Bà Cấn Thị Thêu và con trai là anh Trịnh Bá Tư, mỗi người chịu 8 năm tù và 3 năm quản chế.
Tin đưa ra từ tòa án vào lúc 17 giờ. Không có tiếng khóc lóc van xin và đòi cứu xét, chỉ có ánh mắt lạnh như băng và nụ cười nhạt của hai người nông dân Việt Nam.
Trước đó, có tin nói là, phía điều tra viên đã đề nghị bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư rằng nếu bộc lộ thái độ nhận tội và xin khoan hồng, thì sẽ có mức án 6 năm, còn nếu không là sẽ 8 năm. Thế nhưng cả hai người này đều từ chối bất kỳ một thỏa hiệp nào.
Theo mô tả của luật sư Đặng Đình Mạnh, vào buổi bắt đầu phiên tòa khi thư ký tòa xác định tên, Bà Thêu và cậu con trai đã đều nói rằng tên của mình là "nạn nhân của chế độ Cộng sản".
Luật sư Mạnh kể rằng lúc đó ông đã ứa nước mắt vì cảm thấy xấu hổ, bởi ông nghĩ rằng mình cũng không thể có được một sức mạnh tinh thần như hai người nông dân này.
--------
Ngày hôm nay, 5-5, chị Cấn Thị Thêu ra tòa cùng Trịnh Bá Tư. Họ gọi chị là "tàng trữ vật phẩm, tài liệu để chống nhà nước". Loại tội danh chỉ thay đổi tên gọi và cách diễn đạt, nhưng nội dung thì vẫn ấu trĩ như thời thế kỷ 20: có một cái radio nhiều băng tần ở miền Bắc trong thời chiến tranh Việt Nam, có thể bị ghép tội là nghe đài địch. Hoặc như ông Lộc Vàng ở Hà Nội, hát dăm ba bài tiền chiến thì bị áp tội đi tù là ru ngủ thế hệ trẻ.
Khác với những năm trước, không khí xã hội hôm nay nặng nề với nhiều vụ bắt giữ theo Luật An ninh mạng đã khiến tin tức về phiên tòa này không đến được với nhiều người, hay ít người dám chia sẻ những thông tin như vậy.
Hình ảnh những người nông dân ở ven trung tâm Hà Nội kéo đến xem phiên tòa, bị xô dạt ra các vỉa hè nhưng vẫn cầm chặt trên tay những biểu ngữ ủng hộ cho chị Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư, bày ra một nỗi cô đơn và uất nghẹn khủng khiếp của tiếng kêu đòi công lý.
Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, đều là đích đến của hầu hết tất cả những người dân thấp cổ bé miệng, những người có niềm tin tối thiểu vào một chính quyền trên đất nước mình. Thế nhưng ở gần nửa thế kỷ 21, những thứ đó có sức dịch chuyển bí ẩn nào đó, mà khi họ cố với tay chạm đến thì lại luôn bị đưa vào hoàn cảnh trở thành tội phạm, theo ánh nhìn của nhà cầm quyền.
Những tội phạm ấy có thể bị bắn chết ngay tại ngôi nhà của mình, bất luận họ bao nhiêu tuổi và tật nguyền thế nào. Những người bất đồng với những điều như vậy, kể cho mọi người nghe, cũng có thể trở thành tội phạm.
Luật pháp được diễn giải theo lời của kẻ mạnh, luôn khác với luật pháp nằm trong mơ ước của nhân dân về một chế độ tử tế.
Ngày mai, hay một ngày nào đó, khi luật pháp thực sự trở thành một thành trì để bảo vệ con người, mãi mãi sẽ không bao giờ người ta có thể quên những cái tên như chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm... vì họ là những viên gạch đầu tiên can trường nhất.
Những bản án càng dài, là những tiếng vọng thật lâu về sự thật và lịch sử trên đất nước này, để nhiều thế hệ sau, còn nghe và còn nhìn thấy.
TUẤNKHANH 05.05.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.