mardi 2 avril 2024

Nguyễn Khiết - Cơ hội nghìn vàng?

 

Coi vậy mà không phải vậy.

Cách nay hơn hai tuần, có một gia đình nọ hỏi tôi về quảng cáo trên. Họ muốn biết rằng đây là chuyện thật hay là đùa, hay là lừa đảo.

Thật ra, đây không phải là lừa đảo hoàn toàn, và đây cũng không phải là chuyện đùa, nhưng sự thật thì không dễ ăn như vậy.

Trước hết, nói về lợi tức.

Ở Úc, nếu bạn đi làm ở nông trại mà có lợi tức 130 triệu đồng tiền Việt Nam mỗi tháng là điều có thể, nhưng ít người làm được như vậy. Rất nhiều người, thay vì sáng đi chiều về, họ ở lại nông trại để vừa làm được nhiều giờ vừa đỡ tốn tiền xe. Họ có thể làm từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối nếu vào mùa hè vì lúc đó trời vẫn còn sáng. Nếu đã quen việc, họ có thể kiếm được 2 ngàn Úc-kim mỗi tuần. Tuy nhiên, vào mùa đông thì gần 8 giờ trời mới sáng hẳn và chưa đến 5 giờ chiều trời đã tối mịt. Như vậy, lợi tức của họ kém đi rất nhiều so với mùa hè.

Ngoài ra, nếu các anh các chị làm tại các lò sát sinh như mổ bò, mổ heo thì không được phép làm quá nhiều giờ. Đó là luật lao động của Úc ấn định. Bên cạnh đó, chủ nhân cũng không muốn các anh chị làm quá nhiều giờ vì sự mệt mỏi và thiếu ngủ dễ đưa đến tai nạn, họ phải bồi thường và còn có nguy cơ bị chính phủ ra lệnh đóng cửa.

Bây giờ, chúng ta nhìn vào mặt trái của quảng cáo.

Trước hết, sang Úc học và làm việc mà được bảo lãnh cả gia đình là một điều tôi chưa hề nghe nói tới. Chỉ có trường hợp hai vợ chồng được chấp thuận sang Úc làm việc chân tay thì được phép đem con cái theo, nếu như các em chưa đủ 18 tuổi. Tương tự, nếu các em chưa đủ 18 tuổi mà sang Úc du học thì cha mẹ được đi theo giám hộ. Như vậy, gia đình được đi theo chứ không phải có thể bảo lãnh sang Úc. Và sang Úc ở đây có nghĩa là được ở lại Úc trong thời gian nào đó có ghi rõ ràng trong hợp đồng, hoặc visa du học. Quảng cáo này nói mập mờ khiến nhiều người sẽ tưởng rằng được bảo lãnh cả gia đình sang Úc định cư.

Điều này, nếu có, chỉ dành cho những thiên tài lỗi lạc mà nếu không có họ, nước Úc sẽ bị tê liệt mọi mặt.

Thứ đến, những gì được quảng cáo không có nghĩa là những gì mà ai ai cũng có thể đạt được. Tôi xin kể ra một vài trường hợp có thể xảy đến với các anh chị.

Các anh chị nhờ văn phòng dịch vụ lo thủ tục xin sang Úc lao động. Họ nhận lời, cam kết sẽ có kết quả tốt. Và, anh chị đóng trước cho họ một số tiền.

Một thời gian sau, họ mời anh chị đến để thông báo một tin vui. Đó là anh chị đã được tuyển dụng sang Úc lao động. Có một điều, công việc này không có mức lương cao. Họ giải thích rằng công việc có mức lương lý tưởng đã có đủ người rồi. Họ khuyên rằng anh chị nên chấp nhận công việc này, làm tạm một thời gian rồi họ sẽ thu xếp để anh chị sang làm nơi có mức lương cao hơn, một khi bên đó cần người.

Bỏ ra bao nhiêu tiền, chờ đợi biết bao lâu, bây giờ chẳng lẽ bỏ, họ có trả lại tiền đâu, bởi vì mình bỏ cuộc chứ không phải họ không lo được cho mình. Thế là đành phải cắn răng lo thủ tục kế tiếp.

Đó là còn may.

Đã có trường hợp người ta đóng trước một số tiền cho văn phòng dịch vụ. Một thời gian sau, văn phòng gọi đến báo cho biết rằng đương đơn đã được chấp thuận trên nguyên tắc. Vấn đề trước mắt là hồ sơ của họ “yếu quá” nên phía chính phủ Úc bắt “đóng tiền thế chân” để lỡ họ có trốn ở lại Úc luôn thì chính phủ Úc có chút tiền gỡ gạc.

