Con số nợ lớn quá, vì nền kinh tế Mỹ rất lớn. Muốn quyết định nên vay nợ hay không, có thể nhìn vào số tiền lãi phải trả trên các món nợ đó.
Quốc hội Mỹ sắp bàn chuyện “Trần Nợ” (debt ceiling). Trần Nợ là con số nợ tối đa mà quốc hội cho phép Hành Pháp đi vay. Hiện nay chính phủ Mỹ đang nợ tới $31 ngàn tỉ đô la, tích lũy từ trước đến giờ; đã đụng trần rồi. Quốc hội là cơ quan chi tiền cho nhà nước. Đảng Cộng Hòa, chiếm đa số ở Hạ viện sẽ yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thì họ mới chịu nâng trần nợ, cho tiếp tục đi vay. Tòa Bạch Ốc không chịu, hai bên sẽ giằng co trong mấy tháng tới.
Trần Nợ mới xuất hiện từ thời Thế Chiến thứ nhất. Trước đó, mỗi lần chính phủ Mỹ muốn vay nợ thì phải xin quốc hội cho phép. Khi nước Mỹ lâm chiến, cần vay nợ liên tiếp, quốc hội bèn đặt ra lệ mới, cho phép vay thả cửa nhưng dưới một giới hạn, gọi là Trần Nợ. Sáng kiến này giải quyết một vấn đề trước mắt nhưng gây rắc rối trong hai chục năm qua giữa hành pháp và lập pháp.
Tổng số nợ của chính phủ Mỹ đã lên cao hơn $30 ngàn tỉ vào tháng 2 năm 2020. Số nợ hiện nay, tính bình quân, mỗi người Mỹ nợ $221.314 đô la, gấp ba lần lợi tức ở mức chính giữa, hay “trung vị” (median income). Trong $31 ngàn tỉ nợ đó, $6,6 ngàn là vay từ các cơ quan trong chính phủ, vay chỗ này để chi chỗ khác; chỉ có $24,3 ngàn là nợ người ngoài. Một phần ba số chủ nợ ở ngoài là các chính phủ ngoại quốc, tổng cộng khoảng $7,4 ngàn. Chủ nợ lớn nhất là Nhật Bản, $1,2 ngàn, thứ đến Trung Quốc, $967,8 tỉ.
Nếu quốc hội không cho nâng trần nợ lên một mức mới, chính phủ không thể đi vay để chi tiêu. Trước hết, không có tiền để trả các món nợ cũ đáo hạn, có thể bị coi là “phá sản,” hậu quả rất trầm trọng.
Từ thập niên 1960 đến nay chính phủ và quốc hội Mỹ đã tranh cãi về việc nâng trần nợ 80 lần. Năm 2011, đảng Cộng Hòa kiểm soát quốc hội, chính phủ Barack Obama muốn được nâng trần nợ thêm $900 tỉ, đã phải nhượng bộ cắt các khoản chi tiêu tổng cộng $917 tỉ trong 10 năm. Nhưng các món nợ vẫn tiếp tục chồng chất lên cao hơn. Từ năm 2017, thời Tổng thống Donald Trump, đạo luật cắt giảm thuế khiến số thu khiếm hụt, quốc hội đã nâng trần nợ ba lần. Bệnh dịch Covid 19 khiến chính phủ càng cần vay nợ nhiều hơn bình thường.
Người Mỹ có thể rút kinh nghiệm trong quá khứ để tiên đoán các hậu quả nếu nhà nước hết tiền. Năm 2011, quốc hội dùng dằng không cho nâng trần nợ, cả thế giới lo chính phủ Mỹ có nguy cơ phá sản. Công ty thẩm định tín dụng Standard & Poor’s đã hạ thấp khả năng trả nợ của nước Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày hôm sau, thị trường chứng khoán tụt giá thê thảm.
Chuyện đó có thể tái diễn nếu năm nay nếu quốc hội không cho nâng trần nợ.
Khi giá chứng khoán xuống, tất cả các quỹ hưu bổng đều mất tiền, lo không thể chi trả cho các người về hưu! Hơn 50 triệu người về hưu ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Quỹ Y tế công cộng cho người về hưu (Medicare) và giúp người nghèo (Medicaid hoặc Medical) sẽ cạn tiền dần dần. Quân đội, cựu quân nhân và công chức không được trả lương đúng kỳ hạn vì thiếu tiền. Ngân phiếu giúp hàng triệu trẻ em nghèo bị trì hoãn.
Các món chi này đều là bổn phận của chính phủ Mỹ phải trả những người được thụ hưởng. Không trả được đầy đủ, tức là chính phủ vỡ nợ! Thiếu tiền trả vốn và lãi cho các món nợ cũ, cũng là vỡ nợ. Những người Mỹ không bao giờ lãnh tiền của chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng; vì nếu chính phủ vỡ nợ, cuộc khủng hoảng tài chánh ở Mỹ sẽ kéo theo kinh tế cả thế giới.
Bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh cho biết nước Mỹ đã đụng trần nợ vào ngày Thứ Năm trước, 19 tháng 1, 2023. Trong khi chờ được đi vay thêm, bà sẽ áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để vẫn có tiền xài, cho đến tháng 6 năm nay. Bộ tài chánh có thể chuyển tiền từ những món chi tiêu đã được quốc hội chấp thuận nhưng chưa dùng đến, bỏ vô những khoản chi sắp hết tiền. Tháng 8 năm 2021, họ đã làm như vậy trước khi quốc hội cho nâng trần nợ lên $2,5 ngàn tỉ đô la vào tháng 12. Một biện pháp đặc biệt là chính phủ tạm ngưng góp tiền vào các quỹ hưu bổng, quỹ y tế của công chức liên bang. Đến cuối năm 2021, các quỹ hưu bổng này có $986 tỉ đô la, không lo thiếu tiền trong thời gian chính phủ ngưng góp thêm, có thể kéo dài 5 tháng. Các “biện pháp đặc biệt” kiểu này đã được áp dụng 16 lần từ năm 1986 đến nay, mỗi lần quốc hội không nâng trần nợ.
Chính phủ Mỹ chưa bao giờ “vỡ nợ.” Vì vậy, những người sẵn tiền trên khắp thế giới đều tin tưởng, hoan hỉ nhận một lãi suất rất thấp khi cho nước Mỹ vay.
Khi mức độ tín nhiệm của một công ty thương mại hay một chính phủ bị hạ thấp, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi vay nợ. Lãi suất trên trái phiếu chính phủ là tiêu chuẩn cho các món nợ khác, cho nên tất cả mọi người, mọi xí nghiệp sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay. Khi các xí nghiệp phải trả lãi suất cao hơn, họ sẽ bán hàng hóa và dịch vụ với giá đắt hơn. Giới tiêu thụ sẽ phải chịu. Các món nợ để mua nhà, mua xe, nợ khi dùng thể tín dụng, tất cả đều tăng tiền lãi.
Vấn đề trần nợ năm nay trở thánh nặng nề vì đảng Cộng Hòa đã chiếm đa số ở Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu năm ngoái. Một mục tiêu ông Kevin McCarthy đã nêu lên là cắt bớt các khoản chi tiêu của chính phủ. Nhân dịp cần nâng trần nợ, ông chủ tịch Hạ viện sẽ yêu cầu Tòa Bạch Ốc cắt giảm chi tiêu rất nhiều.
Tổng thống Joe Biden không đồng ý, nói rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nếu mọi người lo ngại chính phủ vỡ nợ. Ông sẽ chờ coi ông McCarthy trình bày rõ, muốn cắt những khoản chi tiêu nào. Đây là một vấn đề khó khăn và tế nhị. Không thể cắt ngân sách quốc phòng. Không thể giảm ngân sách dành cho cảnh sát. Khó quyết định ngưng tiền trợ cấp các trẻ em nghèo, hay học bổng cho sinh viên. Những Quỹ hưu bổng (Social Security) và Quỹ Y tế cho người về hưu (Medicare) và Quỹ Y tế cho những người quá nghèo hoặc bị cố tật (Medicaid) sẽ không đại biểu quốc hội nào muốn đụng tới nếu muốn được tái cử.
Những khoản chi có thể bị cắt dễ nhất là trợ cấp thực phẩm (food stamps) hay ngân sách bảo vệ môi trường sống. Nhưng nếu đảng Cộng Hòa ở Hạ viện không chấp thuận nâng trần nợ và chỉ làm dự luật cắt giảm chi tiêu, thì khi lên Thượng viện, đảng Dân Chủ chiếm đa số sẽ bác bỏ. Dân Mỹ sẽ chứng kiến mối đe dọa khủng hoảng tài chánh và kinh tế suy yếu, vì bất đồng chính trị giữa hai đảng.
Cuộc tranh luận về trần nợ sẽ không giải quyết được vấn đề căn bản là khiếm hụt ngân sách của chính phủ liên bang. Theo dự toán của Sở Ngân sách Quốc hội (CBO, Congressional Budget Office) thì số khiếm hụt từ một ngàn tỉ đô la hiện nay sẽ tăng lên gấp đôi trong 10 năm tới. Năm ngoái, CBO đã tính rằng đến năm 2032 tổng số nợ của chính phủ Mỹ sẽ tăng lên $40 ngàn tỉ.
Con số nợ lớn quá, vì nền kinh tế Mỹ rất lớn. Muốn quyết định nên vay nợ hay không, có thể nhìn vào số tiền lãi phải trả trên các món nợ đó. Năm 2011, chi phí trả tiền lãi của chính phủ Mỹ bằng 1,47% Tổng Sản Lượng Nội Địa. Năm 2021, tiền trả lãi lên bằng 1,51% GDP, nhưng cũng chỉ bằng một nửa tỉ số thời 1990.
Công ty Moody ước tính rằng nếu đến tháng 6 chưa nâng được trần nợ, kinh tế sẽ đi xuống, 6 triệu người sẽ mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 7%. Dân Mỹ sẽ chê trách đảng nào nếu kinh tế xuống vì bế tắc về trần nợ? Họ sẽ bày tỏ ý kiến bằng lá phiếu, vào năm 2024!
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 26.01.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.