Sáng nay có nhiều bạn lan đi một thông tin, đại thể nói khi cạnh tranh hàng hóa, nếu thiếu nhân lực sản xuất thì các nước phát triển chỉ cần dùng lao động xuất khẩu hay nhập cư vào là ổn hết, nên họ chẳng sợ gì.
Người viết bài trên đây cũng chỉ là một tay mơ, lý luận một hồi sai bét, mà nhiều người khác cũng tin luôn rồi ca tụng lên mây.
Thật ra lao động ở ta đi xuất khẩu là vì họ kiếm được nhiều tiền hơn trong nước. Ngay cả khi có những người lao động của ta họ đi lậu qua các xứ khác làm công nhân, lao động chân tay, cũng chỉ vì thu nhập ở đó dù thấp hơn người bản xứ, nhưng cũng đã rất cao so với trong nước. Nếu đi lao động xuất khẩu tốn một mớ tiền chạy vạy hàng trăm triệu là ít, rồi lãnh lương như ở nhà, thì họ đi làm gì.
Ví dụ một người làm trong nước lãnh 5-8 triệu, nay đi ra nước ngoài họ lãnh ít cũng hơn ngàn hay vài ngàn usd tháng tùy nước. Chưa kể các chính sách phúc lợi này nọ dù ít dù nhiều cũng có, ví dụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
Vậy thì ngay cả khi nhập khẩu lao động về, chi phí cho nhân công tại các quốc gia phát triển cũng rất tốn kém. Chưa kể phải giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh khi lượng lao động xuất khẩu quá đông, và những chuyện đau đầu về nhập cư tăng quá nhanh.
Ví dụ về điện thoại di động. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đã tính ra một cái điện thoại di động lắp ở một nước nghèo chỉ tốn công từ 15-30 đô la, trong khi tại một nước giàu tiền công là 300 đô la.
Tất nhiên các quốc gia giàu hoàn toàn có thể dựng hàng rào các thể loại bảo hộ sản xuất vì lợi ích của họ. Nhưng nói vì vậy mà chi phí sẽ ngang bằng với món sản phẩm thuộc dạng thâm dụng lao động thì không bao giờ xảy ra.
Một giải pháp cho ngang bằng hay rẻ rúng chính là tự động hóa sản xuất, dùng robot thay người. Cái này sẽ ok. Nhưng lại xảy ra vấn đề nan giải là phải đầu tư vào đó một núi tiền, chưa kể là sau khi dùng robot thì người vẫn thất nghiệp khủng. Trong khi về bản chất, các nước muốn bảo hộ sản xuất là nhằm giúp lao động của họ có thêm việc làm cơ mà.
Tóm lại chính sách nào khi áp dụng cũng có hai mặt. Tùy vào lợi ích từng nước mà họ áp dụng, khó nói đúng sai. Nhưng mà nếu chỉ đứng trên khía cạnh kinh tế mà nói thì khó tối ưu. Nếu tối ưu được thì họ đã làm cái một, cần chi rắc rối.
Bài toán này chủ yếu cũng do các nhà đại tư bản từ các xứ phát triển họ phải giải. Vì họ muốn có lợi nhuận cao, nhiều, nhanh nên đã đầu tư tại các quốc gia nghèo. Ở đó họ có ưu đãi về đất đai, thuế, nhân công, các luật lệ không gay gắt như chính quốc của họ. Nay nếu thay đổi thì chính họ phải tìm ra cách nào để sống sót nổi và cạnh tranh được. Vì hàng hóa đắt thì vẫn có người mua, nhưng chắc chắn là ít hơn nhiều so với khi hàng hóa đó rẻ.
Xây một nhà máy mới ở một quốc gia phát triển cũng tốn tiền tỉ đô la là ít. Và cũng cần một vài năm thì mới hoàn tất là nhanh. Trong thời gian đó cần phải đào tạo được công nhân và kế đó là xây dựng cả một chuỗi cung ứng phù hợp. Có những chuỗi cung ứng mất hàng chục năm mới hoàn thiện.
Trong quá trình này, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Và thật ra thì các tập đoàn đa quốc gia có bán sản phẩm cho một thị trường đâu, họ bán cho toàn cầu. Nên họ vẫn phải đặt nhà máy ở các xứ dễ bán cho toàn cầu là chính để dễ vận chuyển và được ưu đãi, có giá "ngon bổ rẻ".
Không có gì là không làm được. Chỉ là tốn thời gian và tốn tiền bạc rất nhiều thôi. Trong thời gian đó, có thể một cty kiên cường sống sót, mà cũng có thể họ sẽ bị tiêu tùng vì không trụ nổi. Thị trường sẽ quyết định tất cả.
BÍCH HẬU 09.04.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.