vendredi 27 janvier 2023

Phúc Lai - Ukraine 11 tháng chiến tranh : Khó khăn chỉ là tạm thời

 

(NCTG 24/01/2023) “Cuộc chiến tranh sẽ phải kết thúc bằng một chiến thắng của người Ukraine, và thời điểm đẹp nhất là mùa xuân này”, theo nhìn nhận của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội sau 11 tháng của cuộc chiến Ukraine.

Tháng thứ 11 của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine dù nặng nề đến mấy rồi cũng qua, nhưng kết cục của nó có lẽ vẫn chưa ngã ngũ. Tất cả mọi người, dù ở “phe” ủng hộ Nga hay ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của người Ukraine đều tập trung quan tâm vào tình hình Bakhmut và làng vệ tinh của nó: Soledar. Trận đánh “cố đấm ăn xôi” của Putin với vai trò cụ thể thuộc về Prigozhin và những tên lính đánh thuê Wagner của lão ta, dường như đã thách thức tâm lý của bất cứ ai quan tâm đến tình hình.

Trong một câu chuyện với người quen ủng hộ Nga vô điều kiện, anh ta uất ức kêu lên: “Chịu thua thì chịu thua mẹ nó đi!” – ý anh ta nói đến người Ukraine và khi nghe câu này, tôi cảm nhận được đó là tâm lý chung của rất nhiều người Việt ủng hộ nước Nga của Putin. 

Tôi không dám đụng đến yếu tố tình cảm, vì chính tôi cũng yêu nước Nga như họ, nhưng có một điều rằng họ vẫn đang để cho tình cảm che mờ mất lý trí. Rất nhiều người trong số họ có cùng một lý lẽ để bảo vệ cho tình cảm đó của mình: “Thật ra là Nga hoàn toàn có thể thắng được Ukraine nhưng bây giờ thì bị... bọn Phương Tây can thiệp, “bơm” nhiều vũ khí quá nên không thắng nổi”.

Trước lý lẽ này, tôi đã từng nhiều lần viết trên mạng xã hội và cũng đôi lần thử nói chuyện với họ: “Người Ukraine đã thắng trong trận đánh bảo vệ Kyiv, khi đó họ đã đánh thiệt hại nặng quân đội Nga. Để kéo dài đến bây giờ chẳng qua là nước Nga của Putin không chấp nhận chuyện bị thua và cũng không chuẩn bị cho khả năng thua trận thôi”. Nhưng càng về thời gian gần đây, tôi càng ít muốn tiếp xúc với những người như thế. Những ai nhận ra được chân tướng, bộ mặt thật của Putin đang làm hại nước Nga thì họ đã nhận ra rồi.

Nhân nhắc đến những người ủng hộ nước Nga của Putin trong cuộc chiến tranh này, tôi có nhiều bạn bè có vị trí thực sự liên quan. Chẳng hạn, một người bạn là sĩ quan quân đội trong lĩnh vực vũ khí, anh này ngay từ đầu thực tâm mong nhìn thấy quân đội Nga thể hiện được sức mạnh thực sự của mình. Cần bổ sung thêm từ góc độ này: những người tôn sùng vũ khí Nga trước cuộc chiến tranh họ tiến hành ở Ukraine có thái độ không được “fair play” cho lắm. Một mặt muốn nhìn thấy vũ khí hệ Xô-viết cũ mà Ukraine cũng có được sử dụng hiệu quả, nhưng mặt khác vẫn muốn nhìn thấy vũ khí Nga mạnh mẽ và hiện đại hơn nhiều so với của Ukraine để Putin yêu quý của họ thắng trận.

Cuối cùng thì ngay cả khi người Ukraine chưa có nhiều vũ khí viện trợ hiện đại, họ vẫn thắng. Họ thắng vì họ biết quá rõ những điểm yếu của quân đội Nga và đáng tiếc, vũ khí Nga không được như người ta vẫn quảng cáo. Về phần mình, người bạn của tôi ắt hẳn phải thất vọng lắm vì anh ta là người có chuyên môn, sẽ dần dần biết thừa những quảng cáo nổ to đùng đoàng mãi mà Nga chẳng thắng, trước nay là nói dối. Rồi từ khi người Ukraine nhận được những giàn HIMARS đầu tiên, thì quân đội Nga thua liểng xiểng, mà thua vì gì, thua chủ yếu vì thiếu gạo thiếu đạn...

