vendredi 17 mars 2023

Ngô Nhân Dụng - Tập Cận Bình mua xa bán gần

 

Càng bành trướng sức mạnh quân sự và đe dọa vùng Á Đông thì càng khiến các nước láng giềng khác thấy cần liên kết với nhau hơn để tự đề phòng.

Tục ngữ Việt Nam khuyên: “Bán bà con xa mua láng giềng gần.” Láng giềng ở gần có thể giúp mình khi cần vay một hũ gạo, một chai nước mắm, hay cần dập tắt lửa bốc cháy trong bếp. Bà con ở xa không giúp được như vậy; cho nên kết thân với láng giềng vẫn hơn. Câu này có thể áp dụng trong bang giao quốc tế.

Ông Tập Cận Bình đã làm ngược lại. Ông vừa mới ghi một bàn thắng về ngoại giao, với hai nước ở xa, rất xa. Trong lúc các nước láng giềng kề cận với Trung Quốc đang liên kết để đối phó với Trung Cộng!

Cuối năm ngoái, Tập Cận Bình đã tới thăm Riyadh, thủ đô Saudi Arabia, gặp thủ lãnh các nước Á Rập xuất cảng dầu ở Trung Đông. Tháng trước, Chủ tịch nước Iran, Ebrahim Raisi, viếng Bắc Kinh. Ngày Thứ Sáu vừa qua, Trung Cộng đã đứng ra làm chứng cho hai nước Iran và Saudi giải hòa với nhau.

Ông Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran và ông Musaad bin Mohammed al-Aiban, Cố vấn An ninh Quốc gia Saudi ký một thỏa ước thân hữu, trước mặt người đứng đầu ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị, Wang Yi. Đó cũng là ngày Tập Cận Bình được quốc hội Trung Cộng tấn phong chức chủ tịch nước lần thứ ba, một chiến thắng vinh quang sau khi đã tái nhậm chức chủ tịch đảng, cũng lần thứ ba. Hai cựu lãnh tụ Hồ Cầm Đào và Giang Trạch Dân mỗi người chỉ được làm hai nhiệm kỳ.

Việc hòa giải Saudi và Iran là một thành công đáng kể. Trung Cộng mua rất nhiều dầu lửa của cả hai. Hai quốc gia này vẫn kình chống nhau về tín ngưỡng. Saudi là nước mạnh nhất trong khối tín đồ Hồi Giáo phái Sun Ni, còn Iran đứng đầu những người theo phái Shi Ai. Họ trợ giúp những lực lượng đối nghịch thuộc hai giáo phái đánh lẫn nhau ở các nước Lebanon, Syria, Yemen và Iraq. Ông hoàng Mohammed, nhà lãnh đạo tại Riyadh đã không ngần ngại đem ví Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nước Iran với lãnh tụ Đức Quốc Xã Adolf Hitler. Saudi tố Iran là thủ phạm đánh bom thiêu hủy nhà máy lọc dầu của họ năm 2019.

Saudi và Iran là những “bà con xa” của Tập Cận Bình. Trong lúc đó, các nước “láng giềng gần,” Nhật Bản và Nam Hàn nằm sát nách Trung Quốc cũng hòa giải với nhau. Nhưng mục đích chính của họ là đoàn kết để đối phó với Trung Cộng.

Mối hận thù giữa Tokyo và Seoul còn lâu dài sâu đậm hơn giữa Riyadh với Tehran. Quân đội Nhật chiếm đóng Hàn Quốc từ 1910 đến 1945, đã thi hành các chính sách bóc lột và đàn áp tàn tệ.

Hàng trăm ngàn thanh niên Hàn Quốc đã bị bắt phải làm việc không lương cho các công ty Nhật Bản, và phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong thời Đại Chiến Thứ Hai. Các chính phủ Nhật, sau khi thua trận năm 1945, đã công khai thú nhận tội ác này và tỏ ý sẵn sàng bồi thường. Năm 1998, trong một bản thông cáo chung của hai chính phủ, thủ tướng Nhật Keizo Obuchi đã nhân danh nước ông “xin tạ lỗi” với “niềm hối hận sâu xa.”

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã chấp nhận khi được bồi thường, nhưng vấn đề cưỡng bách lao động vẫn chưa giải quyết hết. Những công nhân bị bóc lột đều đệ đơn kiện các công ty và chính phủ Nhật Bản. Một số người đã đồng ý nhận tiền đền bù nhưng nhiều người không chịu. Những công nhân còn theo đuổi vụ kiện nhắc cho dân Nam Hàn nhớ lại mối nhục của thời mất nước.

