An Bằng, ngôi làng bình dị ven biển thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào Google, gõ từ “An Bằng”, không có thông tin về địa danh (làng) mà ra hàng loạt bài viết về nghĩa trang An Bằng; từ Wikipedia đến báo điện tử, trang mạng du lịch, Facebook...
An Bằng nổi tiếng với nghĩa trang hàng trăm lăng mộ bạc tỉ, được mệnh danh là "thành phố lăng mộ". Xưa, chỉ các quan lại, đại gia quyền thế mới có lăng mộ. Thời thế đổi thay, dân nghèo mấy vùng quê miền Trung, đua nhau xây mộ hoành tráng, thiên hạ gọi là lăng mộ.
Gần đây, báo chí và mạng xã hội đưa tin lăng mộ của vợ chồng ông Hồ Thiết (1937) và bà Văn Thị Thuận (1938) nguy nga, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khu mộ ở mặt tiền trong nghĩa trang An Bằng, hoành tráng hơn so với các khu mộ khác; xây dựng khi chủ nhân còn sống. Gia đình không phải đại gia hay hoàng tộc.
Khu mộ bề thế, rực rỡ; trang trí cầu kỳ, tinh xảo; lấy cảm hứng từ kiến trúc cung điện, lăng tẩm hoàng gia như long, phượng, trụ biểu, câu đối, hoành phi...; mang tên "Đức Lưu Quang" với mong ước phúc đức được truyền lại mãi về sau cho con cháu. Khu mộ có thiết kế bản vẽ, được gia đình đồng thuận; xem phong thủy; chọn ngày, giờ khởi công.
Bia đá trên mộ khắc sẵn tên hai ông bà cùng con cháu phụng lập. Ngoài sinh phần vợ chồng, khu mộ dành sẵn đất cho các con muốn về yên nghỉ bên cha mẹ. Xây sẵn sinh phần là phong tục xưa của vua chúa, người giàu Trung Hoa và Việt Nam. Cũng có thể chuẩn bị trước và xây sau khi tạ thế. Ông Thế cho rằng, nếu không xây khu mộ thì con cháu nghĩ mình không làm tròn bổn phận, làm tròn chữ hiếu. Giờ có mồ mả đẹp, không phải lo lắng về nơi an nghỉ. Từ khi xây xong, thấy thoải mái hẳn.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, các ngôi mộ trong nghĩa trang “Làng Văn hóa” An Bằng có kinh phí xây dựng từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Có những ngôi mộ lên tới trên 10 tỉ. Tổng giá trị của nghĩa trang An Bằng lớn hơn nhiều lần so với các bản làng Việt Nam. Nếu so với đầu dân, sự chênh lệch càng lớn. Rất nhiều ngôi nhà cấp 4 ở các vùng quê, giá chỉ trên hơn trăm triệu, gia đình cả chục người ở.
Làng An Bằng trước kia sống bằng nghề chài lưới. Khi chiến tranh kết thúc, đời sống khó nghèo, có lúc phải luộc xương rồng chấm muối thay cơm. Mùa đánh cá liên tục thất bát, không có ruộng đồng canh tác. Đói khổ, mất phương hướng, nhiều người tìm cách vượt biên. Những người may mắn đến được Mỹ, Úc; tiếp tục nghề đánh cá, gửi tiền về quê nhà xây lăng tẩm, báo hiếu người thân.
Người dân ở đây tin rằng ”Sinh ký, tử quy” (sống gởi, thác về); “Sống cái nhà, thác cái mồ". Mồ mả cũng quan trọng như nhà cửa, nhà khang trang thì mộ cũng phải khang trang. Kết cấu khu mộ gồm bậc cấp trước lăng, bốn cặp trụ biểu (8 cột), tượng Phật, nhà bia và bình phong ở phía sau; trang trí đắp nổi hình linh vật rồng, phượng, cây cảnh.
Những người thợ tài hoa dùng sành, sứ, mẻ sèng (mảnh vỡ của chén cổ) tạo nên những bức tranh làng mạc, người dân cày cấy, sinh hoạt... Ông Hồ Thiết cho biết từ năm 2021 đã cùng các con lên ý tưởng, phác họa khu mộ rồi thuê thợ xây. Sau 3 năm thi công, đến năm 2023, khu mộ của vợ chồng ông hoàn thiện với chi phí khoảng 4 tỉ đồng.
Vợ chồng ông Hồ Thiết có 8 con trai và một con gái, con đầu năm nay 65 tuổi. Tất cả đang định cư ở Mỹ và thường về thăm quê. Các con đều gửi tiền về Việt Nam để phụng dưỡng cha mẹ. Vợ chồng ông Thiết chi tiêu tiết kiệm, dành dụm gửi ngân hàng, lấy tiền xây dựng nơi an nghỉ, khi từ giã cõi trần. Cả làng An Bằng đều vậy.
Chủ tịch UBND xã Vinh An Phạm Phụng cho biết, dân làng An Bằng có truyền thống xây dựng lăng mộ cho ông bà, cha mẹ như một cách báo hiếu của con cái; chính quyền không biết chính xác số tiền họ bỏ ra. Văn hóa làng xã Việt Nam phổ biến là “con gà tức nhau tiếng gáy”, ganh đua từ nhà cửa, các phương tiện, vật dụng đến mồ mả. Nhà nào cũng muốn hơn người. Không ít trường hợp phá bỏ để xây mới, không chịu thua thiên hạ. Có người gọii đó là bệnh “Sĩ”, của thói khoa trương ngày càng phổ biến?
Được biết, ông Hồ Thiết là đương kim Thủ bộ, chức sắc đứng đầu, như già làng. Chình quyền địa phương xem việc ganh đua xây mộ là truyền thống. Chắc chắn sẽ có những khu mộ hoành tráng và độc đáo hơn trong tương lai, bởi cuộc ganh đua hơn thua, chưa biết bao giờ kết thúc. Không biết nên vui hay buồn. Đành rằng, đó là quyền tự do của mỗi người, được pháp luật bảo vệ.
Không biết làng Văn hóa An Bằng có còn ai khó khăn, cần giúp đỡ? Có bao nhiêu người cần vốn để làm ăn, xoay sở thoát nghèo? Nếu trong làng không còn thì trong xã và trong huyện? Nếu cả nước đều như vậy, thì quốc gia sẽ thế nào? Bỗng trân quý biết bao, tấm lòng của thầy giáo già, dành tiền chắt chiu cả đời cho bà con vùng bão lụt vừa qua.
Đứng trước nghĩa trang An Bằng cứ lăn tăn suy gẫm. Cứ tưởng dân Huế giàu nhất. Cứ ngỡ dân An Bằng là hoàng tộc, con cháu vua Khải Định.
Từng đến nhiều nước, viếng mộ nhiều vĩ nhân, danh nhân, doanh nhân... thấy mộ phần của họ rất khiêm cung. Càng nổi tiếng, càng bình dị. Tôi rất ấn tượng khi đến viếng mộ vua Lê Thái Tổ trong khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa. Tục ngữ Việt Nam có câu “Vào nhà biết chủ”. Báo hiếu với cha me và người thân, xin hãy làm khi họ còn sống.
Tôi biết có nhiều người chưa giàu, thậm chí nghèo; nhưng dặn cháu con, sau khi mình chết, tổ chức lễ tang đơn giản, dành toàn bộ tiền phúng điếu, xây mộ tẩm; làm học bổng, gởi tặng các quỹ từ thiện. Có người còn hiến tạng, hiến xác...
Chết là hết nhưng vẫn giúp ích đời. Thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ.
NGUYỄN VĂN MỸ 09.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.