Từ hôm báo chí rầm rĩ đưa tin vụ “tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy”, tôi vẫn chưa thò chưa hé chữ nào bởi cứ bần thần cả người. “Nghĩ ló chán”, chứ không phải kiểu giận thì giận mà thương thì thương, dù có cả giận (rất giận) và thương. Chỉ biên vài điều.
Với vụ bốn cô tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA) bị bắt quả tang vận chuyển ma túy ngay tại sân bay, ngành hàng không, cụ thể là VNA, đã bị cú nốc ao (thuật ngữ tiếng Anh là knock-out) gần như chết hẳn.
Trước đó không lâu, đòn “bay giải cứu” ngạo nghễ đã khiến nó choáng váng, sắp tê liệt, nằm sàn đang chờ trọng tài đếm tới 9. Cứ nghĩ nó sẽ ngẫm mà tỉnh ra, chấn chỉnh lại đội ngũ, nhưng thêm đòn hiểm này, gục luôn.
Nó (đám hàng không) có thể vẫn bán vé, vẫn chở hàng chở người, vẫn thu tiền, thậm chí vẫn hoàn thành kế hoạch bởi thiên hạ vẫn phải dùng nó, đi máy bay của nó. Nhưng danh dự, danh tiếng thì nó đã vứt tọt xuống vũng bùn. Đó là sự thực.
Đừng ai bảo rằng những sự vụ tội lỗi kia là do cá nhân (tiếp viên, phi công) chứ đâu phải tại ngành tại hãng. Những anh có lý luận là chúa hay cãi, cãi lấy được. Nó (ngành, hãng) lâu nay tự dương tự đắc, ngạo nghễ, tự xếp mình vào thứ bậc cao, đẳng cấp trên. Thậm chí còn nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt, “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”, dung dưỡng nuông chiều đội ngũ bằng đủ kiểu tiền tài danh vọng. Bị cơ sự này, cá nhân chỉ là thủ phạm trực tiếp, còn chính nó, thậm chí cả bộ giao thông, chính phủ gây ra chứ chẳng phải ma nào.
Cơ quan pháp luật liệu có “điều tra mở rộng” như lâu nay, coi xem “vụ 4 cô” này không chỉ là đơn lẻ cá biệt mà cần làm rõ quá trình lịch sử. Bởi có thể đây chỉ là mắt xích bị mòn trong cả dây chuyền hoạt động nửa bí mật nửa công khai có sự tiếp tay của quy định được áp dụng lâu nay (phi công, tiếp viên không bị bắt buộc kiểm tra).
Chuyển lậu hàng xách tay để trốn thuế đã từ lâu là chuyện thường ngày của giới bay trên trời (tiếp viên, phi công), khá nhiều vụ đã bị phát hiện mà rốt cục chỉ như ném đá ao bèo. Nhưng dám không vận cả ma túy, thì nói thật, không còn giời đất thiên địa gì nữa. Nó tệ hại tới mức, ông hàng xóm nhà tôi cau có bảo thời nay đ*o ai tin hàng xách tay lại là kem đánh răng như chúng nó khai. Chúng nó cứ làm như xứ An Nam ta vẫn đang đánh răng bằng vôi thời thập niên 70 - 80 không bằng.
Gieo gì gặt nấy, nhân quả, ác giả ác báo, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma… Lời người xưa dạy, cảnh tỉnh con cháu. Nhưng bốn cô tiếp viên trẻ trung xinh đẹp hám tiền liều mạng kia đã chưa hiểu, không chịu hiểu hoặc hiểu rồi nhưng bất chấp, coi rẻ tính mạng người khác, coi thường pháp luật. Vì cái chi, vì rất nhiều thứ, mà chủ yếu là tiền.
Luật pháp lằng nhằng xứ ta có thể phải đau đầu với vụ này, nhưng biết đâu nó cũng sẽ được dàn xếp lặng dần êm xuôi như bao nhiêu vụ việc. Chỉ có điều, nhà chức việc (công an, hải quan), những thầy Min Đơ, Min Toa thời nay đã rất ác, ác lắm, khi công bố ngay lập tức hình ảnh nhóm “tội phạm” bốn tên đàn bà trẻ.
Thực ra, xử lý vi phạm pháp luật thì không phân biệt đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Chỉ có điều, khi pháp luật chưa luận tội kết tội mà đã nhanh nhảu phơi bày “tội phạm” trước bàn dân thiên hạ sớm như này, cũng chẳng khác gì tuyên án tử hình kẻ đang bị điều tra, giết bằng hình ảnh và dư luận chứ không cần súng đạn, thuốc độc. Xin nhớ rằng, đằng sau đương sự còn có biết bao người liên quan là cha mẹ, chồng con, họ hàng, người thân lương thiện.
Đó là chưa nói, không hiểu cơ quan điều tra làm việc kiểu gì mà gom các đương sự lại một chỗ tạm bợ, ngồi chẳng ra ngồi, bệt chẳng ra bệt, bắt “chúng” túm tụm khai báo, khác nào gợi ý bảo rằng chúng mày cứ thoải mái thông cung. Tôi không bênh kẻ vận chuyển ma túy nhưng kịch liệt lên án hành vi vội vàng (có chủ ý hoặc vô tình) rất khó hiểu này.
NGUYỄN THÔNG 18.03.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.