samedi 25 mars 2023

Dương Quốc Chính - Suy đoán vô tội

 

Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc này với nội dung sau:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Việc chứng minh có tội là trách nhiệm của cơ quan điều tra, nghi can có quyền nhưng không bắt buộc phải chứng minh mình vô tội. Nhưng áp dụng suy đoán vô tội vào thực tế thì sẽ có nhiều vấn đề, không thể áp dụng máy móc.

Trong vụ 4 tiếp viên hàng không bị bắt quả tang ship ma túy thì về nguyên tắc là các cơ quan tố tụng cũng cần áp dụng nguyên tắc này. Tuy nhiên, trên thực tế thì Tòa án mới là cơ quan cần phải áp dụng triệt để nhất, vì là cơ quan cuối cùng xác nhận việc có tội hay không có tội với nghi phạm.

Đối với Công an, vì đặc thù công việc là phát hiện tội phạm, thì thậm chí họ còn có tư duy ngược lại, nghi ngờ mọi dấu hiệu tội phạm có thể xảy ra, để tránh bỏ lọt tội phạm. Tất nhiên để quyết định đến việc khởi tố thì phải cân nhắc kỹ hơn sao cho đúng luật. Nhưng việc bắt nhầm, kết luận nhầm, suy đoán có tội nhầm không phải ít, nhưng họ mới là cơ quan tố tụng đầu tiên và không có thẩm quyền kết án, sau họ còn có cơ quan giám sát tư pháp, công tố là Viện Kiểm sát và Tòa án. Vì thế đòi hỏi Công an cũng áp dụng triệt để suy đoán vô tội là viển vông và salon lý thuyết của một số luật sư thiện lành và quần chúng nhân văn sâu sắc kiểu bỉm sữa!

Mình ủng hộ suy đoán vô tội, đương nhiên, nhưng mình không ủng hộ việc áp dụng thủ tục này một cách bừa bãi, phi thực tế về pháp lý và logic biện chứng.

Mấu chốt của điều này là ở khả năng “chứng minh có tội” của cơ quan tố tụng mà đầu tiên là cơ quan điều tra. Để chứng minh có tội thì phải dựa vào lời khai, nhân chứng, vật chứng, sự hợp lý của các sự việc và sự thống nhất của các lời khai của các bên liên quan. Tất nhiên cũng sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tố tụng, ý chí này có thể rất khác với suy nghĩ của nghi can hay người dân.

Quay lại vụ 4 tiếp viên hàng không, Công an muốn chứng minh 4 tiếp viên hàng không kia có tội không hề khó, để khởi tố bị can bắt tạm giam đúng luật. Vật chứng thì có lù lù hơn 11 ký ma túy rồi. Lời khai của nghi can là 4 cô kia không đủ để chứng minh là họ không biết mình đang vận chuyển ma túy. Công an hoàn toàn có quyền cho rằng 4 tiếp viên ngụy tạo tin nhắn trao đổi và số tiền 10 triệu họ nhận được không phải là con số cuối cùng.

Hơn nữa, việc phát hiện thuốc lắc dạng viên nhét vào tuýp kem đánh răng (với số lượng rất nhiều) là dễ phát hiện bằng sờ nắn mà không cần mở nắp. Hộp đựng các tuýp này lại dán băng dính, không nguyên đai kiện của nhà sản xuất. Tức là hàng đã bị mở ra từ trước. Lý do duy nhất mà 4 tiếp viên đưa ra là sự cẩu thả, coi như không kiểm hàng, trong khi họ là dạng shipper bán chuyên và rất có kiến thức pháp luật trong việc vận chuyển hàng xách tay.

Tóm lại là bằng chứng ngoại phạm của 4 người này là rất yếu. Nên Công an hoàn toàn có quyền áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết luận rằng nhóm tiếp viên này có biết mình vận chuyển ma túy. Mình tin là với các án lệ khác thì cơ quan tố tụng cũng áp đặt như vậy thôi chứ không phải là ngang nhiên hành xử vi phạm pháp luật.

