lundi 10 juillet 2023

Nguyễn Ngọc Chu - Giảm biên chế không phải bằng sáp nhập

 

1. LẶP LẠI SAI LẦM

Chúng ta đã có những sai lầm lớn về sáp nhập. Sau năm 1975 lấy huyện làm “pháo đài” sáp nhập 2, 3 tỉnh làm một. Đến những năm 1990 phải tiến hành tách tỉnh, trả lại nguyên trạng, gây ra bao nhiêu hậu quả tai hại.

Hậu quả tai hại không chỉ là tài chính. Mà nhiều làng xã bị di dời. Nhiều tên làng xã nổi danh toàn quốc bị xóa sổ. Văn hóa làng xã ngàn năm văn hiến bị tổn thương. Về xã không còn làng. Xã nào cũng đội (xóm) 1,2,3,4....  như một doanh trại.

Một thời muốn dời làng làm ăn lớn nhưng không phải lúc. Nên đến thời xé lẻ ruộng đất chia cho các hộ gia đình từng miếng manh mún. Nay lại thấy nhỏ lẻ, muốn tích hợp lớn hơn mà không biết bằng cách nào? Vì không biết làm thế nào nên lại sáp nhập !

Tưởng bài học 40 năm nhập, tách tỉnh (1975-2005) đã đủ ngấm. Nếu không có chuyên môn, thì ít nhất cũng có thực tiễn làm gương. Nhập, tách tỉnh huyện xã không chỉ là hai phép tính cộng trừ về dân số và diện tích, nhân sự và tài chính. Đằng sau đó là số phận những con người, làng, xã, huyện, tỉnh với ngàn năm văn hóa tích tụ. Còn nếu mục đích sáp nhập chỉ vì giảm biên chế, thì đó là một lựa chọn hạ sách.

2. QUẢN TRỊ DỰA VÀO CÔNG NGHỆ CHỨ KHÔNG DỰA VÀO SÁP NHẬP

Trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, người máy, thì  ảnh vệ tinh rõ từng mét vuông đất, đường đi giữa hai điểm cách xa 1.000 km hiện ra tức thì, việc quản trị quốc gia đến tận từng cá nhân (dù cho là hàng tỉ người).

Việt Nam hiện có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, 10.598 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến trong các năm 2023-2025 Sáp nhập 33 quận huyện, 1.327 phường xã, còn lại 672 đơn vị hành chính cấp huyện, 9.271 đơn vị hành chính cấp xã.  Ở thời đại số hóa, quản trị 705 đơn vị hành chính cấp huyện, 10.598 đơn vị hành chính cấp xã cũng không khác với quản trị 672 hay 1.000 đơn vị hành chính cấp huyện, 9.271 hay 15.000 đơn vị hành chính cấp xã. Việc giảm bớt 33 quận huyện, 1.327 phường xã không làm cho việc quản trị quốc gia đỡ phức tạp hơn.

3. CƠ SỞ KHOA HỌC NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ TRONG SÁP NHẬP TỈNH HUYỆN XÃ?

Dựa trên cơ sở khoa học nào? hay dựa trên kinh nghiệm của quốc gia nào để đưa ra các quy định về số lượng diện tích và dân số cho huyện xã như dưới đây:

- “Huyện miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 850 km2 và dân số 80.000 người trở lên

- Các huyện còn lại: Phải có diện tích 450 km2 và 120.000 người trở lên.

- Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố: Phải có diện tích từ 150 km2 và dân số từ 150.000 người trở lên.

- Thị xã: Phải có diện tích từ 200 km2 và dân từ 100.000 người trở lên.

- Quận: Phải phải có diện tích từ 35 km2 và dân số từ 150.000 người trở lên.

- Các xã miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 50 km2 và 5.000 người trở lên.

- Các xã còn lại: Phải có diện tích 30 km2 và 8.000 người trở lên.

- Phường: Phải có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên, đồng thời có từ 15.000 người với phường thuộc quận, từ 5.000 người với phường thuộc thị xã.

- Thị trấn: Phải có điện tích từ 14 km2 và 8.000 dân trở lên”.

Nếu lấy các tỉnh Trung Quốc làm mô hình tham chiếu về diện tích và dân số thì Việt Nam chia không quá 3 tỉnh. Nếu lấy Canada hay Hoa Kỳ làm mô hình tham chiếu thì Việt Nam chia không quá 2 bang. Nếu nói rằng số tỉnh huyện xã ít hơn thì quản trị dễ hơn, sao không chia Việt Nam, thí dụ, thành 10 tỉnh, 100 huyện (mỗi tỉnh 10 huyện), 1.000 xã (mỗi huyện 10 xã)?

Việc chia tỉnh huyện xã không đơn thuần chỉ dựa vào hai tiêu chí dân số và diện tích, mà  phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác đã được kiểm nghiệm bằng thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử. Cho dù bao nhiêu tỉnh huyện xã, thì cũng đi đến dân số toàn quốc và diện tích toàn quốc. Diện tích toàn quốc thì ít thay đổi. Nhưng dân số toàn quốc thì thay đổi mạnh. Cho nên, không thể cố định tiêu chí dân số trong chia tỉnh huyện xã.

Dân số Việt Nam năm 1960 là 30 triệu, năm 2023 là 100 triệu. Không thể lấy dân số để quyết định số tỉnh năm 2023 lớn gấp 3 lần năm 1960. Theo dân số mà chia tỉnh huyện xã thì phải liên tục chia tỉnh huyện xã sau mỗi một khoảng thời gian.

