dimanche 15 janvier 2023

Phan Thúy Hà - Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn

 

Viết sách về người thật mình có nỗi khổ tâm. Là khi nghe tin họ ra đi. Mình luôn bị day dứt, mà không hiểu mình day dứt vì điều gì. Các nhân vật trong sách mình nhiều người khổ quá. Khổ tinh thần đã đành, tiền bạc cũng không có, bệnh tật nữa.

Hôm nay, “Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn”.

Những dòng cuối trong bài viết về chú là những giọt nước mắt.

(Chú Võ Ngọc Ẩn. Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn, trích "Tôi là con gái của cha tôi")

PHAN THÚY HÀ 15.01.2023

NGƯỜI LÁI XE ÔM TRÊN PHỐ SÀI GÒN

Ông Dương Văn Minh là ai tôi không biết. Ông tư lệnh đã bỏ đi mặt mũi thế nào tôi không hay. Tôi chỉ biết tiểu đoàn trưởng của tôi. Tiểu đoàn trưởng đang sát cánh với chúng tôi. Trung đội trưởng vẫn đội nón sắt mang súng đi đằng trước. Cho tới giờ phút này đơn vị tôi vẫn nguyên vẹn. Chúng tôi vẫn tác chiến.

Buổi sáng đơn vị chốt chặn ở ngã tư Bảy Hiền. Chúng tôi không ảo tưởng xoay chuyển được tình hình. Nhưng tinh thần kỷ luật, tinh thần đồng đội ăn sâu trong máu.

Loạt đạn cuối cùng bắn đứt xích chiếc xe tăng T- 54. Chúng tôi ùa ra hò reo. Phút giây huy hoàng cuối cùng trên đường Trương Minh Giảng.

Mười hai giờ rưỡi trưa, tiểu đoàn trưởng tập hợp anh em. Tùy tụi bay.

Tùy tụi bay chứ không ra lệnh.

Chúng tôi quăng súng.

Không còn gì nữa. Tôi hiểu. Tôi đã hình dung ra cái ngày này từ khi hiệp định Paris được ký kết. Nhưng khi nó đến tôi bàng hoàng. Cờ còn nước đánh mà phải xếp bàn.

Tháng Tư giúp tôi nhận ra được khuôn mặt người.

Một anh nghĩa quân, đơn vị tháo chạy, anh vẫn chiến đấu một mình. Tiểu đoàn nhảy dù của tôi, một tuần liền không còn hệ thống chỉ huy, không có tiếp tế, tiểu đoàn trưởng vẫn bỏ tiền túi ra kiếm cái ăn cho anh em gắn kết nhau tới phút cuối cùng.

Trường Võ Bị di tản về về Thủ Đức. Còn lại các khóa 29 - 30 - 31. Khóa 29 còn một năm nữa mới ra trường, về Thủ Đức họ tổ chức cho mãn khóa. Năm thiếu úy trẻ măng được bổ sung vào tiểu đoàn. Phân công năm ông này làm gì đây, lính còn bao nhiêu đâu. Tiểu đoàn trưởng hỏi ông thường vụ. Một cậu tên Trường đứng bật dậy như một cái máy, giơ tay : Trình trung tá, chúng tôi về đây để làm lính.

Hôm đó đã là ngày 28 rồi. Các bạn có thể đi thẳng về nhà. Vậy mà các bạn vẫn về đơn vị để làm lính. Để làm lính tác chiến chứ không phải làm ông này ông nọ. Cả bộ chỉ huy tiểu đoàn im phăng phắc. Trung tá nghiêm nghị giơ tay lên. Tôi nhân danh tiểu đoàn trưởng xin lỗi các anh.

Ám ảnh chiến tranh, với tôi, không phải là chết chóc trên chiến trường, mà chính là lúc này. Hình ảnh một đạo quân bại trận.

