Kỳ 4: SAU ĐẢO CHÍNH, PHẢN ĐẢO CHÍNH LẠI LIÊN TIẾP ĐẢO CHÍNH VÀ PHẢN ĐẢO CHÍNH
Cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm tạo ra hai luồng cảm xúc đối nghịch cả trong lẫn ngoài nước: một, vui mừng khi lật đổ chế độ “gia đình trị”; hai, bàng hoàng khi ông Diệm bị giết.
Người Mỹ đứng sau lưng, bật đèn xanh cho Hội đồng Quân nhân Cách mạng lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm thì ai cũng rõ rồi. Nhưng khi nghe tin ông Diệm bị giết, Tổng thống Mỹ Kennedy cũng bần thần. Đa số người Bắc di cư vốn hàm ơn ông Diệm đưa mình vào Nam thì bàng hoàng.
Khi nghe ba tôi nói ông Diệm bị giết, mẹ tôi thốt lên “Giêsu Maria, lạy Chúa tôi” rồi vào ngồi trong góc nhà, đầm đìa nước mắt, đấm ngực than: “Hết về Bắc lại rồi ông ạ”. Chả là nhiều người Bắc 54 đến lúc đó vẫn tin sẽ có ngày ông Diệm đưa mình về lại quê hương.
Phải chăng vì vậy, không nói đâu xa, ngay chính vùng Ông Tạ là vùng Bắc 54 làm ăn phát triển nhất trong các khu Bắc 54 ở miền Nam trước 1975 nhưng nhà cửa cơ bản vẫn chỉ xây tạm bợ. Nhiều nhà vẫn nhà lá hoặc nhà gỗ, mái tôn... Tiền bạc làm ra dành dụm cho ngày về lại quê xưa. Ông Diệm không còn, nhiều nhà cửa vùng Ông Tạ bỗng vọt lên nhà đúc, nhà bê tông ba, bốn tầng. Năm 1964, nhà ảnh Á Đông ở ngã ba Ông Tạ là cả một “tòa cao ốc” năm tầng. Có lẽ họ đã thôi nghĩ chuyện về Bắc mà ở lại miền Nam lâu dài…
Nhưng sự giận dữ phe đảo chính vẫn còn đó, có dịp là bùng lên. Một đêm đầu tháng 9-1964, hàng ngàn người dân các khu xóm trong vùng Ông Tạ và lân cận kéo nhau đến trụ sở Bộ Tổng tham mưu đầu đường Thoại Ngọc Hầu, cách ngã ba một cây số, phản đối tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh không thuộc nhóm đảo chính 1-11-1963, nhưng ngay sau đó phát biểu ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng và là người ủng hộ việc Mỹ đưa quân vào miền Nam.
Tuy nhiên vài tháng sau, có vẻ như tướng Khánh có cảm nhận mình bị đối xử không tốt. Cạnh đó, tướng tham gia đảo chính là Trần Thiện Khiêm cũng cảm thấy mình bị coi nhẹ nên hai người bắt tay nhau làm đảo chính Hội đồng Quân nhân Cách mạng sáng sớm 30-1-1964, truất phế các tướng lĩnh chủ chốt cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Mai Hữu Xuân. Nhóm này gọi đây là Chỉnh lý. Không chỉ bắt thiếu tá Nhung - nghi can số một đã giết hai anh em đại tá Tung - thiếu tá Triệu, Tổng thống Diệm - cố vấn Nhu, tra tấn đến chết để “trả thù cho ông cụ” mà còn bắt hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim của Hội đồng Quân nhân Cách mạng và nắm chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay trung tướng Dương Văn Minh.
Bộ chỉ huy cầm đầu cuộc Chỉnh lý đặt trong Tòa hành chính tỉnh Gia Định (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh). Khi đó, đại tá Huỳnh Văn Tồn làm tỉnh trưởng Gia Định. Nhà ông Tồn trong cư xá Thoại Ngọc Hầu (nay trong hẻm 15 Phạm Văn Hai), cách nhà tôi hơn hai trăm thước, tôi đi học qua lại hàng ngày.
