mardi 4 juillet 2023

Huy Đức - Đừng trở thành “con tin của Hun Sen”

 

“Quyền lực có khuynh hướng tha hóa”. Không ai tránh được quy luật này và Hun Sen là ví dụ tiêu biểu của sự “tha hóa tuyệt đối” sau gần 39 năm làm thủ tướng.

Trên tài khoản Facebook của mình Hun Sen đã sử dụng ngôn ngữ bạo lực để tấn công đối lập và có lúc Hun Sen, thậm chí, còn chia sẻ sự nuối tiếc khi đã không “bắn” vào đoàn người biểu tình năm 2013, năm bầu cử mà [theo các nhà quan sát] Hun Sen thua trên thực tế.

Vì thế, hôm 29-06-2023, một ban cố vấn độc lập của Meta đã khuyến nghị vô hiệu hóa tài khoản Facebook của Hun Sen 6 tháng. Sợ mất mặt, ngay sau đó, Hun Sen tuyên bố xóa tài khoản Facebook có hơn 14 triệu người theo dõi để chuyển sang Tik Tok, Telegram… vì theo Hun Sen, những nền tảng này có thể hoạt động ở nhiều nước cấm Facebook [chắc Hun Sen đang nói về Trung Quốc].

Khi tuyên bố, “chỉ cần một chỉ đạo của tôi, Facebook sẽ bị cấm cửa ở Campuchia” và ngay sau đó “trục xuất đại diện Facebook, chấm dứt các mối quan hệ…”, Hun Sen đã không còn cần che giấu bộ mặt độc tài, chỉ cần thỏa mãn cái tôi, bất chấp quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Như những kiểu độc tài [hoặc tham vọng độc tài] Á Đông khác, Hun Sen sắp xếp cho cả 3 con trai vào những vị trí quyền lực quanh mình. Dù, khi còn đối lập, Hun Sen không lén lút đưa chúng lên ngay “ghế trên, sỗ sàng, ngồi tót” [như các ví dụ Việt Nam].

Con trai cả của Hun Sen, Hun Manet, tốt nghiệp West Point năm 1999 và lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Bristol, trước khi đưa lên đại tướng, Tư lệnh Lục quân. Con trai út, Hun Many, đại biểu Quốc hội ở tỉnh Kampong Speu, kiêm chức Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Campuchia. Cho dù, cũng không “đi lên bằng chính đôi chân của mình”, các con của Hun Sen đều được đào tạo bài bản và đã có hàng chục năm chính trường, tập luyện.

Đất nước Campuchia, kể từ sau khi Việt Nam rút quân 1989, đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là từ khi UNTAC [Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc] tạo điều kiện cho đối lập và báo chí độc lập hoạt động.

Nhưng, ngay từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, 1993, Hun Sen và đảng CPP của ông đã thua [phải làm đồng thủ tướng với Ranariddh]. Từ đó về sau, chưa có cuộc bầu cử đa đảng nào mà CPP có đủ phiếu để lập chính phủ. Bạo lực đã được sử dụng năm 1997, để dập tắt “đảo chính”. Bạo lực đã được sử dụng năm 2013 và 2014 sau một cuộc bầu cử mà đảng của Hun Sen bị tố là gian lận.

Không chịu từ bỏ quyền lực, Hun Sen tiếp tục sử dụng bạo lực và các thủ đoạn chính trị để giải tán các đảng phái, bỏ tù hoặc buộc các nhà lãnh đạo đối lập phải lưu vong.

Dân trí của người dân Campuchia đã từng được đưa lên cao hơn Việt Nam [về nhiều mặt] nhờ các đảng phái và báo chí… cho đến, ngày 04-09-2017, tờ báo độc lập nổi tiếng nhất, cuối cùng, Cambodia Daily, bị Hun Sen đóng cửa.

Rất nhiều người Việt Nam mong muốn Hun Sen tiếp tục cầm quyền ở Campuchia vì Hun Sen là người do Việt Nam đưa lên. Nhiều lãnh đạo Việt Nam mà tôi tiếp xúc lo ngại chính quyền rơi vào tay đối lập.

Khi tranh cử, các nhà chính trị đối lập ở Campuchia đã khai thác chủ nghĩa dân tộc bài Việt của người Khmer. Nhưng, 30 năm qua, chưa có đối lập nào cầm quyền hoặc đệ trình chính sách chống Việt Nam nào để ta biết chắc họ có thực sự chống người Việt như họ nói khi vào cuộc tranh giành phiếu.