Ấy thế mà suốt 11 tháng qua, người Việt Nam phần lớn sống trong bầu không khí ô nhiễm về thông tin quanh cuộc chiến của người Nga. Ngồi trên xe buýt sau một ông già chừng ngoài 70 tuổi, tôi thấy ông ấy đang xem một kênh YouTube “ngoài luồng” (ý là của một bọn vớ vẩn nào đó tự lập) với nội dung “Ukraine đã bán hết đất cho Mỹ...” và nội dung trong bài tôi nghe lõm bõm: tổng thống Ukraine răm rắp nghe lệnh của giới chủ Mỹ... mà sửng sốt: không hiểu tại sao đến thời kỳ thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 mà người ta còn đưa ra những thông tin lừa bịp kiểu thô thiển đến vậy?

À, có gì đâu, đó là hậu quả của mấy chục năm coi thường người nghe, người xem và độc giả, thật không khác gì chính sách ngu dân. Cách đây mấy năm, chính đài truyền hình quốc gia còn cử cả một đoàn sang “diễn” ở Syria, với giọng điệu dọa nạt dân chúng trong nước về hiểm họa chiến tranh. Hồi đó tôi nghĩ bụng: đất nước khói lửa chiến tranh vẫn chưa tan hết, ngoài biển Đông thỉnh thoảng “chúng nó” lại kéo giàn khoan với cấm đánh bắt, khác gì chiến tranh đâu, các anh các ả định dọa ai chứ?

Nếu tôi quen cái ông già kia, tôi sẽ kể cho ông ấy nghe rằng khi Việt Nam ta chuẩn bị ra được Luật đất đai và Luật đầu tư nước ngoài với mong muốn sẽ kéo được các nhà đầu tư từ tận những xứ đế quốc, tư bản (mà chính chúng ta đã vác súng đuổi họ đi!). Đã có những ông bà đại biểu nhân dân đưa ý kiến: sợ rằng người nước ngoài vào họ sẽ mua hết đất đai của chúng ta. Để trả lời họ, một số chuyên gia đã nói: chỉ mới chính sách đất đai không chưa đủ, mà còn phải ban hành cả luật ưu đãi đầu tư thì mới mong người ta vào đầu tư đó. Suy cho cùng, đất đai là thứ họ có mang đi được đâu. Từ trước đến nay mỗi khi có biến cố, chiến tranh, vật đổi sao dời chỉ có những nhà đầu tư là thiệt chứ đất nước có thiệt bao giờ. Chiến tranh nổ ra, các nhà đầu tư nước ngoài kéo sạch khỏi Nga, để lại cả nhà máy, dây chuyền thiết bị toàn là với giá... 1 đô-la đó cả thôi. Nước Nga giàu khẳm.

Kể ra Ukraine mà được các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà “mua hết cả đất” thì cũng quá là tốt chứ có gì xấu.

Mười một tháng chiến tranh... và 11 tháng ấy giúp chúng ta không còn nghi ngờ rằng chính lãnh đạo đất nước vẫn cứ cố mãi bấu víu vào thứ mà họ đã trót dựng lên đã bộc lộ sai lầm. Sai lầm đó là sự kế thừa vô điều kiện của nước Nga với những gì của Liên Xô cũ để lại, trong đó có tình cảm của người Việt Nam. Nếu như Liên Xô tốt đẹp, và Nga Putin xứng đáng với những điều tốt đẹp đó, thì rõ ràng logic sẽ là... Ukraine xấu xa, và những điều mà Nga Putin đang hành xử sẽ là tốt đẹp. Những người ủng hộ ông ta có thể cho rằng tất cả những tội ác mà Nga – Putin gây ra cho người dân Ukraine là do “chính quyền Ukraine phát-xít bịa ra”, vậy họ sẽ như thế nào khi đối mặt với câu hỏi: tại sao đa số các nước trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine?