Không hiểu sao, ba tuần sau, ngày 13-9-1964, đảng Đại Việt lại làm cuộc binh biến, cầm đầu là đại tá Huỳnh Văn Tồn, tư lệnh Sư đoàn 7 và trung tướng Dương Văn Đức, tư lệnh Quân đoàn IV. Tướng Nguyễn Văn Thiệu dù đang là tham mưu trưởng liên quân ở Bộ Tổng Tham mưu nhưng không có quân trong tay nên cầu cứu với thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Sư đoàn 1 về Sài Gòn phản đảo chính thành công.
Trở lại cuộc biểu tình của dân Ông Tạ. Đoàn biểu tình phá rào, tràn vào cổng. Mười năm sau di cư, dân Ông Tạ mới có một đêm náo động như vậy. Đi suốt đêm, đến sáng thì hung tin báo về: sáu người biểu tình bị bắn chết.
Lại biểu tình tiếp, diễu hành tới Tòa Đô chánh (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh). Dân di cư các xóm đạo cũng kéo tới tiếp viện. Chính quyền Sài Gòn lúc ấy phải xoa dịu bằng cách cho chôn sáu nạn nhân ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - chủ yếu dành cho sĩ quan cấp cao và người nổi tiếng thời Pháp, thời Việt Nam Cộng hòa. Linh mục Trần Ngũ Nhạc, chánh xứ An Lạc lên tới nghĩa trang làm lễ tang.
Như đã nói, tư dinh của ông Thiệu, ông Khiêm ở cư xá sĩ quan cao cấp Trần Hưng Đạo - Bộ Tổng tham mưu. Con gái ông Thiệu làm lễ vu quy ở nhà này và ông cũng di tản cùng ông Khiêm hồi 1975 từ đây. Bà Thiệu và bà Khiêm hồi hai ông chưa làm tổng thống, thủ tướng thường ngày đi chợ Ông Tạ chung. Ông Thiệu trước đảo chính 1-11-1963 cũng lân la tính mua khu đất của bà con người Nam cố cựu xã Tân Sơn Hòa, cạnh khu đất của trung tá Dư Quốc Đống, tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy dù (sau lên trung tướng). Sau đảo chính, thấy ông Đống bán đất cho trung tá Huệ, xây rạp Đại Lợi (nay là trung tâm hội nghị tiệc cưới trước chợ Phạm Văn Hai), ông Thiệu bỏ ý định này. Miếng đất đó ông Huệ mua luôn xây building Đại Lợi cho Mỹ thuê. Sau 1975 là trại giam Đại Lợi của quận Tân Bình, hiện là chung cư.
Còn ông Khiêm có nhà riêng sau nhà thờ Chí Hòa, sát tường rào phía sau trại dù Phạm Công Quân (năm 1971, bà Thiệu tổ chức quyên góp, làm hội chợ xây bệnh viện Vì Dân, nay là bệnh viện Thống Nhất). Ba má bà Khiêm có một khu đất khá rộng sát bên vùng Ông Tạ xây cho thuê trên đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), gần cơm tấm Ba Ghiền hiện nay. Khu đất này sau 1975 một thời gian là Công an quận Phú Nhuận, hiện là cao ốc 40 Đặng Văn Ngữ. Chị bà Khiêm là giám thị trường Ngô Sĩ Liên vùng Ông Tạ tôi học.
Đối diện trường là cư xá Việt Nam Thương Tín, trong đó có nhà em họ ông Thiệu là Hoàng Đức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí (press secretary) của Tổng thống Thiệu; sau đó làm tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi. Gia đình ông Nhã ở đây từ đầu thập niên 1960 đến 1975.
Trong khi đó, sau khi phản đảo chính thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, đại tá Bùi Dzinh - viên sĩ quan trung thành tuyệt đối với nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm, nhà cửa cho tới nay vẫn ở vùng Ông Tạ đã lên kế hoạch “trả thù cho ông cụ” bằng việc âm thầm chuẩn bị cho cuộc đảo chính của chính mình, cùng với tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo (sau 1975 mới biết là đại tá Thảo là tình báo của phía bên kia).
(Còn tiếp)
CÙ MAI CÔNG 04.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.