lundi 11 mars 2024

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1981

(Nhật ký hậu chiến)

17/1

Ý Nhi kể con ốm nhiều ngày vì thiếu ăn. Ban ngày, cả nhà muốn bán ti vi, ban đêm, lại muốn giữ lại để xem. Ân thì đau bụng đi ngoài. Sau hai tháng ăn rau, giờ mua được 2 cân cá dầu bé tí để ăn – có thể đó là lý do chăng?

Ông Kiên kể vợ vừa phải mang bán mảnh vải định may quần.

Ông Nhị Ca bảo đời phải có ân oán chứ. Mấy chục năm nay, dân cán bộ khinh dân buôn bán, bây giờ đến lúc bọn buôn bán nhỏ nó khinh lại.

Báo Hà Nội mới ngày 16/01/1981 đưa tin có hai vụ giả mạo giấy tờ, lấy ra của nhà nước 60 tấn gạo.

18/1

Lại nói chuyện đói kém.  Nghe nói, ông thứ trưởng Mai Vi đã phải lên trên kêu xin trợ cấp cho văn nghệ sĩ (khoảng 30 ngày) để sống qua ngày. Các đoàn nghệ thuật đi làm ngoài kế hoạch như điên. Tha hồ gây quỹ. Công thức tính tiền lần này: Làm thêm 10, diễn viên + lao động được 8, quỹ 1, nhà nước 1.

- Thế còn các cơ quan không làm thêm được thì sao?

Từ trên cùng, ông Phạm Văn Đồng dứt khóat:

- Nhà nước chỉ có thế, ai không làm được thì giải tán.

 Nghe đâu Nguyễn Khắc Viện đã gửi thư lên ông Thọ: Lúc này không phải lúc bàn về lý luận, mà là lo cái dạ dày.

29/1

Nguyễn Minh Châu: Đời mình chỉ thấy hai chuyện ghê gớm, Trung Quốc nó đánh mình là một, với hợp tác cho khoán là hai. Gần bằng thế này còn gì nữa - ông úp bàn tay xuống lại ngửa bàn tay lên. Nguyễn Minh Châu kể chuyện Nguyễn Thanh Bình xuống Bắc Thái phổ biến cho khóan, dân nó phản ứng, không chịu làm theo, họ cho là cái lối đó là của ngày xưa lạc hậu rồi.

Và ông bình luận thêm, này, có khi lãnh đạo tỉnh nó nghe được, mà đám quần chúng lại nhảm không biết chừng. Con người bây giờ không ai cầm nắm được câu trả lời trong tay. Cả thằng tốt lẫn thằng xấu, thằng nào cũng đầy dớt dãi.

27/1

Báo Nhân Dân đăng phổ biến của chính phủ cho phép các xí nghiệp mở rộng kinh doanh. Thay hàng loạt bộ trưởng. Những tên tuổi mới, chưa xuất hiện ở đâu bao giờ.

12/2

Tết. Sôi nổi nhất là chuyện ở khu Vĩnh Hồ. Một giám đốc đuổi một công nhân là bộ đội về. Người này đã có tiền án. Đêm ba mươi, người này đến nhà giám đốc mang theo một cái ba lô. Gần đến giao thừa, giám đốc ngầm bảo một đứa con đi báo công an. Nhưng con chưa kịp về, thì có một tiếng nổ kinh khủng. Ba lô kia là ba lô bộc phá. Căn phòng ông giám đốc, và cả căn phòng đó ở tầng trên, tầng dưới (cộng 3 hộ, chạy theo chiều dọc) sụp đổ, chết không sót một người.

Bằng Việt bảo tôi nghe kinh quá, những cuộc đời có thể đi qua không còn lại chút dấu vết gì. Con gái bảo bố ơi, sao con chẳng thấy kinh gì cả.

Chồng Minh Thái vào bệnh viện Cuba. Lão bác sĩ công khai bảo anh lo cho tôi ít cà phê tôi uống cho tỉnh táo. Rồi xem cơ quan anh có bán gì, để cho tôi một ít, tôi khỏi phải lo, mới yên tâm chạy chữa được. Hỏi ra, những người vào viện đều phải biếu, khi con gà, cân gạo.

Bác sĩ đi tiếp khách bảo một bệnh nhân: “Tôi mượn mấy quả cam nào”. “Mượn” thật. Nghe bệnh nhân kêu khát nước “Sao không bảo người nhà bà mang nước đi? Đây không có nước.” Gần Tết nhân viên đến bệnh viện, nhưng đi mua sắm, rồi về đun nước tắm gội đầu, nói chuyện ầm ĩ.

Yến kể ở bệnh viện St.Paul, khoa cấp cứu còn không có thuốc.

Gặp tác giả Núi Đôi, Mậu + Anh Ngọc bảo chúng em định đến nhà anh chơi. Ông Vũ Cao cười:

- Kể đi chơi bây giờ cũng khó, mà tiếp khách bây giờ cũng khó. Ví dụ không phải bao giờ tôi cũng có thuốc lá mời khách đâu.

Ý Nhi bảo không họp, tôi có thể đứng xếp hàng hai, ba giờ, lấy nửa lít nước mắm. Mà họp thì thấy mất thì giờ quá. Nhưng không thế, cũng không biết làm gì.

Nghe kháo về tình hình một vài cơ quan Bộ Văn hóa:

- Đoàn xiếc: Tất cả cơ quan tẩy chay ông Ngô Ngọc Yêng, đoàn trưởng. Bộ bênh. Anh em gần như bãi công. Phải cho ông này về sớm.

