samedi 1 mai 2021

Bông Lau - Bữa cơm chiều 30-4-21


Ngày 30 tháng 4 năm nay bỗng có một ý tưởng mới lạ. Xin nghỉ làm buổi chiều về nhà lục lọi tìm lại những đồ vật sưu tầm về chiến tranh Việt Nam.

Có những món đồ tìm được cách đây mấy chục năm. Cũng có những đồ vật kỷ niệm riêng tư của những người bạn cựu quân nhân Mỹ. Muốn tìm hiểu và nghiên cứu thế hệ cha anh đã chiến đấu trong những điều kiện nào.

Khệ nệ vác đống đồ kỷ vật ra sau vườn. Trên trời mây đen vần vũ, gió ào ạt của trận mưa giông đang đến. Xúc cơm vào cái “cà mèn” của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cắt vài lát cà chua và dưa leo, và hai trứng gà luộc. Một bữa cơm tương đối tươm tất nếu so với điều kiện chiến trường kham khổ. Rất tiếc là đã không thể tìm được “gạo sấy” và đồ hộp “C ration” của cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ.

Ngồi trên băng ghế đá rêu phong ăn bữa ăn chiều đạm bạc, và uống ca nước lọc cũng đạm bạc. Nghĩ về một cuộc chiến đã tàn, những người đi trước đã khuất. Một nền dân chủ cáo chung và một dân tộc đã đổi thay.

Nhìn cái bao súng Colt bằng da do một người bạn Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh tặng với lời dặn dò cẩn trọng “Cái này chính hiệu của chiến trường Việt Nam đó mày”. Đeo thử vào thấy nó xệ xệ cồng kềnh vướng víu một bên, chớ không gọn nhẹ như khẩu M9, SIG hay Glock của thời nay. Tưởng tượng cả một thế hệ thanh niên Mỹ - Việt đã phải đeo cái cục nợ này băng rừng lội suối để bảo vệ miền Nam.

Chiếc máy truyền tin PRC-77 là một huyền thoại. Vào mùa hè đỏ lửa cố vấn Mỹ của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (TQLC) ở Quảng Trị đã dùng máy này liên lạc với Đệ Thất Hạm Đội đậu ngoài khơi và cung cấp tọa độ cho hải pháo yểm trợ các trận địa chiến.

Trong hồi ký chiến trường “Chiếc Cầu Đông Hà” của John Grider Miller viết về Đại Úy John Ripley là cố vấn của tiểu đoàn 3 Sói Biển TQLC. John Ripley có một binh sĩ TQLC Việt Nam tên là Nhã có nhiệm vụ mang máy truyền tin PRC-77 cho ông.

Trong một trận “tiền pháo hậu xung” của Việt Cộng ở Đông Hà. Người lính tên Nhã đó bị mảnh đạn pháo chém vào sọ sau ót chết. Ăng ten của máy truyền tin PRC-77 cũng bị chém đứt. Đại Úy John Ripley không nỡ bỏ rơi anh Nhã đó nên đã cõng xác chết của người lính truyền tin Việt Nam trên vai chạy về phía phòng tuyến của TQLC, sau lưng là quân CSBV truy kích. Tinh thần đồng đội của họ rất cao.

Máy PRC-77 giống hệt như PRC-25 nhưng gọi xa hơn. PRC-77 còn có thể gắn hệ thống mã hóa NESTOR nhưng sẽ nặng đến 24.5 kg. Không biết quân lực VNCH có sử dụng loại máy truyền tin này hay không.

Mỗi một món quân trang quân dụng còn sót lại của một cuộc chiến là chứng tích mà người đi sau cần phải trân trọng giữ gìn. Cầm cái cà mèn cổ điển của một quân lực ăn bữa cơm như để lội ngược dòng lịch sử, bên cạnh chiếc máy truyền tin của những trận hải pháo ở mặt trận Quảng Trị năm xưa, và tấm bản đồ hành quân của chiến dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào. 20 năm tự do của miền Nam, dù đẫm máu vẫn là vết son tuyệt đẹp của quê hương này.

BÔNG LAU 30.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.