Bữa đó nhậu. Vừa mới hai, ba chai thì anh bạn bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy phủi đýt đứng dậy, "tui dìa, có lãnh đạo tới... chỉ đạo".
Ủa, vụ gì? Hóa ra chú Sáu Khải (nguyên Thủ tướng) đang bịnh, nằm ở bệnh viện và anh bạn bác sĩ này là người chịu trách nhiệm của kíp (lúc này không phải ca anh trực).
Có cái gì đó sai sai nên mỗ đây thắc mắc: "Ủa, chữa bịnh là chuyên môn của bác sĩ, vậy chớ lãnh đạo tới chỉ đạo là chỉ đạo cái gì?". Thằng cha bác sĩ ngồi xuống cái ịch, kiu "đậu mía khui ra, làm hết chai này đã".
Đóng một cái "oóc", anh bác sĩ chửi đổng: "Bởi vậy mới tức. Đậu mía người ta học hết cơm hết gạo mới chữa bịnh cứu người, tui không biết mấy ổng thần thánh phương nào mà đến mạng người cũng chỉ đạo tuốt!"... Ha ha coi bộ giọng điệu rất ấm ức.
Bữa giờ có chuyện cứu hộ cháu bé lọt ống bê-tông ở Đồng Tháp. Sau 4-5 ngày, dù chưa thấy xác nhưng tỉnh tuyên bố "đã chết". Thôi, bỏ qua tính hợp lý, hợp pháp của tuyên bố này, ở đây mỗ chỉ băn khoăn việc cứu hộ.
Các nhà báo từ hiện trường cho biết việc cứu hộ chỉ đơn giản là Thử và Sai, làm không được kiểu này thì làm kiểu khác. Quan chức, lãnh đạo cấp to của tỉnh đều có mặt trực tiếp chỉ đạo ở hiện trường... Thưa, hiện trường lúc này cần nhất là những người có chuyên môn. Các ông các bà minh hoạ thôi, chỉ đạo nỗi gì. Chắc là báo chí viết lộn.
Việt Nam là đất nước nhạy cảm với thiên nhiên, hàng năm đều có thiên tai, nhân tai. Mỗi khi có tai nạn, việc cứu hộ đều rất may rủi. Như vụ 15 ngư dân tàu cá Bth-97478TS gặp nạn trên biển hôm 10/07, mãi đến 19/07 tỉnh này mới đề nghị điều trực thăng tìm kiếm 8 người mất tích (có thể có yếu tố thời tiết)! Mười ngày trên biển, họ ôm xác nhau...
Cho nên, rất cần công tác cứu hộ khoa học, bài bản, chuyên nghiệp và nếu cần, cả sự hợp tác với nước ngoài.
Chứ mỗi khi lâm nạn, lại thấy "trên" chỉ chỏ chỉ đạo. Quan ngại, quan ngại. Quan ngại mà dân cũng ngại !
ĐẶNG ĐẠI 05.01.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.