-Tạp chí Sân Khấu tổ chức họp, để làm một số báo về mỹ thuật sân khấu. Ông T. V. quyền tổng biên tập chủ trì. Một biên tập viên là Đ. đứng lên bảo: Tôi phản đối cuộc họp này. Một biên tập viên tuyên bố phải đuổi Đ ra khỏi cơ quan. Ông T. V. gọi mấy cậu đàn em đến nhà cho ăn, thảo đơn, bảo mọi người ký, đề nghị Đ. đi. Trong khi đó, Đ. và hai người nữa phát đơn kiện lên Tuyên huấn Trung ương, đề nghị đuổi ông T.V.

Cách kiếm ăn của một phóng viên nổi tiếng trong chiến tranh. Ảnh diễn viên X. đang được mọi người chú ý ư? Đi chụp lại gửi các quầy báo, như người ta đưa thuốc lào. Lần đầu lỗ. Nhưng sẽ ăn ở lần sau.

Khóan nông nghiệp. Nông dân nhắc nhau tối thiểu mười ba, tối đa mười tám. Đây là nói số cân gạo mỗi bên được hưởng. So ra độ chênh giữa người chăm và người lười cũng chẳng là bao. Kết luận, làm chết xác đâu có được gì?

Khoảng Tết và sau Tết trứng lên tới 2,5 đ 1 quả. Chắc ra Giêng mới hạ.

Ở một hợp tác xã, giao ruộng đã cấy cho một gia đình, giao hôm trước, hôm sau họ nhổ tất cả lên, cấy lại.

Ở một nơi khác, chưa cấy, chỉ gieo mạ. Bốn mẹ con nhà nọ ngồi chọn, vứt đi cả nửa số mạ đó. Chúng tôi không nhận số mạ này.

Giống hỏng quá, nhiều giống tốt, mà Lê Quý Đôn ghi trong Vân đài loại ngữ, nay không còn nữa.

Cầy bừa do hợp tác xã đảm nhiệm. Nông dân đứng ở đầu bờ, bảo ông thợ cầy, ông đi cho tôi vài đường nữa, tôi biếu ông vài phẩy.

Đúng là xã hội đang tan băng. Nhưng một là xác chết đầy ra. Hai là tan không đều, nếu thấy có nơi nó tan, nơi mình chưa tan, đừng có thắc mắc.

Anh thử làm một thứ biên niên sử xem. Mọi chuyện ở Trung Quốc và Việt Nam xảy ra rất hợp với nhau, chỉ xê xích chút ít. Sở dĩ các ông nhà mình, các ông ấy dám làm một số việc, là vì các ông ấy nghe tin ở Trung Quốc, nó cũng đang rữa ra và họ cũng đang làm kiểu ấy. Bao giờ họ cũng đi trước mình.

20/2

Tính bảo ở nước mình có mấy vụ quan trọng là cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, chống xét lại... Đánh mất những nhân tố tốt, cái đó một phần. Nhưng nguy hiểm nhất, là nó tạo ra những phần tử cơ hội. Nó khuyến khích sự láo lếu.

Một ví dụ về cách làm ăn hồi ấy. Cuối một đợt đấu tranh, ở tờ báo, ngưòi ta phổ biến thêm:

- Đây mới chỉ là một số vấn đề chung. Còn như đồng chí nào có thắc mắc, hoặc có gì báo cáo thêm, lên gặp đảng ủy.

Ai lên? Toàn dân cơ hội. Những người như ông H., cũng biết là bọn kia xấu, nhưng cảm thấy nói ở hội nghị đủ rồi, không cần lên nữa. Sau mới biết thiệt. Tất cả những kẻ lên bộ báo, đều được lên cấp rất nhanh. Loại thứ trưởng lên kiểu như vậy, hiện nay không hiếm.

Đọc Nhật ký Diên An - Vladimirov. Tác giả ghi về các nhà lãnh đạo Tầu:

- Giữa họ với nhau không ai tin ai. Họ như ổ cướp.

- Họ luôn luôn làm ngược những cái mà họ đề lên rất cao là chủ nghĩa Mác, là phục vụ nhân dân, phép biện chứng.

Họ chẳng có lý tưởng gì. Họ chỉ say mê quyền lực.

“Đồng chí sẽ trở thành người Trung Hoa. Tâm trạng của đồng chí, ngay đối với những người gần gũi, cũng không bộc lộ ra điều gì cả.” - Mao nói với tác giả vậy.

Mao về bản chất là một nghệ sĩ, ông ta biết gác những cảm xúc của mình và khéo đóng vai trò cần đóng ngay cả trước những người rất quen biết. Chu Ân Lai thì đặc biệt quan tâm để tìm cho được cách xem xét tỉnh táo nhất trong khi giải quyết các vấn đề khác nhau. Nói nhiều nhưng lại rất kín đáo. Dễ chừng thích ứng với bất cứ hoàn cảnh nào. Làm việc 18 giờ một ngày.

Nhận xét của Lâm Bưu: ”Đảng ta đang quân sự hóa”.

Một tài lẻ của Mao là biết đóng vai người khác, rồi lại hỏi xem mình đóng có giống không. Mao chỉ say mê tư tưởng cổ đại Trung quốc. (Ehrenburg từng bảo tôi không thể hiểu được những tư tưởng đó).

Đọc cuốn Nhật ký Diên An này, tôi chỉ nghĩ không biết tác giả có hiểu rằng Tầu sao thì Nga vậy, cũng cùng một giuộc cả.