Bốn người lính nhảy dù vẫn mặc quân phục. Một người lính cẩn thận vác theo M16. Bước đi trong im lặng. Một chiếc xe jeep lao tới thắng bên họ. Những người tay đeo băng đỏ nhảy xuống. Lính ngụy, bỏ súng xuống, cởi quần áo !

Bốn người quay mặt lại nhìn Một người cau mặt. Một người giơ súng chĩa về những người đeo băng đỏ. Thôi. Người vừa cau mặt hét một tiếng với đồng đội. Ông hất mũi súng thẳng lên trời.

Tôi bước đi. Đầu óc trống rỗng. Trương Minh Giảng. Hồ Con Rùa. Duy Tân. Tự Do.

Những khuôn mặt thất thểu. Những khuôn mặt hớn hở vì thoát chết.

Về tới nhà tôi cứ ngồi vậy. Không nghĩ được gì. Hai tiếng đồng hồ sau, hai thằng em về. Chúng nó đi lính chưa đầy năm. Nét mặt đứa nào cũng có vẻ vô can. Chúng kêu tôi đi. Đi phá kho gạo.

Ba anh em, cùng với cả xóm, với cả quận Tư, đi phá kho gạo. Ùn ùn giẫm lên chân nhau. Lôi được bao nào hay bao đó. Ba anh em vác ba bao về nhà. Trở lại lần thứ hai thì không còn gì để vác nữa.

Bữa cơm tối đó thật vui. Cả nhà đầy đủ. Mỗi người một chai bia. Ba nói, mai tụi mày đi sục cái bể nước. Ba cố tạo ra một không khí bình thường.

Đêm đó tôi không ngủ.

Năm 1960 tôi mười tuổi, xảy ra một chuyện ở gia đình : ba tôi đi tù.

Ba tôi từng là lính nhảy dù trong quân đội Pháp. Trước đó ông tham gia lực lượng Việt Minh. Ông là người lính. Bổn phận ông là phục tùng mệnh lệnh. Cấp trên lệnh cho ông dẫn quân về bao vây Dinh Độc Lập.

Ông bị bắt sau đó. Tới khi bị bắt, ông vẫn không có khái niệm gì về đảo chánh.

Tôi từng thầm trách ông đã chấp nhận mệnh lệnh một cách cứng nhắc, nhưng nếu là tôi ở vào thời điểm đó, liệu tôi có tìm được cách gì mềm dẻo hơn không.

Hai năm sau ra tù, ông lại được tung hô là anh hùng. Ông nói, anh hùng cái con khỉ. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất của đời ông. Ông quay về đơn vị, làm hành chính vài tháng thì xin nghỉ. Ông lảng tránh, không muốn nhắc tới quãng thời gian đó nữa.

Thời gian ba đi tù, mẹ cũng bỏ đi. Bốn đứa cháu sống với bà nội.

Mẹ quay về khi ba ra tù. Ba mẹ tiếp tục sống với nhau, như thể không có chuyện gì, họ có thêm chín đứa con nữa. Tôi là con cả trong một gia đình có mười ba đứa con.

Tôi không biết ba nghĩ thế nào, tình cảm ba mẹ ra sao, nhưng với tôi, chuyện cũ mẹ gây ra tôi nhớ miên man. Có một lần về thăm ba mẹ, mẹ trách móc tôi chuyện gì đó, tôi buột miệng, ủa, sao hồi đó má không ở lại mà dạy con. Nói xong câu đó tôi ân hận.

Mẹ bỏ đi, bà nội cưu mang bốn đứa cháu. Chúng tôi vẫn đi học bình thường.

Vào ngày thứ Năm và Chủ nhật được nghỉ học, bọn trẻ được đi học tiếng La tinh để phụ lễ nhà thờ. Học từ sáng đến 9 giờ là nghỉ giải lao. Khi nghỉ giải lao, mỗi đứa được phát khúc bánh mì với miếng phô mai. Trước khi ra chơi để được ăn khúc bánh mì đó chúng tôi cầu nguyện. Xin Chúa thương xót chúng con. Tôi đứng hàng đầu, là thằng gào to nhất. Dì phước hiểu ý. Dì cho tôi bánh mì bự hơn, cục phô mai bự hơn.

