mercredi 1 novembre 2023

Lê Học Lãnh Vân - Quầng sáng quê hương

 

Trong hình là người bạn học của tôi, anh Dương Quang Tiến, đang trình bày báo cáo của mình tại hội thảo quốc tế lần thứ 14 về Pin Lithium Cao cấp ứng dụng cho xe hơi, tổ chức tại tòa nhà Landmark 81 Thành phố Hồ Chí Minh!

Bạn là người chủ trì nghiên cứu Pin xe hơi tại Bộ Năng lượng Mỹ (DOE, Department of Energy), được coi là người Mỹ gốc Việt thành đạt tại Mỹ.

Bạn vừa làm một việc có nhiều ý nghĩa với Việt Nam: a) Tổ chức tại Việt Nam hội thảo quốc tế lần thứ 14 về Pin Lithium cao cấp ứng dụng cho xe hơi, và b) Tổ chức kết nghĩa giữa hai trường đại học Tổng Hợp Tp Hồ Chí Minh và trường đại học bang Washington. Trước đó bạn đã đưa một số cán bộ nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam sang Mỹ tu nghiệp và/hay làm luận án, tiến sĩ.

Bạn tôi thành đạt, về mặt tình bạn, tôi mừng. Tuy nhiên, song song đó là một nỗi buồn trìu trĩu…

Bạn tôi thuộc về lứa thuyền nhân sớm.

Tất nhiên, bạn có tư chất thông minh, có năng lực học hỏi và tổ chức làm việc. Nhưng mà, trong số các bạn tôi, người như bạn Tiến cũng không tới nỗi ít. Một số người có dịp xuất ngoại và đạt những thành tựu đáng kể. Một anh trong số đó trình bày suy nghĩ như sau:

Tội nghiệp anh em chúng tôi lắm. Thời đó cái lồng nghiệt ngã chụp xuống. Chúng tôi như đàn chuột chạy tán loạn, những con tình cờ gần rìa lồng nhảy thoát ra ngoài, số đông các con bị chụp trong lồng! Chúng tôi may mắn thoát, có điều kiện tiếp xúc với khoa học, kỹ thuật, xã hội, các giá trị văn minh, chúng tôi có thu nhập cao, sống trong môi trường tràn ngập ánh sáng tri thức và giá trị cao đẹp.

Các bạn bị kẹt lại, chưa chắc thiếu năng lực nhưng bị giam trong cuộc sống chật vật áo cơm, trong tổ chức xã hội thiếu khoảng trống tự do, thiếu điều kiện giữ gìn và phát triển các giá trị văn minh. Do đó, trừ một vài cá nhân xuất chúng tự vượt, số không ít dần dần lún sâu vào bùn lầy nước đọng…

Với tư cách một người đang sống trong lòng Việt Nam, tôi cảm nhận thấm thía nhận xét đó. Thay vì chỉ có vài người như bạn Tiến, sau bốn mươi tám năm hòa bình, lẽ ra nước tôi có cả một tầng lớp đông đảo! Những người Việt ưu tú hàng hàng lớp lớp sau khi hấp thụ tri thức văn minh hối hả trở về xây dựng quê hương! Nếu được vậy thì khoảng 1995 – 2000 nước tôi đã cất cánh theo hướng rồng bay rồi!

Hiện trạng cho thấy chiều ngược lại. Dòng tri thức, tinh hoa âm thầm bằng nhiều cách chuẩn bị rời quê hương. Không phải đi tìm kiến thức trở về xây dựng đất nước, mà đại đa số đi luôn.

Đi luôn. Quyết tâm đi luôn! Chỉ một số quá quá nhỏ như bạn Dương Quang Tiến còn nhớ Việt Nam, còn trở về góp sức.

Sáng nay, trước khi trình bày báo cáo của mình, bạn Tiến nói: “Cảm động khi tổ chức hội thảo nơi này, nơi tôi học thời nhỏ, thời lớn lên, thời đại học…”. Nghe những lời đó, tôi không thể không nhớ trước năm 1975 các bạn tôi khi cất bước du học đều hẹn nhau quay về xây dựng quê hương!

Ai cũng có một quê hương mà người ta tự nhiên thấy phải quay về.

Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó

Cứ từng đêm nức nở gọi ta về

Tác giả những câu thơ trên, nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, đã mất trước cửa Sài Gòn. Bảy năm sau đó đồng đội của anh đã vào được cái quầng sáng ấy với tư cách người chiến thắng. Nhưng mà, điều có ý nghĩa là làm gì đây để cái quầng sáng ấy tiếp tục gọi bạn, gọi con cháu các anh, con cháu chúng tôi trở về?

LÊ HỌC LÃNH VÂN 30.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.