Quy định diện tích và dân số để thành lập các đơn vị hành chính (nêu trên) hoàn toàn không có cơ sở khoa học mà chỉ dựa trên cảm tính của người đề xuất và người phê duyệt. Những đề xuất đó mang tính ngắn hạn, thể hiện tầm nhìn, sở thích hay mong muốn của người cầm quyền, không sống được với thời gian. Thế hệ cầm quyền sau rồi sẽ thay đổi chúng. Và việc sáp nhập tỉnh huyện xã trở thành một chứng bệnh kinh niên, mãn tính.

4. MUỐN GIẢM BIÊN CHẾ PHẢI TẠO VIỆC LÀM MỚI

Việc sáp nhập 33 quận huyện, 1.327 phường xã dự báo đưa đến con số khoảng 77.000 cánbộ dư thừa. Số lượng cán bộ dư thừa này chưa biết bố trí công việc ở đâu? Và đang hy vọng vào việc cán bộ tự nguyện nghỉ việc trước thời hạn để hưởng chính sách trợ cấp với nguồn kinh phí đề xuất là 9.732 tỉ đồng.

Không “đánh bùn sang ao”. Cũng không “hà hơi nhỏ giọt” bằng nguồn trợ cấp từ ngân sách. Mà nhiệm vụ chính của giảm biên chế là bố trí công việc phù hợp với năng lực, tạo công ăn việc làm mới, để cán bộ còn lại trong biên chế làm việc hiệu quả, cán bộ ra khỏi biên chế có công ăn việc làm ổn định không phải sống nhờ vào ngân sách nhà nước.

Tạo việc làm mới là chìa khóa để giải quyết ổn thỏa vấn đề giảm biên chế. Tạo việc làm mới là nhiệm vụ và thước đo năng lực của lãnh đạo. Thật tiếc, trước khi nhận chức, chưa thấy lãnh đạo nào cam kết về số lượng việc làm mới sẽ tạo ra trong nhiệm kỳ của mình. Phải tiến dần đến yêu cầu, rằng mỗi lãnh đạo lên nhận chức phải cam kết chỉ tiêu tạo việc làm mới trong trong nhiệm kỳ của mình.

5. GIẢM BAO NHIÊU BIÊN CHẾ?

Chỉ riêng chứng minh thư nhân dân (căn cước công dân, thẻ căn cước), hộ chiếu, hộ khẩu cũng đã làm cho xã hội xôn xao. Việc sáp nhập huyện xã càng kéo theo theo nhiều xáo trộn.

Số lượng công chức phường xã, tùy loại, dao động trong khoảng 18-23 người, số cán bộ không chuyên từ 10-14 người. Thử nhìn qua các chức danh cụ thể của cán bộ công chức xã:

Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

Thì dễ dàng nhận thấy nhiều vị trí có thể kết hợp 2 trong 1, 3 trong 1. Chẳng hạn bí thư và chủ tịch xã nên kết hợp vào một vị trí. Lấy người làm chuyên môn (kế toán, tư pháp, địa chính…) để kiêm nhiệm các vị trí đoàn thể (mặt trận tổ quốc, thanh niên, phụ nữ…) hoặc ngược lại. Một cách đơn giản, có thể giảm một nửa số biên chế mà công việc không xấu đi. Nếu toàn bộ các quận huyện phường xã giảm đi một nửa biên chế, thì Bộ Nội vụ có con số khổng lồ nhiều lần lớn hơn 77.000 do sáp nhập 33 quận huyện và 1.327 phường xã.

Thực ra, ở thời đại số hóa, chỉ cần giữ lại 25 % số công chức của quận huyện phường xã cũng thừa đủ để hoàn thành công việc như hiện nay. Nhưng làm thế nào để tạo ra việc làm cho 75 % cán bộ giảm biên chế mới là bài toán thách thức. Nên chia mục tiêu giảm biên chế thành 3 giai đoạn:  giai đoạn đầu 25 %, giai đoạn 2 thêm 25 % và giai đoạn 3 cũng 25 %.  Với tình hình thực tế hiện nay, đặt mục tiêu giảm 25 % biên chế cán bộ cấp quận huyện phường xã là một nhiệm vụ không dễ.

6. GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Giải pháp căn cơ cho bài toán giảm biên chế không nằm ở biện pháp sáp nhập cơ học các đơn vị hành chính. Muốn giảm biên chế thì phải gia tăng hiệu quả công việc nhờ vào tri thức, số hóa, trí tuệ nhân tạo và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Loài người đang đối mặt với thách thức thiếu việc làm do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, và người máy.

Nếu Chính phủ không đi theo con đường tiến bộ công nghệ, mà cậy nhờ vào sáp nhập cơ học để giảm biên chế thì đã nhầm đường. Những con số giảm biên chế do nhờ sáp nhập cơ học thực ra là một phép “đánh bùn sang ao” với nhiều hệ lụy chưa thể giải quyết.

Áp dụng tiến bộ công nghệ và tạo việc làm mới là hai giải pháp căn cơ cho bài toán giảm biên chế. Loay hoay với tách nhập thì mãi mãi vẫn là “con kiến mà leo cành đa”.

Vua Minh Mạng, sau những thay đổi lớn của đất nước, bao gồm sự mở rộng đất đai, đã tiến hành cải cách quản trị quốc gia, chia lại các địa giới hành chính (1831-1832). Chia lại địa giới hành chính quốc gia luôn gắn liền với những biến cố lớn và các nguyên do đá tảng đầy tính thuyết phục.

Tách nhập địa giới hành chính không phải là một trò chơi Lego mà từ trẻ nhỏ đến bà già đều có thể nhập, tách. Vẽ lại địa giới hành chính là bài toán của những bậc cái thế.

NGUYỄN NGỌC CHU 10.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.