Lớp tôi có một thằng cao lớn. Ba nó là một công chức cỡ bự của Nha Công Dân Vụ. Trong lớp đứa nào cũng sợ nó. Ba nó đi một chiếc Traction đen giống như xe của những người đến bắt ba tôi. Nó ăn hiếp tôi ra mặt mà chẳng ai dám bênh. Vì tôi là con của một tên phản loạn.

Khi bị nó đánh, tôi không dám chống cự. Nó đánh rất đau. Bị nó lấy đồ, tôi cũng không dám hó hé. Nhưng nó quá ngu nên không biết giới hạn dừng lại. Nó dồn tôi đến mức tôi thấy hết sợ nó. Một ngày nọ tôi lấy cây viết có ngòi bút lá tre đâm vào ngực nó. Ngòi bút lá tre không thể làm chết người nhưng nó la hét thật to vì sợ. Nó quỳ xuống khi thấy tôi nhặt cái dùi trống bước tới. Các dì phước ùa tới níu tôi, ngăn cản. 

Chiều hôm đó, khi cảnh sát đến nhà thì tôi đã kịp biến đi. Đói khát, tôi lần mò đến khu Chợ Đũi. Bắt đầu những ngày sống lang thang. Tôi lân la các quán hàng chờ ai thương tình cho miếng gì ăn.

Lang thang chán, tôi mò về nhà. Bà nội gửi tôi vào nhà dòng ở Vũng Tàu. Để đỡ nuôi cơm. Tính cách tôi không chịu nổi khuôn phép nhà dòng. Tôi trốn lên Đà Lạt.

Một đêm, thấy thằng bé nằm co ro trên manh chiếu rách bên vệ đường, các chị đưa về hiên nhà mình. Các chị lấy chăn gối ra ngoài hiên cho tôi nằm. Sáng mai, chị Khuê pha cho tôi một ly sữa nóng. Nhà các chị có tiệm sách cho thuê. Tôi đứng ngoài ngó vào. Thấy cuốn Gulliver phiêu lưu ký hồi trước mình đang đọc dở. Em đọc được tới đâu. Tôi nhắc đoạn mình đã đọc đến. Chị Lan nhìn tôi cảm mến. Chị đưa tôi vào ở trong nhà, bắt đầu hỏi chuyện, nhà tôi đâu, sao lại bỏ đi. Sau đó chị bảo tôi có thể đọc bất cứ cuốn sách nào tôi thích trong tiệm sách. Một tuần sau chị đèo tôi ra bến xe, mua vé cho tôi về Sài Gòn.

Thấy tôi về, bà nội lo lắng. Bà đang tính gửi tiếp đứa em kế tôi cho một nhà dòng khác. Ở nhà dòng được ăn no ngủ ấm sao con lại về. Con nhớ các em, con nhớ bà nội. Bà ôm thằng cháu. Bà thôi không gửi đứa nào của bà đi nữa.

Ngôi nhà chúng tôi ở giữa xóm đạo Vĩnh Hội, kế bên hãng thuốc lá Bastos, trước mặt là xóm ghe chiếu nằm bập bềnh trên con kinh Tàu Hũ.

Một xóm đạo nhỏ với chín ngôi nhà được đánh số từ 158/1 đến 158/9. Sân nhà thờ là sân ngôi trường nhỏ Saint Anna, với những dì phước dòng Mến Thánh Giá – Chợ Quán hiền lành. Sân nhà thờ cũng là sân chơi của bọn trẻ. Những đứa trẻ con nhà nghèo cùng lớn lên, thân thiết nhau.

