lundi 23 janvier 2023

Nguyễn Văn Tuấn - 'Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa'

 

Lời nhạc của một ca khúc bất hủ diễn tả đúng tâm trạng của tôi: đón cái Tết này làm tôi nhớ đến những cái Tết thời xưa.

Ở miệt quê thời xưa (hơn 45 năm trước) vào những ngày này tôi bận bịu lắm. Đầu tiên là phải chùi bóng cái lư hương. Lư hương làm bằng đồng, nên đánh bóng nó là cả một 'công trình'.Thời đó phải dùng vỏ trấu (sau khi người ta xay lúa) để đánh bóng, và phải mất cả ngày trời chớ chẳng chơi. Đánh bóng xong cái ở nhà, còn phải qua nhà Ngoại đánh bóng thêm một cái nữa.

Đến nhà Ngoại thì còn gặp mấy đứa em họ (vì Má tôi lớn nhứt trong nhà, nên tôi nghiễm nhiên thành anh của bọn em họ, dù có đứa lớn tuổi hơn tôi). Thôi thì biết bao nhiêu chuyện vui buồn được đem ra kể lại trong 12 tháng bôn ba vừa qua. Những câu chuyện mà mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ.  

Ở quê ngày xưa trước Tết thì nhà tôi bắt đầu gói bánh tét rồi. Nấu xong bánh tét, một trong những việc tôi hay làm là chèo xuồng chở cả trăm đòn bánh tét đi 'phân phối'. Địa chỉ phân phối là bà con từ kênh Lô Bích xuống tận bà con gần chợ. Cứ đến nhà bà con nào là tôi chỉ có một câu: "Ba Má con gởi cậu/mợ/ông cậu/bà mợ/chú/bác/thiếm/... vài đòn bánh tét ăn lấy thảo ngày Tết." Phải có chữ 'Ăn lấy thảo' nghen - Má tôi dặn như vậy.

Tôi không cần nghe 'phản hồi' cám ơn, mà tiếp tục 'delivery' cho hết những đòn bánh tét. Có khi bà con lớn tuổi thay vì cám ơn thì hỏi tôi: 'Về hồi nào đó mậy?' (vì ngày xưa tôi học ở 'thành', nên lâu lâu mới về quê, và mỗi lần về quê là bà con coi tôi như ... công tử, chắc vì thấy nước da trắng trẻo?). Phải mất cả 2 tiếng đồng hồ mới 'delivery' xong mấy đòn bánh tét. Thời đó thì chỉ chèo xuồng, chớ nếu thời nay thì chỉ cần lên xe Honda phóng đi và thời gian chắc chỉ vài mươi phút là xong.

Trớ trêu một điều là khi có Honda rồi thì phong tục nấu bánh tét gia đình không còn nữa. Ngày nay, tôi thấy mấy em tôi mua bánh tét từ chợ, chớ không nấu bánh tét như Má tôi làm hồi xưa. Thời hiện đại, ai cũng bận rộn, nên những việc truyền thống như vậy trở thành chuyên môn hóa và thương mại hóa. Thậm chí việc đánh bóng lư hương cũng có dịch vụ làm luôn!

Vậy thì mấy thanh niên làm gì trong bối cảnh dịch vụ nấu bánh tét và đánh bóng lưu hương? Họ ca hát! Đêm qua, mãi đến gần nửa đêm tôi mới ngủ được. Lý do là hàng xóm bên kia sông có tiệc gì đó, nên đám thanh niên ca hát karaoke quá chừng. Ôi thôi, những giai điệu 'lâm thôn' hòa quyện cùng những ca khúc bolero quen thuộc, làm cho cả một cái làng thường ngày yên ắng này trở nên một quán karaoke vĩ đại.

Họ là những thanh niên đi làm công nhân xa (Bình Dương, Biên Hòa, Long An) về quê ăn Tết. Nhiều thanh niên như vậy khi nhập lại thì họ có hàng trăm lý do để ăn mừng. Và, sự ăn mừng của họ làm cho những người tìm đến nơi yên tĩnh phải … khổ đau. Mà thôi, người ta cần vui để xóa đi những ngày tháng đau khổ và vui để quên thực tại, thì mình cũng thông cảm.

Đâu có ai bước vào một dòng sông hai lần. Dòng đời thay đổi liên tục, mình chỉ là một thành phần nhỏ trong cái dòng đời đó, nên mình cũng phải chấp nhận sự đổi thay. Về ăn Tết miệt quê trong thực tế chỉ là dịp để ôn lại những hoài niệm về một dĩ vãng đã qua, chớ không hy vọng gì sẽ có cái Tết như thời xa xưa nữa.  Mình như là kẻ 'bước sông hồ' về quê đón Tết này để nhớ Tết xưa, để nhớ đến bà con chòm xóm và ... 'người thơ':

"Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa

Một chiều xuân em đã hẹn hò

Như ươm tình trong cánh hoa mơ

đưa hương theo làn gió

Em nói rằng em viết thành thơ

Bước sông hồ như đắm như mơ

Trở về đây khi gió sang mùa

Mong ước tìm cô gái Xuân xưa

Cho vơi bao niềm nhớ

Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ"

NGUYỄN VĂN TUẤN 23.01.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.