6/3

Anh Nghi cưới vợ. Nhà vợ thách 40 cân thịt, ba sỏ lợn, vài chục cân gạo nếp cộng thêm quần áo cô dâu, đến vài chục ngàn.

Xuân Quỳnh kể một diễn viên đoàn kịch, cưới vài trăm ngàn. Nó toàn ăn yến ăn vây.

Cái bi đát của xã hội này là người ta tước đi của những người bình thường khả năng chống lại cái ác. Cái ác như là được o bế, được bao che.

Lâm kể chuyện Sài Gòn: Thanh niên thường mượn cớ múa tập thể để nhảy với nhau. Củi đắt. Ở một khu rừng gỗ tạp gần Sài Gòn, ba thế lực tranh chấp nhau là công an, kiểm lâm, du kích địa phương.

Những người lãnh đạo văn nghệ rất sợ các văn nghệ sĩ hôm qua. Tết ở Sài Gòn, người ta chỉ chơi pháo cho vui, không ném vào người như ở ngoài Hà Nội.

Ông Nhị Ca ốm, trung bình ngày tiêu 20 đồng : 5 đồng tiền thức ăn, 5 đồng tiền thuốc, 10 đồng tiền đấm bóp.

10/3

Tất cả các thứ đắt lên một cách khủng khiếp. Cắt tóc 1,5 đồng. Trứng 1,7 đồng. Phong bì 0,1-0,15 đồng một cái. Tạp chí Văn học hứa trả tôi bài Thi pháp 100 đồng vì tạp chí sắp bán 2,5 đồng. Truyện Người đàn ông với vòng hoa tang tôi dịch, báo Văn Nghệ trả được 40 đồng. Hồng Phi bảo thế là rẻ.

Trong khu vực công nghiệp nhẹ, giấy lên gấp ba. Bán giấy thành phong bì còn lãi hơn in sách (dù bất cứ loại gì). Giấy vụn ngoài thị trường 13 đồng /1 ký. Lo việc in báo, Ngô Thảo + Doãn Trung xoay như chong chóng. Kéo nhau vào Sài Gòn tì tì.

Người ta phân tích:

- Trước sau nhà nước cũng phải trợ cấp cho cán bộ công nhân viên.

- Sản phẩm xã hội tăng. Lương công nhân làm khóan bây giờ 4-500. Có nơi hợp tác xã thu vài ngàn. Có nhiều người tự nhiên có rất nhiều tiền.

Nguyễn Minh Châu bảo so với giá vàng, thì chưa bao giờ hàng hóa rẻ như bây giờ.

11/3

Một câu hỏi thường được đặt ra - chiến tranh để lại dấu vết trong mỗi người thế nào.

Buổi chiều, ở nhà trẻ Thành Công, một đứa bé mãi không thấy ai đến đón. Trông nó gày yếu lắm. Người mẹ tới. Chị ta còn trẻ, chỉ độ 22. Một tay bế con, tay kia xách xe về (không kịp buộc ghế), trông thất tha thất thểu. Lúc này mọi người mới biết hóa ra chồng chị là thương binh nặng, ở nhà vẫn nhận đi đón. Nhưng hôm nay anh ta lên cơn thần kinh thế nào đó, quên. Người mẹ về đến nhà thấy xe vẫn để đấy, ghế còn rời không buộc vào xe, biết là chồng quên.

Những người phát động chiến tranh thường nói rất văn hoa và hào hùng. Bọn nhà văn chúng tôi cũng vậy. Nhưng một cảnh sơ sài như hôm nay thôi đã cho thấy chiến tranh là gì. Là có rất nhiều gia đình tổn thương, nhiều người phụ nữ khổ sở. Cộng cả hai ý hào hùng và tan nát lại mới đúng.

Còn như muốn biết dấu vết trong văn học hãy cứ đọc lại ông Tuân ông Diệu thì biết. Ít ra cũng phải nhận là thời đánh Mỹ, bên cạnh hùng khí, trong chúng ta vẫn âm ỉ nỗi sợ trong lòng. Bằng chứng? Trong giọng văn của các bậc thầy văn chương này hồi chiến tranh, nghe thoáng có chút gì đó lải nhải lảm nhảm, giống như cách lên tiếng của con người trong những bộ tộc xưa khi còn man rợ. Hình như tiếng Pháp gọi là barbare.

Trần Độ công nhận nỗi lo lắng của dân lúc này là đời sống, an ninh, việc dạy dỗ con cái.

Ông Dũng ở Lê Văn Hưu chạy cái nhà ở chỗ chợ Hàng Da, phải lên tận các ông to. Nhưng nào có được ngay. Riêng vi thiềng cho Chủ tịch ủy ban nhân dân quận tàm tạm đã là 3.000, mà chưa xong.

Anh T. nghe ở đâu về bảo ở khu Hoàn Kiếm, có khoảng hơn 10 người tỉ phú (?). Phần lớn khoảng tuổi 30 – 40.

Ông Vương Hồng Sển, một người sưu tầm đồ cổ ở Sài Gòn đang có hai nguy cơ 1/ Đói, phải bán đồ đi ăn, 2/ Luôn luôn bị làm phiền, nhiều kẻ vào hỏi.

Hải Phòng cháy một kho lớn - kho 5 hay kho 6 gì đó. Rất nhiều hàng quý đồng hồ, máu khô, vải vóc. Nghe tin cháy, ông Phạm Văn Đồng phải đến tận nơi. Bọn đốt nó phối hợp tài tình đến nỗi tất cả các xe cứu hỏa đều hết xăng. Phải điện gọi xe Hải Dương, Thái Bình. Mái tôn đổ xuống, nước dội vào chỉ... lạnh tôn đi, không phá được, không cứu được hàng.