Đi xưng tội nha. Đi xưng tội chưa. Cứ đến thứ bảy là con Dung nhắc tôi. Nhắc xong nó nhìn tôi cười tinh quái.

Con Dung học sau tôi một lớp nhưng hai đứa cứ xưng tao mày. Nó không xinh lắm nhưng có cái răng khểnh duyên. Dung hát hay, được vào ca đoàn.

Hồi mười lăm, mười sáu tuổi tôi là chuyên gia gánh nước. Nhà nó có đồng hồ nước. Bố mẹ nó cho cả xóm hứng nước không lấy tiền. Tôi vác cặp thùng đến nhà nó chơi cả tiếng đồng hồ nói ba chuyện vớ vẩn. Một lần, vô tình, đứng từ phía sau tôi hít thở mùi tóc nó. Tôi không biết đó là mùi bồ kết hay tinh dầu nào, chỉ thấy một hương thơm dễ chịu. Mấy ngày sau đó nó tránh né tôi. Hình như nó phát hiện có gì hơi khác lạ từ phía tôi. Rồi chuyện đó cũng bị lờ đi. Hai đứa vẫn rủ nhau đi chơi, xem phim.

Ngày 01.11.1968 là ngày quốc khánh. Với bên Công giáo đó cũng là một ngày lễ lớn. Con Dung hẹn tôi lễ xong đi chơi, đi ăn kem. Tôi đứng dưới sân chờ. Nó đang hát thánh ca ở trên lầu.

Khi đó khoảng 5 giờ 30 phút sáng. Nhà thờ chật ních người đi lễ. Tất cả đang cùng linh mục chủ tế hướng tâm hồn về Thiên Chúa.

Một chớp lửa lóe lên. Bóng tối bao phủ. Hơn một phút sau không gian mới vỡ òa. Tiếng la hét. Gạch ngói ngổn ngang. Người ta cố gắng đưa người bị thương đi cấp cứu trước, sau đó những cái xác được kéo ra. Những xác chết được kéo ra. Sáu mươi người bị thương. Hai mươi cái xác.

Một trái hỏa tiễn từ hướng rừng Sác bay vào Sài Gòn, đi thẳng đến đây.

Hai ngày sau, đoàn xe tang rời sân nhà thờ đi về nghĩa trang, mang theo Maria Nguyễn Thị Dung mười bảy tuổi ngoan đạo của tôi.

Chiến tranh. Nó đã đến.

Tôi đã nghe biết chiến tranh trước đó. Nhưng luôn nghĩ nó ở tận đâu đâu. Chiến tranh chỉ là trong sách vở, trong các bài hát. Trận Mậu Thân đã xảy ra nhưng không phải ở chỗ chúng tôi. Những buổi tối chơi ở sân nhà thờ, nhìn lên trời luôn thấy hỏa châu thả sáng cả thành phố. Rồi tiếng đại bác từ xa vọng về. Chiến tranh khi đó với tôi là như thế.

Mười tám tuổi. Chiến tranh đã hiện ra trước mặt. Tôi lên đường, thực hiện bổn phận một công dân.

Ông ra Nha Trang sống với tôi đi. Thấy tội nghiệp ông quá. Quên hết mọi thứ, đừng nghĩ gì nữa.

Quỳ nói với tôi khi vào Sài Gòn tìm thăm tôi, một ngày đầu tháng Sáu năm bảy lăm.

Hai đứa ra phố. Quỳ ghé vào cửa hàng mua cho tôi mấy cái khăn mùi soa. Khi chờ gói hàng, Quỳ ngó chăm chăm vào gói tã trẻ em. Rồi Quỳ ngước lên nhìn tôi cười. Chiến tranh qua rồi. Còn gì vướng mắc giữa hai đứa nữa đâu.

