1-
Ngay sau khi được tin bốn cô tiếp viên mang hàng cấm đặc biệt là ma túy từ Paris về Việt Nam, tôi đã nghe xót xa nghĩ tới việc xét xử và phán quyết các cô.
Nhìn hình các cô ngồi quanh bàn viết tờ khai, dù biết điều đó trật nguyên tắc lấy cung, tôi chỉ chú ý khía cạnh các cô còn trẻ, trẻ hơn các con tôi!
Đọc các bài trên mạng, thấy nhiều bài mỉa mai, thậm chí hả hê khi các cô bị bắt, tôi muốn viết một tút xin đừng tiếp tục mỉa mải, hả hê nữa. Có tội thì các cô sẽ chịu điều tra, ra tòa rồi chịu phán xử. Tội này rất nặng, hình phạt nghiêm khắc, nên tôi thầm mong các cô rơi vào trường hợp giảm khinh như không biết mình mang vật gì, như thành khẩn và cộng tác khai báo.
Và cũng mong mọi người để yên cho giới chuyên môn và trách nhiệm làm việc. Đừng ai gieo thêm căm hận xuống những mái đầu trẻ tuổi lầm lỡ đang chờ đợi hình phạt. Những người trẻ tuổi nếu chẳng may vướng tù tội thì cũng rất đáng tội nghiệp: các em lớn lên trong môi trường mà nhìn đâu cũng thấy tham lam, gian trá, không gian khá đậm đặc tính ác và bất lương…
2-
Trong sự ngỡ ngàng, nghe tin các cô được tạm tha. Tại ngoại hay được tạm tha trong khi chờ điều tra thêm, tin tức không được rõ ràng.
Cho dù tại ngoại hay tạm tha chờ điều tra thêm, thì việc này cũng gây sự bất mãn. Bất mãn lớn.
Ma túy là mặt hàng quốc cấm, lại là quốc cấm bị pháp luật cấm rất triệt để với hình phạt tử hình, thí dụ hình phạt tử hình cho người mang trên 200 gram heroin. Bị bắt quả tang mang hàng quốc cấm như vậy có thể được tạm tha không? Người nào có thẩm quyền ra lệnh tạm tha? Lệnh tạm tha có hợp pháp không?
Sau khi các cô được tuyên bố tha, giờ đây các trang mạng, trang phây lại bùng lên câu hỏi về luật pháp Việt Nam, về cách hiểu luật của các chuyên gia tư pháp Việt Nam, về tính bình đẳng trước pháp luật tại Việt Nam, về cách tổ chức điều tra và xét xử của ngành tư pháp Việt Nam…
Đã từng có những câu hỏi chưa được trả lời. Giới có trách nhiệm không ít lần cho cảm nhận họ không cần trả lời thắc mắc của đám đông. Lần này tôi rất mong có câu trả lời minh bạch, thỏa đáng, khả tín. Như một quy luật, sự thắc mắc của công chúng là nguồn gốc khiến công chúng nghi ngờ, giận dữ, có thể dẫn tới các đổ gãy vượt ra ngoài kiểm soát.
3-
Trong khi đó các lời lẽ mang tính căm thù đợt mới đã được tung ra. Lần này, dù vẫn giữ quan điểm mấy ngày trước, tôi không còn dám viết tút xiển dương lòng nhân ái, kiềm chế lòng thù hận nữa. Bởi vì người viết biết rằng tút ấy giờ đây rất không hợp thời!
Không sợ nghèo, không sợ khổ, chỉ sợ bất công. Câu dạy của người xưa từng được đọc nhiều lần giờ đây hiện rõ và ngăn cản người viết. Không phải vì sợ phản ứng của anh chị đọc tút, chỉ sợ gặp tác dụng ngược. Bài viết kêu gọi lòng nhân ái lúc này có thể kích thích lòng giận dữ hay thậm chí căm thù, là loại tình cảm người viết rất mong ngày càng nhạt đi trong cộng đồng!
Các hiền nhân kim cổ sợ nhất sự bất công bởi vì bất công khơi dậy, thúc đẩy căm tức rồi căm thù. Người ta có thể chia gian khó, chia sống chết trên đường hướng về mục tiêu chung cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi cảm nhận sự bất công ngự trị, lý thuyết quản trị xã hội chỉ rằng người ta căm tức kẻ được cho là tạo bất công, căm giận cả những người được hưởng lợi từ bất công.
Sự căm tức có thể khiến người ta cướp của giết người, phá hoại cộng đồng. Họ sẵn sàng bỏ từ bỏ cộng đồng, rời quốc gia sang định cư một quốc gia khác vì cho rằng cộng đồng được điều khiển bởi những người cai trị luôn tìm cách bóc lột, tước đoạt công sức, quyền lợi của họ đem phục vụ cho một thiểu số rất nhỏ! Ở tầm vóc quốc gia, cảm giác về sự bất công nếu vượt quá ngưỡng có thể khiến dân trong nước căm giận quốc gia, không giúp quốc gia chống lại kẻ xâm lăng, thậm chí còn có thể mong muốn quốc gia bị tấn công để loại bỏ những người đang tạo bất công xã hội!
Do hậu quả lớn như vậy, người có trách nhiệm mà không công bằng, hay khiến đám đông cảm nhận sự không công bằng, người có trách nhiệm đó đang phạm tội, hay ít ra, phạm lỗi.
KẾT LUẬN
Bài viết này luôn mong mỏi một sự chuyển mình tiệm tiến của quốc gia để hướng về phát triển giàu mạnh. Rất mong xã hội ngày càng củng cố thêm các giá trị quý giá của một xã hội văn minh bao gồm bình đẳng, nhân ái, yên hòa, bao dung… Nếu một sự việc có thể gây cảm nhận không bình đẳng, không công bình về luật pháp mà không được xử lý trong tinh thần bình đẳng trước pháp luật, công minh, tôn trọng công chúng, e rằng xã hội ngày càng chia rẽ giữa hai nhóm người, chỉ có tác dụng đẩy quốc gia về phía ngày càng lạc hậu hơn hay loạn lạc.
LÊ HỌC LÃNH VÂN 22.03.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.