8/4

Tin quốc tế: 500 đảng viên Cộng sản bình thường ở Ba Lan họp mặt không theo sự chỉ huy của ai cả, đòi cải cách tình hình, đòi thay đổi Ban lãnh đạo trước - theo cách bỏ phiếu kín - rồi mới thảo ra cương lĩnh sau. Công đoàn Đoàn kết bắt đầu có giờ riêng trên TV.

Fidel Castro nói tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, phê phán Việt Nam:

+ Chỉ chống chủ nghĩa bành trướng, không chống chủ nghĩa Mao.

+ Đi với Liên Xô không hết lòng.

+ Không chủ ý đến quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa xã hội là không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

Tình hình Việt Nam - Cuba căng đến mức là những ngày này, báo Nhân Dân luôn luôn nói đến Cuba, vụ Hiron được làm um cả lên. Khi đang ghét ai mà không chửi ra mặt được thì làm bộ hết sức quý hóa - đó là môn võ Tàu rất được thông dụng ở ta.

6/5

Hôm qua họp hội nghị bàn về danh nhân.

Ý hay của một số người - Danh nhân Việt Nam không có tầm vóc quốc tế. Phần lớn là các anh hùng, số phận chỉ liên quan tới dân tộc. Còn danh nhân văn hóa của mình (kiểu Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Khắc Khoan) thì tầm khái quát văn hóa chưa đủ để giới thiệu ra nước ngoài.

Tại sao xã hội ta không phát triển được?

Theo Lê Văn Lan, cái chính là xã hội ta là xã hội nông dân, nó lại được khép kín chặt chẽ quá. Đến mức như là những lớp kén, không gì phá vỡ nổi. Nông dân thì bao giờ cũng thù ghét trí thức, ta nhớ không phải ngẫu nhiên, khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên, khẩu hiệu của phong trào là trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ.

- Thế Trung Quốc không phải là xã hội nông dân à?

- Không, nó là một xã hội buôn bán chứ. Ngay cái cách cư xử của nhà vua với các chư hầu, cũng là một thứ buôn: Nó yếu ta đánh, nó mạnh thì ta xin hàng, lót tay quỵ lụy.

(Trí thức Trung Quốc hình thành sớm tại các thành thị có vai trò quan trọng, có đô thị thì trí thức mới có đất để hoạt động. Vì chỉ đô thị mới đáp ứng được nhu cầu tự do cho trí thức.)

Tình hình Ba Lan - theo Doanh, một người đi dịch trong Đại hội Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức kể, Jirek là một thứ bài Xô nặng nề. Trong thời gian làm bí thư thứ nhất, ông ta đã cho xây dựng khoảng 600 nhà thờ. Khi tình hình bắt đầu lộn xộn, ông cảm thấy vai trò của mình đã hoàn thành, liền xin từ chức.

Dân Ba Lan bài Xô rất ghê. Họ sẵn sàng vào rừng để chống Liên Xô đến cùng. Liên Xô chưa hiểu sẽ cư xử ra sao, chỉ thấy bảo chớ can thiệp vào nội bộ Ba Lan. Một thí nghiệm về việc mở rộng dân chủ trong lòng Chủ nghĩa xã hội chăng?

Ông Ngô Thảo kể cả quân trường Quang Trung chỉ có hai cái giếng. Đánh nhau vì lấy nước. Ra cổng, mất ngàn bạc. Gì cũng mất tiền. Ông Doãn Tuế đến kiểm tra bảo chúng nó làm thế này, đến tướng cũng phải đào ngũ. Đợt lấy quân vừa rồi, lấy 7 vạn đào ngũ 4 vạn. Các địa phương bây giờ giao quân tại chỗ, chứ không giao quân ở đơn vị nữa. Quân đoàn 4 sợ không dám lấy lính Sài Gòn. Vì thế thì nó đào ngũ hết.

Một ví dụ về người thành đạt của xã hội này. Ông K.T vốn là chỉ huy một đoàn nghệ thuật được theo Đặng Thái Sơn đi nhiều nơi trên thế giới để biểu diễn. Hái ra tiền. Triệu phú chứ chẳng phải chơi. Trước đó, ông ta bị chuyển công tác vì tội trong khi làm nhiệm vụ, không quên buôn mì chính từ bên Lào về.

Đọc Nghệ sĩ chèo Hoa Tâm :

Lương một diễn viên loại như bà Nhữ (mượn ở Hà Nội về hát, khi gánh hát còn ở Vĩnh Yên) là 10 đồng / tháng. Lương của cô Định (Hoa Tâm) là 8 đồng / tháng. Giá cả hồi ấy: 1 xu 1 bữa cơm đầu ghế (ăn cơm có canh, có cá, có dưa, ăn no) 10 đồng hồi ấy bằng khoảng 3.000 đồng đến 5.000 đồng bây giờ.

Nghị quyết tư tưởng ghi chú số đảng viên bị kỷ luật thời gian qua 20 vạn, 12 vạn đưa ra khỏi đảng (?). Báo sụt số lượng. Báo chỉ còn bằng 1/4 hồi chiến tranh. Báo Nhân Dân trước in 50 vạn. Nay còn khoảng 15.

18/5

Ông Trần Tự ở Hải Phòng về kể dân Hải Phòng rất khoái vụ cháy vừa rồi. Vào hôi thoải mái. Không hôi, được mua các thứ cháy dở cũng đã thích lắm. Các loại vải thường đâu có được vào kho đó. Kho được xây theo hệ thống các kho hiện đại, điện tắt mở tự động, khi cần người ta dâng nước trong các bể chứa sẵn để dập đám cháy. Hàng trăm người thường cũng không đốt nổi. Chỉ có những người thông thạo bộ máy của nó mới thực hiện được.