Tôi nói với Quỳ ý định sẽ bỏ Sài Gòn ra đi. Quỳ hiểu những điều tôi đang nghĩ. Không cản cũng không ủng hộ. Hôm sau tôi tiễn Quỳ về Nha Trang. Có lẽ đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Mộng rời Sài Gòn đi vào rừng quá lớn.

Chị em Quỳ ở trong trại gia binh, gần nhà thờ Thăng Thiên, bên con dốc dài. Hai bên con dốc khi tôi đến rải đầy sắc hoa vàng. Loài hoa dại chỉ có sắc không hương đặc trưng xứ núi với tên gọi lãng mạn dã quỳ. Loài hoa có mặt trong thơ văn nhạc họa của bao anh lính biên trấn mộng mơ. Hai chị em được mẹ gọi tên hai loài hoa là Dã Quỳ và Đỗ Quyên. Người mẹ ấy ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ, để lại hai đứa con gái bé bỏng với người chồng là quân nhân.

Hoàn cảnh gia đình đặc biệt vậy nên Quỳ sớm trưởng thành, chững chạc. Trại gia binh chỉ có đàn bà và trẻ con. Những người mẹ, người chị phải biết làm nhiều việc thường ngày của đàn ông. Một lần đến chơi, tôi thấy nàng đang leo lên ghế sửa đường điện. Tôi muốn giúp nhưng nàng lại giàu kinh nghiệm sửa điện hơn cả tôi.

Dã quỳ, trước đây đụng đâu tôi giẫm đấy, quen nàng rồi thấy hoa tự nhiên tôi có ý thức. Một đêm về hậu cứ, tôi chép cho nàng những câu thơ của Cao Thoại Châu mà tôi nghĩ là nàng thích. “Nghe lòng mình cùng phố núi chao nghiêng / Nai gõ móng trên thềm đá cũ / Nghe đủ cả mừng vui buồn tủi / Dã quỳ ơi, anh đã quay về”. Xạo. Nịnh. Nàng nhận thơ, phê vào đó. Tôi ngượng, từ đó chẳng dám chép thơ người khác thay lòng mình.

Mỗi lần theo trực thăng lên thăm ba nàng đều có món quà gì đó cho tôi. Lần này là một chiếc khăn và áo len. Khăn nàng đan, áo len tự nàng chọn mua. Tôi viết bài thơ Áo tình xưa đáp lại. Nàng lại nhờ người gửi cho tôi cây thuốc lá.

Ba nàng là trại phó. Trong một lần ngồi nhậu ông nói, mày với con gái tao mà không xong thì liệu hồn. Lần khác ông lại nói, mày với con gái tao không xong thì chết với tao. Lần cuối cùng tôi được uống với bố nàng là một đêm giá lanh, khi đó tôi chưa biết mình sắp phải chuồn khỏi thành phố này. Ông nói, uống đi, khi nào thành con rể thì hẵng tính, giờ tao với mày là đồng đội.

Tiền đồn cách Kontum 45 cây số theo đường chim bay. Sau đêm rượu đó bố nàng đề nghị đưa tôi về D17 tại Pleiku. Về đây tôi được gặp nàng nhiều hơn. Buổi tối hai đứa dạo loanh quanh qua đồi Đức Mẹ, vô Biển Hồ. Đi với nàng tôi ý tứ lựa con đường ít gặp lính tụ tập. Tôi không muốn nàng phải nghe mấy lời trêu ghẹo vọng ra từ quán nhậu trên đường Tăng Bạt Hổ, Phan Đình Phùng, ngã tư Diệp Kính.

Một đêm về quá khuya, leo khỏi dốc tôi thở than, đi chơi với em cực quá, mỗi lần đưa về xa quá. Quỳ cười, thì ở lại đi, đừng về. Tôi cà chớn, ngu gì, ở lại đưa hết lương à. Nàng khiêu khích, không đưa lương thì lấy gì ăn. Cứ à ơi như thế, chưa khi nào hai đứa nói với nhau được một lời nghiêm chỉnh.