Đúng vậy, đã đến lúc lãnh đạo Việt Nam cần xác định lại thái độ của mình với Nga. Nước này không chỉ kế thừa một cách bất hợp pháp cái ghế của Liên Xô ở Liên Hiệp Quốc với vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, mà còn chôm chỉa cả tình cảm của người dân Việt Nam với Liên Xô. Lãnh đạo và truyền thông Việt Nam cần chấm dứt việc làm cầu nối đưa những thông tin thất thiệt, dối trá của chính quyền Putin về mọi chuyện, đặc biệt là về Ukraine!

Đã đến lúc chúng ta cần nhận rõ được rằng chính Điện Kremlin của Gorbachev năm 1988 đã từ chối cho “chỉ một tàu chở nước tiếp tế cho Trường Sa” trong hoàn cảnh Trung Quốc tấn công chiếm Đá Gạc Ma của chúng ta. Không có ai tên là “nghĩa tình, thủy chung, son sắt, vô tư vô lợi” ở đây cả, chỉ có lợi ích chiến lược của mỗi bên và chúng ta thì tự lao vào lò lửa chiến tranh mà thôi.

Còn bây giờ, Putin sẽ phải trả giá cho những gì lão ta đã và đang làm cho người Ukraine. Ngay lúc này là mỗi ngày 700, 800 mạng binh lính Nga, trong đó riêng bọn đánh thuê Wagner cũng phải 400, 500 người. Những con số kinh khủng – tháng thứ 11 của chiến tranh toàn thế giới chứng kiến kiểu đánh nhau man rợ của người Nga, làm người ta nhớ đến Chí nguyện quân Trung Hoa năm 1950 hay người Nhật khi chiếm cảng Lữ Thuận năm 1905. Cố đi tìm mãi lời lý giải cho cái nỗ lực “phi thường” đó của người Nga – chợt nghĩ ra rằng họ đã đánh quá lâu vào thị xã Bakhmut mà không có kết quả. Prigozhin muốn chứng minh cho ông chủ của hắn rằng, cuộc chiến tranh mà họ đang tiến hành, vẫn có thể thu được điều gì đó.

Wagner của Prigozhin có thể chiếm được Soledar, nhưng bao giờ chiếm được Bakhmut thì còn chưa biết. Hôm qua có bác bạn của tôi trên mạng xã hội viết: Bakhmut bị vây ba mặt rồi đó! Đến bị vây kín như nhà máy Azovstal mà Nga còn phải đánh mất hàng tháng, và sau đó thì cái thành phố Mariupol đó đóng góp được gì cho quân đội của Putin về chiến lược? Trong khi đó chỉ vài đòn là quân Nga bỏ Izyum và Kupyansk, à mà cả Kherson và Lyman nữa chứ, chạy rẽ đất. Vì vậy nếu có khó khăn nào đó – mà chắc chắn là phải có, thì cũng chỉ là tạm thời mà thôi.

Prigozhin là phe ủng hộ đánh nhau, bao nhiêu quyền lợi gắn với cuộc chiến này, nên hắn cần nuôi dưỡng hy vọng cho Putin, có vậy thôi. Chưa hết. Chúng ta hãy cùng nhớ lại tháng 11/2014, Putin đã phải bỏ bữa tiệc G20 ở Brisbane và... đi về nước trước thái độ ghẻ lạnh của các nguyên thủ tham gia hội nghị. Từ đó, người ta đánh giá rằng vị thế của Putin là một lãnh đạo bị nguyền rủa còn nước Nga của ông ta thì sẽ trở thành một đất nước bị ruồng bỏ. Điều này hoàn toàn không phù hợp với mong muốn, suy nghĩ và cách hành xử của Putin.