Ví dụ về hàng tốt - 6 tấn đồng hồ quý bị huỷ. Hàng tấn máu khô v.v…

Tôi nói đùa, tóm lại, không một nước nào dám chơi sang như nước mình.

Cô Châu kể: Tôi vào Sài Gòn, xếp hàng đi lấy vé tàu về quê. Tàu hẹn 6 giờ, 7 giờ, rồi 12 giờ, nhưng không lần nào chạy nổi. Bố tôi bảo ngành giao thông của cả nước mà tư cách không bằng một con điếm.

25/5

Đâm chém đến với nhà trường. Một học sinh hư bị cô giáo đuổi ra khỏi lớp. Sau lại còn đứng ngoài chửi cô nữa. Cô tức quá, tát nó một cái. Thằng bé về mách bố. Bố là một thương binh, nay về đạp xích lô. Hắn đến chửi, đánh cô giáo bị thương nặng, nhưng tiểu khu (tức Ủy ban phường) vẫn bênh người thương binh kia. Giáo viên ở trường bãi khóa. Học sinh đến bôi cứt vào đầy bàn. (Báo Hà Nội mới nói rõ là tay xích lô đánh cô giáo ngay trước mặt đám học trò. Kinh khủng!)

Lại một dấu hiệu của thời hậu chiến mà người ta lảng tránh, không muốn “gọi sự vật bằng cái tên của nó”.

2/6

Hòa kể anh vợ được một ông giáo sư Liên Xô mời sang họp chương trình Intercosmos. Nhận được thư riêng của ông Liên Xô kia mới biết, đi hỏi thì ra có giấy mời đã 2 tháng rồi, nhưng không ai chuyển cho mình. Chạy đủ việc, từ chỗ Phó thủ tướng xuống đến giấy đổi ngoại tệ... Nhưng khó nhất là chạy xe ra sân bay. Nơi cho đi, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật - không có xăng. Cơ quan của cậu ta - Tổng cục Bưu điện - phải lo xe. Nhưng hẹn lái xe 12 giờ, 12 giờ 15 họ mới đến. “Mai đi có được không?” Lái xe bảo thế. Lại phải van vỉ một hồi.

Cầu Long Biên Hà Nội. Trong những giờ cao điểm trung bình cần một giờ cho 270 xe đi qua. Nay phải chuẩn bị cho 1.000 xe, thì làm sao mà chở được.

Một bài viết về rác thành phố bảo rằng chính các cơ quan nhà nước xả rác và phá hoại trật tự công cộng nhiều hơn nhà dân. Nói chung, trong nhà sạch sẽ hơn ngoài đường. Buổi tối ở Hà Nội đèn đường tối như đom đóm, trong khi đó, ở các nhà quan, đèn sáng lấp loáng.

Một vụ tham ô tập thể được phanh phui trên báo. Lúc đầu chính Bộ chủ quản còn bênh. May mà Ủy ban Kiểm tra làm đến cùng. Viết bài trên báo Nhân Dân hẳn hoi. Một người bình luận bảo mọi vụ tham ô chỉ trót lọt nếu được cấp trên đồng tình. Tôi thì cho rằng cái lối để cho đơn vị tự kiểm tra mình như thế này, chỉ thúc đẩy thêm nhiều vụ tham ô khác, và số lọt lưới sẽ đông hơn số phát hiện được.

Ông Vĩnh đánh máy cơ quan kể ngày trước ông ta làm thư ký đánh máy ở Sở cẩm, lương hơn 90 đồng một tháng. Gạo hồi ấy giá 1,2 đồng một tạ. Như vậy lương ông ta bằng 80 tạ gạo tương đương 80 ngàn đồng bây giờ.

Yến (vợ Tính) đi họp phụ huynh cho con ở trường Thành Công. Cô giáo phân trần không phải cô muốn phụ đạo làm gì. Nhưng vì nhà trường yêu cầu vậy. Tháng mỗi em có 2 đồng, nhà trường lại trích làm quỹ một số nữa, nên cô chỉ thu được có hơn chục bạc một tháng. Vậy mà có phụ huynh còn kèo nhèo, cho là cô kiếm chác. Nói đến đây, tủi thân quá, cô khóc. Nhân đó, những phụ huynh lên than thở về chuyện nghèo, chuyện con hư, lại khóc một lần nữa. Thế là buổi họp biến thành một đám khóc lu bù.

Thịt lên 70 đồng một ký (thịt thăn). Trứng vịt 2 đồng một quả.

Xuân Quỳnh kể: Năm ngoái, có một vụ đánh nhau ngoài đê. Dân đổ ra xem, đàn ông người nào cũng cởi trần.

Đồn đại quanh giải bóng đá 1981 vòng 1:

Trọng tài Đào Đình Xuyên thổi cho Sở Công nghiệp mấy quả phạt đền, phải được vài chục ngàn. Trong khi đó một ông D. Mùi bị bọn Lương thực Thực phẩm tấn cho liểng xiểng. Thổi cho Than Quảng Ninh một quả phạt trực tiếp - đúng luật. Thế mà bọn Lương thực Thực phẩm vẫn cáu. Lúc giao bóng, mấy tay sút bóng bắn vào người trọng tài, một tay xông vào đạp, đánh, đến bị thương nặng. Nhưng ghê gớm nhất, là người xem lại nhiệt liệt hoan nghênh cuộc hành hung này, hoan hô từ đầu đến cuối.

