dimanche 3 mars 2024

Lưu Trọng Văn - Cho hay không cho ?

Trên đường phượt về Đất Phật ở phía bắc Ấn Độ, gã bất ngờ đến các trung tâm Phật giáo, các thánh địa Phật giáo thấy nhiều trẻ em, đàn bà, người già Ấn Độ biết tiếng…Việt.

Họ rất giỏi, khi xe dừng nhận biết ngay người Việt để ùa tới. Sau đó là màn chào đón nhiệt tình đến mức không chỉ chìa tay, vẫy tay mà còn cả sẵn sàng níu chân, ôm chân.

Vâng!

Những màn chào đón…đau lòng.

Chàng Shamist, hướng dẫn viên du lịch người Ấn Độ nói với gã: Bà con, nhất là lũ trẻ không níu kéo chào đón khách du lịch các nước khác, vì họ dứt khoát không cho tiền. Họ bảo cho tiền lũ trẻ chúng sẽ bỏ học để đi ăn xin, bố mẹ chúng cũng bắt chúng bỏ học để đi ăn xin. Duy nhất người Việt Nam là cho tiền vì vậy cứ thấy người Việt Nam là họ… chào đón.

Quê hương của Phật, ngài cả cuộc đời diệt khổ, cả cuộc đời từ bi tại sao đi đâu cũng thấy người ăn xin gầy gò, lam lũ. Đi đâu cũng thấy chòi ổ chuột ngập trong rác rưởi thế này?

Và tiếng Việt ở đây được nói nhiều nhất từ những người ăn xin là lời cầu nguyện: Nam mô Adida Phật! Cho tiền!

Chữ “Phật” rất chuẩn xác với dấu nặng chứ không lơ lớ thành “phất” cho dễ đọc. Chữ tiền kéo dài thành cho… tiên

Chao ơi nghe tiếng “Phật” chuẩn xác bằng tiếng Việt kèm ánh mắt ngong ngóng cầu xin mà xót trong ngực mà nghẹn ngực.

Động lòng bố thí kẻ ăn xin của người Việt luôn là chủ đề tranh cãi về tâm, đức của không ít người Việt.

Cho hay không cho?

Vì sao khách du lịch các nước dứt khoát không cho?

LƯU TRỌNG VĂN 03.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.