Họ đóng tiền thế chân được ít ngày thì văn phòng dịch vụ bốc hơi.

Có lên giời mà tìm!

Chính vì vậy mà đã có người nhờ tôi giới thiệu một văn phòng di trú bên Úc. Họ tin rằng bên Úc tính tiền dịch vụ cao hơn bên Việt Nam nhưng không có lừa đảo.

Sự thật như thế nào?

Tại Úc, nếu ai đó muốn mở văn phòng dịch vụ cố vấn di trú thì chỉ cần đăng bạ. Tuy nhiên, nếu họ muốn thay mặt thân chủ để làm thủ tục với Bộ Di Trú Úc thì họ phải hội đủ một số điều kiện nào đó và xin phép hành nghề với tư cách một đại diện di trú (Migration Agent) có số trước tịch hẳn hoi. Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng họ là nơi để bạn chọn mặt gửi vàng.

Cách nay không lâu, một luật sư di trú người Úc gốc Việt tại Melbourne đã bị bắt vì làm hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để giúp các tội phạm được chính phủ Úc cấp visa. Tay này có công ty dịch vụ khá lớn, và điều này có nghĩa là nhiều thân chủ mất toi tiền.

Kế đến, một công ty dịch vụ di trú cũng có thể tuyên bố phá sản bất cứ lúc nào để chạy làng. Họ không có tài sản, văn phòng thì họ thuê, tài sản duy nhất của họ là vài chiếc laptop cũ, có bán cũng chẳng ai mua. Thế là thân chủ của họ mất toi tiền.

Nói tóm lại, hầu hết các quảng cáo đều có tính cách bắt mắt (eye-catching) để dụ người ta đến với họ. Kế tiếp, họ sẽ có nhiều chiêu để khách hàng cắn câu. Từ đó trở đi, họ sẽ tùy theo đối tượng là ai để đi nước cờ tiếp.

Cách nay hơn 20 năm, có một tay chuyên về dịch vụ di trú rất tinh khôn. Y ta hứa hẹn đủ thứ, nhận tiền của thân chủ rồi không làm gì cả. Mấy tháng sau, anh ta gọi thân chủ đến để than thở rằng hồ sơ này khó quá, phải chờ thêm một thời gian nữa và anh ta sẽ cố gắng hết mình để lo cho bằng được.

Vài tháng sau, anh ta lại gọi thân chủ đến báo tin rằng hồ sơ thất bại hoàn toàn. Anh ta cũng rất minh bạch về tiền bạc nên số tiền mà thân chủ đưa trước cho anh ta, anh ta mới chỉ trang trải một phần lớn chứ chưa hết. Phần còn lại, anh ta hoàn trả cho thân chủ.

Thân chủ mừng lắm, tưởng mất toi hết rồi.

Thế là người ta cứ ngồi không mà cũng lột được của bạn một số tiền mà bạn còn phải cám ơn người ta vì đã rất nhân đạo, không nuốt hết số tiền mồ hôi nước mắt đó.

Vậy nên các anh chị phải hết sức cẩn thận. Cách tốt nhất là hỏi thăm những người đã được sang Úc lao động xem trường hợp của họ ra sao, và nơi nào đã giúp họ làm thủ tục thành công như thế.

Sau hết, chúng tôi xin thuật lại một trường hợp rất buồn đã xảy ra tại Úc mới đây.

Hai vợ chồng nọ được đến Úc định cư theo diện tay nghề chuyên môn mà nước Úc đang thiếu. Cả hai vợ chồng đều là bác sĩ. Họ có một đứa con gái mới được khoảng 3 tuổi.

Vừa an cư lạc nghiệp xong, đứa con gái của họ bị chẩn đoán là bị chứng autism spectrum, tức là trí óc phát triển chậm. Theo luật di trú của Úc hiện nay, một di dân bị khám phá là không lành mạnh (về cả thể xác lẫn trí tuệ) thì người đó phải rời nước Úc. Cũng theo luật di trú đó, một người trong gia đình phải rời nước Úc thì tất cả những người khác trong gia đình cũng phải rời theo. Đó là chính sách ONE OUT, ALL OUT của chính phủ Úc.

Thế là cả gia đình hai vị bác sĩ kia phải trở về nguyên quán.

Chúng tôi mong rằng điều đáng buồn này sẽ không xảy ra đối với bất cứ ai khác. Chúc các anh chị toại nguyện.

NGUYỄN KHIẾT 02.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.