Tình hình Ba Lan 10 tháng nay, Đảng cCng sản, ông Kania công khai đối đầu với Liên Xô. Công đoàn Đoàn kết bắt đầu tự tin: Chúng tôi không can dự vào công việc chính trị, mà chỉ nói chuyện cơm áo gạo tiền. Chúng tôi thấy vấn đề đổi mới ở Ba Lan và vấn đề bài Liên Xô là hai chuyện hoàn toàn riêng biệt.

25/6

Một ví dụ chứng minh rằng ta “rất hiểu về tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật”: Người ta khăng khăng đòi thực hiện Viện Hàn lâm (cho nó oai?) tuy có những người như ông Trần Đại Nghĩa, thấy không nên làm. Còn nhớ ngay sau 1975, có người – hình như là ông Phạm Văn Đồng - nói xơi xơi “Thôi, hai mươi năm thì quá nhanh, cứ tính độ ba mươi năm ta sẽ đuổi kịp Nhật“ (!)

Tiếu lâm:

Ở Liên Xô một lần có một người dân chót buột mồm ”ông Brezhnev là ngu xuẩn”. Tòa luận tội và mọi người đều biết nặng lắm, thì ông ta cũng chỉ bị một vài năm tù vì “phỉ báng người khác”. Tòa họp kín. Nhiều cuộc tranh luận sau tòa đi đến nhất trí và gọi dân vào nghe. Hóa ra, bị cáo bị kết tội chung thân.

- Tại sao?

- Không, đây không phải chỉ là vấn đề phỉ báng người khác, mà là một tội rất nặng. Tội “tiết lộ bí mật quốc gia”.

3/7

Về tình trạng ở tù của đám Nghị quyết 9.

Đặng Kim Giang trần tình: Tôi 50 tuổi, cơm bị trộn vôi không ăn được, xin ăn cháo, thì cháo pha cát.

Tr. Thư, một người đọc Ehrenburg nhiều, và dịch Paris sụp đổ, tả rất chi tiết. Tôi bị giam trong một phòng kín, hàng ngày cơm thả từ trên xuống, chỉ nghe tiếng động mà biết cơm ở phía nào, và chỉ cho vào mồm mới biết được ăn gì.

Ỉa ngay trong phòng kín đó, có một cái hố đào sâu xuống đất, nhưng không bao giờ nhìn thấy nó cả, chỉ đặt chân đúng chỗ hai hòn gạch, thì biết là có thể ỉa cả được rồi.

Phòng giam bê tông cốt sắt nóng quá, những đêm hè, tôi cũng phải về chỗ hố xí đó, ngồi lên mấy hòn gạch cho hơi đất bốc lên, dịu dịu một chút, chừng hai giờ sáng mới chợp được một lúc.

Tính kể về ông Lưu Thiếu Kỳ trước khi chết. Một buổi sáng, tại một sân bay nọ ở bắc Trung Quốc, người ta thấy mấy người khiêng ra khỏi máy bay một cái xác, phủ trong chăn. Khi mở chăn ra, đó là một người bị giam hãm hành hạ lâu ngày. Đó là thân hình của nguyên chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tính lại kể khi bọn phi công Mỹ về nước, hỏi cậu Dung ( ...)

- Ông thấy bọn nó tố cáo cái gì của mình là tàn ác nhất?

- Một tay đại tá bảo tao chưa thấy ở đâu có lối giam cầm dã man như thế này. Dã man vì bắt người ta ở riêng một mình, không được tiếp xúc với các người cùng bị tù, không được nhận thư của gia đình.

...

17/7

Đại hội đảng cộng sản Ba Lan. Một phó thủ tướng lên tranh chức thủ lĩnh Đảng với thủ lĩnh đương nhiệm.... Ông phó này đọc diễn văn, người vỗ tay nhiệt liệt. Tổng cộng có tới 7 người ra tranh cử như vậy.

Thư kể công nhân 10 người, 9 người rưỡi ăn cắp (trừ tổ trưởng, chỉ ăn cắp chút ít). Đi làm, hôm nào đến cũng tán phét một lúc, rồi chửi loạn cả lên một mẻ sau mới bắt tay vào công việc.

4/8

Nhị Ca (đã theo Xuân Thiêm từ quân đội chuyển về Hội liên hiệp).

- Từ hồi kháng chiến, tôi đã thấy mọi chuyện không ra sao, toàn chủ tịch xã không biết chữ điều khiển thì còn làm được cái gì nữa.

- Năm 1975, vào Sài Gòn, mới thấy hết cái kinh khủng của cốt nhục tương tàn. Mà rút cục, độc đoán thắng dân chủ, phong kiến thắng tư sản, thế mới buồn cười.

- Ông đừng nói lao động lao động. Trong xã hội này, ai tổ chức cho ông lao động, ai thuê ông, ai dùng ông, đó mới là yếu tố quyết định. Như ở nông thôn chẳng hạn, chia ruộng cho nông dân xong, họ chưa cầm ấm tay, lại tước luôn. Hợp tác là gì, là một thứ chế độ nông nô đời Trần, chứ làm gì có máy móc với quan hệ sản xuất. Chả phục vụ ai, chỉ phục vụ các ông ấy, các ông ấy muốn làm Quang Trung cả.