Trong khi đó, Hun Sen đã chống người Việt bằng chính sách xuyên suốt trong những năm cầm quyền của mình.

Từ sau khi Việt Nam rút quân, chưa khi nào người Việt và cả con em người Khmer tập kết ra Bắc 1954 trở về có một địa vị tử tế trong xã hội Campuchia.

Năm 2017, sau khi đã kiểm soát gần như hoàn toàn đối lập, Hun Sen ban hành Nghị định 129, coi 160 nghìn người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Campuchia, trong đó nhiều người đã sinh sống nhiều đời ở Campuchia là “ngoại kiều”. Trong đó, 90 nghìn người bị coi là cư trú bất hợp pháp phải về nước. 70 nghìn người [dù đã có đủ chứng minh thư, sổ gia đình, passport do Campuchia cấp…] bị thu giấy tờ và phải đóng 62 USD/người để làm thẻ ngoại kiều.

Cũng trong thời gian đó, số người Hoa, phần lớn mới nhập cư sau 1993, có quốc tịch Campuchia đã lên tới hơn một triệu.

Tháng 8-2022, khi Hun Manet sang thăm Việt Nam và đến Trung ương Đoàn với danh nghĩa Trưởng ban Thanh niên của đảng CPP, Manet đã yêu cầu buổi giao lưu có “Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị”. Đây là một mối quan hệ không đơn giản là cá nhân.

Để nắm những mối quan hệ trong quá khứ và có thể là cả trong tương lai [giữa hai gia tộc] này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên cho kiểm tra toàn diện [nhất là các dòng tiền], đặc biệt là hồ sơ Thủy điện Sesan 2 [xây dựng trên dòng Tonlé San, một phụ lưu của sông Mê Kông, ở vùng đất tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia, dự toán lúc đầu khoảng 850 triệu USD].

Thủy điện này vốn được xây dựng với phương thức liên doanh, Việt Nam 49% [bao gồm kinh phí, công sức khảo sát xây dựng…], Campuchia 51% [bao gồm sông, nước…]. Đang làm thì Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định “trả lại cho bạn”. Hun Sen, ngay sau đó, bán Se San 2 cho Trung Quốc. Và, Việt Nam đang phải mua điện Campuchia từ chính những nhà máy này.

Thủy điện Se San 2 được bán lại cho Campuchia trong thời gian hai nước đàm phán Nghị định 129, dẫn đến tình trạng pháp lý “hạng ba” cho người Việt ở Campuchia.

Gần đây, Bộ Nội vụ Campuchia lại thông báo, chỉ có người mang quốc tịch Campuchia mới được đứng tên thành lập Hội Khmer - Việt Nam. Trong 5 người đứng ra thành lập Hội Khmer - Việt Nam chỉ có ba người có quốc tịch Campuchia. Lãnh đạo các chi hội ở 25 tỉnh thành cũng đa số cầm “thẻ vàng” [ngoại kiều] không thể đứng tên lập chi nhánh hội.

Chúng ta đã đổ biết bao xương máu để lật đổ Pol Pot - Ieng Sary, chế độ mà những người Việt Cộng sản cũng phải cộng đồng trách nhiệm vì đã dùng cả xương máu để giúp chúng lên cầm quyền. Chúng ta, đã từng tự đặt mình vào những tình huống lịch sử không còn lựa chọn.

Một Campuchia ổn định và không thù địch có ý nghĩa rất quyết định đối với hòa bình ổn định của Việt Nam. Nhưng, Campuchia cũng chỉ thực sự ổn định khi các bên tôn trọng sự lựa chọn dựa trên quyền tự quyết của người dân.

Bất cứ ai đe dọa chủ quyền quốc gia và có chính sách thù địch với Việt Nam thì, cho dù họ do ai lựa chọn, người Việt cũng không bao giờ khoan nhượng.

Không nên đánh đồng chính sách đối với Campuchia như đối với Hun Sen. Vì ân nghĩa mà ủng hộ ông ta vô điều kiện thì sẽ trở thành “con tin của Hun Sen”. Không nên đánh giá Hun Sen dựa trên quá khứ “do chúng ta dựng lên” mà chỉ nên đánh giá Hun Sen dựa trên những gì ông ấy đang làm với đất nước Campuchia và đặc biệt, ông ấy đang đối xử như thế nào với con dân người Việt.

HUY ĐỨC 04.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.