Ông ra đi lúc 19 giờ15 ngày 28-11-2023 theo giờ Mỹ (sáng 29-11-2023 theo giờ Việt Nam) tại tư gia ở California, Mỹ.
(Trích “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2):
"Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn người Bắc 54 Gia Lâm, tác giả "Căn nhà xưa", "Em còn yêu anh", "Quê hương thu nhỏ"... Xưa nhà trong cư xá Tự Do, Ông Tạ. Ông còn là nhà văn, nhà thơ; lấy bút hiệu Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi soạn nhạc.
Ông đóng góp sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký, thơ. Tác phẩm "Áo mơ phai" của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.
Nghe nói bối cảnh “Căn nhà xưa” là… nghĩa địa đô thành Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng), bên cạnh Ông Tạ, gần nhà ông.
Sau 1975, ông đi cải tạo 10 năm. Xong về ông đi Mỹ, viết nhạc phẩm "Sài Gòn - niềm nhớ không tên" nhiều người biết.
Trong cư xá này, xưa còn có nhà của nhà văn nổi tiếng trước 75 "Công tử Hà Đông" Hoàng Hải Thủy. Nhà là một căn trệt nho nhỏ, tường xi măng, cửa gỗ lá sách. Trước nhà là sân nhỏ có hàng rào gỗ. Năm lớp Bốn, lớp Năm, tôi học chung trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân, Tân Bình), khá thân với con nhà văn là Hoàng Hải Triều. Cậu này vẽ đẹp lắm và cách vẽ rất lạ: vẽ nhân vật truyện chưởng từ… chân lên. Tôi mê vẽ từ đó. Triều dạy tôi vẽ, dẫn về nhà chơi, mê mẩn với tủ sách của ba nó: quá trời sách. Thỉnh thoảng mượn mấy tập truyện tranh như bộ Tây du ký của Hồng Kông, đã dịch sang tiếng Việt về coi. Tranh vẽ tỉ mỉ và đẹp mê hồn…
Khu này có mấy nhà văn, nhà báo có tiếng. Ngay cổng 1 ra vô cư xá trước 1975 có nhà của nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu. Ông sĩ quan đa tài (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả) Hà Thúc Sinh, Bắc 54 Thanh Hóa cũng ở đây. Ở ngôi nhà này, Hà Thúc Sinh đã giúp Hoàng Đình Huy Quan tục bản tập san Sóng, giúp Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”. Ông làm thơ khi còn rất trẻ, cho ra bốn tập thơ trước 1975 và bán sạch, tái bản nhiều lần: “Trí nhớ đau thương”, “Đá Vàng”, “Điệu buồn chúng ta”, “Dạo núi mình ta”. Ở Mỹ, ông in hai tập thơ “Viết giữa đường”, “Hòa bình và tôi”… Các ca sĩ Khánh Ly, Hương Lan, Lệ Thu đã hát hàng chục nhạc phẩm mà ông sáng tác sau 1975.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền “Tôi thương mà em đâu có hay”, “Tôi hay mà em đâu có thương”, chủ biên tập san Áo Trắng một thời xưa cũng ở đây, góc cuối cư xá. Hồi đầu những năm 2000, thỉnh thoảng tôi ghé nhà anh chơi: một ngôi nhà bình yên trong hẻm nhỏ; trước sân là một khoảnh đất rộng, thoáng.
Một nhạc sĩ khác cũng ở trong khu cư xá này: Duy Khánh. Ông có nhiều nhạc phẩm rung động lòng người miền Trung: "Ai ra xứ Huế", "Xin anh giữ trọn tình quê", "Thư về em gái Thành đô"... do ông vốn gốc Triệu Phong, Quảng Trị; thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Không chỉ sáng tác nhạc, ông còn là một trong "tứ trụ nhạc vàng" Sài Gòn thời kỳ đầu (ba người còn lại là: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh).
Một nhạc sĩ khác là Bùi Thế Dũng, có thể không lừng lẫy như nhạc sĩ Duy Khánh nhưng là thầy, đào tạo nhiều danh thủ guitar cổ điển hàng đầu Việt Nam sau 1975 như: Nguyễn Trí Đoàn, Trần Phương Quang, Bùi Tuấn Anh....
Nhà của nhà văn Hoàng Hải Thủy đâu lưng với nhà của chuẩn tướng nhảy dù Hồ Trung Hậu bên khu Villa – cách bảo sanh viện Hiền Mẫu vài căn. Sau 1975, tướng Hậu đi cải tạo 13 năm. Gia đình vẫn ở đây chờ ông về - năm 1988. Sau đó, Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh mời ông lên phỏng vấn xuất cảnh diện HO. Về, ông Hậu kể lại cho ông hàng xóm Hoàng Hải Thủy: Khi vào phỏng vấn thì phía Mỹ biết được ông có một người con đang ở Mỹ, nên họ đưa hồ sơ của ông sang diện ODP (đoàn tụ gia đình) thay vì diện HO (sĩ quan cải tạo về). Nổi nóng vì nghĩ mình đáng được đi diện HO - nhiều ưu đãi hơn, thế là ông chửi Mỹ ầm ĩ ngay tại nơi phỏng vấn. Người ta phải nhờ bảo vệ đưa ông ra ngoài.
Chưa kịp đi thì năm 1995, ông mất ở nhà này. Sáu tháng sau, vợ con của ông được bảo lãnh xuất cảnh theo diện HO. Khi ông chưa mất, con gái ông là á hậu Kim Khánh (Hồ Kim Khánh) là nữ diễn viên truyền hình, điện ảnh, người mẫu kiêm ca sĩ nổi tiếng thập niên 1990, cùng thời với Diễm Hương, Việt Trinh, Y Phụng, Hiền Mai... Trước khi nổi tiếng, Kim Khánh mở quán cà phê tên Các Hoàng Tử ngay nhà mình, dưới tàng cây xoài trái rất ngọt của ngôi nhà. Quán khá lịch sự, có nhiều khách quen.
Bác sĩ Đào Đức Hoành (khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn trước 1975) xưa cũng ở đây.
Chính khách nổi tiếng, từng là đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ từ 1967 đến 1972 là Bùi Diễm cũng ở đây. Ông Bắc 54 Hà Nam, con nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ theo Việt Minh. Cô ruột của ông là vợ học giả Trần Trọng Kim, thủ tướng Đế quốc Việt Nam - một “đế quốc” tồn tại chỉ năm tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 - 1945) do Đế quốc Nhật dựng nên, kiểm soát và chi phối. Ở Mỹ, năm 2004, ông viết hồi ký “Gọng kìm lịch sử” bằng tiếng Anh “The jaws of history”, sau viết lại bằng tiếng Việt.
Hết hẻm 1025, đi thêm chút nữa, quẹo phải chừng 100 m, gần tường rào trại dù Phạm Công Quân (nay là bệnh viên Thống Nhất) có nhà riêng đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ông này sinh ở Long An nhưng gốc Bắc Hải Dương, cha mẹ vào Nam từ đầu thế kỷ 20".
CÙ MAI CÔNG 29.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.