Có thể Công an có những căn cứ khác nữa mà họ chưa công bố để đi đến kết luận trả tự do, biết đến đâu thì bàn đến đó. Nhưng theo mình thì để xác minh được 4 tiếp viên kia có thực sự biết mình vận chuyển ma túy không thì PHẢI đối chất được với kẻ giao hàng hoặc có những bằng chứng khi giao hàng cho thấy đúng là họ không biết.

Nên nhớ rằng, không thể cãi rằng không biết thì không có tội, sơ suất thì không có tội. Nếu cơ quan tố tụng chấp nhận lý do sơ suất, vô ý một cách bừa bãi thì sẽ tạo nên một tiền lệ, thậm chí án lệ (nếu tòa cũng vậy) rất xấu là người dân sẽ cố tình sơ suất để tránh bị xử lý trước pháp luật.

Ở đời có vô số trường hợp vô ý giết người, vô ý gây án, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu chứng minh được là vô ý thì tội nhẹ đi thôi chứ không thể không dính tội.

Ví dụ như tội quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi, nhiều người do sơ ý đó (do không biết tuổi đối tác hoặc đối tác dậy thì sớm), do không biết tuổi hoặc thiếu nhận thức pháp luật và có sự đồng thuận. Vẫn đi tù như thường. Bạn có thể cãi là tôi không biết đối tác dưới 13, nhưng Công an vẫn có quyền áp đặt là bạn đã biết bởi các giác quan.

Còn vô số ví dụ vì sơ ý mà phải trả giá trước pháp luật mà không thể cãi là do sơ ý, không biết rồi cho là vô tội.

Mình không dám khẳng định là tất cả 4 tiếp viên đều biết chắc mình vận chuyển ma túy. Có thể họ đúng là không biết thật hoặc có người không biết. Nhưng tới giờ này mình tin là họ chưa có đủ bằng chứng ngoại phạm để bác bỏ niềm tin rằng ít nhất 1 người trong số họ có biết.

Cơ quan tố tụng không thể có máy dò ý nghĩ xem nghi can biết gì, nghĩ gì khi phạm tội/lỗi, nên họ phải áp đặt ý chí của họ thôi. Vì thế, khi bị rơi vào thế yếu, thì nghi can phải có trách nhiệm đưa ra các bằng chứng ngoại phạm để chứng tỏ mình không biết thật. Nếu họ không làm được điều đó thì có thể phải chấp nhận chịu án (mà họ cho là oan), gọi là tình ngay lý gian.

Người xưa có câu: “Đi qua ruộng dưa thì đừng có sửa dây giày”, là để chỉ trường hợp bị tình ngay lý gian, sẽ bị cho là đang ăn cắp dưa. Ở Mỹ cũng có nhiều trường hợp bị cảnh sát yêu cầu giơ tay lên thì nghi can lại thò tay vào túi, thế là bị cảnh sát bắn chết, dù thực tế trong túi nghi can chả có súng hay dao gì. Nhiều khi chỉ đơn giản là do sơ suất, không hiểu tiếng Anh…mà chết oan đó, không kêu oan được. Lúc đó cảnh sát còn suy đoán vô tội mẹ gì nữa, mình không bắn nó nhỡ nó bắn mình sao? Đã cảnh cáo rồi mà? Thế nhưng bò đỏ và thiện lành vẫn la toáng lên là cảnh sát Mỹ giết dân vô tội đó!

Chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo?

Nếu Công an vẫn nhất quyết không khởi tố bị can, đình chỉ điều tra vụ án hoặc chỉ khởi tố nghi can khác, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát thì có thể Viện sẽ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung về 4 tiếp viên. Chuyện tương tự đã xảy ra tại Sài Gòn trong vụ án bà Hằng Đại Nam, Viện Kiểm sát trả hồ sơ đến 2 lần, do Công an không khởi tố các luật sư của chị Hằng.

Viện Kiểm sát cũng cho qua luôn khi Công an không khởi tố. Coi như 4 tiếp viên thoát án.

Viện Kiểm sát và Công an đều có kết luận điều tra và cáo trạng rằng 4 tiếp viên có tội, nhưng tòa lại bác bỏ thì 4 tiếp viên chỉ bị tạm giam mà thoát án. Còn Tòa cũng xử có tội thì 4 em dính nhẹ nhất là 20 năm.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 25.03.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.