại tá Bùi Dzinh nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, đối diện hồ tắm Cộng Hòa; cách nhà bà trăm thước.

Đại tá Bùi Dzinh, tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, vốn là võ khoa (thủ khoa) khóa 3 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt tháng 7-1951. Khi tốt nghiệp, ông được Quốc trưởng Bảo Đại trao kiếm và được đại diện anh em trong khóa bắn cung "tang bồng hồ thỉ". Ông cùng lứa tuổi và thân với đại tá Lê Quang Tung.

Như vậy, ba ông đại tá Lê Quang Tung, Bùi Dzinh, Trần Khắc Kính cùng là dân Ông Tạ và nhà này cách nhà kia chỉ vài ba trăm thước và đều là giáo dân Công giáo nhiệt thành.

Ba vị đại tá này có thể nói nằm trong số các sĩ quan trung thành bậc nhất với nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm, được “ông cụ” đặc biệt tin cẩn.

Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có ba ngày lễ lớn liên tiếp, gọi là Tam nhật Các thánh (Allhallowtide): đêm 31-10 là đêm Vọng các thánh (Halloween - All Hallows' Eve), 1-11 lễ Các thánh, 2-11 lễ Các đẳng (hay Lễ Các đẳng linh hồn, lễ Các linh hồn).

Và cách đây đúng 60 năm, đêm Halloween 31-10-1963 là đêm nhóm tướng lĩnh tham gia đảo chính do trung tướng Dương Văn Minh, cầm đầu đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho ngày đảo chính: 1-11-1963.

(Còn tiếp)

CÙ MAI CÔNG 30.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.