Sư Thái Minh của chùa Ba Vàng sám hối đến nay tính cũng đã được hai lần. Lần 1 là sau vụ thỉnh oan gia trái chủ thần thánh. Lần 2 là vụ xá lợi tóc thần kỳ.
Cứ phải cái gì đó hơi siêu phàm, siêu nhiên, siêu thực, mà người bình thường cũng thấy nó hoàn toàn không bình thường, và sức ép của Giáo hội, thì sư Thái Minh mới sám hối.
Thực sự để sám hối nhõn hai cái đó, thì cũng như muỗi đốt vào cột điện với những gì đã rầm rầm xảy ra ở cái chùa Ba Vàng bấy nay. Nếu nhìn cho kỹ, chưa một nơi nào thách thức Phật giáo như chùa Ba Vàng cả. Thách thức và bất chấp, làm những thứ khó đến mức mà không phải ai cũng có thể nghĩ được ra.
Người tu hành lấy chánh pháp làm trọng, lấy tu tập làm gương để tăng bảo mẫu mực, chúng sanh soi vào đó mà biết buông bỏ tham sân si, biết giác ngộ mà sống cho nhẹ nhàng.
Nhưng sư Thái Minh lấy gì làm trọng?
Chùa thì to lớn uy nghi, ghế ngồi như vua. Bao nhiêu gỗ quý của rừng già ngã xuống cho một chùa Ba Vàng lộng lẫy. Chánh Pháp ở đâu không thấy, chỉ thấy mỗi hù ma dọa quỷ, tô vẽ màu mè, mà đôi khi cảm giác như nơi đây là một cung điện, sư Thái Minh là vua và xung quanh hoàn toàn là lễ hội khoe mẽ đến cả những thứ không nghĩ tới, đó là áo quần.
Chúng sanh bao bận đến đây không hẳn để tu tập mà để khóc lóc vì bị dọa ma; đến quỳ lạy những thứ không biết ở đâu ra như cái gọi là xá lợi tóc; hay những kiểu khất thực chẳng giống ai. Thậm chí là, đôi điều Chánh pháp được nói ra bởi sư Thái Minh và một vài nhân vật nơi đây, nghe sao mà nó khôi hài, kệch cỡm.
Kệch cỡm nhất trong tất cả những thứ kệch cỡm nơi đây là sự xuất hiện của cô Yến. Chỉ là một Phật tử, chẳng hiểu nhờ sự nâng đỡ trong sáng hay anh em nương tựa nào mà cô Yến nghễm nghệ trong chùa giảng pháp. Mà giảng những gì? Toàn những thứ tào lao, vớ vẩn, thậm chí còn buông lời xúc phạm tín ngưỡng đạo mẫu.
Vụ sợi tóc vừa rồi cô Yến cũng lên nói những điều huyên thuyên huyền bí. Nhiều người lấy làm lạ là sao cô Yến có thể tồn tại nơi đây lâu đến thế và thầy Minh hết lần này đến lần khác dai dẳng sai phạm đến như vậy.
Làm cho đã, rồi sám hối.
Sám hối theo Kinh Pháp Bảo Đàn là: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau, là nhận biết được lỗi, sửa lỗi, không tiếp tục tái phạm. Nó như lời xin lỗi bên ngoài và đương nhiên, cách xin lỗi rất quan trọng.
Sám hối của sư Thái Minh kiểu: ‘’Ừ, tôi sai, tôi xin lỗi rồi, được chưa?”. Một kiểu sám hối nhơn nhơn thách thức. Một kiểu sám hối để thấy rằng Giáo hội chẳng là gì còn ông vẫn làm những việc ông muốn, chẳng sợ bố con thằng nào cả.
Sư Thái Minh có thể không sợ giáo hội, không trọng chánh pháp để mà làm những việc báng bổ đến thế. Sư Thái Minh có thể sám hối cho có. Chùa Ba Vàng vẫn giàu và chúng sanh vẫn đến quỳ lạy và đóng tiền theo cách nhà chùa muốn.
Nhưng, sư cũng là công dân. Phép nhiệm màu nào đó bởi sự tưởng tượng và thao túng tâm lý chúng sanh cũng không thể che mắt luật pháp được. Một vụ việc kéo dài bao năm và thách thức luật pháp như thế, thì không nên tồn tại mãi được.
Dù biết, để sư Thái Minh, cô Yến tồn tại và chùa Ba Vàng tác oai tác quái như thế cũng một phần không nhỏ từ sự mê muội của không ít Phật tử, bên cạnh cái việc màu mè làm trò của nhà chùa.
Tôi là một Phật tử, tôi luôn tin Phật và luôn tin vào Chánh pháp. Nhưng tin vào mấy ông sư như sư Thái Minh, thì không bao giờ! Mặc dù, ông ấy không đại diện cho tất cả các sư ở Việt Nam, dù có thể là ông ấy đại diện cho những ông sư chuyên hù dọa chúng sanh và lấy những mục đích khác làm trọng chứ không phải là Phật pháp!
HOÀNG NGUYÊN VŨ 06.01.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.