Tôi tự nhận tôi có tài cán gì đâu. Tôi chỉ làm cho vui, ở đâu tôi cũng thấy thoải mái, chả gây sự với ai hết. Ở Văn nghệ Quân đội cũng sướng. Mà ra ngoài này cũng sướng. Đúng là ra để đi (nước ngoài) chứ còn gì nữa.

5/9

Tàu Liên Xô rất ít vào cảng Hải Phòng mà muốn vào Sài Gòn vì ở đó bốc dỡ nhanh hơn và cung ứng sinh hoạt tốt hơn. Đỗ Thái Bình bảo vào Sài Gòn bây giờ chả ai coi mình ra gì, đến nhà cửa nó cũng không cho nữa.

Cư đi Liên Xô về kể:

- Sở dĩ Đặng Thái Sơn được giải Chopin vì năm đó kém quá, không có ai đáng được giải nữa.

- Ở Liên Xô những năm này, chỉ có bọn lùn [bọn tầm thường chỉ có chút tài mọn] là sống khỏe. Gì nó cũng làm được. Nhưng những tay thật xuất sắc (loại như Shostakovits, Prokofiev) bây giờ không có.

Khoảng thời gian 1960 cho đến 65, đúng là mùa xuân của xã hội Xô Viết. Bây giờ phương Tây nó không thèm sang Moskva nữa. Phim ảnh không sang. Festival không. Nhạc sống không sang.

Ở trường Hội Nhà văn, Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư đã quyết định... không cho các học viên học ngoại ngữ nữa. Kết quả, nếu có thể nói, chỉ đạt 1 % so với yêu cầu. Ngoài ra, không được việc gì cho cái đám đông đầy tham vọng đó.

Nên nhớ, hồi đầu ông Hiến rất thích cho học viên học ngoại ngữ và các học viên cũng hăm hở không thể tưởng. Có cậu đã tuyên bố nên gọi lớp này là lớp Bổ túc ngoại ngữ. Anh em tự nghĩ văn học thì mình đã viết rồi, chỉ có ngoại ngữ là chưa biết.

Thế mà đến lúc người ta phải cho nghỉ học.

Tôi ngờ rằng chiến tranh - nhất là chiến tranh ở VN - làm cho người ta mất đi nhiều thói quen bình thường mà việc học ngoại ngữ đòi hỏi. Ví như thói quen cần mẫn làm một việc gì đó mà không có hiệu quả ngay, hoặc thói quen phải chấp nhận học thuộc lòng cái gì đó chứ không có việc lý giải tại sao tại sao làm thế.

Lúc nào cũng thấy người kêu khổ. Lúc nào cũng cảm thấy muốn nói to lên rằng mình khổ lắm rồi. Hòa bảo cứ ba người ngồi với nhau là thả nào cũng có chuyện nói xấu chế độ.

Ngày 2/9 năm nay buồn bã không thể tưởng. Nhà nước không bắn pháo hoa và nói chung không có gì để cho dân. Trên phố nhiều nhà không treo cờ. Giá cả leo thang đến với những đồ vật nhỏ nhất. Vỡ cái ấm cái chén là chuỵện lôi thôi, mất vài đồng như chơi.

Ai đó bảo ở Sài Gòn dân số đã lên tới 7,5 triệu (?). Chắc có nói quá lên, nhưng quả là tăng lên nhiều. Không có hộ khẩu người ta cũng cứ chuồn vào rồi chạy dần. Tạm bợ không phải là cách sống của thời chiến mà cũng là của thời hậu chiến.

Vải valize Hà Nội mang vào Sài Gòn làm thành quần áo lại mang ra Hà Nội bán. Đồ chơi của Sài Gòn cũng tốt, những cái bếp điện bằng nhựa không thiếu chi tiết gì, cái nào cái nấy khít khàng chặt chẽ.

Ông Khải kể thằng con dạo này chạy được chân làm khách sạn, ăn ở đấy, cà phê thoải mái, tháng còn mang được 600 về cho gia đình.

16/9

Đi họp chi bộ đường phố.

- Lần đầu tiên, từ Giải Phóng thủ đô 1954 có chuyện biểu ngữ giăng ra bị dỡ cờ, khẩu hiệu bị ăn cắp. Không phải vì thiếu (vải biểu ngữ rất xấu), cơ bản vì phá hoại. Ở nhiều địa phương, trước bầu cử, cùng có chuyện tương tự. Ở quận Ba Đình tối 30/8 giăng ra, sáng 1/9 đã mất.

Cờ bạc nhiều. Đường Ngọc Hà, tối tối thanh niên tụ tập cờ bạc. Ở Hàng Giấy, công an gác dân, tối cứ quây quần cả đám, vòng trong vòng ngoài, chả biết giời đất gì nữa.  Có người dân tuyên bố, cần việc gì thời nay cứ đếm đếm là xong tất.

Cánh áo vàng hay thì thụt vào những nhà phe phẩy. Bà Phú bán nước ở sau thư viện kêu từ nay thấy bóng chúng nó thì có điếu đầu lọc nào phải cất đi sớm. Toàn chịu với mai giả, mai cái mả bố nhà chúng nó.

Thanh niên đi bộ đội, người đi tiễn về đến nhà, đã thấy nó về trước mình rồi.

Mùa hè, nhà máy sản xuất nước đá phân phối đi các nơi. Năm ngoái, chỉ 75 % đá về tới đích. Năm nay 60 %. Đầu tháng 9 rồi, mì tháng 8, chưa bán. Hết mì.

Mấy vấn đề thành ủy Hà Nội nát đầu chưa giải được:1/Gạo mì, 2/ Phiếu có rồi, không có vải, 3/ Lính không đi nghĩa vụ...