Đợi Quỳ khuất vào trong hiên nhà tôi mới ngất ngưởng đi về.  Phố núi về khuya đìu hiu. Vài chiếc xe tuần tiễu chầm chậm qua những con đường ngắn có ánh đèn vàng vọt. Quán xá đã đóng cửa. Vài tên lính chân thấp chân cao bá vai nhau đi về. Cái lạnh vừa đủ xo ro cho tôi ôm đàn dạo bản nhạc mới bập bẹ được đôi câu, Where do I begin to tell the story of how great a love can be

Quỳ làm thu ngân trong hội quán Phượng Hoàng. Hội quán này dành cho sĩ quan, loại cấp úy quèn như tôi khó mà vào. Nhưng vì tôi làm ở Lực Lượng Đặc Biệt, bọn quân cảnh chừa mặt, nên khi thích tôi vẫn lui tới thăm Quỳ.

Sáng đó hành quân về tôi thu được một cây CKC. Súng xoàng thôi, nhưng tụi Mỹ muốn có để vác về nước khoe chiến công. Một thằng ra giá. Tôi không bán mà đổi một khẩu súng ngắn thời thượng của nó. Buổi sáng đổi súng, buổi chiều tôi đút súng vào túi đi chơi. Vào hộp sĩ quan thấy Quỳ đang khóc. Nàng vừa bị tên trung úy vỗ mông và nói lời bất nhã.

Tôi đi tới bàn tên trung úy. Nó nhìn tôi ngạo nghễ : “ĐM, mày biết tao là ai không ? Mày dám làm gì tao ?”. Nó ỷ thế là cháu ruột ông tướng tư lệnh quân đoàn. Tôi rút súng ra, bắn một phát vào đùi nó. Phát thứ hai. Nó quỳ lạy xin tha.

Ngay tối đó tôi đi trình diện quân cảnh. Bị nhốt đến hai giờ sáng. Ông trưởng đồn là đại úy quân cảnh gọi điện cho ông sếp tôi, là đêm nay nếu đám kia kéo đến thì ông không thể nào can thiệp được. Ở Pleiku thế lực ông tư lệnh quân đoàn rất. Bởi vậy, muộn nhất trong sáng mai phải giải quyết cho tôi rời khỏi Pleiku.

Tôi chỉ kịp tìm Quỳ báo tin. Anh làm vậy chi cho khổ thế này. Nét mặt nàng đau buồn thấy rõ.

Về Sài Gòn, tôi bị giam tại quân lao một thời gian thì ra hội đồng kỷ luật. Tôi bị giáng xuống cấp trung sĩ.  Ba tôi từng là lính nhảy dù, bạn của ông là sếp lớn, ông xin cho tôi về Lữ đoàn Nhảy dù. Đầu năm 1972 tôi ra Quảng Trị tác chiến.

Nghe tin chiến sự ở Quảng Trị ghê gớm quá, Quỳ dắt em gái ra thăm tôi. Ở Pleiku có mấy người sĩ quan nhảy dù, qua đó Quỳ hỏi thăm được địa chỉ tôi. Ở Huế có hậu trạm gọi ra lữ đoàn. Vừa trải qua hai đợt không kích, lữ đoàn đang nằm dưỡng quân. Người bạn bên lữ đoàn gọi điện báo tin tôi có người nhà đến thăm. Tôi giật máy, hỏi lại người bạn câu nữa cho chắc. Ông giỡn hay thiệt vậy, người con gái đó có gì lạ trên mặt không. Không tin hả, cô ta có nốt ruồi ở gò má. Vậy là đúng Quỳ rồi. Ông sếp cho tôi  48 giờ phép vào Huế.