Viết đến đây, tôi cảm thấy trong mình có điều gì như bàng hoàng. Đúng vậy – Putin sẽ không tự ngừng chiến tranh. Ông ta cần cuộc chiến này để cảm thấy mình còn tồn tại và muốn chứng minh cho thế giới rằng mình còn tồn tại. Tất nhiên là phương pháp chứng minh đó của ông ta, không phải ai cũng chấp nhận nó. Và gần như tất cả thế giới đã phải “vùng lên” để chống lại ông ta chỉ còn lại “những nước bên lề” và những thực thể “không chịu phát triển” là còn ỡm ờ. Đúng vậy – bằng cuộc chiến tranh này Putin đã trả thù thế giới văn minh. Và thế giới văn minh cũng đã đáp trả ông ta rất thích đáng.

Đúng vậy, cuộc chiến tranh sẽ phải kết thúc bằng một chiến thắng của người Ukraine, và thời điểm đẹp nhất là mùa xuân này. Nếu không thì họ sẽ phải đối mặt với một chiến dịch mùa hè khác của Putin hòng chiếm nốt cả hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk. Nhưng chắc chắn khó khăn của người Ukraine sẽ chỉ là tạm thời còn nhược điểm của quân Nga sẽ là cố hữu. Hoa Kỳ đã trưng lên Liên Hiệp Quốc những bằng chứng cho thấy Bắc Triều Tiên đang hỗ trợ vũ khí cho Nga, những thứ mà lính đánh thuê Wagner đang dùng trên chiến trường. Một cường quốc quân sự thứ hai thế giới phải ngửa tay xin xỏ một “thực thể” tầm cỡ Bắc Triều Tiên hỗ trợ vũ khí, thật không có cái xấu hổ nào bằng cái xấu hổ này.

Tháng vừa qua cũng là tháng của những tin tức về xe tăng Challenger – 2 từ Anh quốc và liệu có xe tăng Leopard của Đức đến cho người Ukraine hay không. Tôi thì tin rằng người Ukraine cũng không quá cần những chiếc xe tăng đó đến như thế vì họ đã dần dần thích ứng với cuộc chiến trong vị trí của người yếu thế. Khi tôi viết những dòng này đã nghe râm ran trên mạng xã hội Nga rằng người Nga đã tổ chức chiến dịch tấn công mới ở tỉnh Zaporizhia. Xin cho phép tôi đi vào những diễn biến chiến trường một chút.

Tại sao Nga lại phải không ngừng duy trì một nhịp điệu tấn công, dù là tối thiểu?

Trước hết cần phải giải thích rõ chữ “tối thiểu” ở đây là so với sức mạnh của chính họ, của “quân đội thứ hai thế giới”.

Giai đoạn đầu của chiến tranh họ tấn công Ukraine với ít nhất ba hướng chính: hướng Kyiv (ba mũi phối hợp: đổ bộ đường không vào sân bay Antonov, xe tăng cường tập theo các mũi Chernihiv và Sumy); hướng Kharkiv – Donbas (đánh chiếm Kupyansk sau đó nỗ lực chiếm Izyum, phối hợp với cặp thành phố Severodonetsk và Lysychansk cùng rất nhiều khu dân cư – thị trấn nhỏ xung quanh: Kreminna, Lyman...) và đặc biệt là thành phố Mariupol; hướng miền nam chiếm được Melitopol và đặc biệt là chiếm được Kherson. Khi rà soát lại những thông tin về quân đội Nga tham chiến ở Ukraine trong thời kỳ này, tôi cũng thấy choáng về quy mô của nó với sự tham gia đông đảo cả về số lượng đơn vị và quân số.

Có thể liệt kê ra như lực lượng của Quân khu miền Đông (chịu trách nhiệm chính là Aleksandr Chayko, người về sau đến tận chiến trường để tổ chức rút quân khỏi Kyiv), Quân khu Trung tâm, Quân khu miền Tây, Quân khu miền Nam (hiện nay lực lượng của họ đang đóng vai trò chủ yếu ở mặt trận miền nam và cả Donbas), các Hạm đội như Baltic, Biển Bắc và Hắc Hải đều có mặt. Hồi đó thông tin tình báo rồi sau này là công khai nhận định rằng lực lượng Nga tham gia khoảng 190.000 người, khoảng 2.500 xe tăng, khoảng 5.000 đơn vị pháo binh các loại không kể súng cối và hàng trăm máy bay quân sự. Đó cũng là giai đoạn họ mạnh nhất, nhất là về xe tăng và máy bay.

