Hồi tôi nghỉ dạy, cũng chưa theo nghiệp... báo (gớm, nhiều nghiệp quá, nhà Phật có thuyết vô ngã nghiệp báo), tôi đi làm cho ông Choi (theo tiếng Việt là ông Thái) người Hoa Hồng Kông, mấy năm.
Ông ni rành tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái, không biết có đạt tới mức hai mươi mấy thứ tiếng như idol không, phải nói là một doanh nhân siêu đẳng về ngoại ngữ.
Trò chuyện với ông Choi tôi cứ chém sa sả tiếng Việt, bởi về ngoại ngữ thì chỉ bập bẹ tiếng Nga do các thầy cô Trần Khuyến, Trương Quang Chế, Ngô Anh Thơ dạy, sử dụng bập bà bập bõm (giờ thì quên tiệt rồi), mà ông Choi lại không biết tiếng Nga, nhưng rất thạo Việt. Ông còn bảo tiếng Nga thì học làm gì, mất thời gian.
Năm ấy 1992, y như rằng năm sau tiếng Nga rơi vào cơn dâu bể, dần mất hút. Khoa Nga, ở trường tôi từng dạy, sau đó phải chuyển thành khoa tiếng nước ngoài, chủ yếu dạy tiếng Anh.
Lại nói ông Choi. Có lần ông kêu tôi lên phòng giám đốc, cười bảo, này anh, tôi vừa nghe mấy đứa nói anh bắt lính của anh phải biết làm nhiều việc. Chớ chớ. Nói chúng nó cần chăm làm thì tôi chịu, nhưng đòi chúng phải biết nhiều việc, làm nhiều việc thì không nên.
Ngay các cụ người Việt nhà anh cũng chả dạy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" là gì, tiếng Việt của anh cũng có câu "một nghề cho chín, hơn chín mười nghề", được đấy. Làm trong dây chuyền công nghiệp hiện đại thế này (thời điểm năm 1992, xưởng may của ông Choi được coi là dây chuyền may hiện đại nhất nước), phải có sự phân công lao động, ai làm việc của người nấy, thế mới hiệu quả.
Nói xong tiếng mẹ đẻ của tôi, ông còn tuôn một tràng tiếng Anh để làm rõ hơn, thủng cái đầu u tối của tôi ra, còn tôi chỉ thấy ù ù cạc cạc, nhưng phần tiếng Việt thì hiểu, thấy ổng có lý.
Nhớ đến ông Choi (nghe nói sau đó quay lại Hồng Kông và đã mất rồi, cầu Chúa đón ông về nước Chúa, che chở cho ông) bởi hôm qua và mấy lần trước, một ông anh nhớn tuổi, cựu chiến binh, khuyên tôi, cũng là dạng nhắc nhở nhẹ nhàng. Sao chú cứ chỉ nhìn thấy cái xấu cái ác cái u tối, xã hội nào chả có, mà không thấy những điều đẹp đẽ, viết ca ngợi nó.
Tôi thưa với bác cựu chiến binh, những hào quang bác nói, đã có báo Nhân Dân, đài truyền hình VTV, rồi Thông tấn xã Việt Nam = mậu dịch quốc doanh lĩnh ấn tiên phong làm rồi, thậm chí họ còn bịa ra cho đẹp hơn thực. Để phân công lao động xã hội, nhà cháu đành làm cái việc họ chê, họ lờ, họ không chịu làm, bác ạ. Đó cũng là cách thúc đẩy sự phát triển. Tất cả cùng hát một giọng thì chán chết, đơn điệu.
Sực nghĩ, thời 30 - 45, thứ văn chương ca ngợi, say chiến thắng, "tràn đầy niềm lạc quan cách mạng"... giờ mấy ai còn nhớ. Nhưng trong đầu họ vẫn bện quyện như in từng chữ của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan..., cái mà sau này được gọi là văn học hiện thực phê phán.
NGUYỄN THÔNG 29.01.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.