dimanche 29 janvier 2023

Thọ Nguyễn - Cảm nhận quê nhà (3) Chủ nghĩa Tư bản Công nông

 

(Tiếp theo)

Cả 5 năm qua tôi đều hưởng Tết Việt Nam. Tết ta đã đổi hướng theo "bốn chấm không“. Thức ăn đa số được đặt về nhà. Đồ cúng, đồ biếu được bày bán đầy đường thành các suất to nhỏ như kim tự tháp tí hon bọc giấy bóng kính sặc sỡ.

Cá, chim phóng sinh được cung cấp, thu lại, quay vòng như đồ ve chai. Dân chúng đổ đến chùa chiền đang mọc lên như nấm để cầu an, phúng viếng. Tiền mừng, lì xì được đổi ở ngân hàng trước cả tháng, phải mất cả buổi để xếp vào các phong bì in sẵn…Chỉ có lời chúc tết đêm 30 trên TV thì vẫn như cũ.

Làn sóng công nghiệp hóa đang thay đổi mọi mặt của xã hội. Sau một thời gian dài chộp giật bằng lừa đảo, cướp đất, buôn cổ phiếu, bán tài nguyên, nhiều nhà tư bản đã bắt đầu đi vào chiều sâu. Thép Hòa Phát, lốp Caosumina, kính Chu Lai, cáp điện Trần Phú, nhựa Long Thành, ống nước Bình Minh… chỉ là một vài đơn cử. 

Trên đường phố xuất hiện ngày càng nhiều các loại xe hơi, xe máy logo Vinfast, xe khách, xe tải mang hiệu Thaco. Dù cả hai anh cả đỏ này vẫn chủ yếu lắp ráp xe theo công nghệ nước ngoài với tỉ lệ nội hóa thấp, nhưng chúng đang mở đường cho ngành công nghiệp phụ trợ và cơ khí trong nước. Tôi biết một doanh nhân trẻ, chuyên xuất khẩu cao su lưu hóa, anh đang bắt tay sản xuất các loại gioăng (joint) cho ô-tô.

Mặc dù Thaco dẫn đầu thị trường Việt Nam với hơn 30% số xe bán ra, nhưng Vinfast chỉ với 12,5 % thị phần lại được biết đến nhiều hơn, ca ngợi nhiều hơn. Trước tiên vì Vinfast là một thương hiệu Việt Nam, chứ không phải là Mazda, Toyota hay Honda do Thaco lắp ráp. Nhiều người gắn việc đi xe Vinfast với lòng yêu nước, tự tôn hàng nội. Nhưng lý do chính là chiến lược phát triển và cách truyền thông của hai hãng này.

Ông Trần Bá Dương, kỹ sư cơ khí, bắt đầu xây dựng Thaco từ 1997. Với vốn liếng của một anh quản đốc phân xưởng nhà nước, ông chỉ tập trung tân trang rồi kinh doanh ô-tô cũ. Năm 2003, ông bắt tay với các hãng xe Nhật lắp ráp tại chỗ các loại xe Toyota, Mazda, Honda v.v...

Thaco chấp nhận làm sân sau cho công nghiệp ô-tô thế giới để đáp ứng cho thị trường Việt Nam, đồng thời học tập kỹ nghệ, đào tạo dần lực lượng. Với kiến thức tích lũy Thaco tự thiết kế, chế tạo xe tải, xe khách. Từ chỗ tự phát triển công nghiệp phụ trợ, chế tạo các cấu kiện và lốp xe hợi, Thaco tiến tới phát triển ngành cơ khí, đóng tầu, vận tải biển, nông nghiệp... Khi có tiền Thaco thành tập đoàn Trường Hải, vươn sang cả đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại dịch vụ. Ông Dương đã chọn cách đi chậm nhưng chắc.

Ông Vượng thì ngược lại. Với núi tiền ở Ukraine mang về, ông bắt đầu bằng bất động sản, thương mại dịch vụ. Vincom nổi tiếng về các resort, về các khu đô thị, về hệ thống cửa hàng, trường học, bệnh viện… với những cái tên Vin. Khi đã có tiền Vincom cũng nhảy sang công nghệ, làm smartphone, làm cả hàng không và chế xe hơi.

Chiến lược công nghiệp hóa của Vin là đi tắt, đón đầu để mau chóng đạt trình độ thế giới. Tham vọng nhiều nên Vượng dễ quá đà. May mà ông biết rút ra khỏi những trò chơi hại tiền như hàng không hay smartphone để tập trung vào xe hơi.

Vinfast chấp nhận chế xe xăng trong những năm đầu, khi mà cả thế giới đã làm xe điện. Lý do là muốn tạo ra nền móng kỹ thuật ô-tô cho mình. Làm ô-tô dù xăng hay điện thì những kinh nghiệm về gầm bệ, về truyền lực, phanh, vi sai, về chống rung, chống ồn, về tính tiện dụng của từng cái nút bật… đều phải tích lũy nhiều thế hệ. Điều đó khiến xe Đức, dù chạy xăng, diesel hay điện vẫn luôn nổi bật.