Nếu như tạm đặt mốc giữa tháng 4/2022 là kết thúc giai đoạn này thì Nga đã mất trên chiến trường Ukraine khoảng 20.000 người (thiệt mạng, nghĩa là khoảng từ 50.000 đến 60.000 người bị thương), mất khoảng 750 xe tăng, 200 máy bay, 150 trực thăng và 1/10 số đơn vị pháo binh. Câu chuyện tiếp tục phát triển từ đó, chứ không dừng lại: những gì chưa làm tốt người Ukraine sẽ hoàn thiện nốt.

Giai đoạn hai của cuộc chiến khi người Nga cảm thấy không đủ khả năng để tổ chức được một chiến dịch lớn cỡ như lúc đầu với đồng loạt ba hướng đánh chính với cả chục mũi tấn công, họ giảm quy mô lực lượng xuống (ước tính còn một nửa) dồn vào một khu vực nhỏ (từ tấn công ở cấp quốc gia xuống cấp... huyện, ở Severodonetsk và Lysychansk) và quan trọng nhất là thu ngắn đường vận chuyển xuống, ngắn hơn rất nhiều. Do vậy sau gần 80 ngày giao tranh, đánh vỗ mặt kiểu “gặm nhấm”, họ đã chiếm được hai thành phố này. 

Về phần mình, người Ukraine “hoàn thiện” nốt những gì còn làm dở: “bào mòn” tức tàn phá hệ thống pháo binh của người Nga bằng những vũ khí mới nhận được (M-777) và đặc biệt là từ khi có HIMARS họ sử dụng để tàn phá hậu cần của Nga một cách có hệ thống. Cùng với tốc độ “tự phá hoại” của quân đội Nga (ước tính chiếm 60%) thì “bào mòn” của người Ukraine đóng góp 40% là một con số đáng kể vào sự thay đổi của cục diện chiến trường. Sự thay đổi này với người ngoài như chúng ta không thể thấy được ngay, nhưng dần dần nó thể hiện ra bằng những vụ “bỏ chạy” cực kỳ ngoạn mục của quân Nga khỏi Izyum, Kupyansk và thành phố Kherson. Đó là thời điểm cuộc chiến được khoảng chín tháng.

Từ sau Kherson, có cảm giác như chiến trường Ukraine chùng xuống, nhất là từ phía người Ukraine không có thêm các hành động gì mới, mặc dù rõ ràng là các chiến quả họ thu được gồm Izyum, Kupyansk, Lyman và thành phố Kherson là rất đáng kể... Nhưng về tổn thất thì không nhiều đến mức tương xứng (khi giải phóng thành phố Kherson và vùng hữu ngạn Dnipro, họ đã từng thử tấn công như cách người Nga đã làm nhưng tổn thất lớn và dừng lại ngay).

Có người hỏi tôi rằng tại sao trong hoàn cảnh đó, người Ukraine rõ ràng không tấn công tiếp mà lại được đánh giá là “nắm trong tay thế chủ động chiến lược?” Đi tìm câu trả lời với người không chuyên quân sự như tôi là vất vả, nhưng cũng xin cố một phen: nắm thế chủ động trong chiến tranh không phải chỉ là chủ động tấn công, mà còn phải là chủ động... nghỉ ngơi nữa. Nếu quay lại với xuất phát điểm quân đội Ukraine yếu hơn nhiều so với quân đội Nga, thì chắc chắn họ luôn luôn phải ở trạng thái xây dựng lực lượng và tái xây dựng sau các trận chiến.