Nhìn thấy chị em Quỳ tôi cứ ngỡ như trong mơ. Giữa chiến tranh mà chị dắt em ra tận đây thăm tôi. Tôi không nói được câu gì. Đỗ Quyên thấy tôi mừng quá khóc mếu máo tủi thân, con bé lo sợ tôi có thể bị thương hoặc đã chết rồi. Quỳ đi thăm bố và thăm tôi nhiều lần ở chiến trường, đã quen với cảm giác đi thăm lính nên biết dằn cảm xúc. Tôi nắm tay Quỳ,  bàn tay nàng run run.

Cậu trung sĩ mượn xe honda chở Đỗ Quyên đi thăm thành phố Huế, tôi và Quỳ dạo chơi loanh quanh trong doanh trại. Chiều tối, tôi ra thuê khách sạn Hương Giang cho hai chị em nghỉ. Sáng hôm sau chúng tôi chia tay. Quỳ hỏi tôi chừng nào thì đi phép. Tình hình này thì phép tắc gì. Quỳ dặn tôi anh cố gắng giữ gìn, cầu nguyện Chúa hàng ngày. Quỳ vẫn giữ được vẻ thản nhiên như hồi ở Pleiku đến thăm tôi. Tôi lại cà chớn, về không nhớ sao. Có gì đâu nhớ, lần sau lại ra. Sau này tôi nghe người sĩ quan ngồi cùng chuyến bay với Quỳ nói lại, cô gái ra thăm ông đó, cổ khóc từ khi lên máy bay cho tới khi xuống.

Thời gian ở Quảng Trị tôi có hai tháng đi hộ tống quan tài. Có một loại máy bay chuyên chở quan tài từ Phú Bài về Sài Gòn vào ban đêm. Có những ngày số xác của thủy quân lục chiến và nhảy dù đưa về chừng một đại đội. Vẫn còn một nửa số nằm lại vì không đưa về được. Một lần có tên đào ngũ lẻn vào sân bay, mò mẫm tìm gặp tôi. Tôi không ưa bọn đào ngũ. Có ai ra trận mà không sợ. Sợ nhưng không được hèn. Tôi cũng không ưa nghe kể lể hoàn cảnh. Nhưng lần này không hiểu sao tôi lại nghe chăm chú. Vì mới gặp lại Quỳ mà tôi mềm lòng hơn chăng. Con người ta mỗi lúc một khác.

Anh ta hơn tôi nhiều tuổi nhưng xưng em. Em ở Long Xuyên, đã có vợ và sáu đứa con, ngày em đi vợ lại mang bầu đứa thứ bảy.

Cuối cùng mục đích cũng là để được tôi theo phi cơ về. Tôi đồng ý với điều kiện đưa cho tôi hai ngàn đồng. Anh ta vét khắp túi quần áo chỉ được mấy trăm đồng. Tôi cho một người ở lại. Mượn cho anh bộ đồ nhảy dù, coi như anh thay vị trí người kia, đeo súng vào hộ tống.

Về tới Long Bình tôi đưa anh ta ra cổng phi trường. Anh đưa tôi tiền, tôi không lấy. Anh ta nhìn tôi ngần ngừ như muốn nói gì và xin tên tôi. Tôi không dám cho biết tên, đề phòng có gì bất trắc anh ta khai tên mình ra thì phiền. Anh ta lôi trong túi quần ra một cái gói. Mở bọc gói là đôi bông tai. Anh ta nói, ngày em bị bắt quân dịch vô Trung tâm 4 Cần Thơ vợ đến thăm đưa cho em phòng thân. Nay anh đã cứu mạng em, em xin biếu anh. Nhìn đôi bông tai của người vợ, tôi ứa nước mắt. Tôi bảo anh cất đi. Lòng hào hiệp lại nổi lên, tôi cho xe jeep chở anh ta về nhà bà con ở Sài Gòn ngủ qua đêm, sáng mai sẽ bắt xe về Long Xuyên.

Bạn bè gặp tôi vẫn nói câu đó :  Con Quỳ đang chờ mày.