Kẻ sinh sau lại muốn đốt cháy giai đoạn nên Vin chỉ học công nghệ xe hơi cơ bản trong hai năm rồi nhảy sang điện-pin. Do đó những bệnh trẻ em của xe Vinfast là điều tất nhiên. Nhiều người dùng cũng thông cảm, dù sao cũng là cây nhà lá vườn. Thaco ít được ca ngợi, cũng ít bị chê hơn vì ông Dương đã ngậm quả đắng học hỏi hàng chục năm. Ông cũng tiếp thị thầm lặng, trọng khách hàng hơn. Ông không gọi công an hăm khách, không kêu Facebook xóa bài.

Giá như Vin chọn con đường chậm chắc, khiêm tốn, lấy thị trường trong nước làm nơi tích lũy kinh nghiệm thì chắc Vinfast sẽ không mất nhiều tiền như hiện nay. Showroom Vinfast ở Cologne, nơi tôi ở, sau mấy ngày đầu tấp nập nay vắng tanh. Anh bán hàng người Thổ luôn vui vẻ với khách hàng, nhưng tôi e là số người mua không nhiều. Người Đức không mua xe vì lòng tự hào nào cả. Người Mỹ cũng vậy.

Mặc dù bỏ tiền khủng bao ăn uống đi lại cho nhiều nhà báo và chuyên gia ô-tô từ Mỹ về thăm cơ sở Vinfast, nhưng chính họ đánh giá rằng VF8 sẽ khó được thị trường chấp nhận.

Việc 999 chiếc VF8 được chuyển sang Mỹ một cách hoành tráng, như cả nền chính trị Việt Nam từng tiễn anh Tuân lên vũ trụ năm nào, khó bán ở Mỹ làm tôi lo lắng, chứ không hả hê. Mỗi đồng bạc ông Vượng đổ xuống biển đều là mồ hôi, nước mắt của người Việt, trong đó có rất nhiều dân oan mất đất.

Hè 2009 tôi được Vincom mời tư vấn cho kênh truyền hình số AVG và làm việc với Phạm Nhật Vũ vài lần. Trong Vincom, người ta gọi Vượng là V1, Vũ là V2, được ví với hai loại bom bay khét tiếng của Đức trong thế chiến 2. Tôi hơi mừng vì có thể AVG sẽ là kênh truyền hình tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đến tòa nhà Vincom ở đường Bà Triệu hôm đầu, tôi ngạc nhiên khi thấy các nam thanh nữ tú đứng xếp hàng trước cửa, tưởng là đón mình. Bước vào trong sảnh tôi bật cười khi thấy một băng rôn màu đỏ chăng ngang: "Nhiệt liệt chào mừng đại hội Đảng bộ tập đoàn Vincom“. Mấy bạn tây đi cùng hỏi: Cái gì vậy?

- Chúng ta đang tư vấn cho một tập đoàn tư bản công nông!

Duy nhất một bạn xuất thân từ CHDC Đức hiểu và cười theo.

Khi làm việc với các cán bộ Vincom lo việc lên kênh AVG, tôi thấy họ là những người có trình độ cao, có phong cách khác hẳn với các đồng nghiệp VTV trước kia của tôi. Họ bắt mạch các tiến bộ kỹ thuật rất nhanh. Trong mọi kế hoạch đều có luật sư của Vincom cùng tư vấn. Vụ hợp tác đó đã thành công rực rỡ. Chỉ 18 tháng sau AVG lên sóng, kỹ thuật hiện đại, hiệu quả.

Giỏi vậy nhưng cuối cùng AVG vẫn lỗ. Vũ đi tù, cái tên An-Viên cũng biến mất sau một vụ án tham nhũng rung chuyển chế độ.

Tôi kể chuyện Vincom, rồi so sánh với Thaco không phải để chê ai, khen ai. Khi đã đầu tư vào chiều sâu, tất cả họ đều đóng góp cho phát triển của đất nước. Nhưng công nghiệp hóa, tư bản hóa dưới khẩu hiệu công nông là một điều bi ai.

Dân tộc nào cũng đều phải trả giá cho quá trình công nghiệp hóa. Chủ nghĩa tư bản hoang dã ở châu Âu ra đời trong "máu và bùn nhơ từ lỗ chân lông“ (Marx). Sự cạnh tranh ở đó cũng vô cùng khốc liệt và tàn bạo. Nhưng tư bản hóa trong nền dân chủ tư sản, quản lý bởi tầng lớp trí thức, quý tộc đã đem lại rất nhiều thành tựu cho nhân loại.

Ngày nay nhiều nước đã tiến đến chủ nghĩa tư bản phúc lợi. Chỉ riêng về đô thị hóa, chúng đã tạo các thành phố như London, Paris, Budapest, Praha, Amsterdam v.v... hiện đại nhưng vẫn cổ kính, vẫn bảo tồn không gian văn hóa và môi trường sống cho dân.

Tư bản hóa, đô thị hóa bằng cung cách "bần cố nông“ (như cháu gái cụ Hiến đã nói ở bài trước) ắt sẽ sinh ra các đô thị, nơi thì như "răng cải mả“, nơi thì thành những rừng bê tông nghẹt thở.

(Còn tiếp)

THỌ NGUYỄN 29.01.2023

Thọ Nguyễn - Cảm nhận quê nhà (2) Chuyện cái vỉa hè

Thọ Nguyễn - Cảm nhận quê nhà (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.