Những biểu tượng này vẫn là một chướng ngại lớn trong bang giao giữa hai quốc gia cựu thù, mặc dù cả hai đều là đồng minh của Mỹ. Năm 2018, Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ khi Tối cao Pháp viện Nam Hàn xử án bắt các công ty Mitsubishi và Nippon Steel phải bồi thường các công nhân cũ. Năm 2019 Nhật đã ngưng không xuất cảng các hóa chất cần thiết cho công nghiệp chế tạo chất bán dẫn của Nam Hàn. Nam Hàn phản ứng, dọa ngưng không hợp tác trao đổi tin tức tình báo với Nhật; nhưng sau đó không hành động.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã can đảm cắt đứt mối hận thù này, bằng một quyết định đơn giản: Chính phủ Nam Hàn sẽ dùng công quỹ bồi thường cho các cựu công nhân bị cưỡng chế lao động, thay vì đợi kết quả các phiên toà kéo dài không biết đến bao giờ. Ông biết rằng hầu hết các công nhân đó nay đã trên 90 tuổi. Năm 2018 có 15 cựu công nhân thắng kiện được các công ty Nhật bồi thường, năm nay chỉ ba cụ còn sống.

Ông Yoon Suk Yeol nói rằng Nhật Bản “đã chuyển hóa từ chế độ quân phiệt xâm lăng thành một quốc gia có thể hợp tác vì chia sẻ những giá trị phổ biến” với Đại Hàn Dân Quốc, tức là chế độ tự do dân chủ. Ông cũng nhấn mạnh hai nước Nhật-Hàn cần liên kết với nhau hơn vì “đang cộng tác trên các lãnh vực an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, và các chương trình quốc tế.” … “Ai cũng thấy Nam Hàn và Nhật hợp tác trong tương lai sẽ bảo vệ tự do, hòa bình và thịnh vượng không những cho hai nước mà còn cho cả thế giới.”

Thủ tướng Fumio Kishida bắt lấy thiện chí này và hành động ngay. Ông ca ngợi Tổng thống Yoon đã mở cửa cho việc phục hồi mối bang giao thân thiện giữa hai nước. Trước ủy ban ngân sách Thượng Viện Nhật, ông nói: “Nam Hàn là một nước láng giềng quan trọng mà chúng ta cần cộng tác để đối phó với nhiều thử thách trong cộng đồng quốc tế.” Ai cũng hiểu, thử thách lớn nhất trước mặt hai nước là chủ trương bành trướng của Cộng sản Trung Quốc và thái độ hung hăng đe dọa của Kim Jong Un ở Bắc Hàn. Dân hai nước đều biết rằng không thể một mình chống Trung Cộng, mà phải kiên kết với nhau. Nhật Bản và Nam Hàn có thể cộng tác trong nhiều lãnh vực, từ kinh tế đến tin tức tình báo, trong khi mỗi nước có quan hệ chặt chẽ riêng với Mỹ trong lãnh vực quân sự.

Trung Cộng đã phản ứng ngay trước tin hai nước láng giềng cộng tác chặt chẽ hơn. Báo, đài ở Bắc Kinh tố cáo Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ là “một quân cờ trong tay chính phủ Mỹ.” Tuy nhiên, trong thực tế, chính phủ Mỹ không đóng vai trò nào trong vụ này. Nước Mỹ hầu như muốn đứng ngoài những vấn đề giữa hai nước Hàn-Nhật, mà ai cũng biết là những kẻ cựu thù. Nam Hàn và Nhật Bản thấy đến lúc họ phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, dù Mỹ muốn hay không. Chính hành động của hai nước đó sẽ thúc đẩy chính phủ Mỹ phải cùng các nước Á Đông tỏ ra cứng rắn hơn đối với Trung Cộng.

Nhật và Hàn Quốc đều mua bán nhiều hàng hóa và dịch vụ với Trung Quốc. Nhưng họ không lo ngại sẽ bị Bắc Kinh dùng quan hệ kinh tế để cưỡng chế, vì nếu chuyện đó xảy ra thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Cho nên, cả hai nước vẫn đặt ưu tiên cho vấn đề an ninh, cần liên kết chặt chẽ với nhau và với nước Mỹ nhiều hơn. Như đã tường trình trong blog này, gần đây Nhật Bản đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, chỉ vì mối lo đối với Trung Cộng. Trong tháng Tư tới, Tổng thống Yoon Suk Yeol qua thăm Mỹ và sẽ được Tổng thống Joe Biden đãi long trọng với một bữa quốc yến.

Cũng chỉ vì Tập Cận Bình cần bảo vệ chế độ độc tài chuyên chế và địa vị cá nhân nên bỏ qua các nước láng giềng gần, mua hai bà con xa, Iran và Saudi. Muốn dễ mê hoặc dân tiếp tục cúi đầu khuất phục chế độ công an thì cổ võ tham vọng đưa Trung Quốc lên hàng số một thế giới. Nhưng càng bành trướng sức mạnh quân sự và đe dọa vùng Á Đông thì càng khiến các nước láng giềng khác thấy cần liên kết với nhau hơn để tự đề phòng.

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 11.03.2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.