29/9

Hai vụ sinh viên “nổi loạn” một của trường Bách Khoa và một của trường Tổng hợp.

Ở Bách Khoa, đại loại người ta chiếu phim. Một số sinh viên đòi vào không được. Ẩu đả. Sinh viên bênh nhau, kéo đến tận nhà người soát vé kia, phá nhà, san đổ mọi thứ.

Ở Tổng hợp, hình như ngược lại. Sinh viên gác cổng một buổi biểu diễn, một số lưu manh phe phẩy kéo vào. Đánh nhau to. Công an được gọi điện không đến. Sinh viên kéo đến nhà bọn phe phẩy kia đập phá, sau lại mượn cả ô tô bộ đội đến, chà xát cho tan mấy căn nhà kia.

Gọi lên Công an:

-Tại sao các anh làm thế?

- Chúng tôi phải bảo vệ chính quyền vô sản.

Tuấn kể. Mới tính trong một số thành phố lớn, đã có 1,2 triệu thất nghiệp. Hà Nội 32 vạn. Sắp tới bộ đội về 20 vạn. Hàng năm, cả nước, có thêm 1,2 triệu người đến tuổi lao động.

Bản tin tham khảo đưa ra con số Trung Quốc hiện có khoảng 20 % (10 triệu thanh niên) thất nghiệp.

Về giá cả. Sách lên 53 đồng một ngàn chữ. Báo Nhân Dân 5 hào. Báo Văn nghệ 1,5 đồng. Lốp xe đạp 250 đồng, một cái chậu tắm trẻ con 400-500 đồng. Một cái xoong quấy bột cũng vài chục. Giá vé máy bay định lên 1.200 và tàu hỏa Hà Nội-Sài Gòn 750 đồng. Xăng từ 1 lên 7,5 đồng. Một đám tang sau 1-10 chi tiền xe trên 500 (trước chi khoảng 86 đồng).

Một bài xã luận trên báo Nhân Dân mang tên Kỷ luật giá cả. Ai đó buột miệng: Cả nước bị kỷ luật.

Ngày 1/8 báo Nhân Dân có tin nông trường Mộc Châu thường xuyên đổ đi hàng tấn sữa mỗi tháng. Tháng 5/1981 đổ 14 tấn. Vì không có đủ sắt tây làm hộp.

Trước đó mấy hôm, cũng báo này có tin một cán bộ Bộ Ngoại thương một chuyên gia xuống cảng lấy hàng. Gặp cả giám đốc cảng cũng không có ai chịu làm. Cẩu nghỉ, công nhân bốc vác nghỉ...Cuối cùng, tự “khách hàng” phải đảm nhận việc bốc dỡ.

Tuấn kể các chuyên gia ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đều xin về nước.

Ca dao tục ngữ:

Trần Phương, Trọng Truyến, Trần Quỳnh

Gặp ba thằng ấy, dân mình đói to

Nhà nước tăng lương Trần Phương tăng giá

Nghe đồn nguyên tắc của Trần Phương: Tăng giá đến mức người mua không mua được nữa thì thôi.

26/10

Mấy vụ bê bối:

- Bùi Thanh Liêm, phi công vũ trụ, chết vì đâm xuống biển. Lại là con một. Bà mẹ lên khóc lóc, đi làm, đến cái lốp xe không có (trong khi Phạm Tuân, nhà nước làm cho cả một con đường vào nhà).

- Một ông tướng chết. Đang ngồi ô tô thì xe gặp một con bò chạy lồng trên đường. Tay lái xe lái quật lại, xe bị nhào xuống ruộng, bản thân ông tướng bị thương. Đang ở quãng Phà Ghép, điện về, xin trực thăng vào cấp cứu. Máy bay đâm vào một đám mây tích điện, chết hết. May lão còn được cái xác. (Lão này, đi đâu phá đấy, gần đây, vào Khu IV, cho dân công đi đốt chợ để trị đầu cơ, do đó, coi như lập công!)

- Một phi công trực thăng trốn ra nước ngoài. Nghe đâu phi công bị kỷ luật xuống làm thợ, anh ta ăn cướp máy bay. Lôi cả gia đình đi. (Dân kể tưởng máy bay hết xăng, nó hạ ngay xuống sân Long Biên - sợ quá, dạt cả ra).

13/11

Rau muống to, lên tới 3 đồng một mớ. Gạo trong khẩu phần ăn tăng lên, hình như Liên Xô không cho mì nữa, chết đói mất.

Năm nay ít mưa, cây cối khẳng khiu chẳng lớn được. Mùa màng lại bị rầy nâu. Không có thuốc sâu, đến bình cũng để phun thuốc cũng không có nốt. May mà đã khoán, để cho người ta đi làm một chút. Ông Hiến nói bô bô ở thư viện không khoán chính phủ này đổ rồi.

Một bài trên báo Nhân Dân tháng 10/1981 viết nhà nước phá rừng là ghê gớm nhất, tốn kém nhất. Sau đó mới đến nhân dân (Nhà nước = cơ quan nhà nước, cơ quan lâm nghiệp...)

Hồ Tây, cá đánh 1 con mất trộm 1 con. Cá đánh được ngày càng bé đi.

Sài Gòn 1981 xuất cảng 15.000 xe đạp. Hà Nội đặt 5 ;000 xe, đến 11/1981 chưa được chiếc nào.

Tuyên bố về nhân quyền quốc tế: Người lao động phải được trả lương công bằng, hợp lý để anh ta và gia đình anh ta sống có nhân phẩm.

VƯƠNG TRÍ NHÀN 11.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.