Nếu thực sự có trạng thái “dưỡng quân” đó diễn ra, thì hoàn cảnh thực tế của nó như thế nào? Là quân Nga, chủ yếu là Wagner tấn công ở Bakhmut và cả Soledar (quy mô cấp huyện) và ngấm ngầm chuẩn bị cho một chiến dịch mới. Để đối phó với họ, theo những thông tin của mạng xã hội thì người Ukraine chủ yếu dùng lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ Quốc gia (bán vũ trang, nôm na là dân quân tự vệ), tất nhiên vẫn có sự hỗ trợ của một số đơn vị chính quy. Với việc chủ động hạn chế lực lượng như vậy trong khi Nga dốc sức, đó là một thành công của người Ukraine.

Chúng ta cũng không nên quên rằng người Ukraine không làm được điều người Nga đang làm, là tuyển được người lính nào quẳng ngay vào chiến trận người đó – đó là tình hình hiện nay của quân Wagner đánh với chiến thuật “những làn sóng” nhưng thực chất là “biển người”. Những người lính Ukraine bên kia mô tả “bắn run tay” khi mà người Nga liên tục tràn đến hết lớp này đến lớp khác. Trong khi đó người Ukraine sau khi tuyển được quân mới phải huấn luyện, thậm chí gửi ra nước ngoài để huấn luyện theo tiêu chuẩn mới.

Nhìn hình ảnh những người lính Ukraine hiện nay ở Bakhmut, thực sự họ phải chống đỡ rất vất vả, và trang thiết bị là không nhiều. Dường như những gì họ có trong tay đang là tối thiểu, nhưng họ vẫn đứng vững. Vậy hiện nay nếu người Ukraine im ắng như vậy trên chiến trường, thì họ đang làm gì? Để đối chọi với người Nga trong suốt thời gian qua, là quá trình đấu pháo qua lại và chắc chắn hiện nay người Ukraine lại phải tích cóp thêm đạn pháo cho các trận tấn công mới.

Đó là hoàn cảnh của cuộc tấn công mới được Nga phát động, và chắc hẳn đây là “tác phẩm” của V. Gerasimov, Tham mưu trưởng quân đội Nga, người vừa nhận chức tổng chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine được đôi tuần thay S. Surovikin. Tôi chợt nhận ra, cuộc chiến tranh đã bước ra một giai đoạn mới, chính xác là một chiến dịch “bào mòn” mới với cách thức khác, quy mô khác hẳn, vừa rộng lại vừa sâu sắc hơn trước nhiều.

Cả hai bên cùng phải duy trì động lực của chiến tranh, nhưng nếu với người Ukraine động lực đó là tự nhiên, à nói cho đúng là “đương nhiên có” vì đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và mọi hoạt động của tất cả các công dân là vì nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, Nước Nga của Putin đang trong một tình thế luôn luôn phải cố duy trì cuộc sống xã hội bình thường nhưng lại nuôi chiến tranh, cố giải thích nó không phải là chiến tranh, “chỉ là chiến dịch quân sự đặc biệt thôi” nhưng thực chất lại là một cuộc chiến tổng lực.

Những điều người Nga cần để kết thúc chiến tranh, như thủ tiêu Chính phủ Zelensky hoặc đánh quỵ bộ máy chiến tranh của Ukraine đã không thực hiện được. Lúc này ngay cả trường hợp quân Nga chiếm được toàn bộ vùng Donbas (tức là thêm hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk đã là trọn vẹn) mà không có được thỏa thuận hòa bình, ngừng bắn hay bất cứ điều gì tương tự, thì họ vẫn không thể dừng lại được. Người Ukraine sẽ lại càng không chịu với kết quả đó và họ lại sẽ tiếp tục duy trì đất nước trong tình trạng chiến tranh. Đó sẽ là một sự sa lầy đúng nghĩa cho người Nga, mặc dù các chuyên gia phân tích quân sự thì luôn cho rằng Putin muốn kéo dài chiến tranh để hy vọng một sự mệt mỏi của Phương Tây.