Năm 1974, tôi biết tin ba Quỳ đã bị giết. Tháng Hai năm bảy lăm, những người ở đơn vị cũ của ba đã thu xếp cho Dã Quỳ và em Đỗ Quyên di tản về Nha Trang. Hai chị em nương nhờ trong một nhà thờ gần Đồng Đế, sống bằng nghề thợ may. 

Những ngày ở Pleiku tôi tự vấn lòng mình. Mình có muốn cưới Quỳ không. Không có câu trả lời.

Có. Muốn. Nhưng chưa được đâu.

Ở Pleiku có quán cà phê Hoàng Lan mà giới lính văn nghệ hay đến. Tôi đến uống cà phê gặp lúc tác giả Lý Thụy Ý đang ngâm bài thơ Tưởng như còn người yêu. Bài thơ tang tóc u ám.

Tôi đóng quân ở cầu số 3. Kế cầu số 3 là quân y viện. Kế quân y viện là nhà xác. Gần như ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh những người vợ, người mẹ khóc lóc gào thét  lăn lộn.

Trung úy Thuận cùng đơn vị tôi. Mỗi khi anh bước chân ra khỏi nhà là chị vợ anh như người mất hồn, cứ ngồi chờ cho đến khi anh quay về. Chị cứ ngồi bên cửa sổ ngóng ra con đường phía dưới dốc.

Tôi cũng đã chứng kiến cảnh một người vợ đang ẵm con thì chiếc xe jeep nhà binh chạy đến cửa nhà, thắng lại. Hai người lính trên xe nhảy xuống, bước vào nhà, đưa lá thư. Đó là một lá thư báo tử.

Đáng sợ không phải là cái chết của tôi, mà là những gì người ta phải chịu đựng vì tôi. Chín ngôi nhà xóm đạo ở quận Tư của tôi đã có sáu người con tử trận. Khi một thằng bạn tôi chết, ba tôi nói : Nghe tin về đám anh em bạn của mày tao khổ lắm, nhưng dù sao cũng còn nhẹ lòng hơn hơn là chúng mày cứ lang thang ngoài đó, đêm nào cũng phải thắp nhang.

Những đêm không trực gác tôi đi bên Dã Quỳ trong trái sáng chập choạng. Có khi lặng im, có khi nói chuyện vu vơ, ăn một bát mì nóng rồi về. Qua khỏi dốc là tôi tần ngần. Quỳ xinh quá. Cô ấy còn trẻ quá.

*

Mộng vào rừng quá lớn. Nếu gọi đó là lý tưởng, thì lý tưởng bắt đầu hình thành khi vào quân đội, được nuôi dưỡng trong môi trường quân đội.

Tôi bị giam ở Tuy Hòa, vài tháng Quỳ lại đến thăm. Với tôi, Quỳ biết chẳng cần phải khuyên can động viên gì. Ông ráng xong mà về. Không về Sài Gòn thì về Nha Trang với tôi.

Quỳ không chờ tôi được nữa. 

Cho tới khi ra khỏi trại, về ngồi trước mộ em, tôi mới thấy tim mình tan vỡ. Tương lai mình vạch ra, sắp xếp rồi, tưởng xong rồi. Tôi chỉ còn làm được một việc. Lập cho em ngôi mộ đề lên đó tên mình.

Tôi quay về Sài Gòn. Bốn mươi tuổi. Tóc đã bạc rồi. Làm đủ thứ việc kiếm cơm. Làm đủ thứ việc cho bớt trống trải trong lòng.

Suy nghĩ cứ chậm dần. Ký ức thì lộn xộn. Tôi bị ngã xe. Một vết cắt chảy máu trên đầu, người ta đỡ tôi dậy, khiêng tôi vào nằm bên vệ đường.

Biên trấn, biên trấn một đi không trở lại. Lỡ hẹn rồi đừng khóc nghe em.

PHAN THÚY HÀ

Trích sách "Tôi là con gái của cha tôi", Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.