Câu chuyện đâu có đơn giản như thế! Từ tháng 11/2022 chúng ta đã nghe râm ran trên mạng xã hội rằng người Nga sẽ tổng động viên và tổ chức một đợt tấn công mới, đầu tiên là vào quãng giữa tháng 12, sau đó là sang năm mới... dù đợt “động viên một phần” hồi hạ tuần tháng 9 số quân đó họ còn chưa dùng được bao nhiêu. Tôi nghe ngóng các thông tin trên mạng xã hội Nga thì tin “tổng động viên” được lan truyền tạo dư luận khá mạnh nhưng tinh vi và sử dụng nhiều phương tiện liên lạc đặc biệt là các phương tiện của thời... lạc hậu nhắm vào các đối tượng nghèo, người cao tuổi... Về nội dung không hẳn là dạng tin chống phá, thậm chí có cả các dấu hiệu kích thích lòng ủng hộ... nhưng theo kỹ thuật tâm lý chiến thì về tổng thể chúng đang tạo ra một tâm trạng bất an trong dân chúng Nga.

Kể cả những vụ nổ bị quy cho “UAV Ukraine” tại các vùng Belgorod, Bryansk và Kursk trong bối cảnh những tin đồn trên, cũng lôi dư luận đi theo cùng một hướng.

Đó chính là hướng “bào mòn xã hội”. Nếu quân Nga trên chiến trường dừng lại không tấn công, người dân trong nước sẽ hỏi: tại sao chiến thắng rồi mà không dừng chiến tranh? Tại sao đánh nhau mãi lâu thế mà không thắng được “bọn phát-xít Kyiv?” Và thế là, người Nga vẫn cứ phải duy trì tấn công, mà đã tấn công là tốn kém sức người sức của. Vài ngày qua mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình ảnh các hệ thống phòng không được bố trí trên nóc một số tòa nhà quan trọng của thủ đô Mátxcơva. Chiến tranh không còn là cái gì đó xa vời với đất nước Nga và con người Nga nữa, nó đã đến giai đoạn “За нами Москва” (“Mátxcơva sau lưng chúng ta” – tên một bộ phim của điện ảnh Xô-viết năm 1967 về trận đánh bảo vệ Mátxcơva năm 1941).

Tài, tài đến thế là cùng. Putin quả là quá tài năng! Đang yên đang lành vác chiến tranh về tận nhà, giao tận tay từng người dân.

Người Việt Nam yêu Putin sẽ khấp khởi: đó, để bảo vệ Mátxcơva người Nga sẽ lại vùng lên như năm 1941... kể cũng có thể đúng, nhưng nào có đúng được hết với tất cả người Nga. Họ đã lại chẳng bỏ đi một đợt lớn từ hồi tháng 9 rồi, bây giờ chỉ có thiết quân luật kỳ cùng may ra mới ngăn được đợt mới. Còn hy vọng ở một quân đội Nga như thời Chiến tranh Vệ quốc với những ông già mặc áo bông, thời nào rồi còn gửi vào chiến tranh thứ lính khố rách áo ôm như vậy!

Vậy đấy, chiến tranh của Nga là không dừng (tôi đã từng viết trên mạng xã hội là Nga không có giải pháp khoanh gọn chiến tranh) được, hoặc là phải tấn công, hoặc là phải rút, và họ chọn tấn công bất chấp có đủ lực hay không. Nếu như đợt tấn công của V. Gerasimov ở hướng Zaporizhia hôm kia (20/01) là một chiến dịch thực sự (tên khủng bố Igor Strelkov khẳng định là chiến dịch tấn công mới) thì có thể đây lại là điều mà người Ukraine chờ đợi. Tấn công như vậy, người Nga sẽ (1) bộc lộ hướng đánh và (2) bộc lộ lực lượng. Gì chứ đón đánh người Nga, người Ukraine đã quá quen từ... năm ngoái. Lúc họ (người Nga) tấn công vào Kyiv năm ngoái họ mạnh hơn nhiều còn qua được, vậy thì bây giờ tại sao lại phải lo sợ, phải không ạ?

Vì thế nếu có còn khó khăn, sẽ chỉ là nhất thời thôi. Năm mới cổ truyền của người Á Đông đã đến, xin chúc tất cả những người yêu chuộng hòa bình một năm mới sức khỏe, an khang.

PHÚC LAI

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.